Nữ nghệ sĩ tâm huyết với nhạc cách mạng, trách nhiệm với cộng đồng

23/03/2020

Hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Quỳnh Liên luôn “chung thủy” với dòng nhạc truyền thống cách mạng, mang lời ca, tiếng hát góp phần bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho nhiều thế hệ. Chị luôn tâm niệm, người nghệ sĩ không chỉ làm tốt chuyên môn mà còn phải có trách nhiệm với cộng đồng.

Không ngừng cống hiến

Nhắc đến NSƯT Quỳnh Liên là nhắc đến một nghệ sĩ - chiến sĩ của Đoàn nghệ thuật Bộ đội Biên phòng giành được nhiều huy chương vàng, bạc tại các hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp. Đặc biệt, chị đã đạt Huy chương Vàng tại Festival thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ XIII (năm 1989), Giải Diploma - Giải thưởng nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc tại Liên hoan nghệ thuật quốc tế tổ chức tại Triều Tiên (năm 1991, 1993), được Nhà nước đặc cách phong tặng danh hiệu NSƯT (năm 1993) trước niên hạn 5 năm và vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Tên tuổi của chị gắn liền với dòng nhạc truyền thống cách mạng, những ca khúc bất hủ đi cùng năm tháng. Những ca khúc có thể kể đến như: Bến cảng Nhà Rồng, Bài ca tình bạn, Bóng cây Kơ-nia, Màu hoa đỏ…

NSƯT Quỳnh Liên tham gia chương trình Hát về thời hoa đỏ của Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Là người con của đất cảng Hải Phòng, đến năm 1991, NSƯT Quỳnh Liên mới chuyển vào sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Chị không ngừng cống hiến, mang tiếng hát phục vụ công chúng. Bằng tình yêu âm nhạc và sở trường của bản thân, chị đã có những dự án âm nhạc phục vụ cộng đồng rất tâm huyết và đậm tính nhân văn. Trong vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nữ nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, NSƯT Quỳnh Liên cùng với các thành viên trong CLB luôn dùng năng lượng tích cực để đóng góp cho xã hội.

Chị cho biết: “Ra đời từ năm 2001, CLB Nữ nghệ sĩ Thành phố nhằm tạo sân chơi về giới và nghề nghiệp cho các nữ văn nghệ sĩ hoạt động trên nhiều lĩnh vực tại thành phố và hướng đến các hoạt động vì cộng đồng. Những năm qua, các thành viên CLB dù bận rộn nhưng cùng tập hợp, đoàn kết phát huy sức ảnh hưởng của người nghệ sĩ trong nhiều hoạt động chung tay vì xã hội”.

NSƯT Quỳnh Liên trong một dịp biểu diễn phục vụ các đơn vị công an nhân dân.

Với sự đóng góp của chính các hội viên và vận động ủng hộ từ các mạnh thường quân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn thành phố, CLB đã hỗ trợ xây dựng được 16 căn nhà tình thương cho phụ nữ nghèo, cho các chiến sĩ nơi biên giới hải đảo, hỗ trợ chống dột cho nhiều gia đình chính sách, phụ nữ nghèo của thành phố và các tỉnh; đặc biệt là chương trình “Nhớ nguồn” của CLB tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7). 10 năm qua, chương trình đã đến thăm, viếng các thương binh liệt sĩ, nhất là ở lực lượng Bộ đội Biên phòng, những người đã trở về khi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia...

Bên cạnh đó, CLB Nữ nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh cũng là thành viên tích cực của CLB Vì Hoàng Sa - Trường Sa thuộc Quỹ học bổng Vừ A Dính, mang lời ca tiếng hát đến các chương trình “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”, vận động các mạnh thường quân chung tay góp sức ủng hộ bộ đội Trường Sa và con em các cán bộ, chiến sĩ công tác nơi biên giới, hải đảo.

Theo NSƯT Quỳnh Liên, người nghệ sĩ không chỉ phải làm tốt công tác chuyên môn mà nhất thiết phải có trách nhiệm vì cộng đồng, bằng sức lan tỏa của bản thân làm những việc lớn hơn vì sự phát triển chung của xã hội. Chị và những người cùng trang lứa sẽ là người đi trước, là những đầu tàu hướng dẫn các nghệ sĩ trẻ phát huy giá trị đích thực của người nghệ sĩ.

Chính vì vậy, sau nhiều năm ấp ủ, đến năm 2015, CLB Nữ nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh cũng triển khai được đề án dạy hát dân ca, hát ru ba miền và nhạc truyền thống cách mạng. Với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, chị cùng CLB đã tổ chức được 9 khóa, 12 lớp thu hút khoảng 200 học viên các lứa tuổi. Đối tượng học cũng rất đa dạng, từ những cán bộ phụ nữ đến cựu chiến binh, sinh viên… Hoạt động của đề án đã tạo hiệu ứng rất tốt và tiếp tục được lan tỏa, nhất là xuống các cơ sở quận, huyện. Các lớp học đã giúp học viên thể hiện được bản thân, rèn luyện và nâng cao khả năng ca hát của mình đồng thời giúp có thêm bạn bè, thêm niềm vui trong cuộc sống. Đề án cũng đã được giới thiệu tham gia Giải thưởng Nguyễn Thị Định 2019 của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Sức cảm hóa của âm nhạc

Theo NSƯT Quỳnh Liên, nghệ thuật là để phục vụ nên chị đã mang tiếng hát của bản thân đến khắp mọi miền của Tổ quốc, đặc biệt ở các trung tâm giáo dục phụ nữ, thanh thiếu niên, trung tâm cai nghiện, trung tâm nuôi dưỡng người già, người tàn tật… giúp họ yên vui, sống và suy nghĩ tích cực hơn, vượt qua những thiếu sót để làm lại cuộc đời. Chị nhớ những lần đi biểu diễn phục vụ tại các trường cai nghiện, trung tâm giáo dục thanh thiếu niên, khi nhìn xuống toàn thấy khán giả đáng tuổi con cháu trong gia đình. Chị cảm thấy thật hạnh phúc và cảm nhận rõ âm nhạc có sức cảm hóa rất lớn, nhất là với những người từng lầm lỡ.

NSƯT Quỳnh Liên cũng là người khởi xướng chương trình "Đưa âm nhạc cách mạng xuống phố" cách đây hơn 10 năm khi nhận thấy dòng nhạc đặc biệt này đang dần trở nên “lép vế”. Bởi theo chị, nhiều người nghĩ nhạc cách mạng là khô cứng, chỉ chuyên phục vụ lễ, hội nghị, nhưng không phải vậy, còn rất nhiều ca khúc không chỉ hào hùng, thúc giục mà còn rất trữ tình, lãng mạn. Đó là kết tinh của máu và nước mắt của những tác giả là chứng nhân lịch sử và dù qua bao nhiêu năm, những giai điệu đó mỗi lần vang lên vẫn như bùng cháy, thúc giục lòng người.

Để thực hiện chương trình này, hàng quý, các nghệ sĩ đến tận các khu phố hát cho người dân nghe. Các nghệ sĩ hát hoàn toàn tự nguyện và miễn phí. Chị mong muốn đưa dòng nhạc cách mạng đến với nhiều người nghe, nhất là ở những địa bàn còn khó khăn, vùng sâu vùng xa, nơi người dân không có điều kiện đến các trung tâm ca nhạc, nhà hát. Qua đó, tạo sự gần gũi giữa nghệ sĩ và người dân, giúp mọi người ngày càng yêu âm nhạc cách mạng. Dần dần, chương trình mang hiệu ứng cộng đồng tốt. Từ đây, chị đã nhận được sự hưởng ứng và cộng tác của nhiều giọng ca trẻ đầy triển vọng.

NSƯT Quỳnh Liên tâm sự: “Có những bài hát dù đã thể hiện rất nhiều lần nhưng mỗi khi đến một điểm diễn mới, với đối tượng khán giả mới, tôi đều có những cảm xúc mới để thể hiện, chất chứa tình cảm ngọt ngào, sâu lắng nhất. Theo tôi, hiện có rất nhiều người trẻ yêu thích và thể hiện rất tốt dòng nhạc cách mạng. Các cấp, các ngành phải có sự đầu tư xứng đáng phát triển các sân chơi cho dòng nhạc truyền thống cách mạng”.

(Nguồn: https://www.qdnd.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...