Sáng tạo và tối tạo

23/12/2015

Sáng tạo âm nhạc đã có cách nay hàng mấy ngàn năm, trước cả văn tự. Những tác phẩm mà người đời sau miễn cưỡng gán cho thần linh đều thuộc sở hữu trí tuệ loài người. Vậy, ngày nay con học sáng tác, không thể quay trở về thời viễn cổ để làm công việc gieo những hạt giống âm nhạc đầu tiên cho lĩnh vực nghệ thuật này. Con cũng không thể bắt chước tác phẩm của tiền nhân để lấy làm của mình. Vì thế, sáng tác nằm giữa quá trình kế thừa và sáng tạo. Kế thừa và sáng tạo đều cần phải học. Muốn sáng tạo được phải đi trên con đường mà những “người khổng lồ” đã đặt nền móng tổng kết, từ đó lựa chọn cho mình phương thức phù hợp để mở ra con đường mới.

Trò hỏi: thầy ơi, con muốn sáng tác thì có phải học không?

Có. Thầy trả lời dứt khoát.

Sáng tác thuộc lĩnh vực sáng tạo, sao lại còn phải học? Trò vặn lại.

Vì, ngành sáng tác âm nhạc không bắt đầu từ con. Thầy trả lời.

Nghe đến đây, trò bắt đầu tỏ vẻ mông lung, mù mờ.

Sáng tạo âm nhạc đã có cách nay hàng mấy ngàn năm, trước cả văn tự. Những tác phẩm mà người đời sau miễn cưỡng gán cho thần linh đều thuộc sở hữu trí tuệ loài người. Vậy, ngày nay con học sáng tác, không thể quay trở về thời viễn cổ để làm công việc gieo những hạt giống âm nhạc đầu tiên cho lĩnh vực nghệ thuật này. Con cũng không thể bắt chước tác phẩm của tiền nhân để lấy làm của mình. Vì thế, sáng tác nằm giữa quá trình kế thừa và sáng tạo. Kế thừa và sáng tạo đều cần phải học. Muốn sáng tạo được phải đi trên con đường mà những “người khổng lồ” đã đặt nền móng tổng kết, từ đó lựa chọn cho mình phương thức phù hợp để mở ra con đường mới.

Nếu thế, con chỉ cần học những gì đã tổng kết thành nguyên tắc kế thừa thôi, chứ không cần học sáng tác. Sáng tạo thuộc về bản thân con. Trò nói.

Không hoàn toàn vậy. Sáng tạo trong âm nhạc nói riêng và văn hóa nói chung thuộc những giá trị đã được thỏa thuận. Nó không phải thứ từ trên trời rớt xuống, rồi bắt người khác yêu thích, ứng dụng hay truyền bá. “Thiên lại địa lại”, thứ âm thanh ngao du khắp trời đất từ thuở khai thiên lập địa chẳng hề thỏa mãn nhu cầu con người. Bởi vậy, con người mới phải tiếp tục sáng tạo nên thứ nhạc cho riêng mình. Đó là những tác phẩm thuộc từng nền văn hóa cụ thể. Loại âm thanh chưa trải qua sự đồng thuận của văn hóa, như “Thiên lại địa lại” mặc dù được các bậc hiền triết thời cổ như Lão Tử, Trang Tử xao xuyến, thì người đời nói chung vẫn không hề chấp nhận với tư cách biểu trưng văn hóa. Sự thỏa thuận của văn hóa chính là khung định chế quy mọi hiện tượng thẩm mỹ về cộng đồng văn hóa, từ đó gây ảnh hưởng lên xu hướng tiếp nhận, lựa chọn. Nhạc Việt Nam sở dĩ chưa thâm nhập lãnh thổ văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa hay châu Âu, châu Mỹ là vì chưa đạt được sự đồng thuận trong những nền văn hóa đó, chứ không phải hay hay dở.

Trở lại câu hỏi của con, thầy vẫn cần nhấn mạnh về điều kiện tiếp xúc của con người trong từng nền văn hóa. Điều kiện ấy hình thành sau quá trình “xã hội hóa” ở mỗi cá nhân với tư cách thành viên cộng đồng. Nhạc loài người vốn khác loài chim, vượn, hà mã, đười ươi… ngược lại, nhạc của trời đất, như mưa, gió, sấm, chớp, động đất, sóng thần… cũng khác với nhạc con người. Khái niệm con người này luôn đặt trong bối cảnh văn hóa cụ thể. Một đứa trẻ sinh ra chưa thể biết nhạc Bach, Mozart, Chopin… hay dở thế nào, thuộc tính thẩm mỹ ấy gán lên âm thanh thông qua con đường xã hội hóa (hiểu theo nghĩa đúng của từ này). Từ trong ý thức hay vô thức, mỗi cá nhân tự định hình cho mình những chỉ báo về thuộc tính thẩm mỹ để chiếu rọi lên hiện tượng nghệ thuật, bên cạnh giá trị đạo đức, nhân cách, hành vi ứng xử…

Qua đó thấy rằng, sáng tác cũng cần phải học giống như kế thừa vậy. Nếu con muốn trở về thời kỳ “nằm nôi”, thầy nghĩ đến cả khái niệm “sáng tạo” hay “sáng tác” cũng chưa từng xuất hiện trong bộ óc ngây thơ ngày ấy đâu. Sáng tác chỉ thực sự xuất hiện khi con đã ý thức (có thể một cách chưa rõ ràng) về nhu cầu thể hiện mình thông qua phương thức sáng tạo. Nếu con vẫn muốn trở về “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, thầy dám chắc tác phẩm viết ra chưa thể gọi là “sáng tạo”. Sáng tạo tuy là cái mới, nhưng không phải những thứ “dở hơi”, “gàn dở”, “quái dị”… Những thứ đó có thể thuộc địa hạt “tối tạo”. Nhiều trường phái âm nhạc mặc dù có những cách tân táo bạo, nhưng đều dựa trên nền tảng triết học, mỹ học, kỹ pháp… vừa mang tính kế thừa, vừa mang tinh thần độc sáng, chứ không thuần túy là trò chơi của những nốt nhạc hay âm thanh. Chúng có thể gặp trắc trở trên con đường truyền bá, nhưng cuối cùng vẫn giành thắng lợi, thách thức thói quen của người thưởng thức. Trong lịch sử âm nhạc từng ghi nhận nhiều tác phẩm đã tạo nên cú “shock” văn hóa, nổi đình nổi đám như “St John Passion”của J.S Bach, Giao hưởng số 3 (Anh hùng) của L.V Beethoven, “Parade” của Erik Satie, “4’33” của John Cage… Tất cả đều trải qua sự thử thách của văn hóa một cách khắc nghiệt. Chúng đi từ phản ứng đối nghịch đến những vòng “đàm phán”, “thương lượng” nhằm đạt được sự đồng thuận của người tiếp xúc. Đó là con đường lắt léo, chông gai, đòi hỏi thuộc tính bao dung, tinh thần kiên trì, nhẫn nại và thái độ cầu thị của loài người.

Sau thời gian tầm sư học đạo, trò trở lại gặp thầy cùng với phụ huynh. Giác quan thứ 6 mách bảo mình gặp “sự cố kỹ thuật” rồi đây.

Phụ huynh sau cái bắt tay vội vã, nghi thức, bèn lên tiếng trách móc: “Nghe thầy nói, tôi tìm cô giáo dạy cho cháu. Bây giờ, nó chẳng còn muốn học nữa.”

Thầy trả lời (phụ huynh): tình trạng con anh hết sức phổ biến.

Trước hết, bấy lâu nay, cháu vẫn nghĩ học sáng tác, học đàn chỉ là một thú vui tiêu khiển, giống như chơi game. Sự thực không phải vậy. Khi chơi, anh có thể tùy ý làm cái mình thích. Còn khi học, đối với một kỹ thuật (hay kiến thức) phải lặp đi lặp lại nhiều lần, sau thời gian qua đi mà vẫn đọng lại trong người thì mới trở thành hiểu biết, kỹ năng…

Anh biết tại sao người ta thường mắc bệnh cả thèm chóng chán không? Vì, khởi đầu bằng lòng nhiệt thành. Cái gì cũng mong có được kết quả nhanh chóng, chẳng chịu bỏ công, dốc sức. Tôi có cậu học trò từng thách thức: “Thầy ơi, con nghĩ trên đời này, chẳng có việc gì khó chỉ sợ tiền không nhiều”. Thầy trả lời, tiền của gia đình con có thể gọi là nhiều rồi, sao tay đàn của con vẫn gặp nhiều trắc trở, vậy?. Trò nghe xong lặng thinh. Trồng trọt, chăn nuôi, những ngành nghề giản dị cũng đòi hỏi thời gian, sự hợp tác của thiên nhiên, trời đất, thiên văn, khí tượng… và công lao, kiến thức, kinh nghiệm… của người nông dân. Ngày nay, nhiều người làm việc muốn nhanh, dùng thuốc tăng trưởng, chất kích thích… như phép màu, cuối cùng, vì con người không phải là thần tiên, nên hậu quả đã biến phép màu thành trò phù thủy, hủy hoại biết bao điều kỳ diệu.

Trở lại câu chuyện của con anh, có lẽ cháu nghĩ lĩnh vực âm nhạc, kể cả đàn hay sáng tác là một sân chơi như tư tưởng chủ đạo lan tỏa trên truyền thông đại chúng. Khi đụng phải vấn đề khó khăn, hóc búa… bèn chán nản, thoái chí. Nếu ai dấn thân vào địa hạt thẩm mỹ cũng bằng tinh thần lạc quan, chóng chán như vậy thì âm nhạc đâu đáng giá để theo đuổi? Đó mới xét ở góc độ danh thôi, còn thực, bản thể của nghệ thuật, bằng tư duy “đi tắt đón đầu” sẽ chẳng bao giờ chạm vào được. Người ta thường bị lóa mắt bởi hào quang của nghệ thuật, ít biết đến bóng tối “khổ ải vô biên” của nó. Trên báo chí thỉnh thoảng có loại bài viết về nghệ sĩ, kiểu như “hàng ngày chị giành hai, ba tiếng đồng hồ thả hồn trên phím đàn”. Đó là cách viết của những cây bút nghiệp dư có hiểu biết nhợt nhạt về nghệ thuật. Trước khi có thể thả hồn, thả vía lên mây xanh hay phím đàn thì phải nhốt mình vào phòng tập, khổ luyện như tu sĩ nhập thất. Cũng giống như võ thuật, trước khi có thể múa kiếm, phi tiêu hay độn thổ, người học phải tập đứng tấn, nới lỏng cơ, gân qua động tác xoạc chân, uốn dẻo… nhàm chán, chóng ngán. Người Trung Quốc có câu: “Đài thượng tam phân chung, Đài hạ thập niên công”, nghĩa là: để có được 3 phút trên sâu khấu phải đánh đổi bằng cả 10 năm trời khổ công, luyện tập dưới khán đài.

Ngoài ra, tôi không loại trừ khả năng thầy cô giáo sử dụng phương pháp chưa phù hợp với đối tượng. Tình trạng này phổ biến ở nước ta, nên lưu ý như một cánh cửa để ngỏ cho khả năng thay đổi ở cậu con anh. Giáo dục nước ta vốn dựa trên những khuôn mẫu cứng nhắc, trói người học vào tình trạng chán nản, không hứng thụ với việc học và vời trông vào điểm số, căn nguyên của bệnh thành tích. Người làm giáo dục ngại thay đổi, muốn áp dụng tư duy “dĩ bất biến ứng vạn biến”, nên dùng khuôn để đúc học trò. Nhiều thầy làm công việc dạy học giống như thợ, tự lặp lại mình một cách máy móc. Có thầy chỉ biết dạy cái mình biết, mà không biết dạy cái trò cần. Tôn chỉ lấy học trò làm trung tâm hiện đang được sử dụng như một mệnh lệnh hành chính hay slogan nhằm tiếp thị sản phẩm hơn là phản ánh thực tế của ngành giáo dục. Trong Phật pháp, “căn duyên” là yếu tố quyết định việc lựa chọn biện pháp tu tập. Phương pháp là công cụ, giác ngộ là mục đích. Bất kể công cụ tối tân, hiện đại đến đâu, nếu không lay chuyển được tình trạng lầm lỳ ở học trò thì phải đổi mới. Dạy nhạc nói chung, đàn và sáng tác nói riêng cũng giống như công tác giáo hóa, nên “tùy duyên hóa độ”, trò thuộc loại “hạ căn” mà thầy áp dụng phương pháp dành cho bậc “thượng căn” chẳng khác nào tấu nhạc “Thiều” cho chim nghe. Chim chưa lăn ra chết là may lắm rồi, nhưng tinh thần nghệ thuật chết cũng là lỗi của thầy.

Đối với những pháp môn nhọc nhằn, đòi hỏi khổ công như âm nhạc, bên cạnh việc truyền bá kỹ thuật, nghệ thuật… cần có những hướng dẫn mang tính chất khai mở thuộc về “công tác tâm hồn”. Trên con đường dài gian nan ai cũng có lúc rơi vào trạng thái chán nản, mệt mỏi, khi ấy, thầy nên động viên học trò, chứ không phải nịnh nọt, thứ giáo dục động viện quá lố đang rất được ưa chuộng để trò thấy được tương lai xán lạn.

Ngày nay, không ít người dò dẫm, mò mẫm đi trong đêm, chưa thoát khỏi tình trạng tù mù về tri thức. Người Việt vốn trọng về dụng, lơ là về thể, làm gì cũng mong chóng có kết quả, tư duy “đi tắt đón đầu”, nên tiếp nhận cái mới không đến nơi đến chốn. Tình trạng này dễ phát triển lệch lạc, đi chệch theo hai hướng, một mặt, nắm bắt lý thuyết một cách hời hợt, không hiểu rõ ngọn ngành, dẫn tới giáo điều, chủ nghĩa duy ý chí, bảo thủ, cố chấp… một mặt, chẳng cần tiếp nhận triết học, mỹ học, hệ thống lý thuyết, phương pháp…nên tôn thờ chủ nghĩa kinh nghiệm, sai đến đâu, sửa đến đó, hậu quả khôn lường, nguy hiểm hơn là tư duy “mò mẫm” vẫn tiếp tục nhân rộng, thậm chí sau khi đạt kết quả tội nghiệp, những người này trở thành hình mẫu dẫn đường, chỉ lối đưa người học tới chỗ tù mù, mông lung. Phong trào “đồng khởi” trên mọi lĩnh vực ít nhiều kiểm chứng cho tư duy mò mẫm, dò dẫm phổ biến. Thói quen ấy đẩy không ít người đi vào con đường cùng bế tắc, thiếu ánh sáng dẫn lối của một mặt trời trí tuệ chiếu rọi mênh mang.

Bước sang thế kỷ XXI, dù đất nước đã thoát khỏi thời kỳ “đồ thiếu”, nhưng còn đó căn bệnh đi đêm mà nhiều người vẫn lạc quan, tin tưởng dưới ánh sáng của tinh thần “khó khăn nào cũng vượt qua”. Hơn 10 năm trước, tác giả Nguyễn Bỉnh Quân từng viết một bài với nhan đề: “Nếu nghệ thuật là điện” đăng trên Tạp chí Tia sáng, sau in lại trong cuốn: “Một góc nhìn của trí thức”, tập 3, Nhà xuất bản trẻ ấn hành năm 2003. Giả sử nghệ thuật quả thực là điện, chắc bản tin sáng trên kênh truyền hình sẽ bổ sung thêm những nạn nhân “tử vong” vì âm nhạc.

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...