Quan hệ Chăm - Việt qua âm nhạc dân gian
Văn hóa Nam Á – nền văn hóa cổ xưa mang đặc trưng của khu vực nhiệt đới gió mùa có liên quan đến văn hóa của nhiều dân tộc trong khu vực, trong đó có cả dân tộc Chăm và dân tộc Việt. Văn hóa Nam Á là nền văn hóa điển hình của văn minh nông nghiệp lúa nước, kết hợp văn hóa Biển với một địa bàn ảnh hưởng rộng lớn từ sông Dương Tử (Trung Quốc) đổ về phía Nam, phía Đông lan đến Nhật Bản và Australia, phía Tây trải đến Assam (Đông Bắc Ấn Độ) và Madagasca. Chăm – Việt vốn có quan hệ gần gũi về nguồn gốc lịch sử và cùng nền văn hóa Nam Á. Trong lịch sử văn hóa của hai dân tộc cũng đã có những quan hệ giao lưu lâu đời, gắn bó và hoà hợp sâu xa.
Về cơ bản, quan hệ văn hóa Chăm-Việt đã diễn ra trên nhiều lĩnh vực, từ dạng thức của văn hóa vật chất như: nhà ở, công cụ sản xuất, bánh chưng bánh tét... Đến sinh hoạt văn hóa tinh thần, phong tục tập quán như tục thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ mẫu, tín ngưỡng phồn thực, ý niệm âm dương trong tư duy về thế giới, và nhất là trong văn hóa dân gian. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một lĩnh vực mà hai dân tộc có những mối giao lưu quan hệ rất rõ, đó là âm nhạc dân gian. Đó là kết quả của sự trao đổi, bồi đắp và hòa hợp một cách nhân ái, gắn bó giữa hai dân tộc Việt – Chăm được hình thành bền bỉ, lâu dài qua hàng ngàn năm lịch sử.
Trong quá trình lịch sử, giao lưu âm nhạc giữa Chăm – Việt được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến. Theo lịch sử ghi lại, những vũ nữ và nghệ nhân Chăm được Đại Việt đưa đến Thăng Long vào năm 1044 thời vua Lý Thái Tông, và năm 1202 với thời vua Lý Cao Tông. Theo Dương Quảng Hàm thì “ vua Lý Cao Tông có cử người soạn ra nhạc khúc mới gọi là Chiêm Thành âm, tiếng nhạc sầu oán, thương xót nghe đến phải khóc”. Học giả này cũng đưa ra giả thuyết là “ nhiều người cho rằng các lối ca Huế là do ta phỏng theo các ca khúc của người Chiêm Thành mà đặt ra”. Cũng theo nhà nghiên cứu Đào Duy Anh cũng đưa ra những bằng chứng thiết thực về sự giao lưu giữa âm nhạc Việt – Chăm. “ Ở miền Nam, kể từ khi chúa Nguyễn khai phá bờ cõi vào đất của Chiêm Thành, âm nhạc ở Bắc truyền vào đã chịu ngay ảnh hưởng của âm nhạc Chiêm Thành mà thành những khúc nhạc cung Nam mà người hay đem đối lại với các ca khúc cung Bắc. Những cung Nam như Nam ai, Nam bình, Nam xuân có vẻ trầm bi, oán vọng, hợp với tâm thuật của một dân tộc điêu tàn là dân tộc Chiêm Thành, cùng với cảnh non nước dịu dàng ở xung quanh kinh đô”.
Tìm hiểu và so sánh âm nhạc dân gian Chăm-Việt thể hiện qua những nét tương đồng và gần gũi về các khía cạnh sau:
Về nhạc cụ: giữa hai dân tộc có những nét gần gũi với nhau về nhạc cụ.
• Bộ dây kéo: chúng ta có thể nhận thấy ở cả hai dân tộc đều có đàn Nhị, người Chăm gọi là Ka-nhi, bởi bầu vang của đàn được làm bằng mai rùa nên được gọi với cái tên khác là Kanhi Kara (Kara tiếng Chăm là con rùa). Dây đàn được làm bằng sợi tơ se lại hoặc dây cước. Kỹ thuật diễn tấu của loại nhạc cụ này khá đơn giản, chủ yếu dùng trong nhạc lễ. Đàn Kanhi có âm điệu thánh thót, tiếng đàn gần gũi với tiếng người, tiếng chim. Ở người Chăm nghệ nhân sử dụng loại nhạc cụ này là thầy lễ Ôn Kadhar – một trong những người có vai trò quan trọng trong lễ hội dân gian của người Chăm.
• Bộ hơi: loại nhạc cụ này ở người Chăm có kèn Saranai, nhạc cụ này tham gia hầu hết vào các ban nhạc lễ trong lễ hội dân gian của người Chăm. Kèn Saranai có âm thanh to, vang xa thích hợp để hòa tấu với trống Ginăng, và trống Baranưng, đây là bộ ba quan trọng trong dàn nhạc dân gian Chăm. Cấu tạo kèn Saranai tương tự như nhiều loại kèn Loa của người Việt như kèn Bầu, kèn Trung. Kèn Saranai có một bộ phận đặc sắc là dăm kèn, ở kèn Bầu cũng có thể có dăm kèn nhưng ít phổ biến hơn. Kèn Saranai dùng trong ban nhạc đệm cho múa lễ Rija của người Chăm, còn kèn Bầu của người Việt chủ yếu dùng trong nhạc tang lễ.
Cũng thuộc loại nhạc khí thổi hơi, ở người Việt và người Chăm đều có Tùvà mà người Chăm thường gọi la Sar hay Ù. Cấu tạo loại nhạc cụ này ở hai dân tộc hoàn toàn giống nhau, không có gì khác biệt lắm. Loại nhạc cụ này được làm bằng ốc biển hay sừng trâu. Tùvà được Ôn Tyap Bhut (thầy Pháp) thổi trong lễ cúng và thầy Pasêh thổi trong đám tang của người Chăm Ahiêr (Chăm Bàlamôn). Sáo ngang: ở người Chăm loại nhạc cụ này không còn phổ biến nữa, trước đây sáo ngang Chăm thường thấy ở các công trình điêu khắc của người Chăm.
• Bộ gõ: ở người Chăm có trống Ginăng, mà trống Cơm của người Việt có lẽ là phiên bản của trống Ginăng mà ra, nhưng trống Ginăng to và dài hơn trống Cơm. Trống Ginăng luôn được dùng từng đôi và có hệ thống dây chằng để làm cho mặt trống căng hay chùng ít nhiều. Trống Ginăng tham gia hầu hết vào các hoạt động biểu diễn của người Chăm, trong sinh hoạt cũng như trong lễ hội dân gian.
Hagar Praung (Trống lớn) của người Chăm tương tự như trống Cái hay trống Chầu của người Việt. Ở người Chăm không dùng loại trống này trong các hoạt động biểu diễn mà được dùng trong các nghi lễ Hồi giáo (trong thánh đường) và trong lễ tang của người Chăm Ahiêr.
Dân ca: Trong dân ca Chăm và dân ca Việt có rất nhiều thể loại có tính chất và tính năng giống nhau. Dân ca Việt sử dụng phổ biến thể thơ lục bát, dân ca Chăm cũng có thể thơ lục bát. Ví dụ, những bài dân ca giao duyên Daoh Adam Dara và những bài dân ca ân tình Daoh Mưyut có nội dung trữ tình, giải bày nổi niềm tâm sự giữa những đôi trai gái yêu nhau, bằng những lời thơ mộc mạc, chân tình nơi thôn dã. Hình thức dân ca Chăm gieo vần như ở thể thơ lục bát cổ của người Việt (chữ thứ sáu của câu lục vần với chữ thứ tư của câu bát):
Thay mai mưng dêh thay ô
Drơh phik kâu lô yom tha urang
Chêk tian mưng asit dih dang
Mai hu ka urang oan lô lingik
Đứng về mặt cấu trúc âm thanh, giai điệu và nhịp điệu dân ca của người Chăm, nhất là các thể loại dân ca giao duyên Daoh Adam dara, Daoh Mưyut đều có cấu trúc chặt chẽ, gọn gàng, rất dễ cảm nhận ở chúng tính trong sáng, hồn nhiên gần với những điệu lý của người Việt: Lý Hoài Nam, Lý Con Sáo, Lý Ngựa Ô, Lý Ta Lý của người Việt ở Bình Trị Thiên. Với Lý Con Ngựa, Lý Con Quạ, Lý Thiên Thai, Xuân Nữ Bài Chòi ở Nam Trung Bộ; và đặc biệt là những bài dân ca u hoài, sâu lắng của người Chăm rất gần gũi với điệu hát Vọng Cổ ở Nam Bộ, với các điệu hò ô, hò mái nhì, hò mái đẩy, hò đưa linh của người Việt ở Bình Trị Thiên.
Những khúc ca Nam như Nam Ai, Nam Bình, Nam Xuân, Nam Thương Vọng Phu... chịu ảnh hưởng của ca nhạc Chăm, vì có vẻ trầm bi, buồn nản hợp với tâm trạng của lịch sử người Chăm lúc bấy giờ, cùng với cảnh non nước dịu dàng thơ mộng ở quanh xứ Huế.
Tóm lại, trên đây là những kết quả tìm hiểu bước đầu về mối quan hệ giữa hai dân tộc qua lĩnh vực âm nhạc dân gian. Qua đó chúng ta có thể nhận thấy âm nhạc dân gian Chăm và âm nhạc dân gian Việt đã gặp nhau và vay mượn lẫn nhau trong nhiều thế kỉ. Sự phân bố lan về phía Nam của người Việt và âm nhạc Việt là cả một quá trình giao lưu văn hóa và hoà hợp dân tộc rộng rãi, sâu sắc, lâu dài với người Chăm khiến cho “nhạc Việt nhuốm màu Chàm”. (Trần Văn Khê-Âm nhạc Việt Nam)
Qua nhiều điểm gặp gỡ trong lĩnh vực âm nhạc dân gian của hai dân tộc Chăm-Việt, chúng ta có thể khẳng định rằng: đó là kết quả của sự giao lưu và hoà hợp văn hóa một cách bình đẳng, tự nguyện. Là kết quả của sự hoà hợp văn hóa của hàng chục triệu nhân dân lao động tiến hành âm ỉ, sâu kín qua hàng nghìn năm lịch sử.
Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc đều có những hoạt động văn hóa mang tính chất riêng biệt, nhưng cũng có những nét đặc thù chung của khu vực, nên mối quan hệ giao lưu giữa các dân tộc là điều tất yếu, càng làm cho nền văn hóa chúng ta thêm phong phú, đa dạng. Sự kết hợp hài hòa giữa những nền văn hóa có phong cách riêng của các dân tộc anh em sống trong tổ quốc chung, giống như những bông hoa nở rộ trong rừng hoa đẹp muôn sắc ngàn hương của các dân tộc Việt Nam.
(Nguồn: http://hocthuat.vn)