Sự cần thiết trong việc mở rộng qui trình dạy và học môn Sáng tác tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

03/11/2014

Có một thực tế là, số lượng học sinh và sinh viên mong muốn và thực thi vào khoa Sáng tác ngày càng giảm, về cả số lượng lẫn chất lượng. Ngay cả khi các em đã thi đậu vào khoa, phần đông tỏ ra chậm chạp trong học tập, trễ nải trong sáng tạo, thậm chí một số em còn bỏ dở giữa chừng..

Điều này hoàn toàn khác với thế hệ chúng tôi, những cựu sinh viên đã từng nhập học từ hệ Trung cấp 1987, tiếp tục lên bậc Đại học năm 1991, và tốt nghiệp năm 1995. Từ đó đến nay đã gần 20 năm trôi qua. Trong suốt quá trình học sáng tác ngày ấy, chưa hề có máy tính, chúng tôi không có điều kiện và cơ hội tiếp xúc với công nghệ và máy móc điện tử, thậm chí điện thoại còn khan hiếm và là món đồ xa xỉ đắt tiền. Khi ấy nhạc POP mới manh nha hình thành ở miền Bắc, còn tôi thì dành gần hết thời gian rảnh cuối tuần để lục đống đĩa than ở thư viện, toàn đĩa nhạc cổ điển do Liên Xô và các nước Đông Âu viện trợ, nghe trên những máy quay đĩa cũng do Liên Xô và Cộng hoà Dân chủ Đức sản xuất, vừa nghe vừa mầy mò xem và đọc những tập tổng phổ cổ điển dày cộp. Về nhà thì nghe radio, Đài tiếng nói Việt Nam ngày đó dành khá nhiều thời gian phát sóng nhạc cổ điển và lãng mạn, rồi bài hát cách mạng và hợp xướng, thình phòng, ca khúc nghệ thuật của những nhà soạn nhạc lão thành Việt Nam

Ngày nay, từ trước khi thi vào khoa Sáng tác, phần lớn (hay có thể nói là toàn bộ) các em đều đã nghe và sống trong thế giới âm nhạc rất khác, đa dạng và rộng mở hơn nhiều. Âm nhạc đến từ nhiều nguồn băng đĩa, phát thanh, truyền hình và đặc biệt là internet thông qua các thế hệ máy tính và điện thoại thông minh mà hầu như em sinh viên nào cũng có thể sở hữu. Tuy nhiên, sự mở và dễ tiếp cận ấy cũng có mặt trái chiều theo qui luật thị trường giải trí, dễ làm dễ nghe và dựa quá nhiều vào máy móc công nghệ, làm xong nghe xong quên ngay. Điều này hoàn toàn ngược lại với âm nhạc bác học và định hướng giảng dạy môn Sáng tác tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, một loại hình âm nhạc phức tạp, học lâu và kỹ, soạn cho dàn nhạc dù là nhỏ hay lớn đều rất công phu, nghĩ nhiều, tư duy gian khổ, nhưng tác phẩm viết ra hầu như khó có cơ hội biểu diễn vì ai trong nghề cũng hiểu, dàn nhạc là phức tạp và rất tốn kém! mà ngay cả nếu có dịp biểu diễn thì khán giả cũng không đông, nhọc công sáng tạo dàn dựng và trình diễn cũng chỉ được một lần (xong cất tổng phổ vào ngăn kéo có khi mãi mãi..)

Ngay cả những nước phát triển, môn học Sáng tác cho dàn nhạc gồm hàng ngũ giảng viên, sinh viên và các thế hệ đã ra trường trở thành nhà soạn nhạc, và rộng hơn gồm các nghệ sĩ biểu diễn hợp lại thành dàn nhạc nhỏ hoặc dàn nhạc giao hưởng lớn, đều cần có sự hỗ trợ của nhà nước, Bộ Văn hóa, các quĩ công và tư, các trung tâm nghệ thuật, và từ những nhà hảo tâm nữa. Nhưng ở Việt Nam thì các nguồn lực hỗ trợ trên rất hạn chế, ngoài sự bảo trợ nhỏ của nhà nước thông qua Bộ Văn hóa và Hội nhạc sĩ Việt Nam, thì các nguồn còn lại gần như không tồn tại, hay chưa xuất hiện, hoặc không biết tìm ra chúng ở đâu!

Thực trạng đó dẫn đến việc toàn bộ các sinh viên Sáng tác tốt nghiệp xong thì bị thả nổi tới mức gần như không còn cơ hội hoạt động theo chuyên môn đã được đào tạo, tác phẩm nếu cố sáng tác ra thì cũng không biết gửi đi đâu và tìm dàn nhạc nào biểu diễn, diễn xong thì để làm gì? và ngay cả số lượng dàn nhạc ít ỏi đếm trên đầu ngón tay tại Việt Nam cũng đang rất vất vả tìm cách tồn tại và lên chương trình hàng tháng, hàng năm loay hoay trong số ngân sách nhỏ bé của nhà nước

Thực tế cuộc sống, dân trí và xã hội hiện nay đặt ra câu hỏi cực lớn "tiếp tục đào tạo Sáng tác theo phương cách cũ, hay phải thay đổi?", tôi nghĩ rằng nên và cần phải thay đổi

Bài viết ngắn này nhằm nêu vấn đề về sự cần thiết phải thay đổi Qui trình dạy và học Sáng tác tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, còn thay đổi như thế nào, tôi chỉ xin nêu gợi ý

1. Trong cách dạy, nên cân nhắc đến năng lực và mong muốn của học viên, như khi học viên có nền tảng về âm nhạc truyền thống và mong muốn sáng tác cho nhạc cụ truyền thống, ta nên ủng hộ và hướng học viên đi sâu hơn vào âm nhạc truyền thống, bên cạnh việc nắm vững kiến thức sáng tác cho nhạc cụ và dàn nhạc giao hưởng. Đi xa hơn, ta có thể mở rộng việc thi đầu vào và thi tốt nghiệp, thậm chí có thể ghi chú trong bằng tốt nghiệp rằng học viên chuyên sâu về âm nhạc truyền thống và tốt nghiệp mảng sáng tác cho nhạc cụ truyền thống Việt Nam

2. Tương tự với học viên có xu hướng sử dụng công nghệ, máy tính và nhạc điện tử, ta nên cân nhắc mở thêm bộ môn "Công nghệ Âm nhạc" như tôi đã từng đề đạt nhiều năm về trước, để học viên có thêm lựa chọn học và sáng tạo âm nhạc sử dụng công nghệ, máy tính và điện tử bên cạnh việc luyện viết cho nhạc cụ và dàn nhạc giao hưởng. Như vậy đầu ra cũng có thể ghi chú rằng "học viên chuyên sâu về công nghệ âm nhạc", hoặc nếu ta mở thêm bộ môn Công nghệ Âm nhạc trực thuộc khoa Sáng tác, thì học viên có thể chuyên tâm về công nghệ âm nhạc (bao gồm rất nhiều thành phần bên trong, như nhạc điện tử, sản xuất âm nhạc, hòa âm và nhạc nền cho phim, cho các chương trình ca nhạc khác nhau, nhạc cho múa, cho sân khấu, nhạc game và nhạc nền thời trang..)

3. Bản thân việc dạy và học về nhạc cụ và dàn nhạc giao hưởng cũng có thể mở rộng, như ngoài việc luyện sáng tác các tác phẩm độc lập, học viên có thể học cách sử dụng chính các nhạc cụ và dàn nhạc giao hưởng làm nhạc nền (soundtrack), nhạc phim, nhạc múa và nhạc cho sân khấu.., hướng này ít nhiều có thể ứng dụng vào đời sống và phần nào có tính thực tiễn hơn cho học viên sau khi tốt nghiệp Sáng tác

4. thậm chí, khi học viên có xu hướng viết bài hát (ca khúc) đơn thuần, ta vẫn nên khuyến khích bằng cách mở cho học viên luyện và trình bày bài hát (bài hát nghệ thuật đệm piano hoặc guitar, viết hợp xướng có hoặc không có nhạc đệm, viết bài hát POP có cá tính riêng thay vì chỉ chạy theo thị trường..). Tất nhiên trong các trường hợp, việc dạy và học các nhạc cụ và dàn nhạc giao hưởng vẫn song song với hướng mới mở ra theo thực tế của học viên

Trên đây là vài đề xuất hướng tới việc mở rộng và đa dạng hóa qui trình dạy và học môn Sáng tác, tôi rất mong sẽ nhận được những ý kiến đóng góp cùng chung sức và linh hoạt thích ứng với những điều kiện và hoàn cảnh hiện tại của Khoa Sáng tác, cũng như thực tế của Học viện Âm nhạc Quốc gia nói chung

 

T

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...