Rhapsody Philharmonic: Chỉ tình yêu mới cho bạn quyền chói sáng

08/10/2013

Thủ lĩnh của Rhapsody Philharmonic (R.P) - dàn nhạc trẻ 9X có đến 74 thành viên là Lưu Quang Minh, một thanh niên có vẻ ngoài hiền lành và hơi rụt rè.

Nói chuyện với Minh, cảm giác như ta đang bóc từng lớp của một củ hành. Phía sau lớp vỏ nâu thô mộc và tưởng như rất khô khan hóa ra lại là cái lõi tươi non và sống động có thể khiến bạn cay xè mắt, trạng thái bạn chỉ gặp khi tiếp xúc với điều gì đó thật cảm động.

Trong một lá thư ngỏ của R.P gửi khán giả của mình, tôi rất nhớ một đoạn: “Bạn... thật khó để nói là không đam mê nếu như bạn học một thứ mười mấy năm, thậm chí từ lúc bạn chưa biết chữ, thứ mà nó ám ảnh bạn đến cả giấc mơ đẹp lẫn ác mộng, thứ mà nó vẫn lảng vảng suốt cuộc sống của bạn, thứ mà ngoài nó ra bạn chả biết cái gì khác, thứ mà nó đã ngấm vào từng khe tế bào của cơ thể bạn. Bạn sống với nó, tồn tại với nó, ngủ cùng nó, ăn cùng nó, làm những việc thầm kín cũng cùng với nó, hẹn hò cùng nó, khóc cùng nó, cười cùng nó...”.

Hầu hết các sinh viên trường nhạc đã bước vào thánh đường của nghệ thuật với một tình yêu trong veo như thế, nhưng thực tế đã “vặt gãy” không thương tiếc đôi cánh ước mơ của họ. 15 - 18 năm ôm đàn miệt mài nhưng không ít sinh viên học nhạc cụ không có cơ hội biểu diễn thực tế, ngoài vài lần thi trong trường. Người có tài năng lóe lên để được tuyển lựa xuất hiện trong các concour quá hiếm, số đông còn lại chỉ tập đàn giữa bốn bức tường. “Nhạc công mà không được biểu diễn, còn nói gì nữa! Họ sẽ bị tắt đi khi còn rất trẻ, họ thấy việc mình học và đam mê không còn đúng nữa” - Lưu Quang Minh bắt đầu câu chuyện với tôi bằng chia sẻ hơi ngậm ngùi ấy.

Cách đây ba năm (cuối tháng 9/2010), hai chàng sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia là Quang Minh (học sáng tác, chỉ huy) và Hùng Cường (tay trống của rockband Ngũ Cung) tụ tập hơn 20 sinh viên trường nhạc để “chơi một đêm thật oách”. Trên dàn nhạc thính phòng, họ chơi một thể loại âm nhạc pha trộn giữa cổ điển, fusion, jazz, rock, thậm chí cả R’nB. Chất phóng túng, tự do và trẻ trung của thứ âm nhạc “ngược với giá trị kinh điển” ấy hóa ra lại quyến rũ khó lường, cả dàn nhạc và khán giả đều cực kỳ hưng phấn. Rhapsody Philharmonic ra đời ngay sau đó, số thành viên tăng lên rất nhanh.

Năm 2011 họ đã tạo ra sự kiện lần đầu tiên ở Hà Nội khi lập một dàn nhạc giao hưởng chơi “sống” trong không gian ngoài trời. Tại live concert kéo dài suốt 2g đó ở sân triển lãm Giảng Võ, hơn 70 nhạc công trẻ măng đã làm “phát điên” hàng ngàn lượt người nghe, quang cảnh phấn khích không kém gì một đêm nhạc rock!

Buổi hòa nhạc Rhapsody No9 - The Tree of Life được xây dựng trên ý tưởng của Cây đời. Giao hưởng được lựa chọn trình diễn là những bản soundtrack nổi tiếng như: Lion King, Up, Les Miserables, Pirates of the Caribbean, Skyfall, Schindler’s list… với ý tưởng vẽ lại cuộc đời của con người từ những cảm nhận sơ khai của một linh hồn bé nhỏ, đến hạnh phúc nồng nàn, những đấu tranh dằn vặt của cuộc sống và cái chết.

The Tree of Life trình diễn một đêm duy nhất 8/10 tại rạp Công Nhân - Hà Nội.

Để duy trì một dàn nhạc đàng hoàng, yếu tố tiên quyết là phải được biểu diễn. R.P có lịch trình diễn định kỳ mỗi quý một live concert, không bán được vé thì họ diễn miễn phí, chỉ để được chơi nhạc. Thu nhập hàng tháng của các thành viên vẫn là mỗi tối đi chơi nhạc ở quán bar, khách sạn, hoặc gia đình nuôi. Hiện R.P đang tiến đến live concert thứ chín của mình. Lưu Quang Minh kể: “R.P No8 chúng tôi bắt đầu bán vé nhưng tiền vé ủng hộ hoàn toàn cho tổ chức Phẫu thuật Nụ cười; vé của R.P No9 - The Tree of Life sắp tới hy vọng đủ trả tiền thuê rạp và âm thanh ánh sáng. Thù lao của dàn nhạc hơn 70 người khi tham gia một chương trình biểu diễn không bằng của một ca sĩ nhạc trẻ, nhưng R.P bình tĩnh lắm, giá trị của chúng tôi không đo đếm bằng tiền”.

Nói vậy nhưng Minh vẫn nhớ những lúc tưởng như quỵ ngã, khi có người nhất quyết ra đi, khi có những lúc con đường phía trước tưởng chừng vô vọng, cuộc phiêu lưu tưởng phải kết thúc. Họ hiểu rằng, chỉ có sự đoàn kết, niềm tin của mỗi người, thứ tình cảm gắn bó vô vụ lợi như trong một gia đình - mới là cội nguồn năng lượng để R.P tồn tại. Người mạnh mẽ sẽ “lên dây cót” cho người nao núng, sự chân thành và công bằng, cái trong sáng của tuổi trẻ sẽ là chất keo màu nhiệm để họ sát cánh bên nhau. “Chúng tôi đang duy trì R.P trên cách quản lý duy tình, chỉ với một tình yêu hơi viển vông dành cho âm nhạc. Có thể đó không phải là giải pháp lý tưởng, nhưng nghĩ xa quá sẽ mệt. Chúng tôi cố gắng làm tốt nhất những dự án trong tầm tay mình” - thủ lĩnh R.P chia sẻ.

Cái “làm tốt nhất” ấy khán giả chỉ nhận ra khi âm nhạc của họ vang lên, khi thế giới tâm hồn của họ rộng mở để chạm vào những trái tim khác. Hiện nay, xu thế các dàn nhạc là thu nhỏ biên chế nhưng R.P vẫn kiên quyết “phình to”. Lý do thì vẫn... duy tình: “Với chúng tôi, chỉ cần được ngồi chơi nhạc, được có chỗ biểu diễn đủ là hạnh phúc. R.P muốn mở rộng cơ hội cho những nghệ sĩ trẻ. Chúng tôi muốn mọi người nghe nhạc, đón nhận cảm xúc của chúng tôi, muốn âm nhạc của chúng tôi đánh thức đam mê của người nghe để bạn có thể giống chúng tôi, lạnh người hay nổi hết da gà khi nghe một giai điệu hay một câu hát rực rỡ nào đó. Bằng âm nhạc, Rhapsody Philharmonic sẽ mang đến cho người nghe những khoảnh khắc mà họ thấy cuộc đời thật đáng sống và đẹp đẽ…”.

Bạn có thể thấy họ hơi “tuôn trào” quá khích, có thể thấy chuyện không nghĩ về tiền của họ là điên rồ, nhưng việc biểu lộ đam mê và tình yêu của mình một cách chói sáng và thuần khiết nhất luôn là quyền của những người trẻ! Hãy tin vào giấc mơ của họ…

(Nguồn: http://phunuonline.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...