Tác giả thật sự của ca khúc 'Thương về miền Trung'

10/06/2016

Lâu nay, khán giả vẫn biết đến ca khúc Thương về miền Trung với tên tác giả là Minh Kỳ. Tuy nhiên, người sáng tác thật sự lại chính là cố nhạc sĩ Châu Kỳ. Đằng sau sự nhầm lẫn này là một câu chuyện dài...


Cố nhạc sĩ Châu Kỳ, tác giả thật sự của ca khúc 'Thương về miền Trung'

Nhân dịp BTC chương trình Sol Vàng vinh danh cố nhạc sĩ Châu Kỳ với đêm nhạc riêng, con gái của ông - ca sĩ Châu Huyền Khanh đã tiết lộ câu chuyện xoay quanh ca khúc Thương về miền Trung vốn rất được khán giả yêu mến.

Theo ca sĩ Châu Huyền Khanh, cha của cô - nhạc sĩ Châu Kỳ đã viết ca khúc này vào khoảng thập niên 1940. Khi phát hiện ra nam ca sĩ Duy Khánh và đưa anh từ Quảng Trị vào Sài Gòn lập nghiệp, ông đã giao bài hát này cho anh thể hiện đầu tiên.

Để lăng xê cho tên tuổi Duy Khánh, nhạc sĩ Châu Kỳ đã quyết định lấy tên anh làm bút danh cho Thương về miền Trung. Vậy nên khi đó, khán giả đều cho rằng đây là sáng tác của Duy Khánh.

Sau năm 1975, khi bài hát được cấp phép lưu hành trở lại thì tiếp tục có một sự nhầm lẫn khác. Bấy giờ tác giả Thương về miền Trung không còn là Duy Khánh nữa mà bị nhầm sang Minh Kỳ (tác giả của Thương về xứ Huế). Các sản phẩm băng đĩa hay các chương trình ca nhạc trong nước lẫn hải ngoại đều ghi sai tên tác giả.


Ca sĩ Châu Huyền Khanh, con gái của cố nhạc sĩ Châu Kỳ


Ca khúc Thương về miền Trung ban đầu để tên tác giả là ca sĩ Duy Khánh

Châu Huyền Khanh kể: "Khi cha tôi còn sống, có lần ông xem ti vi thấy để sai tên bài hát của mình thì vỗ đùi và bảo: "Ủa? Bài này của cha mà sao để Minh Kỳ! Vì lúc đó cha tôi đã lớn tuổi rồi, thấy bài hát của mình được hát nhiều thì mừng chứ không nghĩ đến chuyện yêu cầu đính chính gì cả. Ông cũng không bận tâm nhiều".

Con gái của cố nhạc sĩ Châu Kỳ cũng cho biết thêm, tuy tên tác giả để sai nhưng hơn 10 năm nay, gia đình cô đều nhận được tiền tác quyền ca khúc này từ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Thông qua chương trình Sol Vàng, gia đình nhạc sĩ Châu Kỳ cũng muốn được đính chính lại rõ ràng bài hát Thương về miền Trung chính là đứa con tinh thần của ông.

Điều đáng nói là khi BTC Sol Vàng mời ca sĩ Ngọc Sơn tham gia chương trình và thể hiện ca khúc Thương về miền Trung thì anh một mực từ chối vì cho rằng: "Ca khúc này của nhạc sĩ Minh Kỳ, giờ mình hát trong chương trình của nhạc sĩ khác thì… không đúng cho lắm". Sau khi được gia đình cố nhạc sĩ Châu Kỳ giải thích lại, Ngọc Sơn đồng ý nhận lời.

Đêm nhạc Sol Vàng tôn vinh nhạc sĩ Châu Kỳ nhân 8 năm ngày mất còn có sự tham gia của danh ca Phương Dung, ca sĩ Trang Mỹ Dung, Chung Tử Lưu, Đông Đào, Xuân Phú, Quang Toàn, Duy Trường, Khánh Loan… và sự xuất hiện của con gái ông - ca sĩ Châu Huyền Khanh.

Chương trình sẽ phát sóng lúc 20 giờ ngày 11.6 trên VTV9.

Ảnh: BTC

(Nguồn: http://thanhnien.vn)

 

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.