Sự cần thiết trong chiến lược xây dựng và hình thành lớp công chúng thưởng thức âm nhạc

25/06/2014

Một thực tế đáng buồn là những chương trình có tính thẩm mỹ cao như: Giao hưởng, nhạc thính phòng, nhạc kịch, thanh xướng kịch, kịch múa không có đông đảo công chúng (đại chúng) thưởng thức mà chỉ là những đêm nhạc dành cho những người làm nghề đến để thưởng thức.

Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính, sự phát triển về cơ sở hạ tầng, đời sống chính trị, kinh tế, xã hội... đời sống văn hoá, tinh thần của người dân Thủ đô thời gian gần đây được nâng lên đáng kể.

Nếu như trước đây, những chương trình hoà nhạc giao hưởng, thính phòng chỉ diễn ra thưa thớt ở Nhà hát lớn Hà Nội thì nay các chương trình của Nhà hát giao hưởng VN, Nhà hát nhạc vũ kịch, Học viện âm nhạc Quốc gia được lập kế hoạch biểu diễn định kỳ và những chương trình giao lưu hợp tác quốc tế gần như dày đặc. Chương trình biểu diễn của các Nhà hát như: Nhà hát tuổi trẻ, Nhà hát Chèo, Nhà hát Đài TNVN, Nhà hát Ca múa nhạc VN, Nhà hát ca múa Thăng Long... luôn sáng đèn với những chương trình phong phú, có chất lượng nghệ thuật. Đặc biệt, các câu lạc bộ, các sinh hoạt văn hoá ở các tụ điểm văn hoá với các mô hình xã hội hoá văn hoá, nghệ thuật đang dần đi vào ổn định và có những bước khởi sắc như: Trung tâm phát triển nghệ thuật VN, câu lạc bộ ca trù Thăng Long, Bích câu đạo quán... đã góp phần khômg nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy vốn cổ của dân tộc. Những chương trình của Luala concer là một điển hình của việc đưa âm nhạc, nghệ thuật đỉnh cao đến với đại chúng.

Cùng với hoạt động biểu diễn gọi là bề nổi có thể nhìn thấy, cảm nhận một cách rõ rệt, thì một hoạt động khác trong lĩnh vực âm nhạc chuyên nghiệp của thủ đô cũng đáng tự hào, đó là đội ngũ các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhạc công là hội viên của Hội âm nhạc Hà Nội, Hội nhạc sĩ VN đã có nhiều hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp như tổ chức toạ đàm, hội thảo, bàn tròn âm nhạc, nhằm thúc đẩy, khuyến khích các nhạc sĩ sáng tạo, nghệ sĩ biểu diễn giới thiệu tác phẩm mới. Đặc biệt, trong suốt hơn một nhiệm kỳ vừa qua của Hội âm nhạc Hà Nội, nhiều hoạt động được tổ chức và trở thành sinh hoạt định kỳ, là nơi gặp gỡ, trao đổi nghề nghiệp giữa các nhạc sĩ, nghệ sĩ lớn tuổi với lớp nhạc sĩ nghệ sĩ trẻ tuổi nhằm tìm ra tiếng nói chung trong ngôn ngữ, bút pháp sáng tạo nghệ thuật, qua đó tìm ra những khía cạnh nổi bật, những phát hiện mới trong sáng tạo của mỗi tác giả.

Cũng cần khẳng định chắc chắn rằng: thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, là nơi hội tụ những tinh hoa của nghệ thuật từ cổ truyền đến bác học. Không có một thành phố nào trên thế giới lại có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, âm nhạc ngợi ca về vẻ đẹp cổ kính, những thâm trầm, rêu phong của Hà Nội xưa và ngày nay là HN của hội nhập và phát triển. Những tượng đài âm thanh, những câu chuyện âm nhạc ấy là sự đóng góp công sức, trí tuệ của hàng trăm nhạc sĩ Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

Những thành tựu đạt được trong đời sống tinh thần của người dân thủ đô, công đầu thuộc về lãnh đạo cũng như những người làm công tác quản lý văn hoá, nghệ thuật của từng đơn vị nghệ thuật; những đóng góp to lớn của đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, nghệ nhân - những người đã và đang âm thầm, nỗ lực vì một nền âm nhạc VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ của những người làm chuyên môn, có chuyên môn và ở tầm vĩ mô, thì tất cả mọi hoạt động âm nhạc trên địa bàn thành phố chưa có sự liên kết chắt chẽ giữa các cấp, các ngành, chưa tạo ra tiếng nói đồng thuận trong việc định hướng thẩm mỹ, nhân cách, chưa tạo ra một môi trường âm nhạc lành mạnh thật sự. Khi có bất cứ một sự vật, hiện tượng nào đó có phần nhạy cảm trong lĩnh vực âm nhạc, lập tức báo chí thì bới móc, các cơ quan quản lý thì đổ thừa cho nhau mà chưa bao giờ cùng ngồi lại bàn bàn để có tiếng nói đồng thuận khi giải quyết các vấn đề nảy sinh về tranh chấp bản quyền, về các lỗi kỹ thuật, văn hóa ứng xử… nói chung là các vấn đề liên quan đến âm nhạc.

Một thực tế đáng buồn là những chương trình có tính thẩm mỹ cao như: Giao hưởng, nhạc thính phòng, nhạc kịch, thanh xướng kịch, kịch múa... không có đông đảo công chúng (đại chúng) thưởng thức mà chỉ là những đêm nhạc dành cho những người làm nghề đến để thưởng thức. Mặc dù, gần đây, một số nghệ sĩ, nhạc sĩ có tâm huyết sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp, đã đến với công chúng bằng những buổi hòa nhạc thính phòng trong chương trình Luala concert, âm nhạc đường phố; nhiều nhóm, câu lạc bộ đưa âm nhạc truyền thống như Ca trù, Xẩm, Châu văn, Quan họ đến với học sinh các trường phổ thông, các không gian diễn xướng ngoài trời, nơi công cộng, không bán vé mà chỉ cốt để quảng bá âm nhạc Việt Nam và đưa âm nhạc bác học cổ điển thế giới đến gần hơn với công chúng. Song song với các hoạt động ấy, còn có những buổi giới thiệu tác giả, tác phẩm, những cuộc tọa đàm về sáng tác về đề tài lịch sử trên sóng phát thanh, truyền hình nhằm góp phần trang bị cho công chúng thưởng thức những hiểu biết nhất định. Một khía cạnh khác cũng rất quan trọng, đó là việc giáo dục âm nhạc trong nhà trường nhằm giáo dục trẻ về nhân cách, thẩm mỹ, hướng trẻ tới Chân - Thiện - Mỹ. Tuy nhiên, nhiều cấp lãnh đạo chưa thực sự hiểu sâu sắc về sự ảnh hưởng và tầm quan trong của việc giáo dục âm nhạc và coi đó như một môn phụ, thậm chí còn bị bỏ qua, thì làm sao các em có thể hiểu và có những kiến thức cần thiết cho bản thân.

Nếu từ góc độ báo chí, nhìn từ âm nhạc Hà Nội, rộng ra toàn cảnh âm nhạc của cả nước, thì phải khẳng định rằng đời sống âm nhạc Hà Nội vẫn cao hơn một mức so với các tỉnh, thành phố khác. Các nhiễu loạn, rối ren trong lĩnh vực âm nhạc của Thủ đô cũng ít hơn, đặc biệt những sáng tác có lời lẽ thô tục, thiếu tính nghệ thuật, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của Người VN nói chung, người Hà nội nói riêng không nhiều và không phải điển hình. Tuy nhiên, dưới góc độ người thưởng thức, thì lại xuất hiện một lớp công chúng mà trình độ thẩm thấu, thưởng thức nghệ thuật ở mức độ hạn chế, thậm chí thấp kém. Vẫn xuất hiện những chương trình ca múa nhạc tạp kỹ chưa thực sự xứng tầm nghệ thuật, nhưng lại ngang nhiên đứng trong những nhà hát sang trọng mà trước đây vốn chỉ dành cho âm nhạc đỉnh cao và những người có trình độ nhất định đến để thưởng thức nghệ thuật một cách văn minh chứ không phải nơi để những người có tiền sẵn sàng bỏ ra cả vài triệu động chỉ đến để ngắm ca sĩ…

So với Thành phố Hồ Chí Minh thì số lượng phòng trà ca nhạc và ca sĩ thị trường không nhiều, nhưng nếu việc quản lý lỏng lẻo thì sẽ ngày càng tạo nên một lớp công chúng thưởng thức ở mước độ thấp chứ không thể góp phần nâng cao được đời sống tinh thần, vì với cơ chế xã hội hóa ồ ạt trên mọi lĩnh vực, trong đó có âm nhạc; kinh tế thị trường leo thang, xô bồ không định hướng sẽ một sớm một chiều đẩy âm nhạc Thủ đô cũng rơi vào thảm họa như những gì chúng ta thấy. Điều đó dễ hiểu bởi giáo dục kỹ năng sống, giáo dục thẩm mỹ, nhân cách trong các nhà trường chưa thực sự được quan tâm đúng mức thì làm sao những lớp mầm non lớn lên trưởng thành có đủ bản lĩnh, tự trang bị cho mình những kiến thức cần và đủ để miễn dịch với những thứ văn hóa độc hại, kém chất lượng, nhất là khi các trang mạng xã hội ngày một nhiều và dường như đã vượt xa tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý. Đấy là cơ hội để cho những tác phẩm thiếu văn hóa, kém chất lượng tự do công khai phát tán trong đời sống đương đại.

Từ thực tế công việc của một người làm báo và trách nhiệm của một Hội viên của Hội âm nhạc HN - Hội nhạc sĩ Việt Nam, tôi cũng xin mạo muội đưa ra một vài ý kiến ngõ hầu góp một tiếng nói nhằm xây dựng một lớp công chúng thưởng thức nghệ thuật xứng tầm công dân thủ đô văn hiến.

1. Cần phát huy tối đa vai trò xung kích của Dàn hợp xướng Harmoni – Hội ANHN trong việc đưa âm nhạc đến với học sinh các trường phổ thông bằng những bài hát bắt buộc như: Quốc ca, Đội ca, Đoàn ca, Quốc tế ca và một chùm ca khúc về Hà Nội (kiểu như: Thăng Long hành khúc).v.v làm được việc này thì phải có sự phối hợp giữa Hội âm nhạc HN với Sở Giáo dục Đào tạo của Thành phố và nhất thiết phải có sự vào cuộc, chỉ đạo trực tiếp của Ban tuyên giáo Thành ủy, Thành phố HN, bởi việc mở rộng địa giới hành chính với rất nhiều những sự thay đổi, phát triển mang tính chiến lược thì lĩnh vực đời sống tinh thần của người dân những nơi đó chưa thực sự được quan tâm và đẩy mạnh. Điều đó ít nhiều làm chậm quá trình phát triển tri thức của công dân thủ đô. Nhìn ra thế giới, nhiều nước, trong các trường phổ thông, môn âm nhạc trở thành môn học chính, bắt buộc để các em hoàn thiện bản thân, từ đó, họ xây dựng được một lớp công chúng kế cận biết thưởng thức âm nhạc. Đây không phải là điều mơ ước viển vông của những người làm nghệ thuật chư chúng ta mà cái đích chúng ta cần là phải có chiến lược để vươn tới. Vì thế, các nhà chức trách cần thiết phải xây dựng một chiến lược trước mắt, lâu dài để có thể trở thành một nghị quyết của Thành phố trong việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá… Để hình thành nhân cách một con người, ngoài việc giáo dục tri thức, thì vai trò của âm nhạc góp phần quan trọng không thể thiếu. Ở đây xin nêu một ví dụ dẫn chứng là nghệ sĩ Phạm Thị Huệ và những thành viên trong câu lạc bộ Ca Trù Thăng Long đã tìm nhiều cách để bảo tồn và truyền nghề. Mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng Huệ là một trong những nghệ sĩ trẻ gây được tiếng vang và uy tín với công chúng ở nhiều nước. Đặc biệt là dự án đưa âm nhạc cổ truyền (trong đó có ca trù) vào trong giáo dục học đường tại các trường Quốc tế của Mỹ (Academi). Từ 1 buổi nói chuyện và chơi nhạc ngẫu hứng với học trò của trường Academi tại Hà Nội, Phạm Thị Huệ đã có những buổi nói chuyện với học sinh của nhiều trường từ các cấp 1,2 3 tại nhiều tiểu bang của Mỹ và ở cả Hồng Kông. Vậy câu hỏi đặt ra là người nước ngoài mê nhạc Việt, tại sao người Việt chưa say? Nghệ sĩ giỏi - chúng ta không thiếu - vậy hướng đi, cách làm của chúng ta đã thực sự lôi cuốn lớp trẻ yêu thích âm nhạc cổ truyền hay chưa? Bản thân chính các nhà chức trách cũng chưa coi trọng những người nắm giữ báu vật sống cũng như những người đang góp phần bảo tồn, giữ gìn và truyền bá vốn cổ, thì làm sao chúng ta có thể giữ vững được những danh hiệu mà Unesco đã tôn vinh? Từ cuộc Hội thảo này, tôi khẩn thiết đề nghị BCH Hội đề xuất với Ban tuyên giáo Thành ủy, Sở giáo dục đào tạo xây dựng lộ trình cụ thể và hướng đi thích hợp cho việc giáo dục âm nhạc trong hệ thống các trường của Thủ đô Hà Nội (có thể triển khai ở từng cấp học).

2. Hội Âm nhạc Hà Nội gần 2 nhiệm kỳ vừa qua đã làm rất tốt vai trò của mình đối với một Hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, các hoạt động âm nhạc chỉ ở mảng sáng tác, biểu diễn, còn mảng lý luận phê bình thì chỉ trông chờ vào những cuộc hội thảo, bàn tròn được thực hiện kết hợp với trường Đại học nhạc hoạ TW, Hội Nhạc sĩ VN và Đài TNVN và cũng chỉ dừng lại ở hoạt động của một tổ chức Hội nghề nghiệp. Vì thế cũng mong BCH Hội tiếp tục đề xuất với Thành ủy, Báo Hà Nội mới, Đài THHN xây dựng những chương trình thường thức âm nhạc, góp tiếng nói của những người làm chuyên môn nhằm định hướng thẩm mỹ, chấn hưng, bảo vệ trước sự xâm nhập, xô bồ của thì trường âm nhạc ngoại lai và cả những độc hại trong nội tại âm nhạc thủ đô.

3. Một phần không nhỏ công chúng hôm nay chưa được trang bị những kiến thức cơ bản, chưa phân biệt được cái hay, cái đẹp trong âm nhạc cho nên khi thưởng thức có phần theo cảm tính, vô thức. Bệnh cạnh đó, các nhà quản lý văn hóa, những nhà hoạt động văn hóa còn chưa thực sự thấy cần thiết phải chấn hưng, nên vẫn còn có sự dung túng cho các ấn phẩm băng, đĩa, sách, báo, tạp chí, các trang mạng tung hoành trong một thời gian dài từ chỗ không định hướng, không kiếm soát dẫn đến mất khả năng kiểm soát. Vì thế Hội âm nhạc HN nhất thiết phải có tiếng nói quyết định về chuyên môn trên các diễn đàn, các chương trình nghệ thuật hay các sự kiện văn hóa của Thủ đô.

4. Ở các thành phố trên thế giới việc những nhóm nhạc đủ các hình thức, thể loại có mặt trên đường phố như một lẽ tự nhiên. Có người mưu sinh bằng nghề chơi nhạc ở đường phố, có người đam mê và muốn đưa một loại hình mới đến công chúng.v.v Ở Hà Nội, từ sự đam mê tận hiến của nhóm các nghệ sĩ đã dẫn tới chương trình Luala concert đến với đông đảo công chúng, góp phần không nhỏ nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc cho nhân dân, đã tạo cho không gian của Thành phố thêm văn minh, lịch sự. Thiết nghĩ để Hà Nội thực sự trở thành thành phố vì hòa bình, thành phố ngàn năm văn hiến, thì lãnh đạo thành phố cũng nên quan tâm đầu tư kinh phí, cũng như có định hướng trong chiến lược xây dựng văn hóa, du lịch của thành phố nhằm khích lệ, khơi gợi sự sáng tạo nghệ thuật nhưng cũng góp phần thu hút khách du lịch, quảng bá hoạt động văn hóa, âm nhạc của Thủ đô tới bạn bè quốc tế, đem lại cho đời sống tinh thần của người dân thủ đô thực sự lành mạnh. Vì dụ như: Chúng ta đã có phố đi bộ, phố ẩm thực, tại sao lại không xây dựng một không gian riêng cho nghệ thuật? Ví dụ như quanh khu vực Hồ Gươm làm nơi để các họa sĩ ký họa, các nhóm nhạc đường phố trình diễn; hay dành những nơi trang trọng cho nhạc giao hưởng, thính phòng ở Nhà bát giác vườn hoa Lý Thái Tổ, Nhà hát Lớn, hay Xẩm ở khu vực chợ Đồng Xuân, Ca trù ở Hàng Buồm, rồi không gian cho âm nhạc thịnh hành như: Hip Hop, Dance…ở các quảng trường, công viên, khu vui chơi v.v Tất cả những hoạt động này đều có sự kiểm soát, cấp phép và chỉ đạo trực tiếp của Thành phố. Bước đầu thành phố có thể phải bỏ tiền đầu tư cho dự án tổng thể này về cơ sở hạ tầng cho từng khu vực, nhưng lợi nhuận thu về cho việc nâng cao trình độ dân trí không thể đo đếm bằng vật chất từ Du Lịch, văn hóa và thương mại.

Ở đây xin đưa ra dẫn chững cụ thể: Hiện nay Thành phố Đà Nẵng được đánh giá là thành phố thân thiện, một nơi lý tưởng để sống. Đi trên những con đường dọc Sông Hàn hay bãi biển Mỹ Khê, các loa phát thanh cộng cộng luôn vang lên những bản nhạc không lời du dương hay những bài hát về Đà Nẵng, về Sông Hàn vang lên nghe thật tuyệt, vậy với Thành phố chúng ta thì sao? Chúng ta đã quy hoạch khu phố cổ với nhiều hạng mục nhưng lại không có sự thống nhất về mọi thứ, trong đó một phần liên quan đến âm nhạc. Nếu như Thành phố ra quyết định yêu cầu thực thi tại một vài ngã tư chính với khẩu hiệu: Ngã tư không động cơ, chỉ có âm nhạc thì sao? Chắc hẳn sẽ văn minh hơn rất nhiều. Còn đối với các điểm du lịch, chúng ta chỉ có những bài hát về Hà Nội thì sao? Tôi nghĩ những điều đó sẽ mang lại cảm giác tuyệt vời cho chính người dân Thủ đô và cả du khách khi đến HN.

5. Hội âm nhạc Hà Nội cần tham mưu với cơ quan quản lý văn hóa để lập kế hoạch cho một giải pháp mang tính chiến lược lâu dài 5 năm, 10 năm, nhằm xây dựng một lớp công chúng biết thưởng thức âm nhạc đỉnh cao. Chắc chắn những thứ âm nhạc tầm thường sẽ không có đất sống, sẽ tự bị đào thải khỏi đời sống tinh thần của người dân. Đặc biệt khi được trang bị những yếu tố cần và đủ, người nghe sẽ tự miễn dịch với những thứ âm nhạc độc hại, tự đào thải chúng ra khỏi đời sống tinh thần.

Tôi cũng có suy nghĩ trăn trở rằng: chúng ta có hàng ngàn tác phẩm về Hà Nội và nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chúng ta đã có một tuyển tập tác phẩm về Hà Nội, nhưng chưa bao giờ Thành phố hay Hội nghề nghiệp tổ chức bình chọn top 10 bài hát hay nhất về Hà Nội qua các thời kỳ và được phổ biến như những bài hát bắt buộc trong các trường học, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Tôi xin đề xuất sáng kiến: phát động cuộc bình chọn 10 bài hát Hay nhất về Hà Nội trong 10 năm đầu của thế kỷ 21 (từ 2001 -2010), nhân việc Hội âm nhạc Hà Nội ra mắt trang điện tử của Hội Âm nhạc Hà Nội. Mỗi tháng tổ chức biểu diễn 1 chương trình giới thiệu những tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao và có số lượng người bình chọn cao nhất. Cuối cùng là 1 đêm Gala công bố và trao giải thưởng đúng vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng thủ đô 10/10/2014.

Xin đưa ra 1 ví dụ tham khảo: Tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013 - 2020". Đề án được thực hiện trong 8 năm (từ 2013 - 2020) với tổng kinh phí 64 tỷ 880 triệu đồng trích từ ngân sách của tỉnh dành cho 5 tiểu dự án bao gồm: Tiểu dự án 1: Chương trình truyền dạy dân ca Quan họ Bắc Ninh, kinh phí đầu tư 6 tỷ 380 triệu. Tiểu dự án 2: Chương trình đầu tư xây dựng và tu bổ các thiết chế văn hoá liên quan đến di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh, kinh phí 41 tỷ. Tiểu dự án 3: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh kinh phí 12 tỷ 500 triệu. Tiểu dự án 4: Sưu tầm, phục dựng các hình thức hát Ca trù tại tỉnh Bắc Ninh và truyền dạy hát Ca trù tại cộng đồng, kinh phí 2 tỷ. Tiểu dự án 5: Đầu tư hỗ trợ mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ phục dựng, tôn tạo các thiết chế văn hóa liên quan đến Ca trù, kinh phí 3 tỷ (theo TTXVN). Với Thành phố Hà Nội, nơi hội tụ rất nhiều di sản văn hóa được Unesco công nhận, thì việc đầu tư kinh phí cho việc bảo tồn các di sản văn hóa, trong đó có âm nhạc, là rất cần thiết.

Vấn đề văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng có rất nhiều thứ cần bàn, cần trao đổi. Qua đây, chỉ xin đưa ra một vài giải pháp nhằm xây dựng lớp công chúng kế cận có trình độ thưởng thức nghệ thuật với mong muốn góp một tiếng nói cùng các nhạc sĩ, các nhà quản lý tìm ra giải pháp và có hoạch định cụ thể nhằm xây dựng môi trường văn hóa nghệ thuật Hà Nội thật lành mạnh, xứng tầm Thủ đô ngàn năm văn hiến./.

(Nguồn: http://vanhien.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...