Quá trình tiếp thu hệ thống âm nhạc phương Tây trong lịch sử phát triển nền âm nhạc mới Việt Nam

28/12/2018

Nhạc sĩ Đỗ Hng Quân trình bày bài viết này trong Hi tho tại Uzbekistan

Âm nhạc phương Tây vào Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XIX. Cụ thể là từ năm 1861, khi xuất hiện các dàn nhạc kèn đồng – ban nhạc nhà binh Pháp tại Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Huế... Trong các nhà thờ Công giáo như Hải Phòng, Bùi Chu Phát Diện cũng đã xuất hiện những đội kèn đồng, ca đoàn để phục vụ những nghi lễ tôn giáo. Cùng với các phương tiện như Đài Phát thanh, đĩa hát, âm nhạc của Pháp và phương Tây đã được phổ biến tại các đô thị lớn trong những năm 20 của thế kỷ XX, tiếp theo là việc Pháp cho xây dựng các nhà hát lớn tại Hải Phòng (1893), Sài Gòn (1909), Hà Nội (1911) để trình diễn âm nhạc và kịch nghệ của Pháp và các nước châu Âu. Một sự kiện quan trọng là năm 1927, nhạc viện Viễn Đông (Concervatoire de musique Française d’ Extrême Orient) được thành lập tại Hà Nội, tuy chỉ tồn tại 3 năm nhưng đã góp phần phổ biến hệ thống lý thuyết âm nhạc và các môn thực hành cho người Việt, cùng với đó là việc xuất hiện các nhạc cụ phương Tây như Violon, Piano, Accordeon... và các giáo trình về âm nhạc của Lavignac, Vincent d’ Indy, Dubois...

Trước sự xâm nhập của văn hóa âm nhạc phương Tây, giới nhạc sĩ nước ta lúc đó đã tiếp thu và hóa giải bài toán Âu hóa nhạc Việt như thế nào? Quan điểm là “tiếp thu lý thuyết âm nhạc phương Tây để cải cách nhạc Việt” (nhạc cổ truyền như Xẩm, Ả Đào, Chèo, Tuồng, Dân ca Quan Họ...) và “văn bản hóa” nền âm nhạc dân gian và ca khúc mới sáng tác bằng cách ghi lại các giai điệu trên 5 dòng kẻ theo lý thuyết âm nhạc phương Tây. Từ quan điểm này, các nhạc sĩ đầu thế kỷ XX đã dấy lên phòng trào soạn bài hát nhạc tây - lời ta, dựa vào các giai điệu phổ biến của Pháp đặt ra lời Việt để phù hợp với hoàn cảnh và môi trường lúc bấy giờ. Sau đó tiến tới việc tự sáng tác nhạc và lời ký âm trên hệ thống diatonique (7 nốt trên 5 dòng kẻ) và in xuất bản những nhạc phẩm này. Đó là giai đoạn 1935 – 1938 với các ca khúc của Lê Thương (Thằng Cuội), Nguyễn Văn Tuyên (Kiếp hoa), Nguyễn Xuân Khoát (Bình minh)...

Ca khúc cách mạng Cùng nhau đi hồng binh (1930) của Đinh Nhu được coi là bản hành khúc sớm nhất được ghi lại trên 5 dòng kẻ nhạc. Từ sau năm 1930 khi có phong trào văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi phong trào Hướng đạo sinh Việt Nam hoạt động mạnh trong học sinh sinh viên, đặc biệt từ năm 1936 mặt trận bình dân Pháp cổ vũ cho phong trào yêu nước công khai ở Việt Nam, thì phong trào tân nhạc, học nhạc lý phương Tây để sáng tác bài hát ta, như Đặng Thế Phong với “Con thuyền không bến”, “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương, “Thiên thai” của Văn Cao,… là bước tiến nhẩy vọt. Điều đó chứng tỏ âm nhạc Việt Nam biết tiếp thu cái mới một cách có chọn lọc.

Chính vì tiếp thu lý thuyết âm nhạc châu Âu, các thể loại âm nhạc mới đã ra đời, mà từ trước trong nền âm nhạc dân tộc nước ta chưa từng có, đó là:

Hành khúc là thể loại mới nhất ra đời trong phong trào Tân nhạc với nhịp đi hùng tráng, phù hợp với sinh hoạt cộng đồng. 

Tình ca chiếm đại đa số sáng tác của các nhạc sĩ Tân nhạc, nó là tâm sự riêng tư của tác giả với tình yêu trai gái, tình yêu quê hương, khát vọng tương lai...  và tiếp theo là các thể loại: Liên khúc ca khúc; Ca cảnh... ra đời.

Tác phẩm Khí nhạc đầu tiên là Trống Tràng thành của Nguyễn Xuân Khoát viết cho đàn piano, cùng với những cải biên dân ca cho đàn piano của   nghệ sĩ Thái Thị Lang, là bằng chứng cho sự tiếp thu kỹ thuật ký âm và diễn tấu trên nhạc cụ phương Tây.

Trước khi có đường lối “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” trong đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, các nhạc sĩ thời kỳ tân nhạc đã hướng tới tính dân tộc trong các sáng tác (chủ yếu là ca khúc).

Vấn đề dân tộc và hiện đại là vấn đề luôn được đặt ra cho bất cứ nền lý luận âm nhạc của dân tộc nào nếu muốn trở nên độc đáo, khác biệt. Những nhạc sĩ phong trào Tân nhạc học nhạc lý phương Tây, học cách sáng tác của họ nhưng đã Việt Nam hóa giai điệu, ca từ, nội dung tác phẩm khiến nó hoàn toàn mới lạ nhưng gần gũi với tình cảm của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Khúc thức gọn gàng, câu nhạc chân phương, giai điệu đẹp, nhẹ nhàng, ca từ thanh thoát, đấy là những thành công rõ ràng trong việc tiếp thu những lý thuyết và quan niệm trong âm nhạc phương Tây để “làm mới” âm nhạc Việt Nam.

Nhìn lại lớp nhạc sĩ thành công thời Tân nhạc thì thấy họ là những con chim đầu đàn của âm nhạc kháng chiến cách mạng sau này như Văn Cao (1923-1995), Nguyễn Văn Thương (1919-2002), Đỗ Nhuận (1922-1991), Nguyễn Xuân Khoát (1910-1993), Nguyễn Đình Phúc (1919-2001), Nguyễn Đình Thi (1924-2003), Lưu Hữu Phước (1921-1989). Sau họ là lớp nhạc sĩ trẻ tiếp bước để âm nhạc Việt Nam phát triển như ngày nay.

Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc mang trong mình một hệ thống lý luận ra đời từ thực tiễn sáng tác của từng giai đoạn lịch sử, của từng dân tộc và song song tồn tại với đời sống sáng tạo.

Hệ thống lý luận âm nhạc phương Tây đã được hình thành lâu đời từ những thế kỷ XVII, XVIII và gồm nhiều những yếu tố cấu thành như: lý thuyết âm nhạc, lịch sử âm nhạc, âm nhạc học dân tộc, nhạc cụ học, âm thanh học, tâm lý nhạc học, phê bình âm nhạc, thẩm mỹ âm nhạc...

Trong lý thuyết âm nhạc, mà Việt Nam đã tiếp thu, ngoài hệ thống của Pháp (cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX) thì đó chính là hệ thống lý luận âm nhạc Nga Xô Viết, khẳng định chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong sáng tác âm nhạc, phản ánh những chủ đề lớn của cuộc sống thông qua những tác phẩm âm nhạc có tính nghệ thuật và tính nhân văn cao cả, chống lại những ảnh hưởng xa lạ và thù địch, điều này đã được Điều lệ Hội Nhạc sĩ Liên Xô lần II năm 1957 ghi gõ: “Đoàn kết thống nhất các nhà sáng tác và lý luận âm nhạc nhằm mục đích sáng tạo trên cơ sở phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, những tác phẩm hoàn thiện cao về tính tư tưởng và nghệ thuật”.

Nghệ thuật âm nhạc hiện đại Việt Nam về cơ bản dựa trên phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, nội dung tư tưởng, tình cảm của âm nhạc được thể hiện qua các hình tượng âm nhạc, phương tiện chuyển tải là các nốt nhạc và những thành phần cơ bản như: giai điệu, điệu tính, tiết tấu, tốc độ, hòa thanh, phức điệu, nhạc cụ... và được chia thành nhiều thể loại và hình thức khác nhau như opera, symphony, thính phòng, hợp xướng, ca khúc... Những tác phẩm khí nhạc (nhạc không lời) có nội dung cụ thể (về quê hương đất nước, về sự kiện lịch sử, về một nhân vật anh hùng...) là những tác phẩm có tiêu đề như: Giao hưởng “Đồng khởi” của Nguyễn Văn Thương; giao hưởng thơ “Thắng lợi của tình yêu tổ quốc” của Nguyễn Đình Tấn; Overture “Chào mừng” của Trọng Bằng; Fantasy – Symphonic “Mở đất” của Đỗ Hồng Quân...

Thơ giao hưởng, thơ múa, và những phần âm nhạc trong các bộ phim truyện và trong những vở diễn sân khấu...

Trong báo cáo ngày 27/5/1957 của Ban Trù bị Hội nghị thành lập Hội Nhạc sĩ sáng tác Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận(*) đã nêu: “Đề cao việc học tập Liên Xô, Trung Quốc đã có kinh nghiệm vận dụng chủ nghĩa Mác vào vấn đề âm nhạc...”.

Chính vì tiếp thu có chọn lọc, lý luận âm nhạc nước ngoài cùng với việc kiên trì thực hiện đường lối văn nghệ của Đảng, mà trong giai đoạn 1954 - 1975 nền âm nhạc Việt Nam đã đạt được những thành tích nổi trội trên cả hai lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc. Bản Giao hưởng “Quê hương” của Hoàng Việt ra đời năm 1958, bản hợp xướng “Tiếng hát Người chiến sĩ biên thùy” của Tô Hải (1958), vở nhạc kịch đầu tiên “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1965)... là những kết quả của quá trình vận dụng và tiếp thu hệ thống lý luận – kỹ thuật của nền âm nhạc thế giới kết hợp với kho tàng Âm nhạc dân tộc.

Từ năm 1975 cho đến nay, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng tác âm nhạc cùng công tác lý luận - phê bình âm nhạc Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển theo những định hướng dân tộc - hiện đại, nội dung xã hội chủ nghĩa đề cao tính chất dân tộc.

Trong khi đó, ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu cùng với sự sụp đổ của hệ thống XHCN (1991), hệ thống lý luận văn học nghệ thuật hiện thực XHCN một thời đã là đường lối cơ bản, chính thống, nay không còn giữ được thế “thượng phong”, xuất hiện nhiều khuynh hướng nghệ thuật mới không liên quan gì đến chủ nghĩa hiện thực XHCN. Cụ thể trong âm nhạc đã xuất hiện các trào lưu avantgarde, âm nhạc tiếng động, âm nhạc hậu hiện đại, âm nhạc tân cổ điển...

Trong quá trình hội nhập không thể không kể tới việc du nhập các loại hình nhạc nhẹ Pop, Rock vào Việt Nam. Được tiếp cận với các trào lưu âm nhạc thế giới thông qua internet, các nhạc sĩ trẻ ngày nay được thả sức sáng tạo trong các thể loại từ Pop, Rock, Jazz, Techno, Hip-hop, Rap... Việc du nhập các trào lưu âm nhạc mới trong lĩnh vực giải trí cũng đưa ra những cảnh báo về sự tiếp thu thiếu chọn lọc các giá trị văn hóa và lý thuyết sáng tạo âm nhạc của thế giới. Suy đến cùng một sản phẩm âm nhạc tốt là phải như cái cây giữ được gốc dân tộc và cành lá vươn ra với các trào lưu quốc tế. Đây là kỳ vọng đối với thế hệ nhạc sĩ trẻ ngày hôm nay.

Cần nói đến việc tiếp thu những mô hình đào tạo chuyên nghiệp về âm nhạc: từ 1957, Nhà nước chúng tôi đã thành lập trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) theo mô hình một trung tâm đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp của thế giới (conservatory), bên cạnh đó là một hệ thống đào tạo âm nhạc từ trung ương đến địa phương như: Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh góp phần hình thành nên các tổ chức biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp như Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh... Đây chính là những đơn vị nghệ thuật đã dàn dựng và phổ biến những giá trị âm nhạc kinh điển từ Bach, Mozart, Beethoven, đến Chaikovsky, Shostakovich, Stravinsky, Prokofiev.. đến các tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam đương đại.

Trong quá trình tiếp thu hệ thống lý luận nước ngoài, chúng ta vừa có sự chọn lọc và vừa có sự trao đổi, điều đó được thể hiện trong việc giao thoa giữa nền âm nhạc Việt Nam với các nền âm nhạc quốc tế. Đã có nhiều nhạc sĩ nước ngoài nghiên cứu Âm nhạc dân tộc Việt Nam, sáng tác về đề tài Việt Nam, việc phối hợp giữa các nhạc cụ dân tộc như Bầu, Tranh, Sáo, T’rưng... với dàn nhạc Giao hưởng... Bên cạnh đó cũng cần lưu ý trong quá trình giao lưu hội nhập không tránh khỏi việc mở cửa không kiểm soát nên những “luồng gió độc” – những xu hướng không lành mạnh trong âm nhạc đang len lỏi vào đời sống âm nhạc như xu hướng bắt chước, chạy theo trào lưu, dập khuôn hình mẫu thần tượng phương Tây, phong cách biểu diễn thiên về ngoại hình, gây những tác động phản thẩm mỹ.

Âm nhạc là một dòng chảy liên tục, một môi trường dễ hòa đồng và lan tỏa, việc tiếp thu trao đổi những khuynh hướng trào lưu sáng tác và biểu diễn là một thực tế nhu cầu ngày hôm nay. Các nhạc sĩ, nghệ sĩ cần kiên định sáng tác trên con đường văn hóa văn nghệ của dân tộc, nắm bắt những trào lưu lý luận văn học nghệ thuật mới, phát sinh từ nhu cầu cuộc sống hiện đại, trong xu thế toàn cầu hóa, nhằm có những tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật mang tính nhân văn cao cả, hướng tới công chúng đông đảo, chứa đựng giá trị Chân - Thiện – Mỹ và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

 

 


(*) Đỗ Nhuận (1922-1991) nhạc sĩ sáng tác, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1957 – 1982.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...