OSK - dàn nhạc nổi tiếng với những nhạc cụ tự chế

20/06/2013

Thành viên của dàn nhạc Orchestre Symphonique Kimbanguiste (OSK) - dàn nhạc duy nhất trên thế giới gồm toàn nhạc công da đen – đều là những người tự học chơi nhạc và khởi nghiệp bằng việc chơi các nhạc cụ tự chế.

Nhưng mới đây, người sáng lập dàn nhạc đã được mời tới London để nhận danh hiệu Thành viên danh dự của Hiệp hội Nhạc giao hưởng Hoàng gia [Royal Philharmonic Society], một phần thưởng cao quý từng được trao tặng cho những nhà soạn nhạc nổi tiếng như Mendelssohn, Rossini, Wagner, Brahms và Stravinsky.

Cựu phi công Armand Diangienda mất việc khi chiếc máy bay Fokker F-27 mà ông thường lái khắp Congo đâm vào dãy đồi gần thị trấn Goma vào năm 1992, khiến toàn bộ hành khách thiệt mạng. May mắn thay – cho Diangienda - lúc đó ông đang đi nghỉ. Trong tình trạng thất nghiệp, ông đã tập hợp những tín đồ trong nhà thờ của cha mình, nhà thờ Kimbanguiste rất nổi tiếng ở Congo, và lập dàn nhạc giao hưởng. “Chúng tôi bảo nhau, việc lập một dàn nhạc giao hưởng sẽ rất tuyệt vời bởi vì nhà thờ đã sẵn có một ban kèn đồng, một dàn sáo, một nhóm đồng diễn guitar và mấy đội hợp xướng,” Armand kể. “Tôi không biết đọc bản nhạc, nhưng tôi có niềm đam mê dẫn dắt và với sự giúp đỡ của bạn bè, tôi đã dần dần học được.”

Những ngày đầu, nhạc cụ được mượn về hoặc được tạo ra từ những thứ bỏ đi nhờ kỹ thuật “chắp vá”. Dây đàn violin được chế từ dây phanh xe đạp. Hàng trăm bản nhạc được chép tay, bởi vậy có những phần bè cá nhân chỉ được giải đoán nhờ nghe đi nghe lại tác phẩm qua CD. Giá nhạc được ghép lại từ những thanh gỗ cũ.

Thành viên của dàn nhạc đều là người lao động nghèo. Nathalie, một bà mẹ đơn thân, đã phải gắng gỏi kiếm tiền để nuôi đứa con trai nhỏ và thuê nhà. Cô chơi sáo và saxophone. Josephine thì sáng nào cũng phải dậy vào lúc 4.30 để tới chợ bán trứng tráng. Cô là thành viên của dàn hợp xướng. Papy là thợ cơ khí bán thời gian, đồng thời là chủ một quầy bán thuốc nho nhỏ. Anh thổi kèn tuba. Josef là thợ điện tự do, một kiểu phiên bản châu Phi của nhân vật do Robert De Niro thủ vai trong phim Brazil. Anh là chủ một salon làm tóc và chơi viola.

Nathalie, Josephine, Papy và Josef phải rất giỏi xoay xở thì mới đủ sống. Phần lớn thời gian trong ngày, họ hối hả ngược xuôi ở Kinshasa, một trong những thành phố lớn nhất, ồn ào nhất và cũng hỗn loạn nhất trên thế giới, để kiếm miếng bánh mì. Chập tối, họ đi một chặng đường khá dài, thường phải mất vài tiếng, để tới tập với dàn nhạc. Ở đó, họ thoát khỏi những nỗi lo thường ngày. “Khi hát Giao hưởng số 9 của Beethoven, tôi như bước vào một thế giới khác”, một thành viên của dàn hợp xướng nói.

Armand Diangienda, người sáng tập ra OSK gần 20 năm trước, nói thêm: “Họ đến bởi vì họ say mê âm nhạc. Nó đem đến cho họ những điều lớn lao như niềm tin, lòng can đảm, và cảm giác được đóng góp cho một nỗ lực chung.”

Mặc dù rất nổi tiếng ở Kinshasa, dàn nhạc vẫn là một bí mật của thành phố cho đến khi hai nhà làm phim Đức, Claus Wischmann và Martin Baer, thực hiện bộ phim tài liệu Kinshasa Symphony vào năm 2010, một trong những bức chân dung đẹp nhất và chân thực nhất về sức mạnh của âm nhạc và tinh thần con người.

Năm ngoái, OSK lần đầu đi lưu diễn bên ngoài châu Phi, tại hội nghị TED (về công nghệ, giải trí, và thiết kế) ở California, rồi sau đó tới Monaco. Hãng truyền hình CBS đã dành một giờ để đưa tin về dàn nhạc và Peter Gabriel [ca sĩ, nhạc sĩ, và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Anh] cùng tham gia với dàn nhạc trong buổi dạ tiệc gây quỹ xây một trường âm nhạc ở Kinshasa.

Việc nhiều người Congo xem Diangienda như một vị thánh sống, không nghi ngờ gì nữa, đã giúp đỡ ông đạt được những điều tưởng chừng không thể. Ông của Diangienda, Simon Kimbangu là một thầy lang và nhà truyền giáo có những bài giảng làm thấm nhuần lòng tự hào và tự tôn dân tộc trong những người dân Congo bình thường và gây ra nỗi sợ hãi cho đám thực dân Bỉ. Ông qua đời năm 1951 sau 30 năm tù đày.

Tuy nhiên, với Diangienda, biểu diễn nhạc cổ điển phương Tây bên bờ sông Congo không có nghĩa là quay lưng lại với văn hóa châu Phi. “Tất cả những gì học được nhờ chơi nhạc cổ điển giúp chúng tôi làm phong phú thêm âm nhạc của mình và làm nó trở nên bất tử bằng cách ghi lại [vào các khuông nhạc]”, ông nói. Diangienda cùng với Heritier Malumbi - nghệ sỹ violin số một của dàn nhạc, và Balongi - nghệ sỹ kèn bassoon, đã sáng tác một số tác phẩm giao hưởng đầy ắp hương vị Congo.

“Ông tôi bảo hát là cầu nguyện hai lần,” Diangienda chia sẻ. “Âm nhạc chính là một thứ tài sản tinh thần đối với chúng tôi. Nhưng điều truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất cho tôi chính là được thấy thông điệp ông tôi đưa ra mang tính toàn cầu; một thông điệp về hòa bình, tình yêu, về sự cảm thông và xích lại gần nhau giữa con người.”

Đó cũng còn là thông điệp về tinh thần lao động, tính kiên trì, và lòng tự tôn. Phần kết gây xúc động của bộ phim Kinshasa Symphony là hình ảnh dàn nhạc trình diễn bản đại hợp xướng Carmina Burana của Carl Orff trên một khu đất rộng bỏ hoang, trước một đám đông khán giả địa phương đang ngây ngất lắng nghe. Cái đẹp, lòng tự hào và mục đích chung lan tỏa từ màn biểu diễn, dường như làm tan biến quan niệm mặc định rằng Congo gắn với sự hỗn loạn và nỗi tuyệt vọng. Những người am hiểu, nhóm này tuy ít ỏi nhưng đang đông dần lên, lâu nay vẫn biết rằng Kinshasa là một trong những thành phố năng động và sáng tạo nhất trên thế giới về văn hóa. OSK càng củng cố thêm niềm tin đó.

Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày thành lập, Royal Philharmonic Society (RPS) tặng danh hiệu Thành viên danh dự của RPS cho năm nhân vật đã mang âm nhạc đến với những cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn trên thế giới, đó là: Armand Diangienda - người sáng lập và nhạc trưởng của OSK, Congo; nữ nghệ sỹ viola Anh quốc Rosemary Nalden, người sáng lập trường âm nhạc Buskaid chuyên về đàn dây ở Soweto thuộc TP Johannesburg, Nam Phi; nghệ sỹ piano Ricardo Castro, người đã từ bỏ sự nghiệp độc tấu quốc tế nổi tiếng để gây dựng một chương trình âm nhạc cho giới trẻ ở bang Bahia, Brazil; nghệ sĩ violin và giảng viên âm nhạc Aaron P Dworkin, người sáng lập Tổ chức Sphinx tại Mỹ để đem cơ hội đến cho các nghệ sỹ da đen và Mỹ Latin; TS âm nhạc Ahmad Sarmast, người tạo dựng Học viện Âm nhạc Quốc gia Afghanistan, nơi những đứa trẻ được học văn hóa cũng như học chơi nhạc Afghanistan và nhạc cổ điển phương Tây.

 

Chủ tịch RPS John Gilhooly cho biết: “Những nhà hoạt động âm nhạc này đều hiểu tầm quan trọng cơ bản của văn hóa trong xã hội và tiềm năng của nó trong việc thay đổi cuộc sống. Mỗi người trong số họ đều chứng tỏ được sự kiên trì và tầm nhìn của mình; mỗi người đều được dẫn dắt bởi “tình yêu đối với nghệ thuật của mình”… Tại Anh, nghệ thuật thường được coi là thứ xa xỉ không cần thiết. Giải thưởng này là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của văn hóa”.

(Nguồnhttp://www.tiasang.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...