Thị hiếu âm nhạc và truyền hình

03/04/2018

Thị hiếu âm nhạc là sở thích, xu hướng ưa chuộng loại hình âm nhạc của một cộng đồng người trong một giai đoạn. Thị hiếu còn được xem như là ham thích của số đông. Nhưng chúng tôi muốn bàn thêm về đa thị hiếu của nhiều lứa tuổi, nhiều người có kinh nghiệm sống và trình độ khác nhau.

Thời chiến với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, thị hiếu tập trung cho các bài hùng ca, tráng ca. Thời hòa bình, trở về với đời thường người ta mới có điều kiện tìm đến những sở thích riêng.

Đáp ứng cho tất cả thị hiếu từ lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, tuổi thiếu nhi, tuổi “teen”, tuổi hồng cho đến thanh niên thành thị, thanh niên nông thôn vùng sâu vùng xa, hay các bác trung niên, các cụ ông, cụ bà quả là không dễ cho các nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn và các nơi quảng bá âm nhạc.

Trong xã hội đa thị hiếu, người ta thấy xuất hiện nhan nhản bài hát chất lượng thấp và khó có những bài hát hay vượt thời gian thỏa mãn thị hiếu của mọi người. Nhiều người lớn tuổi và có bề dày văn hóa đã thốt lên “Loạn rồi! Âm nhạc xuống cấp và nhảm nhí”, “Các nhạc sĩ sao lại im hơi lặng tiếng?”, “Ban Tuyên giáo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… bất lực trước loạn âm nhạc rồi ư?”.

Chúng tôi muốn mổ xẻ hiện tượng này và bước đầu đề ra một vài biện pháp khả thi để cứu vãn tình hình.

Thời đại “nhìn” và thị hiếu giới trẻ

Công nghệ thông tin, các loại hiển thị từ điện thoại di động thông minh, máy tính bảng đến truyền hình, băng đĩa hình đã tạo ra cách thưởng thức bằng nhìn và trực tuyến, nhanh gọn và không cần ý tứ sâu xa bóng bẩy, quanh co. Chỉ cần quan sát những cháu nhỏ trong gia đình các bạn, chúng ta có thể thấy một kiểu tìm hiểu nghệ thuật càng ngày càng phụ thuộc vào công nghệ thông tin “nhìn”. Ngay các sách có tranh minh họa thì nội dung và hình vẽ chỉ hướng đến bắt mắt với các câu hội thoại bộc trực và thiếu hẳn ý niệm, đào sâu suy nghĩ. Các cháu bé đã ngấm sâu thói quen nhìn ra ngay, hiểu ngay và ngại suy đoán, ngẫm nghĩ, mất hẳn kỹ năng đọc mà thế hệ cha anh, ông bà ngày xưa từng được rèn luyện.

Trong âm nhạc ngày nay, yếu tố nhìn đã lấn át yếu tố nghe vốn là bản chất của âm nhạc - nghệ thuật thính giác.

Chúng tôi muốn bàn thêm về thể loại nhạc Pop - nhạc đại chúng.

Chữ Pop (Populaire) - phổ thông, phổ biến đã quy định rõ đó là thể loại âm nhạc dễ nghe, dễ hiểu, quen thuộc. Và quen thuộc nhất là tiết tấu vũ điệu phổ thông. Chả thế mà nhạc Pop bao giờ cũng gắn với tiết tấu dễ nhận biết của vũ điệu quốc tế Tango, Bolero, Cha Cha Cha, Soul, Surf, Rock, Slow Rock… và các loại dance khác như vũ điệu Latin, Breakdance.

Khi loại âm nhạc đường phố với Rap, nói lối ngẫu hứng có nhạc đệm ra đời từ Mỹ với các anh chàng bán hàng Jamaica, những ca sĩ da đen khu “ghetto” tràn ngập ra thế giới thì xuất hiện đòi hỏi của giới trẻ về loại âm nhạc sôi nổi với lời ca bộc trực đời thường, đôi khi thô lỗ là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Tình trạng này không chỉ Việt Nam mà có tính toàn cầu. Thể loại nhạc Pop gắn với dân tộc như nhạc Pop Trung Quốc, nhạc Pop Ấn Độ được hậu thuẫn hàng tỉ người đã chịu thua nhạc K-Pop (Korean Pop, nhạc Pop Hàn Quốc).

Các nhạc sĩ Hàn Quốc đã bê nguyên xi nhạc Pop Mỹ mà không cần đếm xỉa đến dân tộc, ấy thế mà K-Pop phổ biến rộng rãi toàn thế giới. Cũng phải nói đến công của phim Hàn đã góp phần tuyên truyền cho thời trang và K-Pop của họ.

Nhân đây cũng cần cảnh báo truyền hình Việt Nam chiếu quá nhiều phim Hàn Quốc, phim Ấn Độ vô hình trung khích lệ phong trào nhìn mà quên đi nghe.

Như thế đủ biết sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã chuyển biến thị hiếu giới trẻ Việt Nam và toàn thể thế giới với một tốc độ khó ngăn cản.

Các nhà sư phạm, các nhà hoạch định chính sách cần phải am hiểu công nghệ thông tin để gần gũi giới trẻ và giúp họ sử dụng công nghệ thông tin một cách có ích và chủ động mà không phải là nô lệ, bị động. Làm thế nào để giới trẻ phỏng vấn, ghi và đưa vào Facebook, vào trang mạng của họ những ý kiến của người lớn tuổi, người già và tranh luận.

Giờ vàng truyền hình dành cho ai?

Tất cả giờ vàng từ 8 giờ đến 10 giờ tối của truyền hình trung ương và địa phương dành cho thị hiếu giới trẻ và thị hiếu của đa số quần chúng.

Các loại hình âm nhạc dân ca, âm nhạc trữ tình, âm nhạc hùng ca, tráng ca, âm nhạc cổ điển thính phòng hãy nghe sau 11 giờ đêm!

Tại sao các đài truyền hình lại ưu tiên giờ vàng cho loại âm nhạc mà các bậc cao niên, các nhà văn hóa cho là “nhảm nhí” và “xuống cấp”?

Đài truyền hình thu nhập cao nhờ quảng cáo, tài trợ và các doanh nhân ấy đã chi phối “nhà đài” làm sao cho quảng cáo được nhiều người xem. Càng thu nhập cao, tự trang trải giỏi, càng nhiều người xem thì truyền hình càng xa rời chức năng giáo dục tuyên truyền mà Đảng, Nhà nước đã trao cho họ mà không có một chế tài mạnh mẽ nào cả.

Hãy xem Đài truyền hình Vĩnh Long với cuộc thi hát Bolero. Về thu nhập, Đài truyền hình Vĩnh Long lãi to khi có đến mấy vạn người thi mặc dù họ trao giải quán quân và á quân vào loại khủng! Nhưng dư âm của cuộc thi thì còn dài dài khi cả truyền hình trung ương cũng học theo và hình thành một cơn dịch yêu thích Bolero.

Thật ra thì Bolero ngày xưa cũng có đời sống trong giới bình dân Việt Nam những năm 60-70 của thế kỷ trước. Với âm nhạc giản dị dễ nghe, tiết tấu sôi nổi kể lể tâm tình đúng là loại ballad (nhạc kể), Bolero là niềm an ủi của những thân phận hẩm hiu tầng lớp nghèo khó nhiều bất trắc và uẩn khúc.

Tuy nhiên làm sống lại loại hình này thì thà rằng đẩy mạnh Pop-World Music, âm nhạc Pop thế giới sôi động yêu đời và làm người ta phấn chấn, vẫn hơn.

Nâng cao thị hiếu đồng thời quan tâm đến đa thị hiếu

Qua đôi điều bàn về thị hiếu, tác động của truyền hình công nghệ thông tin đến giới trẻ và đại đa số người nghe, chúng tôi thấy cấp bách cần nâng cao thị hiếu. Bởi vì thị hiếu nếu chỉ dựa vào ưa thích, hâm mộ theo bản năng sẽ là thị hiếu thấp.

Thật ra từ ăn mặc, đi, ở, đọc, nghe, nhìn… đều cần hướng dẫn để có ứng xử đẹp.

Âm nhạc vốn đến sớm với con người từ khi còn trong bụng mẹ đến thuở bạc đầu, phút lâm chung, nhưng nghe và hiểu âm nhạc không phải là chuyện giản đơn. Âm nhạc hấp dẫn người nghe ở chỗ vừa quen vừa lạ. Quen quá thì nhàm chán, lạ quá thì khó nghe. Quá trình nghe nhạc là quá trình tiếp nhận cái quen, mong chờ cái mới để trở lại cái cũ ban đầu. Chính vì thế âm nhạc luôn nhắc lại và đòi hỏi biến tấu, biến hóa. Mozart từng nói “Ba lần nhắc lại thì bốn lần thay đổi”. Ý ông nói đến cần thiết của nhắc lại để nhớ và biến hóa để phong phú hơn.

Để thưởng thức âm nhạc và có thị hiếu tốt không thể bỏ mặc tự phát mà cần có hướng dẫn và định hướng. Bên cạnh đường lối giáo dục âm nhạc ở gia đình, học đường và xã hội một cách bài bản đòi hỏi sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể trong một chương trình quốc gia dài hạn, chúng tôi đề nghị trước mắt cần có ngay một đài truyền hình, một kênh âm nhạc 24/24 giờ trong ngày.

Đài truyền hình, kênh truyền hình chuyên nhạc có thể là một kênh của truyền hình trung ương, địa phương được Nhà nước và các doanh nghiệp hỗ trợ, để kênh chuyên nhạc này không vụ lợi và chỉ nhằm nâng cao trình độ thẩm mỹ. Các biên tập viên của đài truyền hình, kênh truyền hình chuyên nhạc sẽ là các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, các chuyên gia có tâm, có tầm tạo ra các chương trình âm nhạc hay cho các em tuổi tiền học đường, tuổi học đường, thanh niên, các bậc trung niên và cao niên. Để họ có thể thưởng thức dân ca, khí nhạc dân tộc truyền thống, âm nhạc nhẹ lành mạnh yêu đời, bài hát chiến đấu sống mãi một thời, ca khúc trữ tình lẫn khúc nhạc suy tư của giao hưởng thính phòng.

Đài truyền hình, kênh truyền hình âm nhạc trước mắt là nơi nâng cao trình độ thẩm mỹ, thị hiếu của toàn dân đồng thời cũng là nơi đáp ứng được đa thị hiếu của nhiều cộng đồng, nhiều tầng lớp người có trình độ và kinh nghiệm sống khác nhau.

Hè 2016

Tác giả: GS.TS Thế Bảo

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...