Ả phiền
Ả phiền còn được gọi là Hát 36 giọng. Thực ra theo nghiên cứu của chúng tôi Ả phiền chỉ có 15 giọng (số 36 là con số phiếm chỉ). Đó là các giọng: Sa mạc, Bồng mạc, Xướng, Đò đưa, Huê tình, Trống quân, Nói sử (chèo), Bài sai (hầu bóng), Thổng, Hát cách (chèo), Cờn (chầu văn), Hãm, Tỳ bà, Cung Bắc, Tỳ bà dựng cung huỳnh.
Ả phiền không có trong biểu mục hát Ca trù của các Giáo phường. Nó ra đời vào thời kì xuất hiện nhà hát Cô đầu ở các phố thị (khoảng nửa cuối thế kỉ 19).
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát (Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ 1957 - 1983), trong bài viết của mình về Ca trù, ông đã gọi Ả phiền là "món nộm". Ông gọi như vậy vì bài Ả phiền pha trộn nhiều giọng điệu, nhiều lời ca nhưng nghe vẫn hài hòa và hợp lí.
Thực ra đây là một lối chơi âm nhạc rất "tân tiến" của người xưa. Chúng tôi dùng thuật ngữ chuyên môn để định danh lối chơi này, đó là lối chơi (sáng tác) liên khúc dân ca, hoặc tổ khúc dân ca.
Để sắp xếp được các khúc hát vào với nhau một cách "thật âm nhạc" như Ả phiền, chắc chắn người nhạc sĩ sáng tạo ban đầu của bài hát này phải là người rất am tường âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Cách lựa chọn tiết tấu này nối vào tiết tấu kia, giọng này chuyển sang giọng kia một cách hợp lí, đúng luật đã bộc lộ khả năng này của người sáng tạo.
Nhiều nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng bài này là bài "ngoại" của Ca trù, không nên tính nào vào hệ thống các thể cách Ca trù. Riêng tôi cho rằng, nó chính là đứa con sinh sau đẻ muộn của Ca trù. Nó phải được xếp vào kho tàng bài bản của nghệ thuật Ca trù bởi sự ưa chuộng của giới nghe hát Cô đầu ở các phố thị thời kinh tế thương mại bắt đầu phát triển ở các phố thị Việt Nam dưới thời Pháp bảo hộ. Nó phải được đặt vào các chương trình liên hoan Ca trù như một bải bản chính thức.
Tôi xin gửi tới các bạn bài Ả Phiền do NSND Thanh Hoài hát. Theo tôi đây là giọng hát trời sinh ra để hát Ả phiền thì phải. Mong các bạn am tường Ca trù cho ý kiến: Ả phiền có đáng xếp vào kho tàng các thể cách Ca trù hay không?