Suy nghĩ về các di sản nghệ thuật âm nhạc thế giới ở Việt Nam trong hoạt động du lịch

15/01/2015

Trong 21 di sản Thế giới được UNESCO công nhận đó, chúng ta có 6 di sản nghệ thuật âm nhạc, chiếm gần 30% của tổng số các di sản Thế giới tại Việt Nam và chiếm 75% tổng số các di sản văn hóa phi vật thể. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch nước nhà. Ngành du lịch Việt Nam cần làm gì để khai thác tốt giá trị của các di sản âm nhạc và nghệ thuật? Đó là một câu hỏi không dễ dàng gì giải đáp cho ngành du lịch. Trong bài tham luận này, chúng tôi thử phân tích các di sản âm nhạc và nghệ thuật thế giới tại Việt Nam trong hoạt động du lịch với thị trường khách quốc tế.

1. Đôi nét về các di sản âm nhạc và nghệ thuật ở Việt Nam

Việt Nam có nhiều di sản âm nhạc và nghệ thuật, đa dạng về loại hình, phong phú về thể loại trải dài từ Bắc tới Nam như Quan họ, Ca trù, Cải lương, kịch, Nhã nhạc cung đình, Hát xoan, Hát bội, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Múa rối nước, hò, vè v.v… Tuy nhiên, trong bài tham luận này, chúng tôi chỉ khi đề cập đến các di sản nghệ thuật âm nhạc ở Việt Nam được UNESCO công nhận là kiệt tác và là đại diện của nhân loại trong hoạt động du lịch qua trình tự thời gian như Nhã nhạc cung đình Huế (07/11/2003), Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (25/11/2005), Dân ca Quan họ (30/09/2009), Ca Trù (01/10/2009), Hát Xoan (24/11/2011), Đờn ca Tài tử Nam Bộ (05/12/2013). Chúng tôi sẽ lần lượt điểm qua đôi nét về các di sản nghệ thuật âm nhạc nói trên và đề cập về Đờn ca tài tử Nam Bộ như một trường hợp điển hình của di sản văn hóa phi vật thể được giới thiệu cho khách du lịch quốc tế nhiều nhất trong các chương trình tham du lịch của họ tại Việt Nam.


(Nguồn: www.baodientu.chinhphu.vn)

Nhã nhạc cung đình Huế là loại hình âm nhạc chính thống được sử dụng trong các cuộc tế lễ của triều đình phong kiến Huế. Nhã nhạc Việt Nam có nguồn gốc từ thời Đinh và Tiền Lê, và phát triển qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Năm 1945, khi chế độ quân chủ ở Việt Nam chấm dứt, Nhã nhạc cung đình Huế có nguy cơ bị thất truyền do môi trường diễn xướng không còn. Rất may nó được Đảng, Nhà nước, các nhà nghiên cứu quan tâm sâu sắc và đã phục nguyên được loại hình âm nhạc này và UNESCO công nhận nó là kiệt tác Di sản văn hóa truyền miệng và phi vật thể của nhân loại vào 7/11/2003.

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên có lịch sử phát triển lâu đời ở các dân tộc cư trú ở Đông Nam Á, mà các tộc người bản địa ở Tây Nguyên Việt Nam là một khu vưc điển hình nhất. Hiện nay cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng được các dân tộc ở 5 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng bảo tồn và phát huy giá trị. Về cồng chiêng: cồng làm bằng đồng có núm ở giữa, còn chiêng được chế tác phẳng không có núm. Cồng và chiêng là loại nhạc cụ phát ra âm thanh khi được chạm vào. Nếu dàn cồng chiêng của các nước khác như ở Indonesia, Philippines, nhạc công ngồi yên tại chỗ khi tấu nhạc thì nghệ thuật đánh cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên lại khác. Nghệ nhân đánh cồng chiêng luôn di động, kết hợp với các động tác đa dạng như nghiêng mình, cúi người, khom lưng v.v... Khi đánh cồng chiêng thì họ luôn giữ sự kính trọng, biết ơn các vi thần linh của núi, rừng cũng như là tình yêu của họ đối với môi trường sống thiêng liêng của họ và đây là điểm đặc sắc, khác biệt của âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên so với các nước Đông Nam Á khác. Với những giá trị văn hóa đặc sắc, hoàn mỹ trên, UNESCO đã công nhận cồng chiêng và văn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể của Thế giới vào 25/11/2005.

Dân ca Quan họ, loại hình nghệ thuật này đã có lịch sử phát triển hàng nghìn năm ở Bắc Bộ mà tiêu biểu là ở các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Hiện nay 2 tỉnh này còn bảo tồn được 49 làng quan họ[1]. Nghệ thuật hát Quan họ đạt tới trình độ bác học “vang, dền, nảy, tròn vành, rõ tiếng”, niêm luật hát và quan hệ giữa những nghệ nhân hát chặt chẽ, hàm chứa chất văn hóa sâu sắc. Vì vậy, quan họ là một loại hình nghệ thuật biểu diễn vô giá, đặc sắc của dân tộc. Dân ca quan họ Bắc Giang và Bắc Ninh được UNESCO chính thức công nhận là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào 30/09/2009.

Ca trù (còn gọi là hát ả đào) [2], loại hình nghệ thuật âm nhạc trình diễn phát triển ở các tỉnh Bắc Bộ. Nghệ thuật ca trù có ba không gian chính để tồn tại (trình diễn) đó là không gian văn hóa hát thờ (còn gọi là hát cửa đình), không gian văn hóa hát chơi và không gian văn hóa hát chúc hỗ (còn gọi là hát cửa quyền). Đây là một loại hình nghệ thuật cổ truyền mang tính chuyên nghiệp rất cao.

Để trình diễn nghệ thuật ca trù, cần có 4 yếu tố chính: Một là nhân sự (1 đào hay ca nương; 1 kép hay nhạc công và một người nữa tham gia trình diễn, nhưng không phải là nhạc công mà đó là ông quan viên cầm chầu đánh trống); Hai là nhạc cụ (1 cây đàn đáy với thùng đàn hình chữ nhật, mặt làm bằng gỗ ngô đồng, cần rất dài có mắc 3 dây và một cặp phách 3 lá; một chiếc trống chầu. Đàn đáy do kép đánh, phách do đào nương vừa hát vừa gõ, trống chầu do quan viên đánh gọi là cầm chầu); Ba là ca từ (Ca trù là hình thức nghệ thuật hát thơ, hát trên rất nhiều thể thơ truyền thống của Việt Nam như thơ 4 chữ, 7 chữ, lục bát, song thất lục bát, phú v.v…); Bốn là cách thức trình diễn (Nghệ thuật Ca trù là nghệ thuật trình diễn ngẫu hứng trên cơ sở những bài bản được quy ước sẵn. Những quy ước đó là: bài, cung, điệu, khổ. Bài là những bài hát có đầy đủ các khổ đàn, khổ hát, khổ trống như thét nhạc, gửi thư, cung bắc, tỳ bà hành, hát nói… Cung là cung nam, bắc, huỳnh, pha, nao. Điệu là các điệu ngâm ngợi, kể chuyện như điệu sa mạc, bồng mạc, ngâm thơ… Khổ có 5 khổ là khổ sòng đầu, khổ giữa, khổ xiết, khổ lá đầu và khổ sòng cuối. Đào kép muốn trình diễn đạt yêu cầu của nghệ thuật ca trù phải học rất nhiều). Ca trù của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào 01/10/2009.

Hát Xoan là loại hình nghệ thuật dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thờ thành hoàng, với hình thức nghệ thuật mang nhiều yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất Tổ (Phú Thọ). Tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban Liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, tổ chức tại Bali (Indonesia), hồ sơ Hát Xoan (Phú Thọ) của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (24/11/2011).

Đờn ca Tài tử Nam Bộ là một loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ đã hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ và văn học dân gian. Đờn ca tài tử là nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động vất vả. Đờn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm 4 loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm (còn gọi là lục huyền cầm). Những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau. Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục và hình thức và nơi tổ chức. Ngày 05/12/2013, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại Baku (nước Cộng hòa Azerbaijan), Đờn ca Tài tử Nam Bộ của Việt Nam được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.


(Nguồn: www.vnexpress.net)

2. Thử phân tích hiện trạng tiếp cận của du khách quốc tế đối với các di sản nghệ thuật âm nhạc ở Việt Nam

Với tư cách là một người làm công tác hướng dẫn cho du khách quốc tế hơn 10 năm, chúng tôi nhận thấy rằng, rất ít du khách hiểu hay thậm chí biết về các di sản thế giới ở Việt Nam trừ một số trường hợp các di sản quá nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Quần thể di tích cố đô Huế, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An. Có thể là do các di sản mới được công nhận gần đây với thời gian còn quá ngắn hoặc chúng ta có quá nhiều di sản được công nhận mà ngành du lịch của chúng ta chưa đủ sức để quảng bá tốt? Tất nhiên, du khách thì cũng có rất nhiều loại du khách như có du khách họ không quan tâm đến các di sản thế giới mà mục đích chuyến đi đến Việt Nam chỉ nhằm mục đích nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm v.v… Nhưng cũng có không ít khách quốc tế quan tâm đến văn hóa và di sản văn hóa ở Việt Nam.

Về phương tiện tiếp cận: du khách quốc tế ngày này có thể tiếp cận thông tin về các loại hình nghệ thuật âm nhạc được xem là di sản thế giới ở Việt Nam qua các kênh thông tin truyền thông như truyền hình, tạp chí du lịch, báo, đài và đặc biệt là qua mạng internet. Một kênh thông tin nữa chúng tôi cho là quan trọng và rất hữu hiệu trong quảng bá di sản thế giới tại Việt Nam là qua những người làm công tác du lịch, mà đặc biệt là lực lượng hướng dẫn viên quốc tế. Chúng ta biết rằng những năm gần đây, số lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam ngày càng tăng, ước tính khoảng 7 triệu lượt người (2013). Nếu thông qua lực lượng hướng dẫn viên chuyên làm công tác hướng dẫn, thuyết minh cho du khách có hiệu quả về các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam thì tôi cho rằng, đây là một kênh quảng bá rất tốt về hình ảnh các di sản thế giới ở Việt Nam. Chúng ta biết rằng một đặc điểm quan trọng của tài nguyên du lịch mà đặc biệt là tài nguyên du lịch nhân văn là nó cần được diễn giải để du khách nắm bắt được những cái hay, cái đẹp của đối tượng tham quan. Lực lượng hướng dẫn viên du lịch là người trực tiếp diễn giải tài nguyên du lịch cho du khách. Nếu người làm công tác hướng dẫn không nêu bật được những giá trị của các điểm tham quan thì coi như hỏng, du khách mất đi cơ hội trải nghiệm các di sản thế giới trong chương trình của họ. Chúng ta thấy vai trò của người làm công tác hướng dẫn là rất quan trọng trong chương trình du lịch. Trên thực tế, rất nhiều người làm công tác hướng dẫn trực tiếp du khách mà tôi được biết đã bỏ qua hoặc giới thiệu quá sơ sài về các di sản ở Thế giới ở Việt Nam. Do đó, du khách không có ấn tượng và cảm nhận sâu sắc về các di sản này, thậm chí không thu hút được sự chú ý của họ. Cũng có rất nhiều du khách bỏ qua sự diễn giải tài nguyên du lịch sơ sài của lực lượng hướng dẫn viên là do sự dễ tính, xuề xòa của họ trong chuyến đi. Họ không phàn nàn gì về những điều hướng dẫn viên cung cấp, thế là mọi chuyện êm xuôi nhưng du khách thì mất cơ hội hiểu biết về các di sản thế giới tại Việt Nam và hướng dẫn viên thì khả năng chuyên môn không được trao dồi thêm và có nguy cơ bị thui chột. Tôi biết có những người làm công tác hướng dẫn hơn 10 năm mà đến các điểm tham quan, khi tôi gặp họ, họ vẫn nói một tiếng nói cách đây cả hơn 10 năm, không có gì là mới mẻ cả. Đó là một nguy cơ tụt hậu quá rõ và đáng trách trong nghề nghiệp chuyên môn.

Bản thân tôi xem rất nhiều chương trình du lịch của khách quốc tế mua của các hãng lữ hành từ nước sở tại của họ và thậm chí là tại Việt Nam, có rất ít chương trình lồng ghép tham quan các di sản tại Việt Nam. Nếu có lồng ghép là do bắt buộc, do không có điểm tham quan thay thế. Nhiều lần trao đổi với du khách quốc tế, chúng tôi hỏi họ là ông/bà có biết ở Việt Nam có các di sản thế giới nào không? Họ thường trả lời rằng, có biết một số di sản thế giới ở Việt Nam như vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Phố cổ Hội An, Quần thể di tích cố đô Huế. Chúng tôi cung cấp cho họ thêm thông tin là ở Việt Nam hiện nay có đến 21 di sản thế giới. Họ rất ngạc nhiên, thích thú khi đến tham quan tại một nước có nhiều di sản thế giới đến như vậy và hiếu kì muốn biết qua các di sản thế giới khác là gì. Khi có được những thông tin về các di sản thế giới khác ở Việt Nam, họ rất muốn được trải nghiệm. Do vậy, chúng tôi cho rằng, việc quảng bá hình ảnh các di sản nói chung, các di sản nghệ thuật âm nhạc nói riêng bằng cách lồng ghép vào các chương trình tham quan của du khách là điều cần thiết và cần làm ngay. Để làm được điều này có hiệu quả nhất, các nhà quản lý di sản, các nhà quản lý du lịch cấp vĩ mô phải có chính sách rõ ràng chẳng hạn như khuyến khích các hãng lữ hành đưa các di sản vào những chương trình tham quan của du khách. Ngoài ra, công tác đào tạo hướng dẫn viên cũng nên đưa môn học di sản thế giới ở Việt Nam trong chương trình đào tạo.

3. Xây dựng thương hiệu cao cấp mang tầm vóc quốc tế cho các sản phẩm du lịch cụ thể từ các chất liệu di sản nghệ thuật âm nhạc trên cơ sở bài học từ các nước có nhiều di sản thế giới đã khai thác du lịch trước chúng ta

Hiện nay, việc khai thác các di sản nghệ thuật âm nhạc ở nước ta còn nhiều điều bất cập, xô bồ, khiến cho các di sản này không bộc lộ hết các giá trị đích thực, thậm chí là đánh mất các giá trị mà trên cơ sở đó UNESCO đã công nhận chúng là các di sản văn hóa kiệt tác và truyền khẩu đại diện của nhân loại. Một ví dụ cụ thể để minh chứng cho điều này là trường hợp Đờn ca Tài tử Nam Bộ mà hầu hết khách ngoại quốc đến tham quan đồng bằng sông Cửu Long, dù chỉ là 1 ngày, họ cũng được phục vụ xem biểu diễn Đờn ca Tài tử. Phần lớn các điểm phục vụ Đờn ca Tài tử biểu diễn rất xuề xòa (xin phép không nêu tên), làm cho qua chuyện do họ biểu diễn quá nhiều show trong ngày cho nên họ có hiện tượng nhàm chán với công việc hằng ngày. Điều này dẫn tới việc: chính những người tham gia trình diễn xem thường bản thân họ, xem thường di sản văn hóa Đờn ca Tài Tử Nam Bộ mà họ là những người trình diễn các giá trị và xem thường du khách là những người bỏ tiền bạc ra và đi một quãng đường rất xa đến địa phương để trải nghiệm, nhưng họ chỉ được thụ hưởng cái rất tầm thường của Đờn ca Tài tử Nam Bộ chứ không phải là cái di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận mặc dù là trong chương trình của du khách có giới thiệu đó là Di sản văn hóa phi vật thể. Hệ quả của những bất cập này là du khách khi xem biểu diễn Đờn ca Tài tử Nam Bộ đã đánh giá sai về giá trị đích thực của di sản, dẫn đến việc họ xem di sản văn hóa này không có gì đặc sắc. Các di sản âm nhạc và nghệ thuật khác như Ca trù, Hát xoan, Nhã nhạc cung đình Huế v.v… lại càn ít xuất hiện trong các chương trình tham quan của khách ngoại quốc. Như thế thì môi trường diễn xướng cho các di sản âm nhạc và nghệ thuật này lại càng ít đất dụng võ và đòi hỏi Nhà nước phải bỏ tiền ra để hâm nóng, nuôi sống chúng. Trong khi đó, nếu các di sản âm nhạc và nghệ thuật này có thể tồn tại được trong môi trường du lịch mà không cần sự trợ cấp của Nhà nước và phát huy giá trị thì tại sao chúng ta không xây dựng những sản phẩm độc đáo, đặc sắc và duy nhất có từ các chất liệu di sản nghệ thuật âm nhạc này?

Một việc chúng tôi cho rằng cần làm ngay là xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa cụ thể từ các chất liệu di sản nghệ thuật âm nhạc và đẩy nó lên thành những sản phẩm cao cấp, mang tầm cỡ thế giới như uống trà đạo của Nhật Bản, để khi du khách thực sự có nhu cầu tìm hiểu về các di sản âm nghệ thuật âm nhạc đích thực, chân phương thì họ vui vẻ bỏ ra một khoản tiền lớn để trải nghiệm. Chúng tôi cho rằng tại Việt Nam chúng ta có thể làm được điều này với số lượng di sản lớn như hiện nay.

Chúng tôi xin đề cập đến các hãng lữ hành trong việc kinh doanh và quảng bá các di sản thế giới nói chung, các di sản nghệ thuật âm nhạc thế giới ở Việt Nam nói riêng. Các hãng lữ hành thường có khẩu hiệu kinh doanh: “Chúng ta bán những gì mà du khách cần chứ chúng ta không bán những gì mà chúng ta có và chúng ta cần bán”. Chúng tôi cho rằng đó là một khẩu hiệu kinh doanh còn khá phiến diện. Chúng tôi đồng ý rằng chúng ta nên bán những gì du khách cần và hơn thế nữa, chúng ta cũng cần bán những gì mà chúng ta thực sự có trong tay với những giá trị đặc sắc, độc đáo mà có thể du khách chưa biết do chưa tiếp cận được thông tin về sản phẩm. Khi xây dựng được các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, duy nhất có (unique) từ nguyên liệu là các di sản nghệ thuật âm nhạc sẵn có thì chúng ta mới nói đến chuyện quảng bá và kinh doanh chúng. Khi thật sự có sản phẩm trong tay thì các hãng du lịch mới an tâm để chào hàng với du khách và họ làm công việc này vì nó sẽ đem lại lợi ích cho chính họ. Theo tôi, đó là một giải pháp về quảng bá các di sản văn hóa nghệ thuật âm nhạc ở Việt Nam. Để làm được điều này, cần phối hợp nhịp nhàng giữa nhà quản lý di sản (quản lý tài nguyên du lịch), các hãng lữ hành (môi giới kinh doanh) và khách du lịch (chủ thể của hoạt động du lịch, người thẩm nhận các giá trị tự nhiên và nhân văn trong quá trình hoạt động du lịch của họ).

Bài học khá đơn giản cho các nhà quản lý các di sản thế giới ở nước ta là các cơ quan quản lý nên cử người đi sang các nước có nhiều di sản thế giới như Ý, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Đức v.v… để học tập các mô hình quản lý và khai thác di sản trong du lịch của họ. Ở những quốc gia có nhiều di sản này và họ đã khai thác du lịch di sản từ lâu do đó sẽ không thiếu bài học quý báu cho chúng ta. Chúng ta học hỏi ở họ cách quản lý và khai thác di sản thế giới trong du lịch và có thể áp dụng một cách linh hoạt ở nước ta.

Theo chúng tôi, còn có hai vấn đề đặt ra để có thể nâng cấp sản phẩm du lịch di sản nghệ thuật âm nhạc thành những sản phẩm mang tầm vóc và thương hiệu quốc tế. Một là đào tạo một đội ngũ hướng dẫn viên chuyên khai thác về thị trường di các di sản. Hai là cần nâng cấp đội ngũ biểu diễn tại các điểm tham quan di sản âm nhạc và nghệ thuật nói trên. Khi du khách mua các chương trình tham quan các di sản văn hóa, họ mong muốn các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cung cấp cho họ những thông tin tốt nhất về các di sản văn hóa để họ hiểu tối đa những cái hay, cái đẹp của di sản văn hóa. Điều này cũng được Hiến chương Quốc tế về Du lịch Văn hóa nêu ở nguyên tắc số 3: “Các chương trình bảo tồn và du lịch cần giới thiệu những thông tin chất lượng cao để làm du khách hiểu tối đa những đặc điểm quan trọng của di sản và sự cần thiết phải bảo vệ chúng, để làm cho du khách thích thú địa điểm một cách thích đáng” [3]. Như vậy cần làm cho khách hiểu tối đa những đặc điểm quan trọng của di sản và sự cần thiết bảo vệ chúng để chính bản thân các di sản có thể được bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị vốn có của nó mới là điều quan trọng nhất. Lực lượng hướng dẫn viên được đào tạo chuyên trách về các tour di sản ở Việt Nam sẽ là lực lượng tốt nhất để có thể cung cấp cho du khách sản phẩm du lịch di sản tốt nhất mà tôi tin rằng nếu họ có nhu cầu, họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn hơn những tour du lịch thông thường hoặc tour du lịch truyền thống để trải nghiệm. Như chúng tôi đã phát biểu, tài nguyên du lịch cần được diễn giải, đặc biệt là tài nguyên du lịch nhân văn. Giải thích cho du khách hiểu được những hình tượng nghệ thuật, thanh sắc, những thủ pháp ước lệ mang tính biểu trưng mà Trần Ngọc Thêm có nhắc đến[4] thật là không dễ dàng gì đối với đội ngũ hướng dẫn viên nếu không được đào tạo bài bản, đúng mực. Về phía đội ngũ trình diễn các di sản nghệ thuật âm nhạc tại các điểm tham quan cũng phải nâng cấp nghề nghiệp cho chính họ bằng cách thông qua đào tạo và khuyến khích bản thân họ học hỏi không ngừng để chính họ có thể đưa được những tinh hoa của di sản nghệ thuật âm nhạc đến du khách.

4. Vài lời kết

Việt Nam là một đất nước có nhiều di sản thế giới (21 di sản) mà đặc biệt là di sản âm nhạc và nghệ thuật (chiếm gần 30% tổng số di sản ở Việt Nam). Đây là một điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch vốn được mệnh danh là “Ngành công nghiệp không khói”, “Con gà đẻ trứng vàng” v.v… Tài nguyên du lịch đã có sẵn, vấn đề là làm sao chúng ta tổ chức khai thác chúng hiệu quả tối đa và bền vững qua thời gian đó là một vấn đề đáng bàn và đáng quan tâm của ngành du lịch Việt Nam. Hiện nay chúng ta đang khai thác các di sản nói chung, các di sản nghệ thuật âm nhạc nói riêng một cách xô bồ, tùy tiện đã trực tiếp hoặc gián tiếp hạ thấp giá trị đích thực của các di sản mà UNESCO đã công nhận khi chúng ta làm hồ sơ đề nghị. Chúng ta có nhiều di sản được công nhận đã khó, chúng ta bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị của chúng lại càng khó hơn. Nếu không khéo trong công tác quản lý, bảo tồn các di sản thì một ngày nào đó, chính chúng ta phải làm đơn xin đưa ra khỏi danh sách di sản thế giới một số di sản. Du lịch là một ngành đem lại nhiều cơ hội để bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị di sản đó, nhưng cũng là thách thức nếu chúng ta không biết cách khai thác dẫn đến nguy cơ có thể làm thui chột các giá trị đích thực của di sản. Chúng tôi cũng rất đồng cảm ý kiến của Tô Ngọc Thanh trong bài nghiên cứu Di sản văn hóa và du lịch: Những điều còn bất cập. Ông chia sẻ nhiều ý kiến liên quan đến việc khai thác các di sản văn hóa trong hoạt động du lịch, mà đáng chú ý nhất là tác giả lo lắng khi các di sản văn hóa khi đưa vào hoạt động du lịch thì chúng bị khai thác một cách méo mó, dung tục dẫn đến việc đánh mất giá trị đích thực của các di sản và ông cũng cảnh báo ngành du lịch và người bản xứ là “đang xuất hiện một nguy cơ là chính người bản xứ đang hạ thấp chất lượng ‘hàng hóa văn hóa’ tham gia du lịch của mình và đánh mất ngày càng nhiều hàm lượng văn hóa dân tộc vốn có của nó”[5]. Trong bài viết, chúng tôi cũng đề nghị một số ý kiến mà theo kinh nghiệm của chúng tôi, có thể khai thác các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc từ chất liệu là các di sản nghệ thuật âm nhạc sẵn có một cách tốt hơn, hiệu quả hơn. Chúng ta bắt đầu công việc bằng việc nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của các di sản và việc khai thác chúng để có những hành động thành công. Chúng tôi trăn trở là làm sao đưa giá trị đích thực của các di sản nghệ thuật âm nhạc đến tay du khách để họ thực sự cảm nhận đây là những kiệt tác văn hóa của nhân loại hiện hữu trên đất nước Việt Nam được sáng tạo ra bởi các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Để làm được điều này, chúng tôi thiết nghĩ phải có sự hợp tác hài hòa về trách nhiệm và lợi ích giữa các nhà quản lý di sản (tài nguyên du lịch), các hãng lữ hành (môi giới khai thác các di sản), lực lượng nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia trình diễn di sản âm nhạc và khách du lịch (trong trừng hợp này là khách du lịch quốc tế).

Chú thích:

[1] http://www.vietnamtourism.com/disan/index.php?catid=44

[2] Vì sao hát ả đào còn được gọi là Ca trù? Hai tác giả Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề giải thích: “Ở cửa đền ngày xưa có lệ hát thẻ. Thẻ gọi là Trù, làm bằng mảnh tre ghi chữ đánh dấu, dùng để thưởng ả đào thay cho quan tiền. Khi hát, quan viên thị lễ chia ngồi hai bên, một bên đánh chiêng và một bên đánh trống. Chỗ nào ả đào hát hay, bên trống thưởng một tiếng chát, bên chiêng đánh một tiếng chiêng rồi thưởng luôn cho một cái trù. Đến sáng, đào kép cứ theo trù thưởng mà tính tiền… Vì thế hát ả đào còn gọi là Ca trù, nghĩa là hát thẻ” [Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề 1994: 43].

[3] Dẫn lại Arthur Pederson 2002: Tài liệu hướng dẫn về di sản Thế giới (bản dịch tiếng Việt của Ủy bản Quốc gia UNESCO của Việt Nam), trang 129.

[4] Xem thêm Trần Ngọc Thêm 2004: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam các trang 294-304.

[5] Tô Ngọc Thanh 2012: “Di sản văn hóa và du lịch: Những điều còn bất cập”, in trong Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. Chính trị Quốc gia: tr.466.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.Arthur Pederson 2002: Tài liệu hướng dẫn về di sản Thế giới (bản dịch tiếng Việt của Ủy bản Quốc gia UNESCO của Việt Nam).

2.Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề 1994: Việt Nam ca trù biên khảo, Nxb TP. HCM.

3.Nguyễn Mạnh Thường 2012: Di sản thế giới ở Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân.

4.Nguyễn Thịnh 2012: Di sản Văn hóa Việt Nam – Bản sắc và những vấn đề về quản lý, bảo tồn, Nxb. Xây dựng.

5.Tô Ngọc Thanh 2012: “Di sản văn hóa và du lịch: Những điều còn bất cập”, in trong Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. Chính trị Quốc gia: tr.462-469.

6.Trần Ngọc Thêm 2004: Tìm về Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.

7.http://www.vietnamtourism.com/disan/index.php?catid=44

Nguồn: Nghệ thuật âm nhạc phương Đông: Bản sắc và Giá trị, NXB. ĐHQG 2014.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...