"Then" với số phận chìm nổi giữa nhân gian

16/06/2016

Hát Then vừa được lập Hồ sơ trình UNESCO xét duyệt là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hoinhacsi đăng bài viết về Then để bạn đọc có được vài nét khái quát về giá trị nghệ thuật âm nhạc dân gian này và những vấn đề đáng lưu tâm trong quá trình làm Hồ sơ.

Số phận di sản âm nhạc với những thăng trầm ở các giai đoạn lịch sử khác nhau đều do con người định đoạt. Là sản phẩm của ý thức, là thành quả của sáng tạo nghệ thuật, di sản sống còn hay mất đi trước hết phụ thuộc vào chính “chủ nhân ông” của nó.

Với Then, chủ nhân ông ấy là tộc người Tày - Nùng - Thái, một cộng đồng đã sáng tạo ra Then để được sống trọn cả vòng đời trong không gian Then. Nhìn rộng ra, chủ nhân ông của Then còn là toàn thể 54 dân tộc trên dải đất mang tên Việt Nam, một cộng đồng đang coi Then là tài sản chung của quốc gia trước khi hiện thực hóa ước muốn đưa Then vào danh sách di sản phi vật thể của nhân loại.

Muốn đưa Then ra thế giới, trước hết người sở hữu Then (không chỉ riêng người Tày - Nùng - Thái thời đương đại, mà cả người Việt nói chung) phải hiểu Then là gì, phải nhận biết và trân trọng giá trị nhân văn cũng như giá trị nghệ thuật của nó.

Vì Then mang chức năng kép: tiến hành nghi lễ cúng bái thông qua nghệ thuật diễn xướng dân gian, nên giá trị của Then cần được ghi nhận ở các khía cạnh khác nhau: vừa là sản phẩm tâm linh mang tính sử liệu về đời sống văn hóa xã hội tộc người, vừa là tinh hoa đúc kết truyền đời của một nghệ thuật dân gian tích hợp các loại hình văn học, âm nhạc, múa, sân khấu, hội họa.

Giá trị văn hóa

Về thời điểm ra đời của Then, không có tài liệu văn bản nghiên cứu nào cho biết chính xác ngoài con số áng chừng vài trăm năm trước. Chỉ chắc chắn rằng Then, cũng như mọi thể loại văn hóa dân gian cổ xưa, đã được chuyển giao qua nhiều thế hệ bằng phương thức truyền miệng - truyền ngón - truyền nghề là chủ yếu và chỉ một số ít lời ca được lưu truyền trong văn tự của các thầy Then mà thôi. Một cách tự nhiên, Then phản ánh hiện thực đời sống các dân tộc Tày - Nùng - Thái ở các giai đoạn khác nhau và trở thành nơi lưu giữ chứng cứ về sự phát triển tộc người miền núi phía Bắc. Giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của Then chính là ở đó.

Những người thực hiện Then đều là dân lao động, họ nắm vững phong tục tập quán, trực tiếp tiến hành những nghi lễ quan trọng cho cộng đồng, cho từng cá nhân ở những cột mốc chính của đời người. Vì thế Then được khẳng định “bắt nguồn từ cuộc sống lao động của nhân dân” 2.

Xuất phát từ ước vọng của người dân lao động về một cuộc sống tốt đẹp hơn, Then mở ra thế giới thần bí với các nhân vật siêu nhiên ông Giàng, bà Bụt, Ngọc hoàng, Thượng đế, thánh thần, âm binh..., rồi Then lên tận thiên giới để xin đấng siêu phàm ban phước lành vận may cho người trần. Chất thần thoại được thấy ngay ở tên gọi Then gốc gác “từ chữ “Tiên” có nơi gọi là “Sliên” là người của trời” 3.

Niềm tin tín ngưỡng trấn an lòng người. Lễ cúng chữa bệnh là liều thuốc tinh thần có khả năng trị liệu kỳ lạ, cho đến nay người dân địa phương vẫn rỉ tai nhau không ít chuyện thực hư về các con bệnh chỉ nghe hát Then mà khỏi. Từ mục đích chữa bệnh là “chức năng đầu tiên và xa xưa của Then shaman” 4 , dần dần Then bao quát toàn bộ đời sống sinh hoạt của cộng đồng, như cầu nụ, cầu hoa, cúng mụ, cầu mùa, xem bói, kỳ yên, giải hạn, trừ tà, nối số, chúc thọ, đưa ma...; ngoài các nghi lễ phổ biến trong đời người còn có các nghi thức thờ tổ nghề như cấp sắc, thăng sắc, cáo lão... Sự chăm chút phần hồn con người từ thai nhi cho đến lúc lìa đời đã phần nào cho thấy tính nhân đạo của loại hình diễn xướng này. Tư tưởng nhân văn hướng thiện còn toát lên từ nội dung ngợi ca cái tình - tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, tình quê cha đất tổ và đạo làm người.

Nhân vật quan trọng nhất của một cuộc Then là ông Then bà Then. Cũng “người trần mắt thịt” thôi, nhưng nhờ cái vía đặc biệt mà họ có thể nhập vai sứ giả trần gian kết nối hạ giới với thiên giới, đảm nhận trọng trách người đại diện cho con dân giao tiếp với thần linh, làm thủ lĩnh đoàn âm binh vô hình lặn lội ba cõi trời - đất - nước tìm hồn bắt vía bị thất tán về trả lại cho thân xác người bệnh. Thầy Then là những nghệ nhân đa năng đa tài, biết đàn, hát, múa, diễn trò, nhập đồng..., là “người giỏi nghề với nghĩa được cộng đồng tín nhiệm cả về năng lực và phẩm chất đạo đức, đồng thời là người có thâm niên trong nghề, đông con hương đệ tử” 5.

Còn người xem thì sao? Họ không chỉ đóng vai trò thụ động, họ không hoàn toàn đứng ngoài cuộc Then. Cũng đối đáp với ông Then bà Then, người thưởng thức có thể là tác nhân dẫn đến đỉnh điểm thăng hoa của thầy Then, đôi khi người xem còn nhảy vào chiếu Then thoát xác nhập linh. Tính cộng đồng ở Then quả là rất lớn. Trong khi thực hiện sứ mệnh “phi thực tế” là kết nối đất trời, kết nối người trần thế với các đấng siêu phàm, thì Then đã làm được một điều hết sức thực tế, đó là gắn kết cộng đồng, gắn kết người với người, quy tụ các cá thể thành một tập thể đồng nhất, từ đó thắt chặt tình nghĩa họ hàng, chòm xóm, láng giềng, tạo cơ hội cho con người ta chia sẻ, cảm thông và tin yêu nhau hơn.

Cứ như thế hàng trăm năm qua, không gian Then đã bao trùm lên đời sống sinh hoạt cộng đồng. Những đặc điểm nếp sống, phong tục tập quán của các dân tộc Tày - Nùng - Thái được phản ánh chân thực trong những câu chuyện Then. Chất chứa những chuyện tình chuyện đời, Then nhờ thế mà sống bền sống lâu, để truyền giao lại cho con cháu những đúc kết của ông cha về vũ trụ quan, thế giới quan và nhân sinh quan; về đối nhân xử thế, quan niệm sống và kinh nghiệm sống. Qua Then có thể lần về nguồn cội các dòng họ tộc người, rồi từ gia phả tổ tiên của các dòng Then có thể tìm hiểu lịch sử di cư và giao thoa văn hóa của các dân tộc sở hữu Then.

Bên cạnh giá trị phản ánh lịch sử xã hội, Then còn có giá trị bảo lưu bản sắc văn hóa dân tộc. Cùng với hệ thống nghi lễ đã góp phần bảo lưu một cách bền vững những thuần phong mỹ tục của tộc người, thì hệ thống văn bản lời hát Then cũng là nơi bảo lưu vốn ngôn ngữ cổ, một thứ “địa chí” để tham khảo cho các lĩnh vực ngôn ngữ học, sử học, dân tộc học, văn hóa học. Có thể tin rằng “trong bối cảnh giao lưu và hội nhập văn hóa thì sự tồn tại của nghi lễ Then chính là một cách bảo lưu tự giác các giá trị văn hóa tinh thần mang đậm sắc thái tộc người của các cư dân Tày, Nùng, Thái” 6.

Giá trị nghệ thuật

Một mặt phản ánh chân thực đời sống xã hội qua sinh hoạt tín ngưỡng, cũng như sự phát triển tiến bộ của tộc người theo dòng chảy lịch sử; mặt khác Then lại là nơi chắp cánh cho sức sáng tạo, là nơi mà trí tưởng tượng thỏa sức bay bổng tới miền siêu thực với những gì đẹp đẽ tinh túy nhất. Từ một sinh hoạt tín ngưỡng, Then được thi vị hóa, văn học hóa, âm nhạc hóa, sân khấu hóa để trở thành một loại hình nghệ thuật diễn xướng tổng hợp.

Trong trí tưởng tượng vô biên, Then “quy hoạch” thế giới thành ba cõi: “mường trời - nơi cư ngụ của các thần linh, mường đất - nơi cư ngụ của con người, mường nước, tức mường dưới lòng đất - nơi cư ngụ của Long Vương” 7. Nói cách khác, vũ trụ trong Then được chia ra nhiều tầng không gian từ thấp tới cao: mường dưới đất, mường trần gian, mường trời, mường ngoài vòm trời. Mường trời là xứ thần tiên với núi xôi, đồi thịt, suối canh - một bức tranh thiên đường đáp ứng nhu cầu vật chất tối thiểu, quả là con người ta chỉ mong có thế khi cuộc sống còn chưa no đủ. Then còn vẽ khá chi tiết chân dung của cư dân từng mường theo vị trí đeo dao rừng - rõ rằng ở mường nào đi nữa, thiên giới hay hạ giới thì cũng vẫn là dân lao động chân tay mà thôi: “Người mường trời đeo dao rừng ở cổ, người mường trần gian đeo dao ở thắt lưng và người mường dưới đất đeo dao ở cổ chân”8 . Các mường không hoàn toàn cách biệt, chẳng thế mà có những câu chuyện tình không biên giới của người trần “vượt rào” kết duyên với tiên sa thiên nữ, qua đó bộc lộ tham vọng được bình đẳng với thánh thần ở con người trần tục.

Truyền thuyết, thần thoại, cổ tích, thành ngữ, tục ngữ, châm ngôn, những câu chuyện kể bằng văn vần trong Then đã làm giàu thêm cho kho tàng văn học dân gian. Nhiều trường ca du ký được thể hiện kết hợp các thể thơ khác nhau, từ 4-5 cho đến 8-9 từ. Có thể tìm thấy ở Then “không chỉ các thể thơ dân tộc, mà còn cả những biện pháp thi pháp, tu từ, ẩn dụ, v.v của nghệ thuật ngôn từ” 9.

Sức hấp dẫn và truyền cảm của lời Then có được còn nhờ ở lối so sánh ví von và vốn từ tượng hình tượng thanh phong phú. Tính đa dạng được thấy trong nội dung không chỉ mang tính nghi lễ thiêng liêng, mà còn rất mộc mạc, chân thực, có lúc lại dân dã, sống động trong phương ngữ sinh hoạt, thậm chí còn “đời” đến mức chêm cả câu chửi thề.

Ba-bốn nghìn câu thơ được hát lên theo các làn điệu khác nhau. Then còn được giải nghĩa là “thiên”, khúc hát Then là khúc hát thần tiên, là điệu hát nhà trời ban tặng nhân gian. Âm nhạc chuyển tải câu chuyện, chắp cánh lời ca, kết nối tình tiết, tạo dựng không gian, gợi mở trí tưởng tượng. Âm nhạc dẫn dắt người xem rời khỏi không gian thực tại chật hẹp mịt mờ khói hương để nhập hồn vào hành trình du ngoạn hư ảo tới các mường Then. Âm nhạc đóng vai trò quyết định trong quá trình hành lễ, không có nhạc không thể nhập đồng được, “không có hát, không có đàn tính, không có xóc nhạc đệm cho hát trong quá trình hành lễ không gọi là Then” 10.

Được diễn xướng chủ yếu trong nhà nên âm nhạc Then mang đậm “chất thính phòng” với tính cách nhẹ nhàng, tâm tình, ấm cúng, gần với lối hát nói và hát ngâm, với đường nét giai điệu đơn giản, “thường được tiến hành theo các bước lần quãng 2, quãng 3, ít thấy những bước nhảy quãng xa”11 .

Cũng như dân ca miền núi phía Bắc, các làn điệu Then được xây dựng chủ yếu trên thang bốn hoặc năm âm không có bán cung. Then cũng sử dụng âm điệu dân ca đặc trưng cho từng địa phương: Cao Bằng có Lượn Then, Lượn hai; Lạng Sơn có Lượn Slương, Phong Slư; Bắc Kạn có Lượn cọi... Chính vì sự tiếp nhận, gần gũi các làn điệu dân ca địa phương mà mỗi vùng Then lại mang màu sắc riêng. Then ở Cao Bằng và Lạng Sơn - hai tỉnh được các nghệ nhân coi là nơi phát tích Then - có phong cách khác nhau: “Cao Bằng là Then võ và Lạng Sơn là Then văn - Then võ hát khỏe khoắn, tiết tấu linh hoạt, Then văn hát uyển chuyển mềm mại” 12. Lại có người cho rằng: “Then Cao Bằng dìu dặt, da diết, Then Lạng Sơn tươi vui, rộn ràng, Then Bắc Kạn thầm thì như kể chuyện, Then Tuyên Quang như thúc giục người ra trận, Then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một”13 .

Đóng vai trò xuyên suốt quá trình hành lễ Then, nhạc hát còn được hỗ trợ bằng nhạc đàn với hai nhạc cụ chính là tính tẩu (do chính thầy Then tấu) và chùm xóc nhạc (ở chân thầy Then hoặc do một học trò đảm nhận), đôi khi còn có thêm chuông. Tính tẩu - linh hồn của cuộc Then - được coi là một vật thiêng trong nghi lễ. Từ âm sắc nhạc cụ chủ đạo này, một nền trì tục vang lên trên hai dây buông giữ phách cho tiếng hát. Thầy Then còn trổ tài trên cây tính tẩu qua các nét nhạc ngắn ở cuối mỗi câu hát, qua khúc nhạc bắc cầu nối giữa các đoạn, hoặc bản nhạc không lời kết nối trò diễn. Cuộc Then thêm cuốn hút, rộng ràng và ma mị chính là nhờ các hình thức nhạc đàn khác nhau: nhạc dạo đầu, nhạc lưu không, nhạc đệm cho hát và múa.

Múa Then cũng khá phong phú, “riêng Then người Thái Trắng Tây Bắc từ bốn điệu múa trong Then: nón, khăn, quạt, nhạc, nhân dân đã sáng tạo một hệ thống múa dân gian gồm 32 điệu múa dư hứng rất đẹp” 14.

Cùng với các dụng cụ hành nghề được coi là những vật thiêng thì trang phục cũng góp phần làm nên không khí trang trọng của buổi lễ. Hình dạng, màu sắc, những họa tiết trang trí trên mũ áo, đai lưng của mỗi dòng Then cũng được quy định và lưu truyền qua nhiều đời, phản ánh thẩm mỹ của từng tộc người.

Lấy nghệ thuật diễn xướng tổng hợp làm phương tiện thực hành, Then đã khéo léo hội đủ trong nó “những yếu tố của mọi loại hình nghệ thuật: ngoài văn học và âm nhạc (cả thanh nhạc và khí nhạc) còn có múa, một số yếu tố của nghệ thuật sân khấu (diễn) và sự phong phú của các yếu tố mỹ thuật” 15.

Thách thức và cơ hội

Then đã bị bài trừ không thương tiếc suốt mấy thập niên giữa thế kỷ XX bởi chính sách chống mê tín dị đoan. Các thầy Then mất nghề. Nghệ thuật diễn xướng Then bị cấm đoán. Thời gian đủ dài cho một loại hình dân gian chìm vào quên lãng. Song Then đã không chết, vì tình yêu đối với Then trong cộng đồng chưa bao giờ mất đi. Nhờ tình yêu ấy mà Then vẫn âm thầm tồn tại không công khai ngay trên đất Then. Dần dần, những điệu Then được lồng lời mới phản ánh đời sống đương đại và được hát trong không gian khác, hoàn toàn tách khỏi các nghi thức cúng bái. Chưa kể không ít chất liệu Then đã đi vào tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp. Đây là cách làm khôn khéo của cộng đồng để Then được công khai chấp nhận trong thời đại mới, để Then được “giải thiêng”, được “thế tục hóa”16 . Điều này chứng tỏ sức sống của Then thật mãnh liệt và vai trò cộng đồng sở hữu Then thật đáng nể.

Sức bền của Then nằm trong khả năng không ngừng chuyển hóa, phân hóa thành những hình thức khác nhau để phù hợp với đời sống đương đại. Chính từ đây sinh ra nghệ thuật hát Then - đàn tính, một loại hình văn nghệ quần chúng mau chóng vượt ra khỏi địa phận Then. Liên hoan Hát Then - đàn tính được tổ chức lần thứ 5 tại Tuyên Quang đúng dịp diễn ra Hội thảo quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then Tày - Nùng - Thái cho thấy những cơ hội mới của Then. Then cổ và Then mới không triệt tiêu nhau, mà trái lại có thể song hành, bổ trợ và tương tác nghệ thuật với nhau. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn lấy cái mới thay thế hoàn toàn cái cổ và “không thể coi hát Then - đàn tính là giải pháp để bảo tồn tín ngưỡng Then”17 .

Cùng sự hiện diện các “chủ sở hữu” Then (đủ mặt đại diện hơn chục tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc), Hội thảo khoa học đã quy tụ không ít nhà nghiên cứu sưu tầm. Có lẽ cần vào cuộc nhiều hơn thế các nhà âm nhạc học và dân tộc nhạc học, bởi mối quan tâm dành cho âm nhạc - vốn được nhấn mạnh như linh hồn của một cuộc Then - xem ra chưa đủ, chưa đã. Ở đây phần nhạc chủ yếu được mô tả bằng từ ngữ một cách chung chung, thiếu những phân tích chuyên ngành được minh họa cụ thể bằng dẫn chứng âm nhạc (trong hơn hai chục tham luận chỉ thấy một bài ngắn có kèm thí dụ nốt nhạc mà thôi).

Như thông lệ, tính quốc tế của Hội thảo thể hiện ở chỗ bên cạnh những nhận diện và đánh giá hiện trạng Then của các tác giả “nhà ta” còn có sự tham góp của các nhà khoa học nước ngoài về phương thức bảo tồn một số loại hình nghi lễ dân gian tương đồng với Then 18.

Giải pháp chung mang tính định hướng - có! Đề xuất cụ thể - có!

Và có những việc mà ai cũng biết nhưng thực hiện không dễ. Có những hiện tượng mang tính đặc thù địa phương mà chỉ người trong cuộc mới tỏ.

Song, trên hết tất cả, như câu kết của một tham luận: “Nếu nói cần bảo tồn Then thì điều quan trọng: cần chúng ta có một thái độ trân trọng là đủ” 19.

___________________________________________

1 Tổng luận Hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được Viện Âm nhạc tổ chức vào 9-2015 tại Tuyên Quang.
2 Hoàng Văn Kiên: Đề xuất phương hướng, biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then Tày trong giai đoạn hiện nay.
3 Hoàng Văn Kiên: bài đã dẫn.
4 Tô Ngọc Thanh: Nhận diện Then cổ.
5 Nguyễn Thị Yên: Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Then trong cuộc sống đương đại.
6 Nguyễn Thị Yên: bài đã dẫn.
7 Nguyễn Bình Định: Đề dẫn Hội thảo
8 Tô Ngọc Thanh: bài đã dẫn.
9 Tô Ngọc Thanh: bài đã dẫn.
10 Đặng Hoành Loan: Hát Then - đàn tính không phải là Then cúng vía nhưng là một sinh hoạt nghệ thuật thể hiện sâu sắc tình yêu âm nhạc Then của đồng bào Tày, Nùng, Thái.
11 Sở VHTTDL Lạng Sơn: Bảo tồn và phát huy giá trị Then của các dân tộc Tày - Nùng.
12 Đặng Hoành Loan: bài đã dẫn.
13 Lê Thị Bích Hồng: Nỗ lực đưa Then, đàn Tính đến thế giới.
14 Tô Ngọc Thanh: bài đã dẫn.
15 Nguyễn Thụy Loan: Nhận thức về Then và việc bảo tồn, phát huy di sản Then.
16 Nguyễn Thụy Loan: bài đã dẫn.
17 Đặng Hoành Loan: bài đã dẫn.
18 B.Norton (Anh): Âm nhạc, tộc người và di sản: một sự so sánh giữa Then và nghi lễ lên đồng ở Việt Nam; M. Anis Md Nor (Malaysia): Âm nhạc và sự trình diễn của người kết nối trung gian: một ấn tượng chúng về Then của Việt Nam và thể loại Mag-igal của người Malaysia; B.Binson (Thái Lan): Âm nhạc nghi lễ của người Tai Yai ở bang Shan.
19 Đặng Hoành Loan: bài đã dẫn.

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...