Thang âm nhạc tài tử
Hôm nay trong Hội thảo này, tôi xin phép được trình bày cùng quý vị kết quả của công trình nghiên cứu Thang âm nhạc Tài tử - Cải lương mà tôi đã thực hiện từ năm 1986 tới năm 1992.
Năm 1998, Nhà xuất bản Âm nhạc và Viện Âm nhạc cho in thành sách với tên gọi Thang âm nhạc Cải lương - Tài tử. Sự đảo chữ trong nhan đề sách so với tên gốc của công trình là cốt làm rõ hơn việc công trình đã sử dụng nhiều tư liệu vang do các nghệ sĩ danh tiếng thuộc ngành sân khấu Cải lương biểu diễn. Đó là Nhạc Cải lương theo dòng Tài tử. Ở đây, tôi xin gọi một cách ngắn gọn: Thang âm nhạc Tài tử.
Công trình gồm bốn phần và cuối sách có thêm phần phụ lục:
Phần thứ nhất có nhan đề Tư liệu - Dung sai - Phương pháp đo quãng gồm ba chương.
Phần thứ hai có nhan đề Quá trình định vị các bậc thang âm - Xử lý số liệu, thử nghiệm và chỉnh lý gồm hai chương.
Phần thứ ba có nhan đề Nguyên lý cấu tạo thang âm trong nhạc Cải lương - Tài tử gồm bốn chương.
Phần thứ tư Hệ quả và ứng dụng
Được biết thời gian Hội thảo rất có hạn nên hôm nay tôi chỉ xin trình bày đại lược về phần thứ ba. Đó là Nguyên lý cấu tạo thang âm nhạc Tài tử.
Xin nói thêm rằng:
a/ Với mục tiêu nghiên cứu về Nguyên lý cấu tạo thang âm nhạc Tài tử, tôi đã dừng lại để nhấn mạnh năm thang âm: Bắc, Xuân, Ai, Oán dạng I và Oán dạng II. Còn ba thang âm đứng giữa chúng đều được gọi là thang âm quá độ, tức đang trong quá trình hình thành các dạng thang âm vừa nói ở trên. Đó là quá độ Xuân, quá độ Ai, quá độ Oán dạng I. Tuy nhiên, trong thực tế, ba thang âm quá độ ấy cũng là những thang âm đã được dùng nhiều trong một số loại nhạc cổ truyền của Việt Nam. Do đó, phần thứ ba này mang dáng dấp của việc trình bày Nguyên lý cấu tạo một số thang âm của nhạc cổ truyền Việt Nam.
b/ Về thang âm Oán, những từ dạng I và dạng II chắc chắn chỉ mang ý nghĩa phân biệt trước sau trong cuốn sách này mà thôi, chúng không có giá trị như sự xếp loại bởi ta biết rằng trong dân ca Nam bộ có nhiều dạng thang âm Oán khác nhau đã được các nhà nghiên cứu có chuyên môn sâu, có uy tín lớn trong ngành phát hiện và đã xếp loại rồi.
c/ Nhạc Tài tử, cũng như nhiều loại nhạc cổ truyền ở nước ta chủ yếu dùng thang năm âm. Tuy thế nhiều khi, nhất là trong nhạc đàn, các thang bảy âm cũng thường xuyên được dùng. Thêm nữa, thang năm âm bao giờ cũng được rút ra từ thang bảy âm. Do đó, khi nói về nguyên lý cấu tạo thì dùng thang bảy âm là thích hợp.
A. BA THANG ÂM CƠ SỞ
A1. Thang bồi âm. Đây là thang âm hình thành do sợi dây đàn hoặc ống hơi khi rung tự chia ra thành nhiều phần bằng nhau và những phần ấy cùng rung lên. Chúng tạo nên một chuỗi âm theo nguyên lý: âm trên có tần số bằng tần số của âm dưới sát nó cộng với tần số của âm cơ bản. Do nó được hình thành từ một định luật vật lý nên tôi thường gọi nó là thang âm của Trời. Về mặt tần số, thang bồi âm là một thang âm có tần số các âm ở các bậc là những số hạng của một cấp số cộng, trong đó số hạng đầu là tần số cơ bản của âm ở bậc khởi đầu và công sai cũng là tần số cơ bản đó:
A2. Thang âm Pythagoras - Quản Tử. Tương truyền là thang âm của Pythagoras, nhà triết học và toán học người Hy Lạp, sống vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Ông đã lần lượt chia sợi dây đàn thành 3 phần bằng nhau rồi lấy 2 phần thì được một âm cao hơn âm gốc một quãng 5 đúng. Cũng khoảng thời gian này, tại Trung Quốc, Quản Tử đã thực hiện như trên với các ống hơi và cũng thu được kết quả tương tự. Ông nêu quy tắc nổi tiếng: Chia ba, bớt một, thêm một. Hai cách làm trên đều cho ta một loại thang âm trong đó các nốt nhạc được liên tiếp chồng theo quãng 5 đúng tự nhiên:
Thang âm pythagoras - quản tửA3. Thang bảy bậc chia đều - Ý niệm chia đều. Nhiều nghệ nhân nhạc cổ truyền ở ta thường coi thang bảy bậc chia đều là thang âm gốc rễ. Truy tìm nguồn gốc, tôi thấy nó được sinh ra ở Ấn Độ từ thời cổ đại với cái tên Gândhara-Grâma rồi truyền sang các nước thuộc vùng Đông Nam châu Á. Ở đảo Java (Indonesia), trước đây nó có tên là Pelog. Nó cũng đã có mặt trong nhạc cổ truyền của Thái Lan, Lào, Campuchia và bóng dáng của nó vẫn còn tồn tại tới ngày nay. Về mặt tần số, thang bảy bậc chia đều là một thang âm có tần số các âm ở các bậc là những số hạng của một cấp số nhân, trong đó số hạng đầu là tần số cơ bản của âm ở bậc khởi đầu và công bội bằng 21/7.
Hiện tại, trong nhạc cổ truyền Việt Nam, hình dáng nguyên thủy của thang bảy bậc chia đều đã bị lu mờ nhưng nó vẫn còn ảnh hưởng tới các thang âm khác, đồng thời nó để lại cho ta một ý niệm về sự chia đều:
B. TÁM THANG ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
B1. Thang âm Bắc. Về đại thể, cách thành lập thang âm Bắc trùng hợp với nguyên lý cấu tạo thang âm Pythagoras - Quản Tử. Riêng bậc xang và bậc phan hơi chênh cao. Chúng có tỷ tần bằng căn bậc hai của tích giữa tỷ tần xang hoặc phan trong thang bảy bậc chia đều (hình A3) với tỷ tần của fa hoặc si giáng trong thang âm Pythagoras - Quản Tử (hình A2). Do đó, chúng có số cents bằng trung bình cộng của các bậc ấy: Xang = (23/7 x 4/3)1/2 = 1.339602027 = 506.165 cents
Phan = (26/7 x 16/9)1/2 = 1.79453359 = 1012.331 cents
Khác với các bài bản thuộc điệu Bắc mà thang âm của chúng có thể quy về cùng một dạng cơ bản, thang âm của các bài bản thuộc các hơi trong điệu Nam không thể làm như vậy vì chúng không giống nhau.
B2. Thang âm quá độ Xuân. Sự thâm nhập đầu tiên của thang bồi âm vào thang bảy bậc chia đều xảy ra ở âm quãng năm trên âm cơ bản, tức bồi âm số 12 (hình A1). Âm này đã chia quãng tám thành hai phần không bằng nhau và sự chia đều chỉ có thể xảy ra trong nội bộ từng phần (quãng 5 đúng và quãng 4 đúng):
B3. Thang âm Xuân. Để có màu sắc tươi tắn hơn, tạo được những giai điệu nhẹ nhàng, sảng khoái và nghiêm trang của hơi Xuân, người ta đẩy âm xư cao ngang với bồi âm số 10 (hình A1) và hạ thấp xang bằng cách "mượn" âm xang ở thang bảy bậc chia đều (hình A3). Đồng thời nâng cao hai bậc xự, công để chúng có cao độ đứng giữa xự, công của thang âm quá độ Xuân và thang âm Bắc:
Xự = [(3/2)1/4 x 9/8]1/2 = 1.11580337 = 189.699 cents
Công = [3/2(4/3)1/3 x 27/16]1/2 = 1.669131845 = 886.918 cents
Cao độ của hai bậc xự, công chứng tỏ thang âm Xuân có mối liên hệ gián tiếp với thang âm Bắc và bậc xang, dấu tích của thang bảy bậc chia đều là bằng chứng về mối liên hệ trực tiếp giữa thang âm Xuân với thang bảy bậc chia đều.
B4. Thang âm quá độ Ai. Ngoài bồi âm số 12, nay thêm bồi âm số 9 thâm nhập vào thang bảy bậc chia đều. Chúng trở thành hai điểm chốt chia cắt từ xự đến liu thành hai phần bằng nhau: xự-xê và xê-liu. Đây là hai quãng 4 đúng chồng liên tiếp và khi chia đều thì ta có sáu quãng bằng nhau:
Thang âm quá độ aiB5. Thang âm Ai. Để có thang âm Ai, người ta phải mượn xang ở thang âm quá độ Xuân và công, phan ở thang bảy bậc chia đều để lập nên dạng cơ bản dưới đây:
B5. Thang âm Ai. Để có thang âm Ai, người ta phải mượn xang ở thang âm quá độ Xuân và công, phan ở thang bảy bậc chia đều để lập nên dạng cơ bản dưới đây:
Thang âm quá độ Ai đã cung cấp hai bậc xự, xư cho thang âm Ai. Thang âm Ai cũng có mối liên hệ trực tiếp với thang bảy bậc chia đều, thể hiện ở hai bậc công, phan. Riêng bậc xang, do lấy ở thang âm quá độ Xuân nên cao hơn xang Xuân.
B6. Thang âm quá độ Oán dạng I. Ngoài bồi âm số 12, nay thêm bồi âm số 13 thâm nhập vào thang bảy bậc chia đều. Chúng cắt thang âm này thành bốn đoạn:
a/ Hò-xự (từ bồi âm số 8 đến bồi âm số 9)
b/ Xự-xê (từ bồi âm số 9 đến bồi âm số 12)
c/ Xê-công (từ bồi âm số 12 đến bồi âm số 13)
d/ Công-liu (từ bồi âm số 13 đến bồi âm số 16)
Sự chia đều để lấy chỗ đứng cho ba bậc còn lại xư, xang, oan chỉ còn có thể thực hiện được trong hai đoạn b/ và d/:
B7. Thang âm Oán dạng I. Từ thang âm quá độ trên, chỉ cần thay xừ bằng cách "mượn" nó ở thang bảy bậc chia đều là ta có được dạng cơ bản của thang âm Oán:
Không kể thang bảy bậc chia đều và những thang âm quá độ, chỉ so sánh với các thang âm thuộc điệu Nam thì đây là thang âm duy nhất chứa đựng trong nó cùng lúc cả quãng ba và quãng sáu gần như trung tính.
B8. Thang âm Oán dạng II. Đây là một thang âm đặc biệt vì có sự thâm nhập của bốn bồi âm liên tiếp: 9, 10, 11 và 12. Vì thế nó xa rời hẳn thang bảy bậc chia đều, không còn bậc nào trùng với thang âm này nữa. Tuy vậy, nguyên lý chia đều vẫn còn được bảo lưu trong phần còn lại của thang âm từ xê đến liu.
Để nhận xét, ta xếp các thang âm: Bắc, Xuân, Ai, Oán I và Oán II vào một bảng:
Ta nhận thấy:
1. Tất cả các thang âm trong nhạc Tài tử đều có xê đứng trên hò một quãng 5 đúng tự nhiên (701.955 cents). Hò-xê-liu trở thành cái khung cho mọi thang âm.
2. Hầu như không có quãng 4 đúng (498.045 cents) trên bậc khởi đầu của các thang âm. Các bậc xang, từ thang âm Bắc đến Oán II đều tuần tự cao lên dần.
3. Từ thang âm Bắc đến Oán dạng I, ngược với xang dâng cao dần thì xư và công hạ thấp dần. Rõ ràng ba bậc xư, xang, công có vai trò quan trọng trong việc quyết định tính chất của Hơi. Ngoài ra, xự và phan cũng góp phần củng cố thêm cho tính chất của Hơi.
Xin nói rõ thêm, ở đây tôi mới chỉ nói về mặt cấu tạo thang âm mà chưa đề cập tới các yếu tố khác của Điệu và Hơi.
Khi cho rằng có một luật nào đó chi phối sự hình thành các thang âm, tôi đã lý giải sự hình thành các thang âm của nhạc Tài tử dưới tác động qua lại của Hệ thống bồi âm, Hệ thống chồng liên tiếp quãng 5 đúng và Hệ thống bảy bậc chia đều cũng như Ý niệm chia đều. Tất nhiên, những tác động này không giống nhau ở thang âm Bắc và các thang âm Nam.
Cụ thể là:
1. Tất cả các bài thuộc điệu Bắc đều sử dụng hệ thống âm thanh được cấu tạo theo nguyên lý chồng liên tiếp các quãng 5 đúng tự nhiên với hai bậc xang, phan chênh cao do chịu ảnh hưởng của hai bậc này ở thang bảy bậc chia đều.
2. Tất cả các bài thuộc điệu Nam đều sử dụng hệ thống âm thanh được xây dựng trên cơ sở của ý niệm chia đều cùng với sự thâm nhập tuần tự của một số bậc thuộc chuỗi bồi âm tự nhiên.
Chúng ta đều biết không phải dễ dàng gì khi muốn đo cao độ các âm hoặc xác định khoảng cách giữa các bậc thang âm của một loại nhạc dùng nhiều nhấn nhá, luyến láy, tô điểm mà thường xuyên ta gặp là những bản hòa tấu nhiều nhạc cụ cùng với giọng hát. Đã vậy, còn muốn phát hiện nguyên lý cấu tạo các thang âm thì khó khăn càng trở nên gấp bội. Bởi thế, tôi đã phải bỏ ra nhiều năm để làm việc này.
Hôm nay, trình bày một phần kết quả của công trình với quý vị, tôi hy vọng có thể đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy một loại nhạc dân tộc cổ truyền đặc sắc đã được đồng bào miền Nam Việt Nam sáng tạo trong giai đoạn lịch sử được coi là rất gần với thời đại của chúng ta.
(Nguồn: http://www.vienamnhac.vn/)