Tào Hữu Huệ - người thầy của một thế hệ pianist Việt Nam

03/09/2014

Trong ký ức của nhiều nghệ sĩ piano Việt Nam, Tào Hữu Huệ là một phụ nữ nhỏ bé, cương nghị và tận tình. Gặp nhiều gian truân do mang thân phận Hoa kiều, bà bền bỉ vượt qua cho tới khi qua đời ngày 25/8.

Tào Hữu Huệ là người gốc Hoa, sinh ra ở Indonesia năm 1940. Năm 1953, trước trào lưu bài Hoa ở nước này, bà cùng gia đình về Trung Quốc, mang theo những kiến thức piano đầu tiên học được từ một người thầy Hà Lan. Tại nơi ở mới, Tào Hữu Huệ tiếp tục theo học Học viện Âm nhạc Bắc Kinh. Quãng thời gian này cho bà vốn kiến thức cũng như kỹ thuật piano điêu luyện.

Trong những năm 1960, từ Việt Nam, một đoàn nghệ sĩ được cử sang Học viện Âm nhạc Bắc Kinh học tập. Cùng đoàn đi, gồm những nhạc sĩ tên tuổi sau này như Nguyễn Văn Thương, Hoàng Vân, Huy Du, Phạm Đình Sáu..., có ông Hàn Vĩ - một người gốc Hoa sinh sống tại Việt Nam. Hai người Hoa kiều đã tìm thấy nhau, đồng cảm về thân phận và tâm hồn âm nhạc. Năm 1966, Tào Hữu Huệ khăn gói theo chồng sang Việt Nam, bắt đầu 13 năm nói tiếng Việt, ăn cơm Việt và giảng dạy piano cho người Việt. Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, do gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống riêng, bà cùng chồng và ba người con lên đường sang Mỹ.

Trong 13 năm ở Việt Nam, Tào Hữu Huệ là giảng viên piano trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Người thầy của một thế hệ nghệ sĩ piano Việt

Thông tin bà Tào Hữu Huệ qua đời ngày 25/8 tại Mỹ khiến nhiều học trò cũ của bà xúc động. Với nhiều người, ký ức của họ về cô Huệ gắn liền với những năm tháng chiến tranh chống Mỹ.

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc - giảng viên bộ môn Sáng tác ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, một trong những trò cưng của bà - nhớ lại, bà đến Việt Nam lúc chiến tranh đang diễn biến phức tạp, cả trường Nhạc phải sơ tán về Xuân Phú, Hà Bắc. Buổi biểu diễn ra mắt thầy trò trường nhạc của cô giáo mới diễn ra trong ánh đèn bão. Tào Hữu Huệ đánh bản Những bức tranh trong phòng triển lãm của Modest Mussorgsky. "Đang biểu diễn thì máy bay Mỹ ném bom, tất cả vội xuống hầm trú rồi lại lên đánh tiếp. Sau này, cô kể với tôi, lúc đó cô mất tinh thần nên đánh hơi run", Đặng Hữu Phúc nhớ lại.


Bà Tào Hữu Huệ đệm piano cho Đặng Hữu Phúc chơi bản
"Concerto G dur" của M.Ravel khi biểu diễn đón phái đoàn toán học
Pháp tới thăm trường Âm nhạc Việt Nam tháng 10/1974.

Năm 1969, hết sơ tán họ về Hà Nội. Gia đình Tào Hữu Huệ - chồng làm giảng viên lý luận âm nhạc, vợ dạy piano cùng hai con trai đầu - sống chan hòa với mọi người. Năm 1972, người con thứ ba của họ ra đời. Cùng năm, cả gia đình lại theo người Hà Nội đi sơ tán B52 ở Đại Mão, Hà Bắc. Đặng Hữu Phúc kể, lúc đó, đi sơ tán là phải đi bằng xe đạp. Từ Hà Nội lên Hà Bắc khoảng 50 cây số, ai cũng như ai. Những năm tháng ấy, họ cũng như bao người Việt Nam khác, chịu đựng cuộc sống chiến tranh gian khổ, chẳng nề hà.

Vượt qua khó khăn thời chiến, Tào Hữu Huệ trở thành người thầy piano tâm huyết của nhiều lứa học trò. Những học sinh của cô như Đặng Hữu Phúc, Tôn Nữ Nguyệt Minh, Trịnh Thị Nhàn, Nguyễn Hương Hương (con gái nhạc sĩ Văn Cao)... đều thành danh. Năm 1980, Tôn Nữ Nguyệt Minh được cử đi thi và đoạt giải ba cuộc thi piano quốc tế B.Sme'tana (Tiệp Khắc). Những ngón đàn của họ đều thừa hưởng nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm từ cô Huệ.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, tuy không học trực tiếp với Tào Hữu Huệ nhưng lại nhớ nhiều điều về bà. Theo anh, Tào Hữu Huệ thuộc thời kỳ vàng của thế hệ giảng viên piano Việt Nam, cùng Thái Thị Liên (mẹ của NSND Đặng Thái Sơn), Vũ Thị Hiển (mẹ của Tôn Nữ Nguyệt Minh)... "Thời đó băng đĩa còn hạn chế, cô cùng những người thầy khác chính là những chuẩn mực giúp chúng tôi hình thành thẩm mỹ âm nhạc. Với cô Huệ, đó còn là sự cống hiến tự nguyện cho một đất nước mà với cô trước đó hoàn toàn xa lạ".

Trong ký ức của cậu học trò Đỗ Hồng Quân khi mới 15-16 tuổi, cô Huệ là người phụ nữ đẹp, luôn đeo đôi kính trắng, giọng nói không thuần Việt nhưng nhẹ nhàng và dường như cố nắn nót để mọi người dễ nghe nên càng dịu dàng. "Cô Huệ mô phạm, chỉn chu, đi đứng nghiêm trang, thẳng thắn, trong khi chú Hàn Vĩ thì rất dân dã. Cô rất chăm chơi thể thao, những năm chúng tôi sơ tán bên sông Cầu, cô thi thoảng lại bơi trên sông, bơi rất giỏi khiến anh em chúng tôi thán phục", Đỗ Hồng Quân nói.

Với nhiều thế hệ học trò, Tào Hữu Huệ không chỉ là một người thầy mà còn là một nhân cách sống đáng trọng.

Sống trong những năm tháng thiếu thốn nhưng cô Huệ dạy học trò mà không lấy tiền. "Cô đi đệm đàn chỗ này chỗ kia lấy tiền thêm cho gia đình, ngoài đồng lương và gạo được cấp. Mặc cái váy vá nhưng nhất quyết không lấy tiền học sinh. Với những học sinh khó khăn, cô nhận về dạy và làm người ta phát lộ năng khiếu đến mức có những tiến bộ bất ngờ", Đặng Hữu Phúc nói. Nhạc sĩ cho biết thêm, một khi đã là học sinh của cô Huệ sẽ được cô bảo vệ tới cùng, dù có phải đấu tranh với người khác.

Em gái của Đặng Hữu Phúc - Đặng Thị Hà Thanh - cũng theo học Tào Hữu Huệ và sau này giảng dạy piano cho nhiều thế hệ học trò khác. Cô Thanh nói, chỉ trong thời gian ngắn theo học, cô đã thay đổi rất nhiều về kỹ năng đàn. Ngoài ra, sau này tất cả những cách cô đối đãi với học trò đều là nhờ học tập người thầy Tào Hữu Huệ.

Sự quan tâm, ảnh hưởng của cô Huệ không chỉ với những người cô trực tiếp giảng dạy. Mai Quang Vinh, từng là sinh viên hệ kèn trường Âm nhạc Việt Nam, nhớ tới sự quan tâm sát sao của cô. "Buổi tối, cô thường lên tầng tư xem và nghe chúng tôi tập kèn. Mặc dầu tôi không phải là học sinh, sinh viên hệ Piano, cô lúc nào cũng quan tâm hỏi han. Cô bảo thổi cho cô nghe một đoạn nhạc trong concerto mà tôi đang tập rồi tận tình chỉ bảo nên xử lý như thế nào. Cô còn giảng giải cho tôi khá nhiều điều về cảm thụ âm nhạc dành cho các tác phẩm cổ điển...".

Quyết liệt duy trì đam mê cây đàn trên đất Mỹ


Bà Tào Hữu Huệ thời trẻ.

Ông Hàn Vĩ - chồng bà Tào Hữu Huệ - năm nay gần 85 tuổi, sống cùng các con ở Mỹ. Ông kể, thuở mới sang Mỹ, bà Huệ tiếp tục sự nghiệp học hành. Bà học bổ túc một năm tiếng Anh. Rồi 5 năm trời, bà vừa đi làm kiếm tiền trả học phí vừa theo học lên tiến sĩ. Bên cạnh đó, máu dạy âm nhạc đã ngấm vào người khiến bà bằng mọi giá phải mua một chiếc piano. Ông bà nhờ những người em đã sang trước buôn bán nên có ít tiền, đứng tên mua giúp và trả góp theo từng tháng. Có đàn piano, bà vừa học vừa dạy. Mọi chuyện trong gia đình đã có ông Hàn Vĩ lo.

"Tính bà ấy ham học, quyết làm gì là làm ghê lắm. Chỉ cơm nước là không làm gì hết". Ông lý giải, vợ mình sinh ra trong nhà trí thức, bố mẹ đều dạy học, bố là hiệu trưởng, ông anh là họa sĩ, chị là bác sĩ giỏi ở Trung Quốc. Chính vì thế mà ông ưu tiên cho bà học hành. Ông cũng tự hào khi vợ mình học nhanh, tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Inddonesia, Việt Nam đều biết. Những bản đàn chỉ cần nhìn qua là đánh được chứ không cần tập luyện.

Với việc nuôi dạy con cái, bà rất nghiêm túc và quyết liệt không kém. Con thứ hai không thích học violin, bà xách đàn đưa con đến trường. Bà yêu cầu con học là phải học ra trò. Với cô con út Hàn Hải Yến đam mê múa, bà may từng bộ quần áo đi diễn cho con. Đến giờ, cô đã trở thành một nghệ sĩ ballet có tiếng ở Thụy Sĩ.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, bà còn đi học võ và đấu thắng ở nhiều giải. Bà sống dẻo dai, khỏe mạnh cho tới khi lâm bệnh từ đầu năm nay. "Ngày xưa bà ấy cận thị nặng, đi mổ thì đỡ và không phải đeo kiếng nữa. Gần đây, mắt bỗng mờ khiến sinh hoạt khó chịu. Bác sĩ khám thì phát hiện khối u đè lên dây thần kinh mắt". Sau hai lần mổ, bà hoàn toàn không nhìn thấy gì, nằm ở nhà, được con cái dắt đi dắt lại, dần dần không ăn uống được thì ra đi.

Ở tuổi 74, Tào Hữu Huệ kết thúc cuộc đời trên nước Mỹ, mang theo một phần ký ức về những năm tháng ở Việt Nam. Đó là những ngày mà theo ông Hàn Vĩ, vui buồn có cả nhưng hai vợ chồng vẫn gắn bó với nhau, vui vẻ và được bạn bè thương mến.

(Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...