Thấy gì qua chương trình "Giai điệu tự hào" của đài truyền hình Việt Nam

13/03/2014

Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) vừa bắt đầu một chương trình rất hấp dẫn mang tên “Giai điệu tự hào”. Tôi may mắn xem được chương trình đầu tiên. Đấy là một thể nghiệm rất hay, rất mới, rất độc đáo. Những bài hát được chọn lọc quả là rất đắc, đúng với tên gọi của nó là “giai điệu tự hào”. Nó mang đậm khí phách của một thời tranh đấu bằng cả xương máu và nước mắt của dân tộc ta.

Cái hay của chương trình là đã dùng các bài hát truyền thống làm một thử nghiệm để xác định nhận thức của các thế hệ khác nhau trước một chứng cứ lịch sử. Còn tôi có cảm nghĩ đó có lẽ còn là một phép “cân, đong” hiệu quả để đánh giá về công tác tuyên huấn mà chúng ta đã thực hiện trong suốt thời gian vừa qua.

Tôi say sưa ngồi xem chương trình để thưởng thức chứ không hề nghĩ tới việc sẽ tranh luận, bàn cãi về việc tổ chức, về nội dung, về cách thể hiện của các nghệ sĩ và về những lời phát biểu của các vị đại diện khán giả ở hai thế hệ già và trẻ. Tuy nhiên, xem xong chương trình, tôi cảm thấy có cái gì đó gờn gợn trong mình; Nó không phẳng phiu, trôi chảy; Nó day dứt, áy náy; Cái được, cái mất chồng chéo lên nhau.

Tôi không còn nhớ tường tận mọi việc diễn ra trong chương trình đó. Nhưng nó đọng lại trong tôi một số cảm nhận: vui có, buồn có. Tôi muốn nêu ra suy nghĩ của mình để mọi người cùng góp thêm ý kiến.

Ban tổ chức mời đại biểu của hai thế hệ đến nghe: Một bên là các bậc cao niên, các vị lão thành; Một bên là các bạn trẻ chưa trải qua giai đoạn chiến tranh. Sau mỗi bài hát, họ xin ý kiến của cả hai bên.

Tôi xin không bàn tới những vấn đề hết sức hấp dẫn mà chương trình đã đem đến cho tôi. Tôi chỉ xin nhắc tới một vài ý kiến của các bạn trẻ đã khiến chúng tôi phải day dứt.

Trước hết, phải nói tới thiếu sót của Ban tổ chức: Trong một số khách mời, tôi chẳng thấy ai là nông dân! tại sao không mời nông dân?! Nông dân là lực lượng chủ yếu của đất nước. Mọi bước ngoạt vĩ đại nhất của đất nước mình đều có sự đóng góp quyết định của nông dân. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, ta đã từng có bài hát “Nông dân là quân chủ lực”, ấy vậy mà sao ta lại quên nông dân! Đã có thời, đài Truyền hình Việt Nam lấy ý kiến rộng rãi của khán giả về các chương trình của Đài. Họ hỏi rất nhiều người, đủ mọi thành phần nhưng riêng với nông dân thì không ai được hỏi. Vì vậy, thiếu hẳn nguyện vọng của nông dân. Bây giờ đến ca nhạc, họ lại quên nông dân! Tôi không tán thành việc này; Nông dân hiền lành và chất phác nhưng cũng rất chân thành và sâu sắc. Xin hãy hỏi thêm ý kiến của nông dân!.

Quay lại với vấn đề chính, tôi xin bàn về hai ý kiến của hai bạn trẻ. Sau khi nghe bài “Tôi là người thợ lò” của nhạc sĩ Hòang Vân và ý kiến của NSND Trung Kiên, một bác sĩ trẻ phát biểu: “Tôi chả thấy có đỉnh cao nào cả!...” Tôi rất ngạc nhiên về ý kiến đó. Có lẽ bác sĩ trẻ không biết tí gì về giai đoạn đó ở vùng mỏ Quảng Ninh. Thời ấy, máy bay ném bom trên đầu nhưng công nhân vẫn kiên cường vào lò. Lúc đó mà không có than thì ta chết! Mọi thứ đều trông vào than. Lớp lớp công nhân dũng cảm bám mỏ, bám lò để khơi nguồn “vàng đen” cho đất nước. Biết bao người đã hi sinh tại đây. Bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân như kèn lệnh vang lên, thôi thúc mọi người dũng cảm đến lò. Nếu bạn bác sĩ trẻ đó biết tường tận về giai đoạn này, về sự hi sinh vô cùng to lớn của lớp lớp công nhân vùng mỏ giai đoạn ấy thì chắc bạn sẽ không có suy nghĩ vô cảm như ý kiến của bạn. Ta không trách anh ấy vì anh ấy vốn rất thật, hiểu sao nói vậy. Nếu câu này hỏi một công nhân đang làm ở vùng mỏ thì chắc câu trả lời sẽ khác. Điều đáng trách là công tác tuyên giáo của ta rất kém, không hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta không để cho thế hệ trẻ hiểu được về thời đại đó, không giúp họ tự hào về những người đi trước và tiếp bước thế hệ cha anh. Đây là điều cần nghiêm túc xem xét và uốn nắn. Không nên xuề xòa trong trong chuyện này. Ta phải giúp cho thế hệ trẻ biết tôn trọng lịch sử, tôn trọng truyền thống, sống không ích kỷ, sống vì mình và vì mọi người, sống vì đất nước. Đất nước ta chưa bình yên. Hãy nghĩ tới những chiến sĩ nơi biên cương và hải đảo. Đã lúc nào họ được rời tay súng đâu!...

Một bạn trẻ khác (hình như là một nhà văn hay nhà báo gì đó) lại cho rằng: “… Những bài hát chỉ là cái cớ để người ta yêu thương nhau hơn thôi”. Nói như vậy rất đúng nhưng chưa đủ. Âm nhạc có vai trò to lớn hơn nhiều.

Tôi không phải là nhà lý luận âm nhạc nên không thể bao quát hết vấn đề. Chỉ xin chia sẻ với bạn một ví dụ nhỏ của chính chúng tôi. Vào những năm chiến tranh ác liệt, tôi dạy ở Đại học Sư phạm Vinh. Chúng tôi sơ tán trong rừng sâu. Có những đêm phải đi hàng chục cây số để gánh gạo, gánh than hoặc vận chuyển dụng cụ thí nghiệm. Mệt đứt hơi nhưng thầy và trò vẫn lầm dầm hát với nhau bài “Bước chân trên dải Trường Sơn” của nhạc sĩ Vũ Trọng Hồi. Lúc ấy, hát có phải để yêu nhau đâu mà hát là để động viên chính mình vượt qua cái mệt, cái đói. Cứ lầm lũi như vậy trong suốt đêm mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Âm nhạc có tác động kỳ lạ lắm!...

Tôi nghĩ rằng, chương trình “Giai điệu tự hào” rất đáng tự hào. Nó khơi dậy cho chúng ta bao điều suy nghĩ. Nó nhắc nhở mọi người phải giúp nhau giữ lấy truyền thống, giữ lấy khí phách của dân tộc. Các thế hệ cần xích lại gần nhau, hiểu nhau và giúp nhau đi lên.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...