Rysanek Leonie
“Bà đã góp phần tạo nên diện mạo của gần một nửa thế kỷ lịch sử opera, một trong những nghệ sỹ lớn nhất của thế kỷ 20” – Roger Clement.
Vào năm 1957, khi được hỏi ai là người tài năng nhất trong thế hệ các ca sỹ thời hậu chiến, Lotte Lehmann đã chỉ ra một người duy nhất là Rysanek. Tiếp tục với câu chuyện về Lehmann và Rysanek, vào năm 1955, Lehmann được nhà hát Vienna State Opera trao tặng một chiếc nhẫn làm kỷ niệm. Tuy nhiên, đến cuối đời, Lehmann đã trả chiếc nhẫn lại cho nhà hát Vienna State Opera kèm theo một bức thư và lời chỉ dẫn rằng: bức thư chỉ được phép mở sau khi bà qua đời. Trong bức thư nêu rõ: chiếc nhẫn này sẽ được trao cho giọng nữ cao đang ngự trị tại Vienna State Opera và việc này sẽ được quyết định bởi số phiếu đồng thuận 100% của Hiệp hội nghệ sỹ nhà hát Vienna State Opera. Người được trao chiếc nhẫn sẽ giữ nó trong suốt cuộc đời mình và phải chỉ định người thừa kế tiếp theo trong một bức thư được mở sau khi người đó qua đời. Và người thừa kế tiếp theo sẽ phải tiếp tục làm như vậy để duy trì phong tục này. Lehmann mất năm 1976 và vào năm 1979, Rysanek đã chính thức nhận chiếc nhẫn kỷ niệm của Lehmann.
Leonie Rysanek sinh ra tại thành phố Vienna vào ngày 14 tháng 11 năm 1926 trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động, nhưng có thiên hướng âm nhạc. Cả anh trai và em gái của Rysanek đều thể hiện năng khiếu thanh nhạc bẩm sinh, sau này em gái của Rysanek (Lotte) cũng trở thành một ca sỹ opera chuyên nghiệp. Mặc dù hoàn cảnh gia đình không lấy gì làm khá giả cho lắm, nhưng Rysanek đã cố gắng xoay xở và vào được nhạc viện Vienna. Ở đó, Rysanek được hai giọng nam trung nổi tiếng là Alfred Jerger và Rudolf Grossmann hướng dẫn (sau này Rysanek kết hôn với Grossman). Việc học hành của Rysanek đã bị chậm lại do ảnh hưởng của chiến tranh và trong thời gian đó bà đã buộc phải đi làm tại một nhà máy để kiếm sống.
Vào năm 1949, Rysanek đã có buổi biểu diễn đầu tiên với vai Agathe trong vở Der Freischütz tại Innsbruck Opera. Đây là bước khởi đầu cho một sự nghiệp sáng chói, làm mê hoặc thế hệ người yêu opera thời hậu chiến và đã đưa bà lên vị thế một trong những diva được hâm mộ hàng đầu. Tuy nhiên, cũng chính vì việc nhận một vai diễn trước khi hoàn thành chương trình học mà bà đã bị đuổi ra khỏi nhạc viện Vienna.
Hai năm sau đó, Rysanek làm việc tại Saarbrücken State Theater, Đức với những vai diễn đầy thử thách. Chính tại nơi này vào năm 1951, bà đã được Wieland Wagner (cháu nội của Richard Wagner) phát hiện và mời vào vai Sieglinde trong vở Die Walküre tại Bayreuth Festival đầu tiên thời hậu chiến, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Herbert von Karajan. Với vai diễn Sieglinde đầy sức mạnh nhưng cũng rất nữ tính, bà đã được cả thế giới chú ý tới. Nghệ thuật trình diễn đỉnh cao của Rysanek không chỉ được thể hiện qua giọng hát hay qua diễn xuất trên sân khấu mà còn thể hiện qua tiếng kêu. Đó là tiếng kêu hoan hỉ của Sieglinde ở cuối màn 1, khi Siegmund rút được thanh gươm ra khỏi thân cây tần bì. Sự bộc phát cảm xúc vui sướng này đã được gắn “thương hiệu” Leonie Rysanek. Rysanek đã giải thích: “Nó phát ra một cách tự nhiên từ bên trong con người tôi, như một sự bùng nổ của khoái cảm cao độ. Tất nhiên, từ đó trở đi nhiều ca sỹ đã làm theo như vậy, nhưng bạn sẽ không thể làm được điều gì đó tương tự như vậy nếu bạn không thực sự cảm nhận thấy điều đó bằng tất cả con người bạn.”
Lần đầu tiên xuất hiện trong vở Die Frau ohne Schatten của Richard Strauss tại Munich đầu thập niên 50, Rysanek được giao đảm nhiệm vai vợ người thợ nhuộm. Nhưng khi bắt đầu nghiên cứu tổng phổ, bà phát hiện ra rằng vai hoàng hậu mặc dù là một vai thứ nhưng có những đoạn giai điệu nằm ở quãng cao rất đẹp. Bà đã thuyết phục Giám đốc nghệ thuật của nhà hát cho bà được thể hiện vai hoàng hậu và vai diễn này đã trở thành một trong những đỉnh cao nghệ thuật của bà, cũng như đưa tên tuổi bà trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Trong một cuộc phỏng vấn Rysanek thổ lộ: “Tôi nhìn vào tổng phổ và thấy một loạt nốt d3 và chợt nghĩ “Mình có quãng cao đẹp nhất trên thế giới. Mình là một hoàng hậu”. Tôi đã quá kiêu ngạo. Tuy nhiên tôi tự hào rằng tôi đã làm cho vai diễn này trở nên nổi tiếng, đáng yêu và hấp dẫn. Ngày nay tất cả những người có quãng cao đẹp đều muốn thể hiện vai này”. Rysanek đã tiếp tục thể hiện vai diễn này cho tới tận cuối thập kỷ 70, trong đó nhiều lần cùng với Birgit Nilsson trong vai vợ người thợ nhuộm và ngoài ra hai người cũng thường xuyên diễn chung trong vở Elektra.
Vào ngày 5 tháng 2 năm 1959, Rysanek đã tạo ra một chấn động trên trường quốc tế khi bà thay thế Maria Callas với vai diễn Lady Macbeth trong vở Macbeth của Verdi tại Metropolitan Opera (cho dù ban đầu bà dự định sẽ ra mắt nhà hát này vào ngày 25 tức là sau đó 20 ngày trong Aida). Trong buổi diễn này, để đảm bảo dành được sự ủng hộ của khán giả, ông chủ của Metropolitan Opera khi đó là Rudolf Bing đã thuê người hô vang “Brava Callas!” ngay khi Rysanek bắt đầu bước ra sân khấu. Ngày hôm đó, Rysanek đã hát, diễn xuất với tất cả niềm đam mê mãnh liệt và bà đã hút hồn được toàn bộ khán giả và sau đó một bộ phận khán giả đã chuyển sang hô: “Brava Rysanek”!
Cũng tại nhà hát Metropolitan Opera, có một buổi biểu diễn nổi tiếng vở Der fliegende Holländer của Wagner vào ngày 13 tháng 1 năm 1960. Trong đó, Rysanek vào vai Senta cùng với George London trong vai nam chính. Sau màn 2 khán giả đã từ chối việc dừng vỗ tay. Hệ thống đèn đã được bật sáng và những ca sỹ đã lánh ra đằng sau sân khấu để chuẩn bị cho màn cuối, tuy nhiên tiếng vỗ tay vẫn kéo dài suốt giờ nghỉ giải lao cho tới tận khi nhạc trưởng Thomas Schippers quay trở lại bục chỉ huy để tiếp tục buổi diễn.
Với Metropolitan Opera, Rysanek đã có tổng cộng 299 buổi biểu diễn trong 31 mùa diễn trải dài gần 37 năm với 24 vai khác nhau. Bà cũng đã tham gia công diễn lần đầu tại Metropolitan Opera các vở Macbeth, Nabucco, Ariadne auf Naxos, Die Frau ohne Schatten và Kat’a Kabanova. Bà đã tổ chức buổi diễn chia tay nhà hát Metropolitan Opera vào ngày 2 tháng 1 năm 1996 với vai Countess trong vở Pique Dame của Tchaikovsky. Cuối buổi diễn, trong lúc những tiếng hoan hô còn đang vang dội không ngớt, bà đã nói lời cảm ơn khán giả về những tình cảm và sự động viên mà họ đã dành cho bà suốt nhiều năm liền.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Rysanek đã từng cộng tác với những nhạc trưởng vĩ đại như Wilhelm Furtwängler, Herbert von Karajan, Erich Kleiber, Karl Böhm, James Levine, Giuseppe Sinopoli, Lorin Maazel… Trong số đó, người cố vấn về âm nhạc lớn nhất đối với bà là Karl Böhm, ông như một người cha đối với bà kể từ lần hợp tác đầu tiên giữa hai người ở Vienna năm 1954. Trong một buổi phỏng vấn với New York Times, bà đã từng trả lời: “Ông là người nhạc trưởng của cuộc đời tôi… Tôi đã học được từ ông những gì quý báu nhất.” Chính Böhm là người đã đề nghị bà nhận vai Elektra trong bộ phim-opera cùng tên do Unitel sản xuất. Mặc dù trước đó bà đã hát vai Chrysothemis – em gái của Elektra – nhiều lần và cũng đã có dự định vào vai Klytämnestra trong những năm sau đó, tuy nhiên bà vẫn chưa bao giờ và cũng chưa hề có dự định nào với vai Elektra. Hoàn thành năm 1981, cũng chính là năm Karl Böhm mất, Elektra trở thành bản ghi âm cuối cùng và cũng là một trong những di sản âm nhạc quý giá của người nhạc trưởng này đồng thời là một thành công của Rysanek. Tiêu biểu cho những lời tán dương không ngớt dành cho bộ phim nói chung và Rysanek nói riêng là nhận xét của tờ Daily Telegraph của London ngày 4 tháng 5 năm 1985: “Leonie Rysanek, lần đầu tiên và có lẽ là lần duy nhất trong vai Elektra, vượt qua những yêu cầu quá sức con người của tổng phổ, đã tạo nên một thành tựu nghệ thuật, mà nhờ đó xưng tụng sự nghiệp hơn 30 năm của bà. Sự mãnh liệt đầy cảm xúc và sự mạnh mẽ trong lối hát của bà đã làm sống lại mọi góc cạnh của một vai diễn vốn rất dài và mệt mỏi”. Bộ phim đã trở thành tư liệu quý hiếm về một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp của Leonie Rysanek.
Ngay từ những năm đầu tiên của sự nghiệp, Rysanek đã có chủ trương xây dựng một danh mục biểu diễn đa dạng, chính điều này ban đầu đã ngăn cản sự hợp tác của Rysanek với Rudolf Bing, ông chủ của nhà hát Metropolitan Opera vì ông này muốn đưa Rysanek về Metropolitan Opera nhưng chỉ xuất hiện trong các vở opera của Đức. Rysanek đã giữ vững quan điểm và cuối cùng đã thuyết phục được Rudolf Bing ký hợp đồng với bà cùng một danh mục biểu diễn đa dạng.
Rysanek đã dành được danh tiếng qua các tác phẩm của Richard Strauss và Wagner. Khán giả sẽ mãi nhớ tới bà với các vai Sieglinde (Die Walküre), Senta (Der fliegende Holländer), Elisabeth (Tannhäuser), Kundry (Parsifal), Kaiserin (Die Frau ohne Schatten), Danae (Die Liebe der Danae), Salome (Salome), Marschallin (Der Rosenkavalier) và cả ba vai nữ chính trong Elektra. Thực tế, bà là nghệ sỹ duy nhất trên tầm cỡ quốc tế đã từng hát cả ba vai nữ chính trong vở diễn Elektra đầy thách thức này.
Các giọng nữ cao hát tốt nhạc của Strauss cũng thường hát tốt nhạc của Puccini và Rysanek cũng đã từng giành không ít thành công với các vai Tosca (Tosca) và Turandot (Turandot). Bà cũng là một Leonore đáng nhớ trong Fidelio của Beethoven. Với một giọng hát diễn cảm, đầy sức mạnh và làn hơi dài cho phép Rysanek có thể hát nhiều vai nữ chính trong các vở opera của Verdi như Desdemona (Otello), Lady Macbeth (Macbeth), Amelia (Un ballo in maschera) và Aida (Aida).
Từ giữa thập niên 80 trở đi, Rysanek bắt đầu hát các vai nữ trung như vai Ortrud (Lohengrin), Herodias (Salome) và Klytämnestra (Elektra). Trong lễ kỷ niệm 30 năm ra mắt khán giả Mỹ tại San Francisco bà vào vai Kostelnicka trong vở Jenufacủa Janácek.
Rysanek đã có một sự nghiệp biểu diễn trên sân khấu kéo dài 48 năm, với khoảng 3000 buổi diễn và 50 vai diễn. Bà đã xuất hiện ở tất cả các nhà hát opera danh tiếng hàng đầu trên thế giới. Trong đó, các nhà hát Metropolitan Opera, Vienna State Opera và Bayreuth Festival là những nơi gắn bó nhất đối với bà.
Rysanek có một giọng hát dày, đầy đặn có thể xuyên qua cả dàn nhạc lớn, tuy nhiên bà cũng có thể hát tốt những đoạn nhạc du dương, trữ tình. Trong những năm đầu sự nghiệp, quãng âm trầm luôn là điểm yếu trong giọng hát của bà, nhưng cùng với thời gian nó ngày được củng cố dần. Người ta nói rằng giọng hát của Rysanek có khả năng chuyển tải mọi cung bậc tình cảm, từ sự cám dỗ đầy say đắm đến sự chối từ lạnh lùng. Nhạc trưởng Jame Levine đã nói về giọng hát của Rysanek: “Có một ngọn lửa luôn bùng cháy trong con người bà ấy. Thật khác thường khi ai đó có thể kết hợp được sức mạnh đến nhường ấy với một giọng hát có âm vực như vậy. Rất nhiều người chỉ có thể tạo ra cường độ âm thanh lớn khi sử dụng một thứ âm thanh chói tai và khô khan. Không biết bằng cách nào, giọng hát của Leonie vẫn giữ được sự mượt mà, mềm mại và rất nữ tính, thậm chí trong những đoạn đầy sức mạnh”.
Rysanek là người luôn tôn trọng những giới hạn trong giọng hát của bà và đã có đôi lần bà từ chối các vai diễn quan trọng, thậm chí trong thời kỳ đỉnh cao, bởi vì bà không muốn đưa tới khán giả bất kỳ thứ gì chưa phải là tốt nhất. Là một người trung thực, Rysanek đã từng nói: “Trên một góc độ nào đó, tôi là người hèn nhát. Tôi đã được mời hát vai Brunnhilde. Nhưng luôn có một Birgit (Birgit Nilson), một Birgit hoàn hảo ngay bên cạnh tôi. Bà ấy là Brunnhilde, là Elektra của tôi. Bà ấy quá tuyệt vời trong những vai diễn này. Rudolf Bing đã từng thét vào mặt tôi mà nói rằng: “Cô phải hát Turandot tại Met (Metropolitan Opera). Cô đã hát vai này tại San Francisco cơ mà!” Nhưng tôi đã trả lời không bởi vì Birgit đang hát vai này tại đây. Thậm chí Birgit cũng đã hỏi “Tại sao cô không hát Turandot?” và tôi đã trả lời “Đó là bởi vì bà”. Có thể chính Birgit là người đã cứu giọng hát của tôi”. Chính ý thức luôn tôn trọng giới hạn của giọng hát, tôn trọng khán giả, cùng với cách sống tĩnh tại và kỷ luật đã giúp cho bà có thể giữ được sự trong sáng và mê hoặc trong giọng hát suốt một thời gian dài.
Đối với Rysanek xúc cảm mãnh liệt trong giọng hát luôn song hành đồng điệu cùng với diễn xuất trên sân khấu. Khả năng diễn xuất bằng hình thể đầy sinh động và nét mặt biểu cảm của bà đã làm cho nhân vật không thể phai mờ trong tâm trí khán giả. Mặc dù được thượng đế ban tặng một giọng hát tuyệt vời, nhưng ngay từ khi vào mới vào nghề Rysanek đã ý thức được rằng sức mạnh lớn nhất của bà là nằm ở khả năng khắc họa nhân vật trên sân khấu và cũng chính vì lý do này bà đã ghi âm phòng thu rất ít. Đã có lần bà thổ lộ rằng bà luôn cảm thấy căng thẳng khi ghi âm phòng thu và rằng bà tự cảm thấy mình là một diễn viên trên sân khấu opera: “Những bản thu âm tuyệt vời nhất của tôi chính là những bản thu trực tiếp từ các buổi biểu diễn, trong đó người nghe có thể cảm nhận được sự im lặng đầy căng thẳng và cả sự tham gia của khán giả vào những gì đang diễn ra trên sân khấu một cách trực tiếp mà không cần cầu viện đến cái được gọi là “phẫu thuật thẩm mỹ”. Cho dù sự thật rằng các buổi biểu diễn trên sân khấu không bao giờ tuyệt đối hoàn hảo cả”. Tuy nhiên, cũng sẽ thật là sai lầm nếu gắn cho Rysanek cái mác “cô diễn viên biết hát”. Những bản thu âm hiếm hoi được bà thực hiện trong trong thập kỷ 50, 60 đã cho thấy một chất giọng ấm áp với khả năng kiểm soát giọng hát đạt tới độ hoàn hảo và một sức mạnh đủ để vượt lên trên cả những đoạn cao trào trong các vở opera của Strauss và Wagner, trong khi vẫn giữ được sự mượt mà cần thiết để thể hiện tính trữ tình, sâu lắng.
Vào mùa hè năm 1996, Rysanek đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên Opernwelt, tạp chí về opera hàng đầu của Đức, rằng bà mong chờ một cuộc sống yên bình hơn khi về hưu: “Chúng tôi sẽ sử dụng phần lớn thời gian trong căn nhà của chúng tôi ở Tây Ban Nha… Tôi sẽ nghe nhạc, đọc sách và ngồi trên những tảng đá… Nhưng điều mà tôi sẽ nhớ nhất đó là tình yêu của khán giả. Điều đó có giá trị nhất đối với tôi. Nó quan trọng hơn bất kỳ lời nhận xét dù say đắm đến mức nào”. Thật đáng buồn, bệnh tật đã không cho phép Leonie Rysanek được hưởng thụ cuộc sống khi về hưu như bà đã dự định.
Người nghệ sỹ này được tin về số phận đầy bi kịch của mình ngay khi đang chuẩn bị cho buổi diễn chia tay của bà với nhà hát Metropolitan Opera. Lúc đó bà đang tổng duyệt vai Countess trong vở Pique Dame của Tchaikovsky. Trước đó bà đã lên kế hoạch sau buổi diễn chia tay nhà hát Metropolitan Opera sẽ là một loạt những buổi diễn chia tay lần lượt qua từng nhà hát và kết thúc là buổi diễn chia tay Salzburg Festival với vai Klytämnestra trong vở Elektra. Khi bà thực hiện những cuộc kiểm tra cuối cùng ở New York, sự thật bi kịch được tiết lộ, người ta đã phát hiện bà mắc căn bệnh ung thư vào giai đoạn cuối, đây là hậu quả của chẩn đoán sai lầm trong những cuộc kiểm tra định kỳ thông thường trước đó. Leonie Rysanek đã muốn kết thúc sự nghiệp của bà ngay ngày hôm sau đó. Tuy nhiên, Leonie Rysanek, người ca sỹ nổi tiếng với sự mãnh liệt trong cảm xúc ở mỗi buổi diễn đã đưa ra quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp của bà. Bà đã coi thường bệnh tật và đã hoàn thành tất cả những dự định, cam kết của bà.
Tháng 8 năm 1996, tại Salzburg Festival, Rysanek đã có buổi biểu diễn chia tay sự nghiệp với vai Klytämnestra trong vở Elektra của Strauss dưới sự chỉ huy của Lorin Maazel. Sức khỏe bị suy kiệt đã ngăn cản sự xuất hiện của Rysanek và bà đã phải hoãn buổi diễn đầu tiên trong số ba buổi diễn. Khi đó đã xuất hiện sự thất vọng vô cùng lớn trong lòng những người hâm mộ, nhưng họ đã nhanh chóng thở phào nhẹ nhõm khi được thông báo rằng hai buổi diễn tiếp theo sẽ vẫn diễn ra như đã định. Buổi diễn chia tay đã kết thúc với lòng cảm ơn và sự ngưỡng mộ ngự trị trong lòng tất cả những người hâm mộ, nhưng chỉ có những người bạn thân thiết nhất biết rõ sự đau đớn của Rysanek đến nhường nào.
Một vài tháng sau khi chia tay sự nghiệp biểu diễn, Rysanek đã được Hội đồng thành phố Vienna bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch của Vienna Festival. Đó là một chức danh đầy danh dự, về thứ bậc chỉ đứng sau Bộ trưởng Văn hoá Áo.
Vào ngày 7 tháng 3 năm 1998, thế giới âm nhạc đã nói lời chào tiễn biệt đối với Leonie Rysanek, một trong những diva được mến mộ nhất của thế giới opera. Bà được chôn cất tại thành phố Vienna, nơi bà đã được sinh ra. Lễ tang được cử hành với sự góp mặt của dàn hợp xướng nhà hát Vienna Opera, một nhóm tứ tấu đàn dây chơi một số bản nhạc của Bach và Hildegard Behrens – người bạn, người đồng nghiệp thân thiết – hát bản “Bist du bei mir” (thường được cho là của Bach). Hildegard Behrens cũng chính là người đã được Rysanek di chúc để lại chiếc nhẫn kỷ niệm của Lotte Lehmannn và Behrens đã chính thức được trao chiếc nhẫn này vào ngày 25 tháng 5 năm 1999.
Sự ra đi của Rysanek là một thiệt thòi cho thế hệ ca sỹ opera trẻ, số phận đã lấy đi mất cơ hội cho họ được học hỏi từ một người nghệ sỹ có rất nhiều kinh nghiệm, đó là sự thông thái về nghệ thuật hiếm thấy mà bà đã thu lượm được qua suốt một nửa thế kỷ biểu diễn tại các nhà hát opera hàng đầu thế giới. May thay bà đã để lại cho đời những bản ghi âm đầy giá trị. Nhờ những bản ghi âm này, bà sẽ luôn được nhớ tới, được yêu mến bởi vô vàn người hâm mộ thuộc nhiều thế hệ trên toàn thế giới.
(Nguồn: nhaccodien.info)