Tác dụng từ đầu tư - tài trợ đối với sáng tác và nghiên cứu âm nhạc tại thành phố Đà Nẵng

13/05/2014


Nhạc sĩ Văn Thu Bích. 

Chúng ta đều biết rằng, để có những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao thì cần phải có sự đầu tư tốt. Đối với các nhạc sĩ tại thành phố Đà Nẵng thì việc đầu tư, tài trợ cho sáng tác, nghiên cứu thực hiện các công trình âm nhạc và phát triển phong trào âm nhạc cũng có những hiệu quả đáng khích lệ. Đầu tư cho tác phẩm có hai nguồn:

- Trước tiên là việc đầu tư từ chính bản thân người nhạc sĩ. Đó sự say mê sáng tạo, lòng yêu nghề, yêu đời, yêu quê hương - đất nước, đồng thời phải vận dụng hết khả năng, tri thức, tư duy sáng tạo cũng như thời gian, công sức, tiền của tập trung cho việc sáng tạo. Đây là nguồn đầu tư quan trọng nhất để cho những tác phẩm xuất sắc ra đời.

- Nguồn đầu tư thứ hai cũng rất cần thiết, là nguồn từ phía chính phủ, chính quyền các cấp ở địa phương, các đoàn thể, các tổ chức Nhà nước, các quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, kể cả các cá nhân trong và ngoài nước. Nguồn đầu tư này bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần. Có hai dạng: Trực tiếp và gián tiếp.

+ Dạng trực tiếp là:

- Kinh phí tài trợ giúp nhạc sĩ đi thực tế lấy tư liệu, tăng cường vốn sống, bổ sung những hiểu biết, kiến thức về văn hóa - nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

- Kinh phí tài trợ giúp nhạc sĩ có điều kiện phát huy tư duy sáng tạo, truyền sức sống vào nội dung tác phẩm, phản ảnh được hơi thở của cuộc sống đương đại.

- Kinh phí dàn dựng tác phẩm để tác phẩm đến được với công chúng, qua đó nhạc sĩ có thể sống được bằng nghề và tái sáng tạo.

- Kinh phí tài trợ giúp cho các nhạc sĩ có thể tổ chức những chương trình giới thiệu tác giả, tác phẩm, in ấn - phát hành các ấn phẩm âm nhạc.

- Kinh phí cho giải thưởng từ các cuộc thi sáng tác ca khúc, sáng tạo công trình.

+ Dạng gián tiếp là:

- Kinh phí đầu tư xây dựng nhà hát, nhà biểu diễn, sân khấu ngoài trời, sàn diễn...Đó là những nơi giúp các nhạc sĩ giới thiệu, quảng bá tác phẩm để tác phẩm có thể đến được với công chúng .

- Kinh phí tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc, các cuộc giao lưu giữa các nghệ sĩ của các địa phương trong cả nước và quốc tế. Tổ chức các chương trình biểu diễn giao lưu ở nước ngoài và ngược lại.

Thực tế trong nhiều năm qua, các nhạc sĩ sinh hoạt trong hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng đã nhận được những khoản tài trợ từ nguồn thứ hai theo cả 2 dạng trực tiếp và gián tiếp, nó có tác động rất lớn đến sự phát triển của phong trào âm nhạc trong toàn thành phố cũng như phát triển trình độ chuyên môn của mỗi nhạc sĩ, nó thúc đẩy và góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng của tác phẩm và các chương trình giới thiệu nhạc sĩ hoặc các nhóm nhạc sĩ. Cũng từ nguồn kinh phí đầu tư này mà các nhạc sĩ sáng tác, nghiên cứu lý luận và biểu diễn có thể yên tâm gắn bó với nghề. Trong đó, có không ít nhạc sĩ nhiều năm liên tục được nhận tài trợ từ Hội Nhạc sĩ và Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố, đồng thời nhận được giải thưởng từ các cuộc vận động sáng tác ca khúc và giải thưởng ghi nhận sự cống hiến của các nhạc sĩ trong từng giai đoạn 5 năm, 10 năm do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trao tặng như các nhạc sĩ sáng tác: Thái Nghĩa, Ái Nghĩa, Minh Đức, Thanh Anh, Phan Ngọc, Đình Thậm, Nguyễn Hoàng, Trịnh Tuấn Khanh, Trương Duy Huyến, Xuân Minh, Thái Phú, Quang Trung, Quang Thành, Trịnh Mạnh Hùng, Mai Danh, Lưu Văn Bình…và giải thưởng cho các công trình nghiên cứu của các nhạc sĩ lý luận: Trương Đình Quang, Trần Hồng, Văn Thu Bích…Ngoài ra trong 5 năm qua, được sự đầu tư đáng kể từ thành phố, một số nhạc sĩ Đà Nẵng có uy tín và trình độ chuyên môn cao cũng tích cực tham gia sáng tác nhạc nền cho các cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng và các hoạt động văn hóa trong các dịp lễ lớn, các sự kiện văn hóa nghệ thuật quan trọng, góp phần làm khởi sắc diện mạo văn hóa nghệ thuật của thành phố, đồng thời khẳng định vai trò của Hội âm nhạc Đà Nẵng trong quá trình phát triển của thành phố.

Đầu tư, tài trợ từ nguồn thứ hai kết hợp với nỗ lực đầu tư của bản thân, nhiều nhạc sĩ đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm phản ảnh phong phú về các đề tài: Công nghiệp, nông nghiệp, quân đội, văn hóa, thiếu nhi và cả những đề tài mang tính thời sự nóng hổi và bức thiết trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới như: Chống tham nhũng, nạn nhân chất độc màu da cam, ô nhiễm môi trường...Trong số đó, có khá nhiều tác phẩm, những công trình nghiên cứu âm nhạc dân gian và hiện đại thật sự đạt chất lượng cao về mặt nghệ thuật, phong phú về thể loại. Bên cạnh đó, các chương trình giới thiệu tác giả tác phẩm được các phương tiện truyền thông thực hiện quy mô hơn, sâu sắc hơn, nhất là đối với các nhạc sĩ lão thành đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc trong thành phố Đà Nẵng nói riêng và trong cả nước nói chung, đặc biệt có những tác phẩm không chỉ vang tiếng trong phạm vi đất nước mà đã vươn xa ra khỏi biên giới Việt Nam.

Nhìn chung, việc đầu tư cho sáng tác, nghiên cứu âm nhạc dù từ nguồn tài trợ, đầu tư của Ủy ban nhân dân TP, của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng hoặc của các hội chuyên ngành Trung ương và từ các tổ chức trong và ngoài nhà nước thì cũng đều góp phần thúc đẩy phong trào hoạt động âm nhạc khởi sắc hơn, kịp thời thể hiện được sức sống của xã hội đương đại. Những tác phẩm được đầu tư không chỉ được những chuyên gia đầu ngành đánh giá cao mà còn được cả công chúng nhiệt tình đón nhận.

Trong thời gian gần đây, thi thoảng trên các phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện một vài ý kiến phủ nhận vai trò quan trọng của việc đầu tư, tài trợ cho sáng tác nghệ thuật. Theo đó, có những ý kiến trái ngược nhau với những lý lẽ khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta không nên nhìn nhận sự việc này theo chiều hướng tiêu cực, bởi lẽ thực tế đã có những minh chứng đáng thuyết phục qua sự đóng góp khá tích cực đối với xã hội của nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, từng đạt những giải thưởng danh giá của thành phố và của quốc gia, quốc tế. Đồng thời, được sự đón nhận nhiệt tình từ công chúng. Những giải thưởng từ cấp Trung ương đến địa phương trao tặng cho những tác phẩm xuất sắc hoặc sự có mặt đáng trân trọng của nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ Đà Nẵng trong lĩnh vực hoạt động âm nhạc không chỉ trong phạm vi thành phố là những minh chứng cụ thể cho thấy rõ: đầu tư, tài trợ trực tiếp hay gián tiếp thực sự là cần thiết, là bổ ích, đồng thời tác động lớn đến kết quả sáng tác, nghiên cứu cũng như phong trào âm nhạc trong toàn thành phố nói riêng, trong cả nước nói chung.

 

B

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...