Oan ức quá Nhạc Việt ơi!

09/05/2014

Âm nhạc mới Việt Nam (Tân nhạc, loại âm nhạc sử dụng ký âm phương Tây) đã sống được và “sống khoẻ” hơn 80 năm qua. Trong một khoảng thời gian không dài đó, Nhạc Việt (tạm gọi như thế để phân biệt với âm nhạc truyền thống hay Cổ nhạc) đã có những bước tiến rất nhanh và rất xa.

Từ những bài thánh ca trong nhà thờ hay những ca khúc thế tục đơn giản theo kiểu “lời Ta điệu Tây”, “bài Ta điệu Tây” đến những tác phẩm khí nhạc thính phòng hoặc giao hưởng, Nhạc Việt luôn ghi đậm dấu ấn riêng của mình qua các thời đại với những sản phẩm tinh thần đáng chú ý khi so sánh với một số quốc gia khác trong khu vực. Qua 3 cuộc tiếp biến (theo cách nói của PGS TS Nguyễn Thị Nhung) quan trọng, trong vòng chưa đầy một thế kỷ, Nhạc Việt tiếp xúc với nhiều nền âm nhạc khác nhau trên thế giới nhưng không bị đồng hóa, dị dạng mà ngược lại được phát triển ngày càng phong phú và tạo nên phong cách riêng. Đó là thành quả của nhiều thế hệ nhạc sĩ (nhà soạn nhạc, âm nhạc học, người viết ca khúc, nghệ sĩ biểu diễn,...).

Âm nhạc diatonic của phương Tây bắt đầu vào Indonesia (thời đó gọi là Nusantara) sớm hơn Việt Nam nhiều. Năm 1511 được coi là khởi đầu cho sự kiện người Indonesia tiếp xúc với thương mại, văn hóa phương Tây trong đó có âm nhạc. Đến năm 1574 đã có những buổi hòa nhạc thính phòng trong cộng đồng người Bồ Đào Nha tại đây. Ngay từ những buổi đầu của nền âm nhạc mới Indonesia đã có những “vật thể lạ” thậm chí ngay trong ca từ của một ca khúc có sự “kết hợp” ngôn ngữ bản địa với tiếng Bồ Đào Nha, Hòa Lan,...Ví dụ ca khúc Ole Ole Bandoeng (Ole, tiếng Hòa Lan) hay ca từ trong ca khúc Waarom Huil je toch Nona Manis có câu: “Sekarang I come back to you again” [theo Ben M. Pasaribu, trong tạp chí “Dân tộc nhạc học” (Etnomusikologi) Tập 1, số 1, 5/2005]. Và phải mãi đến những năm đầu thế kỷ XX, người Indonesian mới có được loại tân nhạc riêng của mình, nổi bật là Kroncong. Chúng ta nghĩ thế nào khi những “vật thể lạ” xuất hiện gần đây trong một số ca khúc V-pop? Ở thế kỷ XXI, trong “cái gọi là Nhạc Việt” có chuyện mà người Indonesia đã làm từ thế kỷ XVII, XVIII!!! Trên trang web của Hội đồng Quốc gia về Văn Hóa Nghệ thuật Philippines, tác giả Jonas Baes (nhà âm nhạc học, giáo sư của Viện Á châu về Phụng vụ và Âm nhạc, Trường Trung học Nghệ thuật và Đại học Philippines) cho rằng việc Tây phương hóa âm nhạc truyền thống của Philippines có nguồn gốc từ thời kỳ thuộc địa Tây Ban Nha khoảng 300 năm từ 1521 đến 1898. Cuối thế kỷ XIX giai cấp trí thức bản xứ (chịu ảnh hưởng Âu châu, Tây Ban Nha) được hình thành, trong đó bao gồm các nghệ sĩ dàn nhạc, piano, violin, ca sĩ cũng như các nhà soạn nhạc. Thời gian để người Philippines có được một nền tân nhạc (mang nhiều dấu ấn của Tây Ban Nha hơn cả) gấp ba lần Việt Nam.

Ở Nhật, từ thời Minh Trị (1868 - 1912) âm nhạc phương Tây đã có mặt và được phát triển một cách có hệ thống, có chủ trương. Kể từ những ca khúc của vị quan Isaza Shuji sáng tác theo kiểu bài “Auld Lang Syne” (nhạc truyền thống Scottland) nhưng sử dụng thang 5 âm của Nhật, hay từ nhóm kèn đồng đầu tiên theo kiểu phương Tây đầu tiên tại Satsuma (Nhật) được hình thành vào năm 1869 đến sự ra đời của dàn nhạc kèn hơi Tōkyō Kosei Uindo Ōkesutora vào năm 1960, người Nhật mất gần một thế kỷ để trưởng thành với loại nhạc diatonic theo phương Tây. Tại Trung Quốc, kể từ dàn nhạc quân đội theo kiểu phương Tây đầu tiên (1898) được thành lập cho quân đội của Viên Thế Khải, người Trung Quốc mất 55 năm để có dàn nhạc đầu tiên theo kiểu phương Tây của Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung quốc (1953) nhưng chỉ có 35 thành viên. Trong khi đó, theo Giáo sư Tô Vũ, “tân nhạc viết solfège đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn do một tu sĩ Công giáo người Việt Nam viết những bài hát ca ngợi Đức Mẹ từ năm 1911” (trích bài “Tân nhạc Việt Nam từ năm 1911?”, trên báo Tuổi Trẻ Xuân Canh Thìn 2000, trang 30 của nhà báo Trần Nhật Vy). Và, theo PGS TS Nguyễn Thị Nhung trong “Âm nhạc thính phòng – giao hưởng Việt Nam” (Viện Âm nhạc, 2011 – trang 48) thì “Năm 1959 thành lập Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam gồm 114 nhạc công. Năm 1961, Dàn Hợp xướng hình thành.” Như vậy, Nhạc Việt (theo nghĩa hẹp: tân nhạc) chỉ cần 50 năm, (tức chỉ một nửa thời gian mà người Nhật hay bằng khoảng thời gian mà người Trung quốc cần) đã có thể “đứng trên đôi chân của mình” trong lãnh vực âm nhạc theo kiểu Tây Âu.

 

Trong quá trình phát triển của mình, Nhạc Việt đã từng có và sớm có được một đội ngũ những người viết ca khúc, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ biểu diễn có trình độ, năng lực sáng tạo không thua kém gì những nước trong khu vực nói trên. Vậy mà, ngày nay, Nhạc Việt đang phải gánh chịu nhiều nỗi oan ức:

1/. Chưa có một tổ chức nào chịu trách nhiệm hoặc góp phần giới thiệu những thành tựu, sáng tác của các nhà soạn nhạc Việt Nam ra thế giới. Cách đây 5 năm, trong một lần lang thang trong mạng internet để tìm những tác phẩm khí nhạc cho tải xuống miễn phí, tôi lạc vào một trang web ngoại quốc có gần 20.000 tác phẩm khí nhạc được “cho không”, thuộc đủ loại và các thời kỳ âm nhạc khác nhau. Đáng buồn là không có một tác phẩm nào của người Việt Nam, trong khi đó, các nước như Campuchia, Thái Lan cũng có được vài đại diện. Việc giới thiệu tác phẩm Việt ra thế giới theo cách này gần như không tốn kém gì. Vậy mà, hằng năm, có nhiều giải thưởng sáng tác khí nhạc, thanh nhạc nhưng các tác phẩm ấy chỉ được chọn đăng lên trang web của các tổ chức âm nhạc trong nước là điều hạnh phúc lắm rồi! Gần đây, khi vào lại trang web ngoại quốc đó, tôi chỉ tìm thấy được vài tác phẩm khí nhạc của tác giả người Việt. Cứ như là người Việt Nam không biết sáng tác khí nhạc vậy!

Oan ức quá Nhạc Việt ơi!

2/. Trong quá trình phát triển hơn 80 năm qua Nhạc Việt mang nhiều “khuôn mặt” đa dạng từ ca khúc đến đại hợp xướng (cantata) hay thanh xướng kịch (oratorio), nhạc kịch (opera); từ tiểu phẩm độc tấu nhạc cụ đến các giao hưởng đồ sộ. Vậy mà, ngày nay trên các phương tiện truyền thông người ta chỉ dùng cụm từ “Nhạc Việt” để gọi các ca khúc thời trang (chóng qua, mau đổi). Thậm chí, tính từ “Việt” còn bị sử dụng một cách “cẩu thả” cho cả những cuộc thi, game show truyền hình, v.v... Cứ như là người Việt Nam chỉ biết hát ca khúc vậy! Tại sao chúng ta không gọi một cách rõ ràng, “sòng phẳng”: nhạc pop Việt (hiện nay, bắt chước kiểu gọi K-pop, đã bắt đầu xuất hiện cụm từ V-pop nhưng mang một phạm trù khác), nhạc thị trường Việt,...mà chỉ gọi mập mờ: Nhạc Việt?

Oan ức quá Nhạc Việt ơi!

3/. Nếu kể từ đội kèn trong quân đội của Viên Thế Khải đến khi ra đời trường nhạc đầu tiên (Nhạc viện Thượng Hải) vào năm 1927, người Trung Quốc phải mất gần 30 năm. Nếu tính từ khi có Nhạc viện Pháp quốc Viễn Đông (1928, Conservatoire Français d'Extrême Orient, ở Hà Nội) hay Nhạc viện (1933, Conservatoire de Musique, ở Sài Gòn) do người Pháp thành lập, người Việt Nam chỉ cần hơn 25 năm để có hai trường nhạc lớn: Trường Âm nhạc Việt Nam (1956, Hà Nội) và Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn (1956, Sài Gòn). Ở nơi đó, nhiều thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, nhà âm nhạc học đã được đào tạo nghiêm túc, bài bản với thời gian đào tạo nhiều năm. Vậy mà, ngày nay chỉ cần sau một vài tháng tham gia các cuộc thi, gameshow truyền hình là một thí sinh vô danh vẫn có thể “trưởng thành” về âm nhạc, được các MC và phương tiện truyền thông “tôn vinh” là những “ca sĩ”, “nhạc sĩ”, “ngôi sao” của nền âm nhạc nước nhà. Nhạc Việt ngày nay được đào tạo theo kiểu “mì ăn liền” như thế sao?

Oan ức quá Nhạc Việt ơi!

4/. Từ trong quá khứ đến hiện tại, Nhạc Việt đã và đang có được nhiều nghệ sĩ biểu diễn thanh nhạc, khí nhạc có tay nghề cao, chuyên môn vững vàng, đáng được giới âm nhạc trong nước và ngoại quốc nể phục nhưng ít người Việt biết tới. Ngày nay, trên các phương tiện truyền thông, khi nói tới Nhạc Việt, người ta chỉ nhắc đến một vài “ca sĩ” (nhay nháy), “ông hoàng”, “diva” như thể họ có thể đại diện cho cả nền âm nhạc của một quốc gia!

Oan ức quá Nhạc Việt ơi!

 (Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 34)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...