Tác phẩm cho piano - Rachmaninov

27/07/2015

Nền âm nhạc Nga Xô viết là một nền âm nhạc có bề dày phát triển từ lâu đời trên thế giới. Trải qua các thời kì từ cổ điển, lãng mạn đến cận đại, mỗi thời kì đều có nhiều nhạc sĩ thiên tài tiêu biểu cho nước Nga. Một trong số đó là thiên tài âm nhạc Rachmaninov, được biết đến và nổi danh vào giai đoạn cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. người có thể nói là một trong những đại diện nổi bật cuối cùng của trường phái lãng mạn trong âm nhạc cổ điển Nga.

Rachmaninov sinh ngày 1 tháng 4 năm 1873 tại Novgorod, Tây Bắc nước Nga, trong một gia đình quý tộc. Ngay từ bé ông đã được gia đình cho theo học Piano, sau đó ông theo học tại Nhạc viện Hoàng gia Moscow. Ở đây, ông đã bộc lộ tài năng biểu diễn Piano cũng như khả năng sáng tác thiên bẩm của mình. Sau khi tốt nghiệp Học viện, ông đã nhận đươc lời mời biểu diễn tại các trung tâm âm nhạc lớn. Không những biểu diễn chính các tác phẩm của mình mà ông còn biểu diễn các tác phẩm của nhiều nhạc sĩ khác nhằm tuyên truyền và quảng bá cho tình yêu âm nhạc đến rộng rãi với công chúng. Sau thời gian bị bệnh, ông đã định cư tại Mỹ và có nhiều cuộc biểu diễn ở đây. Là một trong những nghệ sĩ piano xuất sắc nhất giai đoạn cuối lãng mạn, ông đã thu âm không chỉ toàn bộ các tác phẩm do chính mình sáng tác mà còn nhiều tác phẩm của nhà soạn nhạc khác với các hãng thu âm nổi tiếng trên thế giới và các sản phẩm đó vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Ông mất ngày 28 tháng 3 năm 1943 tại Berverly Hills.

Để nói về cuộc đời và sự nghiệp của Rachmaninov, đặc biệt là sự nghiệp gắn bó với cây đàn Piano trong cả lĩnh vực biểu diễn và sáng tác, thì không thể chỉ gói gọn trong vài trang giấy. Ở đây, chúng ta chỉ nhắc đến nhà soạn nhạc thiên tài Rachmaninov thông qua phân tích một vài tác phẩm tiêu biểu của ông.

Với vai trò là nhà soan nhạc, ông đã để lại một khối lượng khổng lồ các tác phẩm đa dạng ở các thể loại như Thanh nhạc, Khí nhạc, Giao hưởng, Piano...

Với thể loại Thanh nhạc, ông đã để lại ấn tượng với một số tác phẩm tiêu biểu như: Opera 3 tác phẩm, Hợp xướng 10 tác phẩm, rất nhiều Romance, Vacalise và hàng trăm bài hát với phần đệm Piano.

Với thể loại Khí nhạc, ông đã để lại các tác phẩm cho Cello như Lied; cho Violon và Piano với các tác phẩm Romance; cho Violin, Cello, Piano như Trio Elegieque số 1, 2; Strings quartet cho 2 Violon, Viola, Cello hay các Sonate cho Cello… Bên cạnh đó còn có các tác phẩm giao hưởng nổi tiếng thế giới như Symphony số 1, 2, 3 cho dàn nhạc. Có thể nói cây đàn Piano đã gắn bó suốt cuộc đời và sự nghiệp của ông. Nó đã đem lại cho ông những vinh quang tột bậc trong cuộc đời. Piano như máu thịt, hơi thở và tâm hồn của ông. Với tất cả tình cảm đặc biệt đó, ông đã để lại một số lượng đồ sộ các tác phẩm viết cho Piano đa dạng về hình thức, thể loại, số lượng và cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ. Đó là các bài tiểu phẩm, các bài Polka cho trẻ em, 2 Sonate, 24 Etude Bức tranh, 5 tác phẩm Piano cùng với dàn nhạc (Concerto số 1, 2, 3, 4 và Rhapsody on a Theme of Paganini). Trong đó, tác phẩm Concerto số 2 là một trong những tác phẩm được nhiều người biết đến, đặc biệt ở Việt Nam, đã được NSND Đặng Thái Sơn chọn biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trong sự kiện chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Thời kì đầu trong sáng tác, các tác phẩm của ông thường bị ảnh hưởng bởi phong cách của Tchaikopvsky, Rimsky-Koreakov… nhưng dần dần ông đã bộc lộ được cá tính độc đáo, chất trữ tình lãng mạn, sự bày tỏ cảm xúc không giới hạn, cũng như biểu cảm mạnh mẽ riêng của mình. Bằng sự nhận biết màu sắc đa dạng của các loại nhạc cụ trong dàn nhạc nói chung và khai thác được hết các tính năng của đàn Piano nói riêng, đặc biệt là khai thác được các cung quãng trên cây đàn, sử dụng hầu hết các phím đàn để tạo ra những cung bậc từ trầm đến cao đưa vào trong các tác phẩm của mình, ông đã sáng tác được một số các tác phẩm lớn viết cho piano được ví là những bản Symphony trên cây đàn piano. Đặc biệt quan trọng là ông thường sử dụng các hợp âm bất thường cách đều nhau để tạo hiệu ứng như âm thanh của chuông nhà thờ trong các tác phẩm như Concerto số 2.

hay ông cũng sử dụng các Chants (kinh chiều) để làm phần mở đầu cho các tác phẩm như Concerto số 3.

Các motif ông sử dụng thường xuyên là các quãng rộng chạy rải hay các kỹ thuật đối âm và phức điệu giữa các bè.

Về sau, phong cách sáng tác của ông có xu hướng thay đổi. Ông ít quan tâm đến giai điệu hơn mà thường để ý nhiều đến màu sắc âm thanh kết hợp với các thể loại nhịp mới, từ đó các tác phẩm có thể khai thác tối đa các nét đẹp về sự đối nghịch, được tạo ra bởi các âm thanh và nhịp điệu. Phong cách đó có nét tương đồng với trường phái ấn tượng, một phong cách âm nhạc mà trong đó các tác phẩm được giao thoa, thể hiện bởi các mảng màu về âm thanh và nhịp điệu. Phong cách đó được thể hiện rõ nét qua tác phẩm Etude tableaux op 39. hay Etude tableaux op 38. Tuy nhiên, những giai điệu đẹp nhất của ông lại ở trong bản Rhapsody on theme Paganini với những nét u buồn, hoài cổ. Đó chính là quan điểm sáng tác của ông được phỏng vấn trên báo New York The Etude năm 1919: “người nghệ sĩ luôn nghĩ đến giai điệu, nó là sự dẫn dắt đầu tiên cho âm nhạc. Giai điệu là âm nhạc, là điệu cơ bản của toàn bộ âm nhạc, bởi giai điệu hoàn thiện đương nhiên thách thức tất yếu bố cục của hòa âm. Sự sáng tạo giai điệu trong ý nghĩa cao cả của từ này là mục tiêu chính của nhạc sĩ”. Có thể kể đến một số tác phẩm viết cho Piano 6 tay (2 bản nhạc Valse, Romance), 4 tay đơn cử như tác phẩm Russian Rhapsody và rất nhiều tác phẩm chuyển soạn cho Piano ví dụ: chuyển soạn từ giao hưởng Manfred Symphony của Tchaikovsky cho Piano duet… Một trong những đỉnh cao của các sáng tác cho Piano solo của ông phải kể đến Tuyển tập 24 Prelude được viết trên tất cả các giọng Trưởng, Thứ. 24 Prelude được chia làm 3 Opus (Op.), đó là Prelude số 2 trong Op.3, 10 Prelude của Op.23 và 13 Prelude của Op.32. Chất lượng, sự tinh tuý, các xúc cảm trong các Prelude Op.23 được khán giả ghi nhận là âm nhạc mang đậm âm hưởng chủ nghĩa dân tộc Nga. Thông qua sự độc đáo trong tiết tấu, hoà âm và giai điệu, Rachmaninov đã tạo ra các âm thanh rất đặc trưng của mình. Đó là các âm bass thường được sử dụng tăng đôi quãng 8, hợp âm được tăng thêm nốt, các nốt chạy trải dài qua các âm vực và nhảy quãng xa, tạo ra âm thanh đầy đặn, chắc khoẻ mang đậm tính nội lực của người thể hiện. Người biểu diễn muốn chơi tốt các nốt đó cần phải có sự cảm nhận âm thanh của tiếng chuông để có thể hình dung ra sự trầm ấm nhưng vẫn vang xa.

Mười Prelude Op.23 của Rachmaninov đã không được viết theo hình thức truyền thống như của Bach, Scriabin hay Chopin là phần mở đầu ngắn. Điểm nhấn trong Prelude của tác giả là phần cuối của tác phẩm thường mở rộng sang các hình thức đa âm phức tạp với âm nhạc độc lập. Các tác phẩm này có lẽ xứng đáng đại diện cho một trong những đỉnh cao của các ngôn ngữ âm nhạc lãng mạn, điều đó cũng phản ánh một phần nào đó về Rachmaninov như một bậc thầy về biểu diễn Piano, bậc thầy về soan nhạc với khả năng kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật điêu luyện với âm điệu nhịp nhàng, trữ tình, khai thác tối đa khả năng trải dài về âm vực giao thoa với nhiều mầu sắc âm thanh nên các tác phẩm của ông được ví như bản giao hưởng trên cây đàn Piano.

Trong biểu diễn, để nói về các kỹ thuật và tính âm nhạc thì 10 Prelude Op.23 của Rachmaninov có sự khác biệt với nhau khá lớn. Người ta có thể tạm hình dung thế này: với các Prelude số 1, 4, 5, 10 thì các nghệ sĩ dương cầm có trình độ tương đối có thể chơi một cách dễ dàng bởi vì các kỹ thuật, âm nhạc và cấu trúc không quá khó khăn. Ví dụ với Prelude số 5 Op.23:

Tác phẩm này thể hiện dưới hình thức nhịp hành khúc (Alla Marcia) với tempo nhanh, cấu trúc được chia làm ba đoạn ABA bao gồm: đoạn A mở đầu với quãng 6 (Alla Marcia) giới thiệu về chủ đề diễu hành mang tính chất mạnh mẽ, dứt khoát; đoạn B (Poco Meno Mosso), mang đậm nét trữ tình và u sầu được hình thành với những hợp âm rải mạnh mẽ ở bên tay trái; cuối cùng, quay trở lại đoạn A, đó là một quá trình biến đổi với bản tóm tắt lại cuộc diễu hành.

Trong phần A (Alla Marcia), tác giả cũng cấu trúc thành ba đoạn đơn aba.

Phần a chủ đề được giới thiệu ở hai ô nhịp đầu tiên với các các hợp âm được chơi với tiết tấu lệch phải tạo nên âm hưởng mạnh mẽ, rắn rỏi mang hình tượng của một cuộc diễu binh. Âm hình tiết tấu này được mở rộng suốt phần a (16 ô nhip) bằng việc chồng thêm nốt ở các hợp âm (4 nốt) ở cả hai tay, và nhảy các quãng xa tạo nên âm thanh rộng rãi, to lớn

Điều này cũng đòi hỏi người chơi đàn phải có bàn tay rộng, các ngón tay dài có nội lực mạnh, độc lập với nhau, cánh tay thả lỏng. Bởi vì mỗi khi chơi hợp âm ở cả hai tay với tốc độ nhanh thì người thể hiện sẽ dễ bị mắc lỗi mất nốt, hay âm thanh phát ra không đều nhau nếu các ngón tay không xuống và phát lực một cách đồng nhất. Đồng thời, cánh tay phải thả lỏng hoàn toàn để có thể chơi các hợp âm với thời gian dài và liên tục. Phần b (17-24) phản ánh nhịp điệu của các âm hình đầu tiên nhưng trình bày ở một chuỗi các hợp âm và dần dần đẩy lên cao trào của bài. Tiếp đó lại quay lại phần a, các ô nhịp ở phần này chính là khoảng lặng để chuẩn bị cho phần B.

Phần B được giới thiệu với những giai điệu trữ tình, lãng mạn. Đó là những câu hỏi nhẹ nhàng, hay miêu tả những cánh đồng Nga trải dài bất tận dưới ánh chiều tà ảm đạm để rồi tiếp theo là những lời giải đáp thông qua giai điệu về một ngày mai tươi sáng, tràn đẩy hi vọng.

Giai điệu được thể hiện bên tay phải với việc tăng đôi quãng 8, các hợp âm mở rộng mang đến cho người nghe âm thanh đồ sộ, hùng vĩ, tạo cảm giác choáng ngợp như không phải do một người thể hiện mà rất nhiều người cùng tham gia.

Phần đệm bên tay trái với các chùm móc kép chùm 6, các nốt đầu tiên thường là đúp nốt, được trải dài từ các âm cực trầm cho đến âm cao với cấu tạo chùm móc kép chạy rải tạo cảm giác âm thanh mênh mang, rộng lớn. Đặc biệt ở phần này tác giả đã khéo léo kết hợp với giai điệu phản biện.

Giai điệu ở phần All Marcia mang chất liệu hành khúc, xuất hiện ở bè giữa đi song song với giai điệu trữ tình khiến cho sự lãng mạn nếu nghe và nhìn bên ngoài sẽ là một vẻ đẹp thuần khiết, nhẹ nhàng nhưng khi kết hợp với giai điệu phản biện lẩn khuất đâu đó bên trong khiến người nghe cảm thấy có sự mâu thuẫn trong nội tại đang bị đè nén như bầu trời tích tụ mây đen trước cơn bão tố và cần phải tìm ra một cách giải quyết nào đó. Khi biểu diễn đến phần này, người thể hiện phải nắm vững về kĩ thuật chia lực vì tay trái lúc đó vừa đảm nhiệm phần đệm cho tay phải với các nốt chạy nhanh vừa phải thể hiện phần giai điệu phản biện cho rõ nét tạo cảm giác thúc giục.

Sau phần B là sự tái hiện lại phần A với một bản tóm tắt các phần diễu hành theo tiết tấu tăng dần, thúc giục hơn.

Các hợp âm Chromantically được sử dụng nhiều, di chuyển liên tục với các hợp âm bảy làm giảm bớt căng thẳng nhưng cuối cùng được giải quyết theo một cách rất độc đáo đó là kết thúc với một chạy rải lên phía trên các sol cao tạo sự biến mất nhẹ nhàng.

Còn với các Prelude số 2, 3, 6, 7, 8, 9 đòi hỏi người chơi đàn phải có một trình độ tư duy âm nhạc sâu, nắm giữ và làm chủ các kỹ thuật cao cấp, có độ bền bỉ, sự khéo léo để xử lý tác phẩm một cách tinh tế. Chúng ta có thể phân tích tác phẩm Prelude số 2 để qua đó hiểu được phần nào.

Prelude số 2 Op.23 là một tác phẩm khó với nhịp điệu phức tạp, sự tương phản kỹ thuật giữa hai tay.

\

Tay trái với kỹ thuật chạy quãng trải dài từ các âm trầm cho đến âm cao liên tục như trong Etude Cách mạng của Chopin nhưng lại mang đặc trưng của Rachmaninov là các nốt đầu và nốt cuối của nét chạy thường tăng đôi quãng 8 hay đúp một, các quãng của nét chạy móc kép không đồng nhất, đòi hỏi người diễn tấu phải có sức bền, sự thả lỏng rất tốt để duy trì một sự legato nhất quán trong toàn bài. Giai điệu của bài là những nét nhạc mang tính chất khỏe khoắn, hùng tráng sử dụng kỹ thuật chạy đúp giữa quãng 8 cùng với kép nốt, hay là các hợp âm được tăng thêm nốt chạy theo kiểu zic-zac xuyên suốt cả tác phẩm.

Để chơi tốt phần giai điệu bên tay phải, người biểu diễn cần có những ngón tay dài có lực đều ở các ngón tay để khi chạy các nét giai điệu với tempo nhanh sẽ không bị mất giai điệu nhằm thể hiện liền mạch âm thanh phóng khoáng với âm lượng cực lớn.

Kĩ thuật cổ tay nhỏ (Drop-Droll) cũng được tác giả sử dụng nhiều mang hiệu quả bập bênh. Phần lớn Prelude sử dụng hòa thanh tự nhiên, một đặc trưng trong phong cách sáng tác của Rachmaninov, đó là sự chuyển đổi hòa thanh trong không gian ngắn. Ở đây là di chuyển hòa thanh từ Si giáng trưởng sang Rê thứ trong hai ô nhịp thứ 6 và 7 (điều đó cũng được nhắc lại ở ô nhịp 14-15, 20-21...) mang đến tính không ổn định Một kỹ thuật mà nhà soạn nhac lần đầu tiên sử dụng đó là giai điệu được Chromantic hoá, xuất hiện liên tục cùng với các chùm nốt khiến thính giả khi nghe có cảm nhận được giai điệu đẹp và dài hơn, tạo hiệu ứng sương mù, xoá nhoà khoảng cách âm thanh giữa các nốt.

Ngoài ra, các biến tấu nhỏ mang tính bất thường như về tiết tấu, nhịp điệu cũng là những nét đáng chú ý trong kỹ thuật sáng tác của Rachmaninov.

Với sự sáng tạo không ngừng nghỉ cùng khối lượng tác phẩm khổng lồ ở các thể loại âm nhạc nhất là với các tác phẩm dành cho cây đàn Piano, Rachmaninov đã tạo nên những ảnh hưởng nhất định đến nền âm nhạc thế giới trong đó có nền âm nhạc Việt Nam.

Khi đào tạo và biểu diễn Piano ở Việt Nam thường không thể thiếu những tác phẩm của Rachmaninov. Ngay từ những năm đầu tiên của sơ cấp, các em học sinh với độ tuổi còn nhỏ, các ngón tay còn bé và non nớt, chỉ với được các quãng ngắn trên đàn, cùng các kĩ thuật được sử dụng ở mức độ cơ bản thì các tác phẩm Polka của ông là lựa chọn phù hợp với các em. Đến trình độ trung cấp, một quá trình học tập tương đối dài trong đó những bài tập về kĩ thuật cơ bản như Legato, Non-Legato hay Staccato đã được sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn trong các tác phẩm Etude của nhiều nhà soạn nhạc khác, thì nay các em học sinh đã được tiếp cận các kỹ thuật cao hơn. Đó là các kỹ thuật để chạy quãng 8, đúp nốt… trong tuyển tập 24 Etude (Bức tranh) của ông. Sau khi nắm vững được các kỹ thuật cao cấp này, các em học sinh sẽ làm chủ được ngón tay hay cơ thể của mình. Ngoài tuyển tập Etude, các bạn sinh viên cũng đặc biệt ưa thích các bài Prelude của Rachmaninov. Các em có thể đánh đơn lẻ hoặc kết hợp nhiều bài cùng với nhau tùy theo trình độ của mình. Với cấp học thạc sĩ, khi tốt nghiệp, các học viên cũng thường chọn Concerto số 2 hoặc Concerto số 3 của ông để làm bài thi tốt nghiệp. Trong các kì thi quốc tế ở Việt Nam, trong phần chọn tác phẩm của thế kỉ 20 cũng có rất nhiều thí sinh chọn biểu diễn các tác phẩm của ông. Điều đó cho ta thấy sự đồng điệu trong tâm hồn của nghệ sĩ và nhạc sĩ, có thể tự tìm đến với nhau dù xa cách về mặt không gian, thời gian để hòa cùng nhịp đập và thăng hoa trong mỗi bản nhạc.

Có thể nói, Rachmaninov là một ngôi sao sáng chói trên bầu trời âm nhạc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 của nước Nga Xô Viết và cả trên thế giới. Ông không chỉ là Pianist kiệt xuất mà còn là nhà soạn nhạc, chỉ huy thiên tài. Tình yêu của ông với cây đàn Piano không chỉ giới hạn ở các buổi biểu diễn mà với khả năng sáng tác thiên bẩm của mình, ông đã để lại khối lượng đồ sộ các tác phẩm nổi tiếng cho cây đàn Piano. Nhờ công lao to lớn này của ông mà nền âm nhạc thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có được một kho tài lớn với nhiều tư liệu quý giá và phong phú các tác phẩm, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như thưởng thức, nghiên cứu, học tập.

(Nguồn: http://www.spnttw.edu.vn)

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...