Phục dựng opera “Người tạc tượng”
Tối 10 tháng 10 năm 2019, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã trình diễn vở Opera “Người tạc tượng” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (1959-2019).
Đến dự có: đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Trường trực Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Hội, các nhạc sĩ lão thành, và các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ cùng đông đảo khán giả thủ đô…
Vở nhạc kịch – Opera “Người tạc tượng” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một trong số ít tác phẩm thuộc thể loại âm nhạc sân khấu lớn, được coi là di sản âm nhạc đỉnh cao của Việt Nam, ra mắt lần đầu năm 1971. Sau gần 50 năm, vở nhạc kịch được tập thể nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam phục dựng và biểu diễn với những giọng ca nổi tiếng cùng dàn Hợp xướng, Đoàn Múa và Dàn nhạc Giao hưởng.
Chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Trần Ly Ly
Đạo diễn Âm nhạc và Chỉ huy: Đỗ Hồng Quân
Đạo diễn Sân khấu: NSƯT Trần Lực
Đạo diễn múa: NSND Nguyễn Hồng Phong
Biên đạo múa: NSƯT Trần Ly Ly – NSƯT Thúy Hằng
Thiết kế mỹ thuật: NSƯT Hoàng Hà Tùng
Cố vấn nghệ thuật: Thiếu tương, nhạc sĩ Đức Trịnh
Cố vấn quân sự: Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng
Trợ lý đạo diễn: NSƯT Chiều Xuân
Họa sĩ thực hiện: Nguyễn Công Hoan
Thiết kế ánh sáng: Thanh Sơn
Âm thanh: Tuấn Anh – Trần Luận
Phục trang: Hồng Vân
Kỹ thuật sân khấu: Chí Thanh
Giám đốc sản xuất: NSƯT Trần Thị Tuyết Dung
Nội dung:
Câu chuyện diễn ra tại buôn Bra – trên dải đất Tây Nguyên trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Đây là một trong muôn vàn câu chuyện cảm động về tình nghĩa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với bộ đội Giải phóng quân, thể hiện ý chí kiên cường bất khuất, như cây kơnia bám sâu vào lòng núi, như dáng vóc Nơ Trang Lơn, anh hung Núp, Nguyễn Văn Trỗi...
Gương các anh hùng, dũng sĩ, liệt sĩ sống mãi trong lòng nhân dân trường tồn như bức thành đồng của Tổ quổc.
Màn I
Mạnh Dũng trong vai Thạch Sơn và Tố Loan vai H’Nuôn
Phan Huy Đức vai già làng Aêpông
Thạch Sơn, người con đất Quảng Nam – quê ở núi Ngũ Hành là cán bộ quân giải phóng, chiến đấu trên đất Tây Nguyên. Trong một cuộc chạm trán với địch, anh bị thương và đã được đồng bào che giấu đưa vào trong hang núi cứu chữa.
Trong một trận càn, Bẩy Vằn - tên đồn trưởng ác ôn, đánh hơi thấy có người lạ, bèn cho bọn tay chân đi sục sạo khắp buôn làng để lùng bắt cán bộ ta. Bọn giặc phát hiện bức tượng dũng sĩ Tây Nguyên tạc trên vách đá, Bẩy Vằn hạ lệnh đốt tay già làng Aêpông để tra hỏi xem ai là người tạc tượng. Già làng Aêpông tự nhận mình là người tạc tượng. Bọn chúng không tin, dọa sẽ tưới xăng đốt cả người nếu ông không chịu khai.
Trước hành động tra tấn dã man của chúng, H’Nuôn – con gái già làng từ một ngách hang vội chạy ra và tự nhận mình là người tạc tượng. Sự xuất hiện của người con gái Êđê càng làm cho bọn chúng nghi ngờ. Trước nguy cơ hai cha con gặp tai họa, Thạch Sơn quyết định bước ra đối mặt với kẻ thù, nhận mình chính là người tạc tượng.
Chúng bắt cả Thạch Sơn và H’Nuôn về đặc khu trong sự phẫn nộ của dân làng.
Màn II
Trong câu lạc bộ sĩ quan Mỹ ngụy, đồng thời là phòng tra tấn trá hình, Gơrin – cố vấn tâm lý chiến tỏ vẻ là một người lịch lãm, yêu nghệ thuật, nhưng thực ra hắn là một tên lái buôn đồ cổ, đã vơ vét những bức tượng dân gian Việt Nam, Khơ me, Lào, đem về nước để làm giàu. Biết Thạch Sơn có nghề tạc đá, Gơrin tìm cách thuyết phục để anh tạc bức tượng “Thần Tự Do”. Hắn còn cho gọi Kiều Nga - một cô gái hát thuê ra hát bài ca “Chiêu hồi” để lung lạc tinh thần Thạch Sơn.
Trong khi tiếp xúc với binh lính địch, Thạch Sơn đã giác ngộ Y Mak, người lính bếp nuôi hổ. Anh trao cho Y Mak mật hiệu “Con chim vàng anh tốt bụng” để tìm đường về với cách mạng.
Bất lực trước tinh thần sắt đá của Thạch Sơn không chịu tạc tượng “Thần Tự Do”, Gơrin hiện nguyên hình một tên ác thú. Hắn ra lệnh cho Bẩy Vằn tra tấn Thạch Sơn.
Trong cơn điên loạn, Gơrin cảm thấy số phận hắn như con chim ác bị tượng Thạch Sanh, tượng Phật và các bức tượng Việt Nam, Lào, Khơ me săn đuổi. Mọi tra tấn, nhục hình không làm cho Thạch Sơn khiếp sợ, Gơrin nham hiểm, lập mưu bắt ép H’Nuôn mở khóa chuồng cọp để đẩy Thạch Sơn vào. Nhưng tình yêu trong sáng giữa H’Nuôn và Thạch Sơn đã đưa hai người tới quyết định cùng nắm tay nhau bước vào chuồng cọp trước sự sợ hãi, tức giận của bọn giặc. Lại một lần nữa ý đồ của bọn chúng thất bại.
Trì hoãn đòn tra tấn bằng chuồng cọp, chúng lại nghĩ ra mưu kế khác thâm độc, dã man hơn…
Màn III
Bọn giặc bày trò xử tử Thạch Sơn theo hình thức đâm trâu của đồng bào Thượng. Chúng trói Thạch Sơn vào cột đâm trâu, Bẩy Vằn ra lệnh cho tốp lính, nhưng không một tên nào dám cầm khiên đâm Thạch Sơn.
Đột nhiên, Y Giang cầm giáo đi tới cột đâm trâu. Lúc này, Mí Linh - một bà mẹ Н’rê chạy đến, van xin Y Giang đừng gây tội ác. Y Giang cố nén xúc động, cầm giáo múa quanh cột đâm trâu trong nhịp chiêng sôi sục, phẫn nộ của đồng bào, rồi bất ngờ quay mũi giáo phóng thẳng vào ngực Gơrin. Trước khi chết, hắn còn kịp bắn trả Y Giang trọng thương.
Trước sức mạnh tiến công của đồng bào và tiếng hò xung phong của quân giải phóng từ phía đồn vọng lại, Bẩy Vằn toan chạy trốn, nhưng liền bị đồng bào dồn xuống vực thẳm. Lính ngụy theo Y Mak quay súng trở về.
Y Giang trước khi hy sinh, đã giải lời thề ngậm miệng giả câm, trăn trối với đồng bào và chiến sĩ lời cuối cùng: “Anh em, đồng bào ơi! Sống quỳ hay chết đứng? Hãy làm sao cho xứng đáng là con cháu Bác Hồ!”.
Trong khí thế tưng bừng chiến thắng, mọi người cất cao tiếng hát ngợi ca đất trời Tây Nguyên, ngợi ca tình đoàn kết các dân tộc Kinh – Thượng đã tạc nên tượng đài miền Nam thành đồng, Việt Nam độc lập, tự do, anh hùng bất khuất.
Các nhân vật:
- Thạch Sơn (Cán bộ giải phóng): NSƯT Vũ Mạnh Dũng
- Aêpông (Già làng Ê Đê): Phan Huy Đức
- H’ Nuôn (Con gái già làng Aêpông): Đào Tố Loan – Bùi Thị Trang
- Y Giang (Du kích Ba Na giả câm hầu cận cố vấn Mỹ): Nguyễn Đình Chúc
- H’Ben (Em bé gái Gia Rai): Thu Quỳnh
- Mí Linh (Bà mẹ H’Rê): Ngô Hương Diệp
- Kiều Nga (Nữ ca sĩ): NSƯT Lê Thị Vành Khuyên
- Y Mak - Lính hầu ngụy (người Mơ Nông: Đinh Như Tới
- Gơrin (Cố vấn tâm lý chiến): Trịnh Thanh Bình
- Bẩy Vằn (Đồn trưởng): Nguyễn Anh Vũ
- Toán trưởng lính ngụy: Đinh Khánh Cường
Phục dựng và công diễn vở nhạc kịch “Người tạc tượng” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, đưa tác phẩm opera đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam trở lại sân khấu sau nhiều năm, đã gợi lại cho khán giả quá khứ và lịch sử hào hùng của dân tộc, sự bất khuất của những người con Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, đã trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt; và tri ân những người đã cống hiến và hy sinh vì nền độc lập của Dân tộc.
Trước giờ biểu diễn
Ca sĩ Đào Tố Loan
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội chúc mừng thành công của vở diễn