Thấm đẫm dòng chảy âm nhạc đương đại
Từ nhiều chục năm qua, dân ca nói chung, ví - giặm xứ Nghệ nói riêng đã trở thành nguồn cảm hứng, là chất liệu cho các tác phẩm âm nhạc mới ra đời. Bằng nhiều hình thức, các nhạc sĩ đã khai thác, sáng tạo nên những tác phẩm mới với nhiều hình thức, thể loại, được công chúng rất yêu thích, góp phần làm giàu thêm kho tàng âm nhạc Việt Nam.
Dân ca xứ Nghệ vốn có âm điệu dàn trải, mênh mang, da diết trữ tình, nhưng trong đó cũng có những điệu ví mang tính chất dí dỏm, hài hước, hồn nhiên và tươi trẻ. Ở dân ca Nghệ Tĩnh có một điểm đặc biệt là hầu hết làn điệu rất súc tích, là những câu đối đáp ngắn gọn...
Từ giọng nói “trọ trẹ”
Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc: Chính đặc trưng trong ngôn ngữ, giọng nói của người Nghệ đã khiến cho dân ca xứ Nghệ có một phong vị riêng đa âm, đa sắc. Đó là lý do khiến dân ca xứ Nghệ có sức hút mãnh liệt và là nguồn chất liệu để nhiều nhạc sĩ khai thác, sáng tạo, tạo nên một dòng chảy âm nhạc đương đại mang phong vị dân ca xứ Nghệ.
Cố nhạc sỹ An Thuyên và ca sĩ Thành Lê - những người con xứ Nghệ luôn thấm đẫm trong mình âm hưởng dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Ảnh: T.L
“Như mạch nước giếng ngầm chảy mãi” Người dân xứ Nghệ từ bao đời nay, dù đi xa hay ở lại mảnh đất thân thương này cũng đều “mê” ví giặm. Nhạc sĩ An Thuyên là một người như thế. Các tác phẩm của ông luôn hướng về quê hương với những giai điệu, ca từ thấm đẫm chất Nghệ như: Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê, Hà Tĩnh mình thương… hay những tác phẩm ca kịch. Ông từng tâm sự: “Dân ca xứ Nghệ như mạch nước giếng ngầm chảy mãi, càng đào càng thấy sự vô tận, càng đi sâu khai thác sáng tạo càng thấy sự mênh mông, rộng lớn”. |
Nhà nghiên cứu Ngô Sỹ Hiếu - Trưởng phòng nghiên cứu, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, cho rằng: “So với dân ca các vùng miền khác thì điểm đặc biệt của dân ca xứ Nghệ là bởi ngôn ngữ bản địa. Phương ngữ đã tạo nên cho người Nghệ giọng nói “trọ trẹ”, điều đó đã tạo ra những giai điệu đa âm, đa sắc khiến dân ca xứ Nghệ có sức hấp dẫn đối với các văn nghệ sĩ khai thác chất liệu dân ca vào các tác phẩm đương đại”.
Người khởi nguồn sáng tạo dựa trên âm điệu ví giặm chính là nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ với tác phẩm Xa khơi. Sau đó nhiều thế hệ nhạc sĩ đã thành công trong việc sáng tác trên chất liệu dân ca ví giặm như: Tiếng hò trên đất Nghệ An của Tân Huyền; Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ của Nguyễn Văn Tý; Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Neo đậu bến quê của An Thuyên; Từ làng Sen của Phạm Tuyên; Người về thăm quê, miền Trung nhớ Bác của Thuận Yến; Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Lời Bác dặn trước lúc đi xa của Trần Hoàn, Trông cây lại nhớ đến Người của Đỗ Nhuận; Đôi mắt đò ngang, Khúc hát sông quê của Nguyễn Trọng Tạo...
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng: “Dân ca xứ Nghệ mộc mạc, đằm thắm, tràn đầy tâm tư, khát vọng, nó xoáy sâu vào tâm trạng, cảm xúc của con người qua âm nhạc. Tuy âm nhạc đơn giản nhưng nó lại có những cung quãng rất đặc trưng làm cho nhiều nhạc sĩ gắn bó với chất dân ca xứ Nghệ. Với những tác phẩm âm nhạc đương đại mang chất liệu âm nhạc dân ca xứ Nghệ, nhiều nghệ sĩ thành danh nhờ vào việc trình bày, biểu đạt cảm xúc của mình thông qua những tác phẩm ấy như: NSND Thu Hiền, Hồng Năm, Tân Nhân, Anh Thơ, Phạm Phương Thảo, Bùi Lê Mận, Tố Nga, Thành Lê...”.
Việc khai thác, sử dụng chất liệu dân ca xứ Nghệ không đơn giản là "bình cũ rượu mới". Cái khó chính là việc vận dụng chất liệu làm sao để tác phẩm vang lên người nghe thấy đậm đặc chất liệu xứ Nghệ những vẫn thấy hơi thở mới của đời sống đương đại. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào trình độ thẩm thấu dân ca, học thuật và cả sự sáng tạo mang dấu ấn tác giả.
Hình thức tạo nên sự đa dạng
Chất liệu dân ca xứ Nghệ đã được tái sinh, phát triển và tạo nên một dòng âm nhạc riêng viết trong dòng chảy của âm nhạc đương đại. Nhờ đó, một phần bản sắc văn hóa xứ Nghệ trong dân ca ví giặm được bảo tồn, bởi chỉ nghe giai điệu đã nhận ra hồn cốt của dân ca xứ Nghệ trong các tác phẩm đương đại. |
Những đặc trưng riêng trong ví, giặm xứ Nghệ đã có sức hút đối với các văn nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo của mình. Cũng là chất liệu ví, giặm, nhưng mỗi nhạc sĩ tuy thuộc vào trình độ hiểu biết, khả năng sáng tạo mà có những góc nhìn riêng đầy tính phát hiện, làm cho âm nhạc xứ Nghệ thêm phong phú. Các nhạc sĩ không chỉ người Nghệ mà nhiều nhạc sĩ trong và ngoài nước thích chất dân ca xứ Nghệ đã khai thác sáng tạo âm nhạc xứ Nghệ bởi sự sâu sắc nhưng cũng rất gần gũi với tâm tư, tình cảm con người.
Nhạc sĩ Ngọc Thịnh (Hà Tĩnh) cho rằng: “Âm nhạc nếu được phát triển trên nền móng dân ca truyền thống bao giờ cũng có chỗ đứng trong công chúng, bởi dân ca truyền thống là những giá trị đã trải qua thăng trầm sàng lọc của thời gian để còn lại, đó là hồn cốt của ông, bà, là bản sắc của quê hương, của dân tộc…”.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ: Âm nhạc xứ Nghệ đơn giản, mộc mạc, nhưng lại là chất liệu phong phú để các nhạc sĩ sáng tác khai thác sáng tạo đưa vào trong các tác phẩm âm nhạc mới, bởi ẩn sâu trong những giai điệu đơn giản đấy là cả một trầm tích văn hóa. Chính sự đậm đặc của những trầm tích văn hóa, sự sâu sắc của con người Nghệ đã là chất liệu gợi mở trong sáng tạo, nhất là những âm điệu trầm, sâu nặng.
Có nhiều hình thức khai thác sử dụng dân ca trong các tác phẩm đương đại thường gặp như việc người ta có thể đặt lời mới trên làn điệu ví giặm nguyên bản, chỉ nhằm mục đích truyền tải nội dung phản ánh hiện thực cuộc sống. Người thành trong việc khai thác và soạn lời mới cho dân ca xứ Nghệ phải kể để đến nhạc sĩ Nguyễn Trung Phong, với điệu “Giận mà thương” - từ khi ra đời cho tới nay đã vài thập niên song nhiều người vẫn lầm tưởng đó là dân ca xứ Nghệ.
Hoặc cũng có những nhạc sĩ khai thác những cung quãng đăc trưng của dân ca xứ Nghệ đưa vào trong tác phẩm, kể cả cách lựa chọn ngôn từ gần với âm điệu giọng nói người Nghệ để thổi hồn cho các tác phẩm, khi vang lên người nghe thấy chất Nghệ đậm đặc.
Theo nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, người thành công trong việc vận dụng dân ca xứ Nghệ không chỉ trong các ca khúc mà còn trong các tác phẩm ở những hình thức lớn hơn: “Dân ca xứ Nghệ không chỉ dừng lại ở những tác phẩm thanh nhạc, nhạc sân khấu, nhạc múa mà còn phải vươn lên để có những tác phẩm lớn, mang tầm quốc tế như giao hưởng, nhạc kịch, nhạc không lời nói chung nhưng bằng thủ pháp cao hơn, phát triển xa hơn, hiện đại hơn”.
Các ca khúc hiện đại mang âm hưởng dân ca đã trở thành món ăn tinh thần có giá trị trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam. Qua tác phẩm, các nhạc sĩ không chỉ truyền tải giá trị văn hóa của dân tộc mà chính sự pha trộn giữa âm nhạc dân gian với yếu tố hiện đại làm cho ca khúc man diện mạo mới mà công chúng thường gọi là những tác phẩm âm nhạc “dân gian đương đại”.
(Nguồn: http://danviet.vn)