Quyền sở hữu trí tuệ trong âm nhạc: khởi đầu nan

06/04/2017

Kế thừa, sao chép, vay mượn, bắt chước, cóp, nhái, đạo, thuổng, chôm... - dù chính thức có mặt trong từ điển hay chỉ thông dụng trong đời thường, dù mang nghĩa bóng hay nghĩa đen, nghĩa tốt hay xấu, thì cả loạt từ này ít nhiều đều liên quan đến hiện tượng “tái sử dụng” chất liệu đã có, đến sự chuyển giao vô thức và có ý thức từ văn bản trước sang văn bản sau, từ chủ sở hữu này sang chủ sở hữu nọ.

Sự sao chép trong âm nhạc, cũng như trong nghệ thuật nói chung, được nhìn nhận theo hướng tích cực hoặc tiêu cực còn tùy thuộc ở quan niệm và mức độ của từng trường hợp cụ thể. Sao chép là một yếu tố cấu thành trong sáng tác dân gian. Các dị bản trong âm nhạc cổ truyền bất kể của vùng miền nào hay dân tộc nào đều có thể được hưởng quyền bình đẳng như nhau. Sao chép trở thành điều cấm kị chỉ khi sự sáng tạo không còn thuộc về văn hóa truyền miệng mà được lưu lại dưới hình thức tác phẩm có văn bản và có tác giả. Sáng tạo cá nhân dần dần được tôn trọng như một đặc quyền và những quy định sơ khai về sở hữu trí tuệ được đưa vào bộ luật của một số nước từ rất lâu, cách nay đã xấp xỉ ba trăm năm rồi.

Tuy vậy, vào thế kỷ “bình minh” của âm nhạc có tác giả trên thế giới, việc sao chép trong sáng tác hình như chưa bị coi là không thể chấp nhận. Ngay trong các nhạc phẩm được xếp hạng tuyệt tác của nhân loại, người ta vẫn tỉ mẩn tìm ra những khúc những mẩu copy. Không ít thí dụ bất ngờ có thể làm cho người bảo hộ quyền tác giả thời nay thấy lúng túng, khó xử, chẳng hạn: chủ đề mở đầu giao hưởng Anh hùng của Beethoven té ra đã lặp lại chủ đề mở đầu opéra Bastien và Bastienne của Mozart viết lúc 12 tuổi!

Beethoven mượn của Mozart, Brahms mượn của Beethoven, Mahler mượn của Brahms, Schostakovitch mượn của Mahler… Người khổng lồ này mượn của người khổng lồ nọ, thế mà người đời đâu có bất bình với các thần tượng từng vay mượn người khác rồi lại bị người khác vay mượn. “Đến các cụ lớn cũng còn cóp nhạc của nhau nữa là...” - viện cớ đó để hòa cả làng vẫn là một cách biện hộ hữu hiệu cho hiện tượng sao chép ở hậu thế.

Vận dụng một cách thuyết phục hay phản bác lại cách biện hộ nói trên đều không dễ nếu thiếu các cuộc mổ xẻ của các nhà lý luận âm nhạc chuyên nghiệp. Dựa vào lý lẽ nhà nghề của lĩnh vực âm nhạc hàn lâm, mọi phán xét hiện nay còn phải bám sát nội dung văn bản pháp luật về quyền tác giả. Làm luật đòi hỏi tính xác thực, trong khi làm nhạc là lĩnh vực trừu tượng. Chưa có những cái đầu hiểu biết tổng hợp “2 trong 1” thì ít nhất cũng phải có sự hợp tác “2 như 1” giữa giới luật và giới lý luận âm nhạc để điều chỉnh và thực thi các điều khoản cụ thể trong quyền tác giả âm nhạc ở Việt Nam. Vạn sự khởi đầu nan, một trong những cái “khởi đầu nan” ấy là đưa ra những quy định hợp lý trên cơ sở thống nhất cách nhìn nhận và đánh giá sự sao chép.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực ở Việt Nam từ năm 2006 trong lĩnh vực nhạc mới thì sự sao chép trong sáng tác có thể bị khép tội vi phạm quyền tác giả. Đã có luật thì cứ chiểu theo luật mà làm. Song việc thực thi luật thông qua cảm nhận và đánh giá tác phẩm âm nhạc, nhất là nhạc không lời viết ở hình thức lớn, hẳn nhiên không giản đơn như tính đằng thẳng xem có bao nhiêu phần trăm “sao y bản chính” để buộc tội. Rất khó quy định cụ thể trong luật bao nhiêu phần trăm là được phép, càng khó xác định liệu tác phẩm đã vượt quá giới hạn cho phép chưa. Đôi khi vượt quá cái phần trăm đó vẫn chẳng hề hấn gì, đấy là trường hợp “sao y” dân gian, vì vay mượn của tác giả vô danh chẳng những không lo bị quy tội mà còn được tán thưởng là biết vận dụng vốn quý dân tộc. Vô hình trung quyền của người sáng tác không được rõ ràng nhất quán, lúc giới hạn ở liều lượng vay mượn, lúc lại hạn chế không phải ở mức độ sao chép, mà ở đối tượng được chọn để sao chép.

Sự sáng tạo trong mọi lĩnh vực đều dựa trên kế thừa. Nếu cái tài của người sáng tác là biết kế thừa có sáng tạo thì cái khó của người thi hành luật là biết phân định giữa kế thừa đáng khích lệ với sao chép vi phạm bản quyền. Sự kiểm định chắc chắn phải cần đến hội đồng chuyên ngành, trong đó, như đã nói trên, vai trò của lý luận âm nhạc chuyên nghiệp rất lớn. Thế nhưng cho đến nay luật bản quyền vẫn chỉ là “chuyện riêng” của giới sáng tác và gần như chưa đụng chạm đến giới nghiên cứu phê bình. Chúng ta luôn bỏ qua hiệu quả của lý luận âm nhạc chuyên nghiệp trong những vấn đề mang tính xã hội. Chúng ta cũng chưa thấy hết hậu quả của những câu chuyện liên quan đến hiện tượng sao chép trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình âm nhạc. Cóp nhặt, xào xáo không phải chuyện hiếm trong bình luận và phân tích âm nhạc trên báo chí cũng như trong luận văn chuyên ngành, nhưng chưa bao giờ bị coi là nghiêm trọng đến mức cần thổi còi phạt.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực lý luận còn khó hơn trong sáng tác nên xưa nay vẫn chỉ có cách duy nhất là dựa vào lòng tự trọng và khả năng tự kiểm soát của người cầm bút. Một thứ luật “bất thành văn” chỉ hiện hữu nhờ đạo đức nghề nghiệp như thế liệu có bền lâu và có hiệu lực đến đâu còn phụ thuộc vào cả quá trình giáo dục và đào tạo. Trẻ nhỏ vẫn tập làm văn theo kiểu thụ động thuộc lòng văn mẫu và dàn ý bắt buộc, còn sinh viên viết tiểu luận hay luận án tốt nghiệp chủ yếu vẫn vay mượn chắp vá và không tự giác nghiêm ngặt trong việc chú thích trích dẫn. Từ hiện trạng này đồ rằng tương lai sẽ còn nhiều nghịch cảnh bất lợi cho các nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc vốn quen được bật đèn xanh trong việc đạo văn, đạo ý tưởng, nhưng ra đời lại phải gánh lấy trọng trách bật đèn đỏ trước hành vi đạo nhạc.

Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong âm nhạc khó đạt hiệu quả mong muốn khi chưa có sự tuyên truyền thông tin đầy đủ. Nội dung các điều khoản trong luật ra sao vẫn còn mơ hồ ngay cả với những người được hưởng quyền tác giả và quyền liên quan. Dân nghệ sĩ vốn ngại rắc rối phiền hà với các thủ tục hành chính, chắc chẳng mấy ai chịu mất công chủ động tìm hiểu cặn kẽ về luật bản quyền, về hệ thống cơ quan nhà nước có chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả. Khi phát hiện sự vi phạm, đa phần họ không biết kêu ai, đệ đơn đến đâu, chọn cơ quan cấp nào cho đúng thẩm quyền, thành ra cứ mặc kệ cho qua còn hơn dính vào vụ việc khó lường hết thiệt hại về tài chính và thời gian, chưa kể đến tổn thất về sức lực và tinh thần. Sự thiếu hiểu biết luật chẳng những dễ dẫn đến hiện tượng vi phạm luật, mà còn làm người trong cuộc tranh cãi lan man không phân thắng bại, công chúng dễ hoang mang chẳng biết đâu mà lần, còn người cầm cân nảy mực càng thêm rối và khó đưa ra phán xét cuối cùng thỏa mãn cho mọi đối tượng.

Có thể thấy luật bản quyền chưa thực sự đi vào nếp nghĩ của giới sáng tác, ngay đến đối tượng được bảo hộ cũng chẳng mấy trông chờ vào tính thiết thực của việc thi hành luật. Nhiều khi mong muốn phổ cập sáng tác còn mạnh hơn quyền lợi vật chất, đôi lúc quyền lợi vật chất lại có ý nghĩa hơn danh tiếng. Khi đặt mục đích quảng bá tác phẩm lên trên hết, chính các tác giả ít bận tâm đến thiếu sót trong thực hiện quyền tác giả. Dù các đài truyền hình chưa trả nhuận bút thông qua Trung tâm bảo vệ quyền tác giả cho những tác phẩm được dùng trong chương trình ca nhạc của đài, dù các ca sĩ không phải ai cũng tự nguyện tự giác trích phần trăm thù lao cho nhạc sĩ sáng tác, mà quản lý việc chạy “sô” của họ là điều không thể, thế nhưng phần lớn các tác giả vẫn cứ hồ hởi vui thích nếu biết tác phẩm được sử dụng.

Vai trò của tác giả lời ca và nhạc sĩ phối khí bắt đầu được nhắc nhở, nhưng họ đã quá quen với sự thiệt thòi trong quyền lợi đồng tác giả. Với nhà thơ hình như niềm vui thấy bài thơ của mình được phổ nhạc luôn lớn hơn nỗi buồn bị “xù” khoản nhuận bút cho lời ca. Còn nhạc sĩ phối khí nhận đủ thù lao cho phần hòa âm rồi thì chẳng thắc mắc gì về danh nghĩa đồng tác giả của mình. Nếu ý thức rõ quyền hưởng nhuận bút luôn gắn liền với quyền đứng tên ở vị trí đồng tác giả, tức là được công khai “thương hiệu” và hoàn toàn chấm dứt tình trạng nhập nhằng “áo gấm đi đêm” đối với bản phối khí hay, thì chắc chắn người phối khí phải cố giữ “tiếng” cho mình hơn và trách nhiệm lúc đó mới thực sự đi đôi với quyền lợi.

Bảo hộ tác quyền tưởng như chỉ cần thiết với người làm nhạc mới, nhưng thực tế vẫn có những đòi hỏi sự công bằng cho người truyền bá nhạc cổ. Theo nguyên tắc ứng tác ứng tấu của nhạc cổ truyền, nghệ nhân vừa là người biểu diễn, vừa là người sáng tác ngẫu hứng, lẽ ra họ phải được hưởng cả quyền tác giả, cả quyền liên quan, và quyền lợi chính đáng đó chưa rõ nên thực hiện thế nào cho thỏa đáng - chỉ nhận thù lao thu thanh ghi hình hay còn được hưởng phần trăm lợi nhuận mỗi lần phát hành sản phẩm? Từ đây sẽ nảy sinh ra những tình huống phải cân nhắc. Một đại biểu Nhật Bản tham dự hội thảo quốc tế do Viện Âm nhạc từng đưa ra câu hỏi mà có lẽ lúc đó ta còn chưa thấy hết tính bức thiết: cấm sao chép bản quyền hay cho phép khai thác miễn phí tài liệu nhạc cổ qua mạng, vì lợi nhuận riêng của người độc quyền sở hữu hay vì hiệu quả chung của sự nghiệp quảng bá nhạc cổ? Phổ cập tư liệu nhạc cổ trên website, chủ sở hữu tài sản âm nhạc (là cá nhân, tổ chức tư nhân hoặc cơ quan nhà nước như Viện Âm nhạc) có thể tự nguyện nhận phần thiệt về mình vì lợi ích lớn hơn đối với nhạc cổ truyền dân tộc, nhưng thiếu những quy định rõ ràng và kín nhẽ thì dù “làm việc nghĩa” không doanh thu vẫn có thể mang tiếng lạm quyền đối với nghệ nhân.

Tính chất phức tạp và đa diện của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong âm nhạc đòi hỏi sự phối hợp liên ngành và hơn thế nữa, sự hợp tác liên quốc gia. Tham khảo kinh nghiệm lâu năm và phong phú của nước ngoài, điều chỉnh, hoàn thiện và phổ cập văn bản pháp lý, nâng cao nghiệp vụ chuyên ngành cho người làm luật trong lĩnh vực âm nhạc... - quả thật có vô số điều cần làm ngay. Chẳng còn lựa chọn nào ngoài cách đối mặt đương đầu với mọi cái khó, nếu chúng ta muốn gìn giữ môi trường văn hóa nghệ thuật trong sạch bằng ý thức tôn trọng nhân quyền trong sáng tạo và trong sử dụng tài sản âm nhạc.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...