Sáo Ôi, từ dân gian bước vào giảng đường âm nhạc

24/07/2015

Hiện nay sáo Ôi đã được trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc đưa vào giảng dạy thành một bộ môn chính khóa trong nhà trường. Cùng với cồng chiêng, sáo ôi chính là một trong những biểu tượng tiêu biểu trong các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường.

Sáo Ôi được ví là tiếng gọi người yêu. Khi tiếng sáo Ôi thổi lên tiếng “ôi … ! ơi ...! ôi … ! ơi ...!” nghe thật rủ rỉ, như than như gọi, nghe sao mà não nề, thương nhớ.

Ngày xưa có Đức Vua Dần…

Người Mường thường sinh sống ở các nơi gần hang động, sườn núi, các thung lũng hay men theo các con sông, con suối, điều đó đã làm cho cuộc sống của người Mường ít giao thoa với các dân tộc khác và điều đó đã làm hạn chế phần nào về sự phát triển kinh tế của người Mường. Nhưng cũng chính từ lý do ấy mà cho đến ngày nay người Mường vẫn bảo tồn, giữ gìn được nhiều bản sắc riêng của mình.

Trong dân gian, người Mường ở Hòa Bình vẫn còn lưu truyền một câu chuyện về “Đức Vua Dần” của mường Vang. Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, Đức Vua Dần là người cai quản vùng Mường lấy nàng Ngần, nàng Ngà về làm vợ. Trong một lần vua Dần làm 2 người vợ phật ý nên cả 2 nàng bỏ về nhà mẹ đẻ. ít lâu sau, Vua Dần đi đón vợ về nhưng cả 2 nàng Ngần, Ngà đều không chịu về.

Trên đường trở về nhà, đi qua bụi nứa tép, sẵn có dao trên người, vua Dần chặt một cây nứa ngồi làm sáo để thổi. Tiếng tha thiết, réo rắt của cây nứa như thấu hiểu tâm trạng sâu lắng của người chồng dành cho vợ. Và từ đó, người ta gọi cây sáo đó là sáo ôi.

Tiếng sáo ôi phát ra một âm thanh rất đặc biệt, nghe thật dịu dàng, sâu lắng và dễ thương, tiếng sáo ấy làm cho người nghe có một cảm giác du dương, xa vắng, gợi lại quá khứ và man mát buồn thương. Trải qua nhiều thế kỷ, sáo ôi vẫn được tồn tại trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Mường.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, sáo ôi vẫn vang lên trong bom đạn. Sáo ôi luôn là nguồn động viên an ủi, làm tăng thêm lòng yêu nước, tăng thêm sức mạnh cho các tràng trai Mường lên đường hành quân. Tiếng sáo ôi đã làm át đi tiếng bom và cùng các tràng trai Mường hòa vào đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Thời bình, sáo ôi luôn là nguồn động viên trong lúc lao động sản xuất, cũng là nguồn động viên trong mọi sinh hoạt cộng đồng của người Mường.

Cho đến ngày nay, sáo ôi vẫn đứng vững và sáo ôi vẫn luôn được tồn tại một cách thầm lặng, bình thản như chính âm thanh của bản thân nó phát ra vậy.

Nối tiếp…

Từ năm 1976 đến năm 1991, tham gia phong trào ca hát, hội diễn quần chúng của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, nghệ nhân Quách Thế Chúc đã mang tiếng sáo ôi của sứ Mường đi biểu diễn cho đồng bào nghe. Anh đã nhận được sự cổ vũ, hưởng ứng nhiệt tình của đồng bào mình, đồng thời anh cũng nhận được rất nhiều giải thưởng trong các cuộc liên hoan.

Trong hội diễn các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, năm 1995 do nghệ sĩ Quách Thế Chúc đoàn nghệ thuật tỉnh Hòa Bình biểu diễn và đoạt huy chương Bạc, liên tiếp cho đến năm 1999 năm 2004, Quách Thế Chúc đều đã đoạt huy chương Bạc trong những cuộc hội diễn các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.

Quách Thế Chúc là người dân tộc Mường (Mường Vang - Hòa Bình). Anh sinh ra và lớn lên từ cái nôi ấy, là nơi có truyền thống về văn hóa, nghệ thuật. Đến năm 1992, anh chuyển công tác về Đoàn văn công Hoà Bình. 12 năm gắn bó với Đoàn ở trong môi trường rèn luyện chuyên nghiệp, anh có điều kiện để sáng tạo hơn. Thành quả của quá trình rèn luyện là anh đã 3 lần nhận Huy chương Bạc tại các cuộc liên hoan ca múa nhạc toàn quốc với các tác phẩm: “Nơi ấy bản em”, “Tâm tình bên của voóng”...

Đam mê nhạc cụ dân tộc, vì không muốn nó mai một, năm 2004 anh đã xin chuyển công tác về Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật .

Tây Bắc để có điều kiện dạy lại cho lớp trẻ ở các vùng Mường. Từ năm 2009, sáo ôi đã được Trường CĐ Văn hóa, Nghệ thuật Tây Bắc đưa vào chương trình giảng dạy.

Sáo ôi được làm bằng cây nứa trong rừng có chiều dài từ 60 đến 70cm, các cụ xưa làm sáo chỉ có 4 lỗ với 5 hàng âm là: đồ, mi, pha, son, si. Thế nhưng, người sử dụng sáo không phải thổi ra âm thật của cây sáo mà là sử dụng bằng hệ thống bồi âm. Nếu như sáo trúc thổi ngang, âm thanh vang xa, mạnh mẽ thì trái lại, sáo ôi thổi dọc, âm thanh êm ái, nhẹ nhàng hơn nhiều. Quách Thế Chúc đã cải tiến từ sáo ôi 4 lỗ thành 7 lỗ (hai quãng 8). Từ một sáo ôi chỉ được dùng để thổi ngẫu hứng, thổi các bài dân ca Mường, hay đơn giản là chỉ đệm cho hát các bài dân ca Mường, giờ đây sáo ôi không chỉ có độc tấu, đệm cho hát, mà còn được các nhạc sĩ sử dụng trong dàn nhạc giao hưởng.

Sự pha trộn giữa nhạc giao hưởng phương Tây và âm nhạc dân gian Mường, giữa các loại nhạc cụ giao hưởng cùng chiếc sáo ôi của người Mường được vang lên

trong tác phẩm “Bóng núi không tan” của nhạc sĩ Tống Hoàng Long, đã có đoạn viết solo cho sáo ôi. Tác phẩm: “Hòa tấu sáo trúc, sáo ôi cùng dàn nhạc giao hưởng” của nhạc sĩ Trần Ngọc Dũng, do nghệ sĩ Quách Thế Chúc thổi.

Đơm hoa…

Chỉ sau một năm giảng dạy, năm 2005 Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội diễn các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc, tại Đà Nẵng. Em Bùi Văn Cảnh là học sinh khóa đầu tiên học bộ môn sáo ôi, người dân tộc Mường, học sinh khoa âm nhạc, trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật Tây Bắc do chính nghệ sĩ Quách Thế Chúc trực tiếp giảng dạy, đã đoạt huy chương bạc. Điều đó đã khẳng định hướng đi đúng, đồng thời cũng khẳng định sự nỗ lực giữa thầy và trò của trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật Tây Bắc.

Hiện nay, trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật Tây Bắc đã đưa bộ môn sáo ôi vào giảng dạy chính khóa trong nhà trường, do giảng viên Quách Thế Chúc trực tiếp giảng dạy. Qua nhiều cuộc hội diễn chuyên nghiệp, hội diễn các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc, thầy trò trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật Tây Bắc đã đoạt giải cao về độc tấu sáo ôi.

Sáo ôi đã góp phần làm tăng thêm sự đa dạng và phong phú cho nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của Ban giám hiệu trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật Tây Bắc, với sự đam mê âm nhạc của thầy giáo Quách Thế Chúc, sáo ôi sẽ ngày càng được phát triển và lan tỏa rộng khắp, không chỉ với các chàng trai Mường, mà sáo ôi ngày nay luôn xứng danh được đứng trong dàn nhạc chuyên nghiệp, là cây solo chính trong dàn nhạc giao hưởng.

Mong rằng âm thanh của sáo ôi cứ mãi được vang lên dịu dàng thương nhớ, như than, như gọi trong lòng...

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)

 

H

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...