NSƯT Vũ Dậu và NSƯT Phạm Ngọc Hướng: Bên anh em là tất cả
Người ta biết đến NSƯT Vũ Dậu là người đàn bà đẹp hát. Ở thời của bà thì nữ ca sĩ sở hữu nhan sắc không đối thủ, và là mẹ của hai nghệ sĩ sáng tác nhạc Ngọc Châu, ca sĩ Khánh Linh; người ta cũng biết đến bà là vợ của NSƯT đàn bầu Phạm Ngọc Hướng.
Nhan sắc hiếm gặp, hồng nhan tri kỉ khó tìm vậy mà NSƯT đàn bầu Phạm Ngọc Hướng lại được sở hữu khuôn mặt khả ái nhất làng ca sĩ thời thập niên 70, 80 của thế kỉ trước và họ đã có chặng đường gần 60 năm cùng nhau đi đến bến bờ hạnh phúc. Tuy nhiên, con đường đi nào cũng có chông gai cùng không ít thử thách.
Một ngày mưa gió sụt sùi như hôm nay, nữ ca sĩ lại ngồi lặng lẽ trong căn phòng thơm mùi nhang khói, tiếng tụng kinh từ chiếc đài nhỏ phát ra đều đặn, trầm lắng. Vẫn vậy, từ nhiều năm nay nữ nghệ sĩ tìm đến Phật pháp như một sự giác ngộ về tinh thần và an nhiên tuổi già, luôn bằng lòng với những gì mình đang có.
Khi có tuổi người ta vẫn thường nhớ về quá khứ, hay cho dù không muốn thì quá khứ ấy cũng cứ chầm chậm quay về, những mảnh kí ức xa xôi từ năm nào lại hiện lên rõ mồn một như một thước phim quay chậm. Đã một thời khắc sâu bao kỉ niệm da diết, gào thét, vẫy gọi…
NSƯT Vũ Dậu là con thứ ba trong gia đình có sáu anh chị em. Là con nhà tiểu tư sản, cô gái Hà thành khuê các luôn mang trong mình bao nhiêu mộng mơ; cô vẫn thường gối đầu giường những tiểu thuyết tình yêu trứ danh lãng mạn và trên căn gác nơi con phố cổ trong những đêm hè đầy sao, hay những ngày trời đông giá rét gió hun hút thổi qua ô cửa nhỏ, cô cùng với mấy chị em gái lại ôm ấp tận hưởng cái hương vị Hà Nội của những ngày êm đềm, bồng bềnh phiêu lãng. Đã có một Hà Nội như thế! Đã có một tình yêu như thế!
Trong giấc mơ của cô thì sẽ có một ngày sẽ có một chàng hoàng tử cưỡi bạch mã đến dưới ô cửa sổ, gọi tên nàng, và khi nàng chạy ra ô cửa quen thuộc thì đã thấy chàng đứng ở dưới nở nụ cười thân thiện với mình, chàng sẽ tặng nàng bó hoa hồng đỏ thắm mà chàng cầm trên tay. Giấc mơ đầu đời ôm ấp, ve vuốt cô tiểu thư xinh đẹp, khuê các.
Bố cô là một nhà tư sản nhưng cả hai vợ chồng ông đều có niềm say mê nghệ thuật. Ông mua vé tháng cho các con của mình xem hát từ những bộ môn nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, dân ca, kịch nói ở những rạp trên khu phố cổ đều đặn trong tuần.
Niềm say đắm với nghệ thuật của ông vô tình đã truyền sức nóng cho các con và đương nhiên trong đó cô con gái thứ ba, Vũ Dậu là người có tố chất nghệ thuật hơn cả. Không chỉ có niềm say mê với nghệ thuật, bố cô còn có một môn khoa học đặc biệt yêu thích và ông tin tưởng hoàn toàn và tuyệt đối, đấy là môn Tử vi khoa học.
Cả 6 người con, ông đều lập lá số tử vi, và riêng đối với Vũ Dậu đã có lời sấm truyền của dự đoán cô bé này lớn lên sẽ nổi tiếng bằng nghề ca hát. Vì vậy đến năm 1960, khi cô bé bước sang tuổi 15, về xin cha đi vào con đường hát chuyên nghiệp thì người cha gật đầu đồng ý. Vốn có sẵn tố chất trong mình, cô bé thi và trúng tuyển cả ba nơi: Đoàn Tổng Cục chính trị, Đài phát thanh Hà Nội, Đoàn Ca múa Trung ương.
Thật không may, trong khi xét thành phần lý lịch, Đoàn Tổng cục chính trị và Đài phát thanh Hà Nội, cô bé đã bị gạt ra ngoài vì là con nhà tư sản; chỉ duy nhất còn lại là Đoàn Ca múa Trung ương là nơi cô có thể đến học. Và cô bé không thể ngờ đây chính là bước ngoặt lớn, bước ngoặt cuộc đời, bước ngoặt của số phận, hay có bàn tay vô hình tạo nên sự sắp xếp của cánh cửa thần kì, tình yêu đôi lứa mà chính cô cũng không thể ngờ đến.
Năm 1960, Vũ Dậu chân ướt chân ráo vào Đoàn Ca múa Trung ương, cô bé vẫn "tấm tức" buồn vì không được vào Đoàn Tổng cục Chính trị và Đài phát thanh Hà Nội. Ngay buổi đầu tiên, mấy anh ở phòng tổ chức đã đưa cho cô đọc nội quy ở trong đoàn là cấm tuyệt đối trong thời gian học tập tại đoàn không được yêu đương. Có nghĩa là phải trói chặt trái tim, nhốt nó vào lồng để không được rung động.
Với một cô bé 15 tuổi thì luật lệ đó thật buồn cười, khôi hài… Nhưng rồi chuyện gì đến thì vẫn phải đến. Cô bé mới 15 tuổi, tính khí nhút nhát ấy được một thầy chỉ dạy cho cách xướng âm, những bài học bổ ích, lý thú đầu tiên bên người thầy trẻ làm cho bé quên đi cảm giác sợ hãi.
Nửa năm sau người thầy trẻ ấy tỏ tình với cô học trò nhỏ của mình. Thầy mới 24 tuổi, trò thì chưa bước qua tuổi 16, nhưng tình yêu dường như chẳng có quy luật gì, và cũng chẳng thể nào mà đặt ra quy định cho trái tim.
Thiếu nữ khuê các mộng mơ ấy trúng phải tiếng sét ái tình, tiếng sét mà trong những tiểu thuyết gối đầu giường cô vẫn thường mơ mộng đến chàng hoàng tử lý tưởng. Chàng hoàng tử giờ đã bước ra từ câu chuyện thần tiên là có thật nhưng chàng không cưỡi ngựa trắng, không cầm đóa hồng đứng dưới nhà nàng mà chàng gầy gò nhỏ bé vì thiếu ăn, (thời đó thức ăn chẳng dư thừa như bây giờ nên khẩu phần ăn có phần hạn chế trong những bếp ăn tập thể), thay vì cầm đóa hồng thì chàng lúc nào cũng cầm cây đàn trong tay, và sẵn sàng đánh lên những giai điệu trữ tình và lãng mạn nhất cho nàng nghe. Chàng không phải con vua, chàng chỉ là con của người làm nghề nông ở Phú Xuyên, Hà Tây.
Thời kì cách mạng chống Pháp, cha chàng là công nhân hỏa xa, sau này ông gia nhập kháng chiến rồi trở về làng làm ruộng. Sau khi sinh đến một đàn 8 người con, ông về Phủ Lý làm nghề thủ công chữa bút kính, mẹ chàng chỉ trông vào mấy sào ruộng.
Chàng là con cả trong gia đình đến 8 anh chị em. Còn nàng cô tiểu thư Hà Thành khuê các thì chả màng đến chuyện khác nhau về giai tầng, địa lý, vị trí, nàng thật sự đã yêu và nghĩ: "Đây là người chồng đích thực của mình, anh ấy rất hiền lành, chu đáo và chẳng ai có thể tốt như người đàn ông này nữa…".
Và nàng làm sao không thể không xao xuyến, ngây ngất cho được khi một câu chuyện "sống chết" xảy ra. Sự việc này khiến nàng, bằng một sự tự ái của con trẻ, cả vì lòng tự trọng nữa, nàng đã lạnh lùng như một nữ hoàng uy quyền để rồi lại phấp phỏng âu lo… Số là chàng là một thanh niên ưu tú trong cơ quan, con đường tiến thân của chàng còn dài và chàng nằm trong đối tượng cảm tình Đảng. Tình yêu của cả hai không thể qua mắt được chi bộ.
Người ta gọi chàng lên và nói: "Vì tương lai của đồng chí, việc xây dựng gia đình nên tìm người cùng giai cấp”. Nàng nghe thấy vậy thì như con chim non bị thương, im lặng một hồi lâu nàng bảo với chàng: "Tuỳ anh lựa chọn, em không níu kéo gì hết". Chàng lên gặp người Bí thư chi bộ nói: "Tôi lúc nào cũng trung thành với Đảng, lúc nào cũng sống, phấn đấu đi theo con đường của Đảng. Nhưng đây là người vợ tương lai của tôi, tôi không từ bỏ được, còn thì tuỳ cán bộ quyết định".
Và, thế là chàng đã quyết định đặt tình yêu lên trên hết, vì nàng cho chàng cảm giác bến bờ của hạnh phúc, của bình yên, của những điều giản dị mà chàng không dễ gì có được. Còn nàng, nàng như tìm lại được chính mình, ở bên người chồng tương lai nàng thấy được ôm ấp, an ủi, chở che. Còn gì hạnh phúc hơn?! Còn gì ngọt ngào hơn?! Người đàn ông này đã vì mình mà từ bỏ con đường hoan lộ phía trước, sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi. Ôi! Tình yêu! Nàng còn mong gì hơn nữa?
Sau đấy, theo nguyên tắc của Đảng thì chàng không được vào Đảng và nàng cũng vậy, lý lịch treo lơ lửng trên đầu nàng con nhà tư sản. Nhưng có lẽ, ông trời thật công bằng, người đã cho họ một mái ấm bình yên, ấm áp tiếng cười con trẻ, hai vợ chồng lần lượt sinh ra Ngọc Châu và Khánh Linh. Còn nàng với nghề ca hát nàng đã thành danh khi mang giọng ca đầy nội lực để truyền tải những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng "Cô gái mở đường", "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn", "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", "Những ánh sao đêm", "Đêm nay anh ở đâu"…
…Thời gian dần trôi, và giờ khi tất cả quá khứ đã là dĩ vãng, nhưng với Nghệ sĩ Vũ Dậu, tình yêu dành cho chồng vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu đầy lưu luyến ấy. Đến giờ bà vẫn khẳng định chắc chắn và rành rọt: "Với tôi, không ai tốt với mình bằng chồng mình". Niềm hạnh phúc êm đềm giản dị ấy không giấu được qua ánh mắt lấp lánh của một thời xuân sắc.
(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn)