Sức sống đờn ca tài tử

21/03/2016

Họ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội: người là nông dân chân lấm tay bùn, người làm nghề buôn bán nhỏ, có người là công nhân, giám đốc doanh nghiệp, cũng có người là giáo viên, sinh viên, học sinh… nhưng tất cả đã cùng nhau hội ngộ, cùng chung niềm đam mê với âm nhạc tài tử. Khởi nguồn từ âm nhạc cung đình miền Trung, âm nhạc tài tử đã bén rễ, đâm chồi nảy lộc nơi vùng đất mới phương Nam.

Đam mê mãnh liệt

Căn nhà nhỏ tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn từ nhiều năm nay đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của những người yêu âm nhạc tài tử ở Hóc Môn, từ các quận huyện TPHCM và từ cả các tỉnh thành Nam bộ. Gần 10 năm qua, căn nhà nhỏ ngày nào cũng rộn vang tiếng đàn lời ca. Người từng ngày đã thắp lên ngọn lửa và khơi tình yêu âm nhạc dân tộc trong lòng bao người chính là Nghệ nhân ưu tú Lê Khắc Tùng, mọi người vẫn thường gọi ông bằng nghệ danh Thanh Tùng.


Nghệ nhân ưu tú Thanh Tùng (bìa phải) hòa đàn cùng các học trò.

Anh Lê Thanh Tuấn, 58 tuổi nhà ở quận 7, một học trò mới của thầy Thanh Tùng cho biết: “Tôi đam mê tài tử cải lương đã lâu rồi nhưng trước giờ chưa có thời gian theo học. Năm 2014, tôi tình cờ biết được thầy Thanh Tùng qua một phim tư liệu trên truyền hình, thế là tôi truy tìm địa chỉ của thầy ở Hóc Môn để xin học. Giờ có nhiều thời gian hơn vì làm nghề tự do nên tôi quyết định đi học. Thầy Tùng dạy đờn gì tôi sẽ cố gắng học hết, hiện giờ thì tôi đang học guitar phím lõm, mới có mấy ngày thôi mà thích mê. Đờn ca tài tử là nghệ thuật truyền thống mà để mai một thì uổng lắm”.

Giống như anh Tuấn, anh Nguyễn Khắc Phục, cựu giáo viên trường cấp 3 Bà Điểm cũng theo học thầy Thanh Tùng từ mấy năm nay. Anh Phục nói, học tài tử phải thường xuyên tham gia giao lưu học hỏi thì mới nhanh tiến bộ. “Học thầy Tùng, tôi được thường xuyên tham gia những buổi giao lưu, họp mặt sinh hoạt với các anh em trong nhóm tài tử nên tay nghề mau tiến bộ hơn. Giờ tôi có thể chơi được 3 cây, đờn sến, đờn kìm và guitar phím lõm”, anh Phục khoe.

Mới đây, tại Liên hoan đờn ca tài tử TPHCM giải Hoa Sen vàng, CLB cũng nhận 3 giải thưởng: 2 giải thưởng độc tấu đờn gáo, tứ ca vọng cổ và giải thưởng toàn đoàn. Mỗi tối chủ nhật, có không dưới 30 thành viên CLB đờn ca tài tử của quận 12 và các thành viên từ các CLB quận huyện khác đến tham gia sinh hoạt giao lưu tại trung tâm văn hóa quận.

Theo học thầy Thanh Tùng được gần 2 năm, bạn Diệp Gia Khang, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM được đánh giá là sáng dạ khi đã sử dụng khá thuần thục 2 cây đờn sến và đờn kìm. Nhà không ai theo nghệ thuật, nhưng Gia Khang từ nhỏ đã thích tài tử cải lương và xin theo học thầy Tùng.

Năm nay 71 tuổi, gần cả đời người gắn bó với nghiệp đờn ca tài tử, nghệ nhân ưu tú Thanh Tùng trải qua nhiều nhiệm vụ, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Hóc Môn rồi Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa TPHCM, nghệ nhân Thanh Tùng đã từng bước gầy dựng phong trào đờn ca tài tử đưa Hóc Môn thành đơn vị lớn mạnh, nhiều năm đi đầu trong âm nhạc tài tử của TPHCM. Từ những lớp truyền dạy của ông, nhiều tài tử đờn, tài tử ca đã thành danh như: nghệ sĩ Hoài Thanh, Trà Anh Dũng, Thanh Hà, nhạc sĩ Minh Nghĩa (đờn tranh), nhạc sĩ Minh Sang (đàn guitare)… Tháng nào cũng vậy, cứ vào ngày rằm, đông đảo người mộ điệu lại gặp gỡ giao lưu cùng nhau trong chương trình “Đêm trăng hội ngộ” và mỗi tối thứ 4 hàng tuần, nghệ nhân ưu tú Thanh Tùng lại tổ chức đêm giao lưu đờn ca tài tử tại phòng trà Khúc Thụy Du (đường Tô Ký, thị trấn Hóc Môn), thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia.

Từ đồng ruộng đến thị thành

Đến nay, nghệ nhân ưu tú Thanh Tùng đã xây dựng trên 40 CLB, đội nhóm tài tử với hàng trăm hội viên. Không chỉ tại TPHCM, ông Thanh Tùng và thân hữu còn tích cực gầy dựng phong trào âm nhạc tài tử hỗ trợ các tỉnh thành bạn Đồng Nai, Bình Dương, Long An, An Giang… Học trò của ông còn có người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, có người còn thâu cả đĩa nhạc tài tử đem sang nước ngoài để học như Mỹ, Pháp, Canada…

Không chỉ phát triển mạnh mẽ ở “cái nôi” các tỉnh miền Tây Nam bộ, nghệ thuật đờn ca tài tử lâu nay vẫn lan tỏa sâu rộng đến từng quận huyện, tận ngóc ngách nơi phồn hoa đô hội như TPHCM. Ngoài CLB đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa huyện Bình Chánh, nhiều người yêu thích đờn ca tài tử ở Bình Chánh lâu nay vẫn quen thuộc với những điểm hẹn thân quen tại nhà của Nghệ nhân ưu tú - nhạc sĩ Tấn Nhì hay thầy Tư Hồng.

Những điểm hẹn này đã góp phần nuôi dưỡng, tiếp lửa đam mê cho nhiều gương mặt tài tử của thành phố, đặc biệt là khơi niềm đam mê từ các bạn trẻ. Vài năm qua, các tài năng trẻ đờn ca tài tử Nguyễn Trương Thế Thanh, Nhựt Đức đã mang về nhiều giải thưởng cho đơn vị Bình Chánh trong các liên hoan đờn ca tài tử, tạo ấn tượng tốt trong lòng khán giả mộ điệu.


Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử của Trung tâm văn hóa quận 12,TPHCM.

Một trong những đơn vị được đánh giá khá thu hút trong hoạt động âm nhạc tài tử là Trung tâm Văn hóa quận 12. “CLB đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa quận 12 quy tụ nhiều thành viên trẻ so với CLB đờn ca tài tử các quận huyện khác. Lớn tuổi nhất là nhạc sĩ Văn Chức 65 tuổi và nhỏ nhất CLB là bé Hồng Anh, 10 tuổi, đang học lớp 4, còn lại phần đông chỉ khoảng trên dưới 30 tuổi thôi”, ông Khánh An, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa quận quận 12 cho hay. Các thành viên cũng xuất thân từ nhiều ngành nghề trong xã hội từ giáo viên, công nhân, tiểu thương đến học sinh, sinh viên…

Có thể nói, chưa bao giờ âm nhạc tài tử lại phát triển mạnh mẽ và lan tỏa như hiện nay. Nếu theo dõi qua các kỳ Liên hoan Đờn ca tài tử TPHCM thì sẽ thấy rõ điều này. Không chỉ có những gương mặt quen thuộc và thành danh lâu nay, làng tài tử năm 2015 còn xuất hiện những gương mặt trẻ, những chồi non đầy hứa hẹn và đầy lạc quan về một lớp trẻ sẵn sàng tiếp nối và phát huy nghệ thuật truyền thống đã được UNESCO tôn vinh. Có thể kể đến như Huỳnh Phạm Ngọc Trân (5 tuổi), Công Tuyển (5 tuổi), Phạm Thị Kha Thy (10 tuổi), Phan Thị Ngọc Châu (12 tuổi) ở Trung tâm Văn hóa Củ Chi, Nhựt Đức (13 tuổi, huyện Bình Chánh), Bảo Ngọc (12 tuổi, quận 2)…

Nhạc sĩ - thạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TPHCM lý giải vấn đề: “Để dàn dựng một vở cải lương cần phải có hàng chục diễn viên, đạo diễn, nhạc công, phục trang và đạo cụ sân khấu trong khi đờn ca tài tử thì đơn giản và gọn nhẹ hơn rất nhiều. Chỉ cần 4-5 người, thậm chí 2-3 người cũng có thể hòa đờn, hòa ca tài tử, vậy là chơi được rồi”. Rõ ràng, trong khi các sân khấu cải lương, các đoàn nghệ thuật cải lương đang trong tình cảnh đìu hiu đất diễn, vô cùng khó khăn để sáng đèn thì nghệ thuật đờn ca tài tử lại đang sống khỏe, phát triển mạnh mẽ.

(Nguồn: http://sggp.org.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...