Tháng 4 của nhạc thể nghiệm
Tháng 4 có thể coi là tháng của âm nhạc thể nghiệm với hàng loạt hoạt động kéo dài suốt tháng. Bên cạnh Liên hoan âm thanh Hà Nội còn là các dự án âm nhạc như Đom đóm, Nghe dạo Hà Nội...
Không chỉ là một vài sự kiện lẻ tẻ, bó gọn trong nhóm cộng đồng nhỏ, âm nhạc thể nghiệm đang tự mở đường cho mình đến với đại chúng. Có vẻ như thời của những quan niệm “khán giả không hiểu là việc của họ” đã bắt đầu xa.
Cuộc trình diễn không chỉ của âm thanh
Khởi động cho tháng ăm ắp sự kiện là đêm nhạc của các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam tối 30-3 vừa qua. Đây được coi là màn dạo đầu của Liên hoan âm thanh Hà Nội 2013 sẽ kéo dài từ đầu đến giữa tháng 4 tại Hà Nội. Mở đầu với những hoạt động nhỏ lẻ chỉ thu hút những người trong giới, Liên hoan âm thanh Hà Nội đã dần hình thành một chuỗi chương trình, không chỉ biểu diễn mà còn là đối thoại, giao lưu và thậm chí đào tạo khả năng “nghe” cho khán giả.
Nghe dạo... khám phá lịch sử Hà Nội
Sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến một dự án âm nhạc đang gây nhiều hứng khởi trên diễn đàn mạng: Nghe dạo Hà Nội. Nghe dạo Hà Nội là một cuộc khám phá lịch sử Hà Nội thông qua lịch sử âm thanh, từ tiếng xe đạp, tiếng tàu điện, tiếng loa phát thanh của thế kỷ trước đến những âm thanh ôtô, xe máy hiện tại. Đặc biệt hơn nữa, những người tham gia chuyến nghe dạo này sẽ là các học sinh của Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ âm thanh Josh Kocepek từ Anh. Cuộc nghe dạo này sẽ bắt đầu lúc 16g ngày 13-4 từ Nhà hát lớn Hà Nội.
Nghe dạo... khám phá lịch sử Hà Nội Sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến một dự án âm nhạc đang gây nhiều hứng khởi trên diễn đàn mạng: Nghe dạo Hà Nội. Nghe dạo Hà Nội là một cuộc khám phá lịch sử Hà Nội thông qua lịch sử âm thanh, từ tiếng xe đạp, tiếng tàu điện, tiếng loa phát thanh của thế kỷ trước đến những âm thanh ôtô, xe máy hiện tại. Đặc biệt hơn nữa, những người tham gia chuyến nghe dạo này sẽ là các học sinh của Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ âm thanh Josh Kocepek từ Anh. Cuộc nghe dạo này sẽ bắt đầu lúc 16g ngày 13-4 từ Nhà hát lớn Hà Nội. |
Để đến với hai ngày liên hoan chính, một loạt chương trình nhỏ mang tính tập dượt và khởi động cũng sẽ diễn ra tại các tụ điểm khác nhau ở Hà Nội. Ngày 12-4, ngày biểu diễn chính thức của liên hoan, sẽ là cuộc trình diễn của các nghệ sĩ đến từ Áo, Nhật Bản, Thụy Điển, Anh, Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (1 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội). Đây được coi là “sân” để các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, trình diễn tất cả mọi thể nghiệm mới nhất của mình. Bên cạnh sự khác lạ, bay bổng của đêm diễn này, ban tổ chức sẽ dành riêng một đêm DJ vào tối 13-4 tại sân vận động Chu Văn An (Hà Nội) để kết lại Liên hoan âm thanh Hà Nội lần thứ 6 này. Đêm của DJ cũng giới thiệu đến công chúng một thế hệ nghệ sĩ trẻ của Việt Nam thông qua hai gương mặt Nguyễn Anh Tuấn (DJ Kruise) và Cao Vịnh (Slim V).
“Chúng tôi muốn thông qua liên hoan để giới thiệu đến khán giả tiềm năng một dòng nhạc mới” - nhạc sĩ Trí Minh chia sẻ. Trí Minh là người khởi xướng liên hoan âm thanh, kiên trì và bền bỉ giới thiệu âm nhạc thể nghiệm đến từng người. Mặc dù số lượng nghệ sĩ tham dự ít hơn năm ngoái đến mười người, nhưng để có được một đội ngũ 14 nghệ sĩ đến từ tám quốc gia, anh đã phải tiến hành các cuộc vận động hành lang từ tháng 5-2012.
Nghệ sĩ học, nhà báo cũng học
“Chúng tôi muốn mở toang cánh cửa đến đại chúng, để mọi người thấy rằng âm nhạc thể nghiệm không phải điều gì quá xa lạ” - nhạc sĩ Trí Minh chia sẻ. Cùng gặp gỡ Trí Minh ở mong muốn này là nghệ sĩ Kim Ngọc khi xây dựng dự án Đom đóm. Được coi là ngôi nhà của âm nhạc thể nghiệm, Đom đóm hướng đến các hoạt động giáo dục, không gian sáng tạo và phát triển khán giả. Song song với các khóa học về âm nhạc điện tử, hòa tấu nhạc đương đại, trình diễn ngẫu hứng là sự phát triển của chương trình Nhà báo và âm nhạc, nhằm bổ sung kiến thức cho các nhà báo để họ trở thành cầu nối giữa nghệ sĩ và khán giả.
“Trong chương trình của chúng tôi, bản thân nghệ sĩ phải học cách đối thoại, kết nối với người nghe. Họ bắt buộc phải cởi mở, phải giới thiệu được tác phẩm của mình thì khán giả mới hiểu được nghệ sĩ muốn nói gì qua âm nhạc” - nghệ sĩ Kim Ngọc cho biết. Các khóa học của Đom đóm bắt đầu ngày 3-4 và các nhà báo có thể tương tác từ A đến Z, tức tham gia vào toàn bộ quá trình sáng tác, trình diễn của nghệ sĩ.
Trong lịch trình hoạt động của Liên hoan âm thanh Hà Nội 2013 cũng sẽ có các cuộc đối thoại giữa nghệ sĩ với sinh viên. Mục đích là để các khán giả tiềm năng hiểu hơn về âm nhạc thể nghiệm. Theo nhạc sĩ Trí Minh, ban tổ chức liên hoan đã kết nối với từng câu lạc bộ sinh viên ở các trường đại học, đến tận nơi để chuyển tải thông điệp của mình. “Bản thân chúng tôi cũng muốn lĩnh hội từ giới trẻ. Chúng tôi muốn biết họ nghĩ gì, cần gì để chọn hướng phát triển trong những năm tiếp theo. Còn hiện tại, chúng tôi mong các bạn đến và trải nghiệm. Có thể lần đầu không thích nhưng biết đâu năm sau, hoặc năm sau nữa các bạn sẽ thích. Điều quan trọng là các bạn có thêm sự lựa chọn” - Trí Minh nói.