Sự phát triển nghệ thuật âm nhạc giao hưởng ở Việt Nam

23/07/2015

Giao hưởng trong âm nhạc, đó là tiểu thuyết trong văn học. Âm nhạc giao hưởng là một trong những biểu hiện rực rỡ nhất của sự trưởng thành về trí tuệ, là đỉnh cao tư duy âm nhạc của con người, nó cho phép thể hiện được bằng âm thanh những nội dung tư tưởng súc tích, phong phú đa dạng nhất của con người, những cảm xúc sâu sắc tinh tế từ chất trữ tình đến chất anh hùng ca, từ sự lạc quan yêu đời đến nét bi thương, kịch tính, những hàm ý triết học khúc chiết với cấu trúc âm nhạc được bố cục chặt chẽ, logic và hoàn chỉnh.

Về khả năng biểu cảm mĩ học lớn lao của nó, nhà soạn nhạc Xô Viết vĩ đại nửa sau thế kỷ 20 Shostakovitch đã nói: “ Nhạc giao hưởng đứng đầu trong tất cả các thể loại. Nó súc tích bởi nội dung sâu sắc hơn cả và là bà Hoàng của Vương quốc âm nhạc”. Nhà soạn nhạc đồng thời là nhà bác học uyên thâm về khoa học âm nhạc người Nga Tanéev cũng đã từng nói: “ Nếu có những người ngoài hành tinh đến trái đất của chúng ta và muốn chỉ trong một giờ đồng hồ họ có thể có được khái niệm rõ ràng về loài người thì tốt nhất là hãy cho họ nghe bản giao hưởng số 9 của Beethoven”...

Không phải ngẫu nhiên mà Tanéev nhắc đến một tác phẩm giao hưởng, Thực vậy trong các loại hình nghệ thuật, ở đâu có thể có sự sâu sắc về nhận thức cuộc sống được kết hợp với sự tinhkhiết của từng chi tiết như thế,với tính chất trừu tượng của từng cái riêng biệt tinh tế, hay nói cách khác – với sự khái quát cao như thế!

Và cũng chính bản giao hưởng số 9 của Beethoven là tác phẩm được các quốc gia cộng đồng châu Âu gửi lên không gian để liên tục phát âm thanh vào vũ trụ như một bức thông điệp của loài người gửi tới những thiên hà xa xôi, hy vọng tìm gặp được những người anh em đang sống ở các hành tinh khác.

Với phẩm chất nghệ thuật phi thường của loại hình nghệ thuật này, ở tất cả các nền âm nhạc của mọi quốc gia, khi đạt đến một trình độ nhất định, đều hướng tới âm nhạc giao hưởng.

Giao hưởng không chỉ là tên gọi của riêng một thể loại mà còn là một phương pháp tư duy, cấu trúc, thủ pháp phát triển âm nhạc được thể hiện trong nhiều hình thức âm nhạc: Tổ khúc giao hưởng, thơ giao hưởng, Ouverture, Concerto, phác thảo giao hưởng, tranh giao hưởng...

Nền âm nhạc mới của chúng ta kể từ những ngày đầu của trào lưu “ Âm nhạc cải cách” những năm 30 của thế kỷ 20 tiếp đến các thời kỳ cách mạng tháng tám 1945 rồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thống nhất đất nước đến nay, đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Chỉ trong vòng hơn nửa thế kỷ, từ một nền nhạc mới chủ yếu chỉ có sáng tác và biểu diễn ca khúc, giới âm nhạc Việt Nam đã vươn lên bằng sự nỗ lực phi thường, dựa trên đường lối lãnh đạo hết sức đúng đắn và sáng suốt của Đảng trong mỗi giai đoạn, từ phương châm “Dân tộc, khoa học, đại chúng” của đề cương văn hóa cứu quốc thời cách mạng tháng tám đến chính sách “ Xây dựng một nền văn hóa tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” hiện nay đã hình thành nên được một cơ ngơi âm nhạc như mô hình phát triển của mọi quốc gia có nền văn hóa tiên tiến, đó là các nhạc viện chính quy, các dàn nhạc giao hưởng... có một đội ngũ các nhà soạn nhạc có khả năng sáng tác giao hưởng và các thể loại âm nhạc khác mang tính giao hưởng. Đó là quy luật phát triển có tính tất yếu của bản thân ngành nhạc, đồng thời cũng là do nhu cầu thưởng thức càng cao của công chúng, đòi hỏi các nhạc sĩ phải thể hiện, phản ánh hiện thực cuộc sống đấu tranh và xây dựng bằng những phương tiện và phương pháp tư duy xứng đáng với tầm vóc của những sự kiện lịch sử dân tộc và tâm tư tình cảm con người Việt Nam trong thời đại hiện nay.

Cho đến nay đã ra đời không ít các tác phẩm giao hưởng của các nhạc sĩ Việt Nam với nhiều hình thức, phong cách đa dạng, điều đó thể hiện những sự cố gắng tìm tòi sáng tạo để có được tác phẩm xứng đáng, mang tính giao hưởng cao và đậm đà bản sắc dân tộc. Có nhiều nhạc sĩ đã được đào tạo tại các Nhạc viện có uy tín ở nước ngoài, có những người trưởng thành từ các Nhạc viện trong nước, nhưng tất cả đều có chung một lý tưởng cao cả, phấn đấu cho một nền âm nhạc Việt Nam dân tộc và hiện đai.

Trong sự nghiệp chung về âm nhạc giao hưởng, cần đặc biệt nhấn mạnh đến sự tiến bộ vượt bậc của nghệ thuật biểu diễn, nhất là các nhạc sĩ trong các dàn nhạc giao hưởng Việt Nam hiện nay phần lớn đều được đào tạo tại các Nhạc viện trong nước, ngoài một số được học tại các Nhạc viên nước ngoài. Như vậy hầu hết đều có trình độ đại học và trên đại học. Họ có đủ trình độ để trình diễn các tác phẩm kinh điển mẫu mực của kho tàng âm nhạc giao hưởng thế giới, từ các nhà soạn nhạc cổ điển lớn như Mozart, Beethoven đến các tác giả đương đại Việt Nam và thế giới như Maler, Xenakis, Nguyễn Thiên Đạo, Tôn Thất Tiết, Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Văn Nam...

Chúng ta cũng có tài năng piano nổi tiếng thế giới Đặng Thái Sơn, nhiều nghệ sĩ độc tấu xuất sắc các nhạc cụ giao hưởng như đàn dây, kèn hơi, trong đó có những người từng xuất ngoại biểu diễn và được đánh giá cao.

Việc phát triển nền văn hóa dân tộc gắn liền với sự mở rộng giao lưu tiếp xúc với tinh hoa văn hóa của cộng đồng nhân loại cũng là một quan điểm cơ bản của Đảng được thể hiện trong văn kiện hội nghị lần thứ IV ban Chấp hành Trung ương khóa VII.

Phải thừa nhận một điều là chưa bao giờ trong lịch sử âm nhạc Việt Nam lại diễn ra những hoạt động biểu diễn sôi nổi của các nghệ sĩ quốc tế đến với chúng ta từ khắp các châu lục như trong những năm qua, kể cả các nghệ sĩ tầm cỡ rất lớn như Rostropovitch (cello) hay Uto Ughi (violon) mà tên tuổi đã đi vào huyền thoại âm nhạc thế giới.

Nhiều nhà chỉ huy nổi tiếng thế giới đã đến cộng tác trong những chương trình nâng cao chất lượng các dàn nhạc giao hưởng Việt Nam như nhạc trưởng Colin Metter của Viện hàn lâm âm nhạc Hoàng gia Anh; Fukumura Yazaki của Nhật bản; Xavier Rist của cộng hòa Pháp; Marc Kissozy của Thụy sĩ và nhiều người khác...

Nhiều nghệ sĩ nước ngoài, kể cả một số nước có nền âm nhạc phát triển cao, khi đến cộng tác biểu diễn với các dàn nhạc của ta đã tỏ ra rất ngạc nhiên và bất ngờ vì trình độ khá cao của các nghệ sĩ Việt Nam và với hoàn cảnh đất nước còn khó khăn mà chúng ta đã đào tạo và xây dựng được một đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp có khả năng tốt như vậy. Nhạc trưởng Fukumura, người từng chỉ huy nhiều dàn nhạc giao hưởng thế giới đã nhận xét về dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với những nghệ sĩ hầu hết được đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội như sau: “Tôi vô cùng thích thú vì thấy Hà Nội có một dàn nhạc giao hưởng toàn là người Việt Nam. Đây là một dàn nhạc có trình độ cao, các nghệ sĩ được đào tạo chính quy và cơ bản như thế này thì Việt Nam đã có một tài sản đáng giá ngàn vàng. Nếu được tạo điều kiện tốt hơn thì họ sẽ trở thành một trong những dàn nhạc số một của châu Á”. Nghệ sĩ của Thái Lan Premanada, nhà soạn nhạc và chỉ huy Thái Lan từng phát biểu: “ Tôi có may mắn được đi học tập và thăm nhiều Nhạc viện ở trên thế giới như ở Nhật, ở châu Âu và hầu hết các quốc gia ASEAN, phải nói rằng Nhạc viện Hà Nội (Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam) là một trong những nơi tập trung nhiều nhân tài nhất mà tiếc rằng còn ít người biết về các bạn”.

Và nữ nghệ sĩ người Mỹ, giáo sư piano Bastresser thì bày tỏ: “Tôi rất sung sướng được đến Việt Nam và được biểu diễn với một dàn nhạc tuyệt vời như các bạn”.

Nhạc viện Hà Nội đã từng vinh dự được nhận “Giải thưởng Hoàng gia dành cho các nghệ sĩ xuất sắc” công nhận những cố gắng trong các chương trình phát triển tiềm năng của các nghệ sĩ trẻ. Giải thưởng của Hội đồng nghệ thuật Nhật bản nhằm hỗ trợ các dự án trực tiếp có liên quan đến việc giáo dục và khuyến khích các tài năng trẻ.

Trên đây đã giới thiệu về các nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam, còn về phần chúng ta, dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Hà Nội đã lần đầu tiên xuất ngoại biểu diễn tại Tokyo trong dịp liên hoan âm nhạc châu Á và đã dành được thành công rất tốt đẹp với một chương trình biểu diễn có tầm cỡ quốc tế, và dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam cũng đã có những chuyến đi lưu diễn thắng lợi tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc và Mỹ

Những sự kiện như thế tự nó nói lên sự lớn mạnh rõ rệt của nghệ thuật biểu diễn âm nhạc giao hưởng và đó cũng là sự chứng minh hùng hồn về nền giáo dục đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp của chúng ta đã trưởng thành như thế nào.

Thế nhưng, nghệ thuật giao hưởng của chúng ta ra đời sau châu Âu hàng 2 thế kỷ, với tính chất phổ biến truyền thống của nó, âm nhạc giao hưởng – kể cả sáng tác biểu diễn cũng như đào tạo – đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn chú trọng tham bác, nghiên cứu các lĩnh vực liên quan của thế giới để kiểm tra đối chiếu thường xuyên với những hoạt động của mình. Như vậy mới có thể tạo được một cái nhìn tổng thể và toàn diện về nghệ thuật này trong hoàn cảnh cụ thể của nước ta, đồng thời nghiên cứu phát hiện được những vấn đề, để có thể đề xuất ra những biện pháp nhằm phát triển nền nghệ thuật giao hưởng Việt nam trong những bước đường tiếp theo. Và như trên đã nói, tính chất giao lưu quốc tế rất rộng lớn của loại hình này đòi hỏi việc tìm hiểu thế giới phải được xem như là một mắt xích liên hoàn và logic với nền giao hưởng trong nước, đó là sự“biết mình biết người” để tạo nên những thành công.

Mặt khác chúng ta đều biết, âm nhạc giao hưởng đối với đông đảo thính giả Việt Nam còn là điều mới mẻ, việc xây dựng đào tạo nên một đối tượng công chúng rộng rãi có thị hiếu thưởng thức loại hình nghệ thuật này là rất cần thiết, phải tiến hành nhiều biện pháp để tạo điều kiện cho công chúng được tiếp cận nhiều và sâu với nghệ thuật này trên các phương tiện thông tin, truyền thanh, truyền hình, trong các cuộc hòa nhạc có dẫn giải, giao lưu trực tiếp với thính giả. Cần xuất bản các tập sách nhỏ giới thiệu tác phẩm giao hưởng trongvà ngoài nước một cách ngắn gọn nhưng súc tích, giúp người nghe dễ dàng hơn khi thưởng thức. Chủ động đi vào công chúng, tìm tới công chúng để phục vụ là phương châm của nhiều cơ sở âm nhạc chuyên nghiệp trên thế giới hiện nay, kể cả giao hưởng và Opera cũng không là điều ngoại lệ đối với chúng ta. Việc giáo dục âm nhạc trong các trường văn hóa phổ thông là rất quan trọng góp phần hình thành nên những lớp thính giả tương lai cho âm nhạc giao hưởng cũng được các nước tiên tiến không hề xem nhẹ. Họ rất coi trọng đến sự nối tiếp các thế hệ công chúng thưởng thức âm nhạc. Ngoài các trường văn hóa là các trường nhạc bao trùm một cách hệ thống khắp các vùng miền trên lãnh thổ của cả nước, từ các lớp sơ cấp âm nhạc đến nhạc viện. Bởi vậy trong hành trang văn hóa của mỗi công dân đều có những kiến thức cơ bản về thểm mỹ âm nhạc. Đó là những việc mà chúng ta hiện nay còn rất ít quan âm và cần mau chóng nghĩ đến việc thực hiện trước khi là quá muộn.

Nghệ thuật âm nhạc giao hưởng Việt Nam tuy còn rất non trẻ so với lịch sử hơn 200 năm của thế giới nhưng đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận và rất đáng khích lệ về cả ba phương diện sáng tác biểu diễn và đào tạo (mặc dầu ở những mức độ khác nhau), nó có khả năng hội nhập với khu vực và thế giới, nhưng cho đến nay, trải qua đã nhiều thập kỷ kể từ ngày thành lập dàn nhạc giao hưởng đầu tiên ở nước ta, đã diễn ra rất nhiều sự kiện tác động ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến sự thăng trầm của loại hình nghệ thuật này nhưng chưa có một công trình nghiên cứu nào đề cập một cách sâu sắc và có hệ thống đến toàn cảnh hoạt động của nó. Bởi vậy đã đến lúc chúng ta cần bước đầu tiến hành tổng kết về những hoạt động của nghệ thuật giao hưởng Việt Nam trên các mặt sáng tác, biểu diễn, đào tạo trong thời gian qua dựa trên những khảo sát khoa học, phân tích so sánh, điều tra tư liệu một cách khách quan về thực tiễn hoạt động của các dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, các tác phẩm âm nhạc giao thưởng, các chương trình biểu mục trong và ngoài nước được dàn dựng trình diễn, các giáo trình đào tạo nghệ sĩ giao hưởng của các Học viên, Nhạc viên... Qua đó xác định được những nguyên nhân thành tựu và tìm ra những vấn đề còn tồn tại cần giải quyết khắc phục để có những biện pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển rạng rỡ của nó trong tương lai. Đồng thời cũng chứng minh được tính tất yếu của quá trình lịch sử tích hợp và tiếp biến nền văn hóa phương Tây nói chung và âm nhạc nói riêng ở Việt Nam, sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia trong cộng đồng nhân loại. Khẳng định âm nhạc giao hưởng là tinh hoa của văn hóa thế giới, là thành quả chung của loài người tiến bộ, là một trong những bộ môn nghệ thuật có ngôn ngữ mang tính phổ quát và đồng cảm cao nhất của con người, nó đóng góp một cách hết sức hiệu quả vào sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Đây là một lĩnh vực nghệ thuật không thể thiếu vắng trong nền văn hóa tiên tiến của mỗi quốc gia. Bởi vậy chúng ta cần không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, biểu diễn, sáng tác âm nhạc giao hưởng để có thể xứng đáng vươn lên ngang tầm quốc tế sánh vai với các cường quốc âm nhạc năm châu. Tiếp tục phát huy nội lực phát triển nền nghệ thuật cao quý này trong nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc của tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa như Đảng ta đã đề ra.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...