NSƯT Trần Vương Thạch: Mô hình tốt nhất cho nghệ thuật hàn lâm là công-tư

07/07/2020

Tối 3-7, tại Dinh thự Pháp, số 6 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM, NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO), vinh dự đón nhận Huân chương Nghệ thuật và Văn học cấp Hiệp sĩ từ ngài Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam. 

Đây là niềm vui lớn dành cho người nghệ sĩ đã có nhiều năm tích cực hoạt động nghệ thuật, mở rộng sự kết nối và giao lưu văn hóa nghệ thuật, kiến tạo, gìn giữ và thúc đẩy sự phát triển, thắt chặt mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Pháp. Huân chương Văn học và Nghệ thuật do Bộ Văn hóa Pháp trao tặng, nhằm tặng thưởng cho các cá nhân nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật và đóng góp của họ trong việc tôn vinh nghệ thuật và văn chương Pháp trên khắp thế giới.

PHÓNG VIÊN: Ông có thể chia sẻ về cảm xúc khi được trao Huân chương Nghệ thuật và Văn học cấp Hiệp sĩ của Pháp?

NSƯT TRẦN VƯƠNG THẠCH: Tôi cảm thấy bất ngờ và vinh dự. Đây là một phần thưởng giá trị, ghi nhận quá trình làm nghề, những đóng góp của bản thân tôi trong lĩnh vực tổ chức các hoạt động nghệ thuật và giao lưu văn hóa, là sự khích lệ tinh thần dành cho người nghệ sĩ trên con đường hoạt động nghệ thuật; nhưng trên hết, đây không chỉ là giải thưởng của riêng tôi mà của cả tập thể anh em nghệ sĩ Nhà hát HBSO vì những nỗ lực hoạt động cống hiến cho nghệ thuật trong suốt nhiều năm qua.

Ông đã thực hiện các hoạt động giao lưu và phát triển văn hóa nghệ thuật Việt  Nam - Pháp như thế nào?

HBSO đã tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn với các nghệ sĩ Pháp, những chương trình âm nhạc Pháp đa sắc như nhạc kịch, vũ kịch Carmen, nhạc kịch Cuộc sống Paris, múa Cái chết của con thiên nga, các ca khúc, tác phẩm hòa tấu giao hưởng Pháp… Nhưng có lẽ, chúng tôi được đánh giá cao qua việc dàn dựng vở nhạc kịch Hoàng hậu Frédégonde vào năm 2017 - một tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài Camille Saint-Saens.   

Cách nay hơn 125 năm, nhà soạn nhạc này đã đến sống tại Côn Đảo vài tháng và hoàn tất bản nhạc kịch Hoàng hậu Frédégonde. Sự kiện này giúp tìm lại lịch sử của một tác phẩm nghệ thuật liên quan đến hai nước Việt - Pháp, nằm trong một giai đoạn lịch sử dữ dội. Ngay trong tác phẩm ấy, tôi đã tìm thấy một giai điệu rất Việt Nam, mang màu sắc Nam bộ, đã được nhà soạn nhạc thể hiện một cách rất khéo léo. Với sự phát hiện thú vị này, tôi sẽ dành thêm thời gian để nghiên cứu thật kỹ, có những phân tích âm nhạc thật cẩn thận. 

Trong một lần tới Pháp, tôi đã đi tìm tác phẩm Hoàng hậu Frédégonde. Tôi đã đến bảo tàng, thư viện và Nhà hát Opera ở Paris để tìm cho được bản nhạc từ năm 1895 và photocopy lại. Khi về nước, một phần tài liệu tôi để ở HBSO, một phần giao lại Bảo tàng Côn Đảo. Sau đó, tôi đã vận động tìm tài trợ, dàn dựng, tiếp xúc với ê kíp nghệ sĩ Pháp và mời họ về cùng làm việc với nghệ sĩ Việt Nam, Tổng Lãnh sự Pháp ủng hộ kinh phí. Cũng mất hết 2 năm mới huy động đủ nguồn kinh phí để thực hiện. Khi tác phẩm ra đời, công diễn, đã đánh dấu một sự kiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa - lịch sử - ngoại giao đặc biệt. 

Qua sự kiện đó, tôi đã tạo dựng được một mối quan hệ ngoại giao - văn hóa chặt chẽ. Lãnh sự quán Pháp đã hỗ trợ rất nhiệt tình, mời các nghệ sĩ, những người thầy nghệ thuật Pháp sang Việt Nam tham gia biểu diễn cùng nghệ sĩ Nhà hát HBSO trong nhiều năm. Nhà hát cũng tích cực xây dựng hàng chục chương trình nghệ thuật, các tác phẩm nghệ thuật chất lượng để thúc đẩy sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật hàn lâm.

Với những thành tựu trong hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật, HBSO cần thêm điều kiện gì để phát huy hơn nữa vai trò và nhiệm vụ của mình? 

Hiện nay nhà hát không có cơ sở vật chất ổn định. Rạp Thanh Vân vừa là kho nhạc cụ, cảnh trí, vừa là sàn tập của đoàn nhạc kịch, vũ kịch, dàn nhạc, ca sĩ. HBSO vẫn đang mượn phòng kho ở số 3 Phan Văn Đạt, một phòng kho trong Sở VH-TT TPHCM, văn phòng trú tại tầng hầm Nhà hát Thành phố, sàn diễn đi thuê ở Nhà hát Thành phố theo từng suất diễn. Cuối năm 2019, nhà hát đề xuất với Sở VH-TT giao rạp Cao Đồng Hưng (Nhà sách Gia Định) cho nhà hát để có chỗ cho nghệ sĩ đoàn vũ kịch và nhạc kịch có nơi tập luyện, tổ chức một số hoạt động chuyên môn, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức. 

Vấn đề quan trọng nhất của một đơn vị nghệ thuật là phải có cơ sở vật chất. TPHCM hiện nay chỉ còn mỗi Nhà hát Thành phố đủ tiêu chuẩn tối thiểu của một nhà hát nhỏ để biểu diễn, đáp ứng được các vấn đề kỹ thuật cần thiết của sân khấu như âm thanh, ánh sáng, ghế ngồi… Vấn đề kế tiếp là con người, sự thiệt thòi, bất cập trong cơ chế, chế độ đãi ngộ dành cho nghệ sĩ nghệ thuật hàn lâm, đặc biệt là nghệ sĩ, diễn viên múa đã tồn tại từ lâu, được phản ánh nhiều nhưng chưa thay đổi được. Cần thiết phải có những thảo luận để tìm giải pháp ngay, vì chế độ đãi ngộ đúng sẽ góp phần bảo tồn và xây dựng nền văn hóa, từ đó người dân được thụ hưởng và trình độ văn hóa - xã hội sẽ được nâng cao. 

Ở vai trò người quản lý, điều khiến ông trăn trở nhất hiện nay là gì?

Tôi muốn nói sâu hơn về việc thành phố đã có đề án chuyển HBSO thành đơn vị loại 1 - đơn vị nghệ thuật tự thu tự chi. Qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi, tôi khẳng định không nên làm như vậy. Các loại hình nghệ thuật của chúng tôi thuộc loại hàn lâm, khó và kén khán giả, cần phải đầu tư trang thiết bị và cả con người. Thực tiễn việc cân bằng thu - chi luôn tồn tại sự chênh lệch, không bao giờ thu đủ bù chi, nên không thể có lời. Vậy nên mô hình tốt nhất cho nghệ thuật hàn lâm tại TPHCM chính là mô hình công và tư như hiện nay, là đơn vị sự nghiệp loại 2 được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí và tổ chức kinh doanh bổ sung nhu cầu hoạt động và phát triển. 

Mô hình này là mô hình lý tưởng, cũng là mô hình của quốc tế, rất nhiều nhà hát trên thế giới đang dùng mô hình này để hoạt động. Đợt dịch Covid-19, nếu không có nguồn lương thì nhà hát đã không thể giữ chân anh em nghệ sĩ trong suốt gần 6 tháng qua. Chính sách đúng hay không, mô hình đúng - sai sẽ quyết định sự tồn - vong của nhà hát trong tương lai. TPHCM cần phải có một chính sách, giải pháp cụ thể, nhanh chóng, để vừa đào tạo, vừa đãi ngộ, thu hút nhân tài, tránh tình trạng mai một người tài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

(Nguồn: https://www.sggp.org.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...