Quá “đói” ca khúc hay nên trẻ con phải hát nhạc thất tình, não nề?
“Có một thực tế, ca khúc cho thiếu nhi hiện nay vừa thiếu, vừa yếu. Nhiều bài hát cho thiếu nhi bây giờ không đủ sức hấp dẫn với chúng, không dễ thuộc, dễ nhớ”, đó là quan điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long.
Thuộc nhạc người lớn hơn nhạc thiếu nhi
Mới đây, giọng ca nhí Phan Đình Tây trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận trên mạng xã hội khi thể hiện ca khúc “Đến sau một người”, một ca khúc mang tâm sự sầu đau của chàng trai trót lòng thương nhớ một người con gái đã có người yêu.
Trong khi có một số khán giả khen ngợi cậu bé 14 tuổi có giọng hát giàu cảm xúc thì nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại việc cậu bé còn quá nhỏ nhưng lại hát ca khúc thất tình, não nề của người lớn.
Cậu bé Phan Đình Tây từng gây nhiều tranh cãi khi thể hiện nhiều ca khúc nhạc thất tình của Châu Khải Phong, Chu Bin...
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên giọng ca 14 tuổi này hát ca khúc thất tình của người lớn. Trước đó, cậu bé từng hát Ngắm hoa lệ rơi, Gọi tên em trong đêm, Xin lỗi người anh yêu, Đớn đau anh vẫn yêu, Em phải quên anh... Tất cả những bài hát này đều nói về tâm trạng đớn đau, đơn côi và não nề của một chàng trai/cô gái thất tình.
Cách đây không lâu, chuyện bé N.H (4 tuổi) hết âu sầu với ca khúc “Chuyện tình không dĩ vãng” lại tập làm người lớn với “Qua cơn mê”… trên một chương trình truyền hình thực tế đã khiến nhiều người lớn cảm thấy xót xa. Không dừng lại ở đó, hai thí sinh chưa tròn 10 tuổi của “Tuyệt đỉnh song ca nhí” nức nở khi hát bài “Duyên phận” cũng đã nhận được những ý kiến gay gắt trên mạng xã hội.
Một phụ huynh tên là Lê Thị Bích Loan ở Cầu Giấy (Hà Nội) cũng từng tạo ra cuộc bàn luận sôi nổi trên một diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ khi kể câu chuyện cô con gái mới 8 tuổi của chị suốt ngày hát nhạc thất tình của Châu Khải Phong, Hoa Vinh, Chu Bin… Tuyệt nhiên, cô bé không hề thuộc bất kỳ ca khúc nào của người lớn dù ở trường được học nhạc hẳn hòi. Nhiều phụ huynh khi đọc tâm sự này đã tỏ ra đồng cảm với chị Loan bởi con cái của họ cũng mang tình trạng tương tự.
Nhiều người phân tích rằng, việc trẻ em hát nhạc thất tình, não nề… đôi khi đơn giản chỉ là bắt chước theo thần tượng hoặc thích giai điệu của bài hát nên hát vu vơ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là có những trẻ suốt ngày chỉ toàn nghêu ngao những ca khúc nhạc người lớn nhưng ca từ lại không hề mang đến sự vui tươi, lành mạnh… mà chỉ toàn nói về tâm trạng buồn bã, cô đơn, đau đớn… Phải chăng thị trường âm nhạc đang “đói” những ca khúc thú vị dành cho thiếu nhi nên trẻ em buộc phải hát nhạc người lớn?
Bài hát cho thiếu nhi vừa thiếu, vừa yếu
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, không phải mới đây mới nổi lên chuyện trẻ con hát nhạc thất tình mà trong nhiều năm qua khán giả truyền hình cũng đã chứng kiến không ít lần trẻ em gồng mình hát nhạc người lớn trên một số chương trình truyền hình thực tế.
“Tôi từng bắt gặp rất nhiều lần những đứa cháu của mình “mặt búng ra sữa” nhưng đã thuộc làu làu hàng chục bài hát về thất tình, cô đơn, bi luỵ… Nào là “Cố nén chua cay khi nhìn em đổi thay”, “Em cho tôi bao nhiêu lời cay đắng, em cho tôi bao ưu phiền lắng đọng”... Có thể, trong số đó, nhiều bé hát nhưng không hiểu nội dung bài hát. Tuy nhiên, điều đó cũng ảnh hưởng không tốt đến sự hình thành nhân cách của trẻ.
Chuyện trẻ em hát nhạc người lớn ngày càng nhiều có lẽ do các bé được nghe nhạc người lớn nhiều hơn nhạc cho lứa tuổi của mình. Có một thực tế, ca khúc cho thiếu nhi hiện nay vừa thiếu, vừa yếu. Nhiều bài hát cho thiếu nhi bây giờ không đủ sức hấp dẫn với chúng, không dễ thuộc, dễ nhớ”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, người vừa ra tuyển tập 100 ca khúc nhạc thiếu nhi cũng cho rằng, người lớn không nên cổ súy cho việc trẻ con hát nhạc thất tình bởi nó vô hình trung gieo vào đầu con trẻ những suy nghĩ vượt quá tuổi của con.
“Có thể nhiều người lớn thấy con hát như vậy là dễ thương nên chia sẻ lên mạng xã hội cho mọi người xem xuýt xoa khen ngợi hoặc để chứng tỏ con mình có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc nhưng bản thân tôi lại thấy như vậy không tốt cho sự phát triển tâm lý sinh lý của đứa trẻ chút nào.
Tại sao phải để cho các bé mang suy nghĩ về tình yêu nam nữ khi đang ở độ tuổi 6, 7 tuổi như vậy? Tại sao phải dạy các con nhập tâm, biểu cảm hoặc gồng mình để hát những ca khúc không phải dành cho tuổi của các con như vậy?
Việc cổ vũ cho con của một số người lớn đã vô tình gieo vào đầu con những tư tưởng, suy nghĩ của người lớn và sự tò mò muốn khám phá về thế giới của người lớn dẫn đến phát triển sớm, dậy thì sớm. Không phải nói thêm thì chúng ta cũng tưởng tượng được hậu quả của việc đó rồi”, Nguyễn Văn Chung nhấn mạnh.
Bản thân nhạc sĩ “Nhật ký của mẹ” cũng thừa nhận, một trong những nguyên nhân khiến trẻ em ngày càng tìm đến những ca khúc của người lớn là do thị trường âm nhạc đang thiếu những ca khúc dành cho thiếu nhi.
“Đúng là hiện nay ca khúc dành cho thiếu nhi vẫn còn thiếu vì không có nhiều nhạc sĩ quan tâm đến đối tượng này. Sở dĩ nhiều nhạc sĩ không quan tâm đến vì viết cho thiếu nhi không có lợi nhuận và danh tiếng như nhạc tình yêu.
Các nhạc sĩ (nhất là nhất là nhạc sĩ trẻ) đang ở độ tuổi khao khát muốn thể hiện mình, muốn tìm kiếm danh tiếng, cơ hội được hợp tác với những ca sĩ nổi tiếng nên việc đòi hỏi họ phải có tâm và cống hiến cho âm nhạc thiếu nhi là một chuyện quá xa vời, viễn vông. Các nhạc sĩ muốn cống hiến lại không được hỗ trợ và đãi ngộ xứng đáng nên mọi người nản lòng.
Bên cạnh đó, chủ trương của các đài lại không thật sự quan tâm đến những chương trình thiếu nhi đúng nghĩa. Họ chỉ chạy theo rating và thị hiếu khán giả. Vì thế một vài nhạc sĩ không thể “cứu” được tất cả”.
Bản thân nhạc sĩ Phạm Tuyên, người đã viết hơn 200 ca khúc dành cho thanh thiếu niên trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình từng trăn trở khi nhắc đến việc thiếu những “món ăn tinh thần” cần thiết dành cho con trẻ. Theo ông, câu chuyện này không còn là mối quan tâm của riêng các nhạc sĩ mà của toàn xã hội, mỗi người phải chung tay để tạo nên hành động cụ thể.
(Nguồn: https://dantri.com.vn)