Tác giả giới thiệu tác phẩm: Đôi lời về giao hưởng thơ Kiều
Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du là một kiệt tác thi ca của văn học Việt nam. Trong thi phẩm lớn nhất cuộc đời mình, Nguyễn Du đã đem thuyết "tài mệnh tương đố" (tài và mệnh ghét nhau) làm luận đề cuốn truyện thơ:
(Hình minh họa: Internet)
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Bên cạnh chữ tài, chữ mệnh và chữ tâm thường được xem là những từ then chốt diễn đạt chủ đề, Truyện Kiều còn có một chữ tình: đó là mối tình „người quốc sắc kẻ thiên tài”, một “khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” hơn hai trăm năm đã làm rung động biết bao tâm hồn người Việt yêu thơ. Tình yêu Kim Trọng - Thúy Kiều thủy chung, mãnh liệt vượt thời gian làm ta nhớ tới những mối tình lớn trong văn học phương Tây như Romeo - Juliet hay Tristan - Izolde. Mối tình tuyệt đẹp nhưng đầy trắc trở cùng số phận bi kịch của Thúy Kiều được đan kết tài tình với triết lí tài - mệnh tương đố.
Giao hưởng thơ Kiều là thế giới cảm xúc và suy ngẫm của Đặng Hồng Anh về kiệt tác Truyện Kiều - Nguyễn Du. Dựa trên nội dung chính của Truyện Kiều, nhạc sĩ đã kể lại câu chuyện bằng ngôn ngữ khác: ngôn ngữ âm nhạc và xây dựng bản giao hưởng thơ bằng thủ pháp phát triển các chủ đề và motif âm nhạc.
Bản giao hưởng thơ mở đầu với chủ đề mang tính sử thi „Dòng trôi thời gian trong trăm năm cõi người” của bè violoncelle và contrebasse. Motif chủ đạo của cả tác phẩm „Nỗi đau cho chữ tài mệnh tương đố” lần lượt xuất hiện ở bè violon I, alto và phát triển dần đi đến cao trào của phần mở đầu (introduction) với motif chủ đạo thứ hai đầy kịch tính „Định mệnh”.
Khi những âm thanh báo hiệu bi kịch lắng dần, tiếng du dương của flute và violon solo trên nền hợp âm rải của harpe đưa ta vào thế giới tao nhã tuyệt diệu của tài năng, thi ca và sắc đẹp. Xen lẫn với chủ đề âm nhạc Kiều là tiếng kèn cor tha thiết trữ tình biểu hiện „Tình yêu của Kim Trọng dành cho Kiều”.
Sau „Tiếng thở than đau xót về cuộc đời bạc mệnh” trong giai điệu đau buồn, ngậm ngùi (cor anglais) bỗng vang lên âm hưởng hùng dũng của bộ kèn đồng. Tiếng kèn trompette hiên ngang hòa nhịp trống trận mạnh mẽ là chủ đề âm nhạc của Từ Hải, người anh hùng trí dũng phi thường đã cứu Kiều thoát khỏi quãng đời đầy xót thương và giúp nàng báo ân trả oán.
Hai motif chủ đạo phát triển đan xen kẽ cùng chủ đề Kiều và Từ Hải đưa bi kịch định mệnh lên đến cao trào của cả tác phẩm. Đó là lúc Kiều quyết định nhảy xuống sông Tiền Đường để kết thúc kiếp đoạn trường sau cái chết bi thảm của Từ Hải.
Từ ngày Kiều gặp nạn, Kim Trọng đã thủy chung kiên định đi tìm người yêu với nỗi nhớ thương khắc khoải (chủ đề „Tình yêu Kim Trọng dành cho Kiều” trong tiếng kèn cor con sordino). Và sau mười lăm năm cách trở, đôi tri kỉ tình nhân đã gặp lại nhau trong âm hưởng tràn đầy hạnh phúc của harpe - nhạc cụ thể hiện tiếng đàn Thúy Kiều.
Chủ đề „Tình yêu của Kim Trọng” đưa tác phẩm đi đến phần kết (coda) trong tiếng flute trầm bổng xen lẫn giai điệu tha thiết trên âm vực cao của violon solo, hòa với những giọt âm thanh trong vắt của harpe, celesta, vibraphone, triangle.
Giao hưởng thơ Kiều lặng dần trong âm hưởng bình yên hạnh phúc của bè dây với chủ đề „Dòng trôi thời gian trong trăm năm cõi người”.
Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh Đặng Hồng Anh sinh năm 1969 tại Hà Nội, tốt nghiệp khoa Piano và khóa học Sáng tác lớp giáo sư A. I. Golovin trường Trung cấp Âm nhạc Quốc gia mang tên Gnesin tại Moskva năm 1988. Tốt nghiệp đại học Sáng tác loại ưu năm 1993 và thạc sĩ năm 1998 lớp giáo sư A. L. Larin Học viện Âm nhạc Quốc gia Liên bang Nga mang tên Gnesin tại Moskva.
Tác phẩm Tổ khúc bốn chương cho Tứ tấu dây đã được Bộ Văn hóa Liên bang Nga mua bản quyền tác giả năm 1992.
Đêm nhạc các tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Hồng Anh với sự tham gia của các nghệ sĩ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt nam, dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt nam đã được tổ chức vào 9/12/2012 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh đã tham dự „Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2014” tại Hà nội với Biến tấu dành cho piano dựa trên chất liệu dân ca H’Mông Nhớ em yêu (H’chà mủa mái). |