NSƯT Tuấn Anh: Giọng ca người lính tỏa sáng đất Nam bộ

21/01/2014

Thượng tá, nghệ sĩ ưu tú Tuấn Anh là người con của quê hương Đồng Tháp, nhập ngũ năm 1983, là diễn viên thanh nhạc của Đoàn Nghệ thuật QK9. Trước đó ba năm, khi mới 20 tuổi, anh là cán bộ sáng tác của Nhà Văn hóa huyện Thốt Nốt - Hậu Giang (nay là TP. Cần Thơ). Năm 1986 anh xuất ngũ và 5 năm sau anh tái ngũ vào Đoàn Nghệ thuật QK9 cho đến nay.

Lấp lánh muôn ánh sao

Trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật, anh đã gặt hái nhiều thành công như: Huy chương vàng (HCV) Liên hoan giọng hát hay khu vực ĐBSCL năm 1987 tại Cần Thơ, HCV Liên hoan đàn và hát dân ca cổ nhạc khu vực ĐBSCL năm 1988 tại Kiên Giang, HCV “Liên hoan tiếng hát hẹn hò chín dòng sông” năm 1989, HCV Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân 1995 tại TP.HCM, Giải ba thi chung kết “Giọng hát hay trên sóng phát thanh truyền hình toàn quốc” năm 1995 tại Hà Nội, HC bạc Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999 tại TP.HCM, HCV lĩnh xướng và HC bạc solo tại Hội thi biểu diễn múa và âm nhạc dân tộc toàn quân năm 2003… và nhiều huy chương, giải thưởng cấp trung ương và khu vực.

Đặc biệt, năm 2001, Tuấn Anh được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý "Nghệ sĩ ưu tú". Năm 2003, anh nhận Huy chương “Vì sự nghiệp văn hoá thông tin” do Bộ Văn hoá Thông tin tặng. Tháng 02/2004, anh được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Sau đó, anh tiếp tục nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp âm nhạc” do HộiNhạc sĩ Việt Nam tặng năm 2011; Vinh dự đón nhận Huy chương “Chiến sĩ vẻ vang” hạng nhất, nhì, ba do Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng. Tất cả điều này chứng tỏ sự rèn luyện phấn đấu không ngừng của anh trên lĩnh vực hoạt động nghệ thuật.

Nước mắt hạnh phúc

Trao đổi với Âm Nhạc Việt Nam trong khuôn khổ của loạt chương trình văn hóa - văn nghệ chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân 22-12, NSƯT Tuấn Anh cho biết có rất nhiều kỷ niệm vui buồn khó phai trong những lần đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Đó là sự tiếp đón, chăm sóc ân cần, chu đáo, thân thiện và những buổi diễn tràn ngập hoa, sôi động những tràn vỗ tay làm ấm lòng người nghệ sĩ! “Tôi nhớ đêm diễn phục vụ tại Cô Tô (Tri Tôn - An Giang), đang hát bài dân ca Khơ-mer thì có rất nhiều khán giả lên sân khấu múa và cả dưới sân bãi cũng nhảy múa. Lần khác, đi diễn xung kích tại một đơn vị thuộc Sư đoàn 330 đóng quân tại Xăm-lốp, tỉnh Bát-đom-boong (Cam-pu-chia), diễn ban ngày. Trong lúc diễn có một đồng chí bộ đội đang xem lên cơn sốt cấp tính chết tại chỗ làm anh chị em nghệ sĩ không cầm được nước mắt!”. NSƯT Tuấn Anh, nhớ lại.

Chia sẻ với bạn đọc Âm Nhạc Việt Nam về nhiệm vụ của ca sĩ mặc áo lính, NSƯT Tuấn Anh nhìn nhận rằng hoạt động nghệ thuật hiện nay rất khó khăn cho những diễn viên mặc quân phục. “Ngoài xã hội, hoạt động nghệ thuật quá đa dạng, phong phú, đối tượng khán giả cũng thế. Xin tạm chia thành hai hình thức.

Một là nghệ thuật thương mại (hay thị trường), cốt yếu làm nghệ thuật để hái ra tiền, càng nhiều càng tốt, không cần quan tâm đến nội dung cũng như hình thức thể hiện, chủ yếu dựa theo sở thích của thị hiếu khán giả. Vì vậy, hiệu quả xã hội kém, có khi còn phương hại. Hai là nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, giáo dục tư tưởng, hướng con người đến cái Chân - Thiện - Mỹ, đó chính là những nghệ sĩ - chiến sĩ. Tất nhiên sẽ gặp ít nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế hiện nay, nhưng đổi lại có tâm hồn trong sáng, được mọi người tôn trọng. Chính vì vậy, là diễn viên đã khoác trên người bộ quân phục, nhất là diễn viên trẻ cần phải biết xác định được sự cao quý của công việc, trách nhiệm mà ta đang thực hiện. Mỗi người phải bình tĩnh trước mọi vật chất cám dỗ, cố gắng học tập, rèn luyện chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng; không tự cao, tự đại, phải khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, tôn trọng tổ chức, kỷ luật… Được như thế, nghề nghiệp sẽ mau phát triển, bản thân cũng trưởng thành nhanh chóng, từ đó sự nghiệp, công danh sẽ xán lạn, hạnh phúc một cách bền vững”.

Luôn là người lính

NSƯT Tuấn Anh bày tỏ và “bật mí” thêm về chuyện “làm ngoài giờ”. Anh tâm sự: Lúc mọi người vui chơi giải trí trong những dịp lễ, tết hay thời gian nhàn rỗi thì người nghệ sĩ phải lao động nghệ thuật để phục vụ. Đối với người nghệ sĩ trong quân đội thì nhiệm vụ ấy càng lớn hơn nhiều, bởi không chỉ phục vụ đơn thuần mà còn là nhiệm vụ chính trị, nhất là vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc… Để đáp ứng được tốt tất cả các nhiệm vụ trên thì việc làm ngoài giờ là rất thường xuyên. Ví như có những đêm diễn xong, thu dọn đạo cụ chuyển xuống tàu rồi đưa lên xe, khi về đến đơn vị là trời sáng. Còn hồi ở Cam-pu-chia thì vất vả hơn nhiều, diễn xong còn phải thay phiên nhau canh gác, và sẵn sàng chiến đấu, có thể hy sinh khi cần thiết...

“Trong quá trình hoạt động nghệ thuật với vai trò của người chiến sĩ, nghệ sĩ trong phục vụ bộ đội cũng như nhân dân ở đất bạn Campuchia và phục vụ trong nước, bản thân luôn tôn trọng, ý thức tổ chức kỷ luật và những quy chế của đơn vị đề ra. Chấp hành tốt mọi sự phân công trong thực hiện tác phẩm nghệ thuật”. Người lính Lâm Hoàng Tuấn (tên thật của NSƯT Anh Tuấn), tự hào về trọn đời sắt son màu áo lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 32)

A

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...