NSƯT Trần Vương Thạch: Đưa nghệ thuật đỉnh cao tới gần công chúng
200 nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam sẽ tham gia Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu lần thứ XI, diễn ra từ ngày 19-8 tới 27-8 tại TP Hồ Chí Minh. Đây hiện là liên hoan duy nhất ở nước ta về các lĩnh vực nghệ thuật giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch, vũ kịch được tổ chức định kỳ hai năm một lần. Trước ngày khai mạc bữa “đại tiệc” đẳng cấp hứa hẹn đưa những món ăn tinh thần đỉnh cao tới gần với công chúng yêu âm nhạc này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhạc trưởng, NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO).
Thay đổi trong tư duy tuyển chọn
- Thưa nhạc trưởng Trần Vương Thạch, so với 10 lần tổ chức trước đây, điểm mới của “Giai điệu mùa thu 2017” là gì?
- Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa thu được tổ chức hai năm một lần, từ lâu đã trở thành thương hiệu chất lượng cao về nghệ thuật tại TP Hồ Chí Minh, chắt lọc tinh hoa trải đều trên cả ba lĩnh vực: nhạc kịch (opera), hòa nhạc thính phòng, giao hưởng và múa đương đại. Mỗi lần tổ chức, chúng tôi đều cố gắng tìm ra những món ăn tinh thần đẳng cấp để gửi tới công chúng, chẳng hạn như lần này là nhạc kịch “Con Dơi” của nhà soạn nhạc thiên tài Johann Strauss với kịch tính liên tiếp, đưa khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc.
Liên hoan lần này còn thể hiện những thay đổi đích thực trong tư duy tuyển chọn tác phẩm, các khả năng hợp tác và cả những phương thức tiếp cận, mời gọi công chúng vào sâu hơn những trải nghiệm thưởng thức.
Chương trình quy tụ hơn 200 nghệ sĩ quốc tế tới từ nhiều nước khác nhau và các nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng vừa đoạt giải thưởng quốc tế như Trần Lê Quang Tiến (top 8 nghệ sĩ violon tài năng trẻ tuổi tại cuộc thi quốc tế Tchaikovsky) sẽ biểu diễn chung với nghệ sĩ piano tài năng 12 tuổi Lan Anh (học sinh Nhạc viện TP Hồ Chí Minh) vừa trở về Việt Nam sau buổi diễn tại điện Kremli (Nga), ca sĩ opera Khánh Ngọc thành công với giải thưởng quốc tế ở Xin-ga-po, ca sĩ Đào Mác, NSƯT Hồng Vy, Phạm Trang, Duyên Huyền, nghệ sĩ múa ballet Trần Hoàng Yến, các nghệ sĩ múa Phan Thái Bình, Sùng A Lùng, Phan Tiểu Ly… Những tài năng trẻ sẽ là yếu tố mới mẻ đáng kể đối với công chúng yêu nghệ thuật hàn lâm.
- Liên hoan đã mời được nhiều nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam, điều đó phần nào minh chứng cho uy tín của hoạt động nghệ thuật này, song, cũng cho thấy nỗ lực không nhỏ của nhà hát?
- Để đón được các nghệ sĩ như cây cello lừng danh Ulrich Horn (Đức), nghệ sĩ violin Hoàng Tuấn Cương (Đức) và Nhạc trưởng Lê Phi Phi (Macedonia)… trở về tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ Việt Nam, sẽ là những cái kết đẹp và “có hậu” cho Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa thu, nên khó mấy anh em HBSO vẫn cố gắng làm.
Nhà hát đã có lời mời tới NSND Đặng Thái Sơn nhưng do phải đi chấm giải âm nhạc Helsinki (Phần Lan), nên ông không tham dự được lần này và có lời hẹn sẽ tham dự “Giai điệu mùa thu 2019”. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã trao đổi bàn bạc với một số dàn nhạc giao hưởng của Nhật Bản để mời họ qua Việt Nam biểu diễn trong “Giai điệu mùa thu” các lần tiếp theo.
Gửi tặng công chúng một bữa “đại tiệc” nghệ thuật
- Việc chú trọng các tác phẩm kinh điển nước ngoài liệu có làm cho chương trình biểu diễn nặng nề không thưa ông? Ông có ý định mở rộng phạm vi biểu diễn các tác phẩm Việt Nam đối với những chương trình có ý nghĩa xã hội như “Giai điệu mùa thu”
- Năm 2005, Liên hoan Nghệ thuật “Giai điệu mùa thu” ra đời với mong muốn giới thiệu những tài năng trẻ Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài và có những thành tích nổi bật. Tất nhiên, để mang tới cho công chúng những món ăn tinh thần đẳng cấp, trước hết, chúng tôi buộc phải biểu diễn những tác phẩm kinh điển, xứng tầm, tác phẩm lớn để có dấu ấn với công chúng sau mỗi mùa diễn.
“Giai điệu mùa thu” giờ đây đã trở thành liên hoan nghệ thuật có quy mô lớn, quy tụ đông đảo những tài năng biểu diễn xuất sắc tại Việt Nam và quốc tế. Từ mùa diễn số 10 năm 2015 và số 11 năm 2017 lần này, và từ nay trở về sau, chúng tôi đã có lộ trình chú trọng dàn dựng và chắc chắn sẽ biểu diễn nhiều hơn các tác phẩm, vở diễn nổi bật của Việt Nam.
Chẳng hạn như vở múa “Mái nhà” trình diễn năm 2015 của biên đạo Bùi Ngọc Quân và vở múa “Đi qua tình yêu” của hai biên đạo Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Phúc Hùng được trình diễn trong “Giai điệu mùa thu 2017”.
Vì có tới ba lĩnh vực là: nhạc kịch (opera), hòa nhạc thính phòng, giao hưởng và múa đương đại; cho nên để hài hòa tầm cỡ của các tác phẩm khác nhau trong cùng một mùa diễn, chúng tôi buộc phải lựa chọn khi dàn dựng biểu diễn tác phẩm Việt Nam. Mục đích cao nhất vẫn là gửi tặng tới công chúng một bữa “đại tiệc” hoàn hảo về nghệ thuật.
- Thưa nhạc trưởng, là người lãnh đạo Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch, dẫn dắt cuộc chơi nghệ thuật của lĩnh vực hàn lâm, chắc chắn ông đã và đang gặp phải nhiều khó khăn, chẳng hạn như vé không dễ bán với giá cao…?
- Chúng tôi chú trọng dàn dựng và biểu diễn những vở diễn lớn và tác phẩm đỉnh cao, đó luôn là những dấu mốc quan trọng, giúp nâng cao thẩm mỹ nghệ thuật cho công chúng. Chẳng hạn như các vở diễn lớn “Cây sáo thần”, hoặc lần này là nhạc kịch “Con Dơi” - vở opera nổi tiếng nhất và được ca ngợi nhiều nhất của nhạc sĩ thiên tài J. Strauss thời trẻ.
Qua nhiều dịp cọ xát với nghệ sĩ quốc tế, đội ngũ dàn dựng và biểu diễn tự tin vào trình độ của nghệ sĩ. Với rất nhiều món ăn tinh thần xứng đáng dành tặng công chúng, chúng tôi tin sẽ mang được âm nhạc nghệ thuật hàn lâm tới gần với người xem. Có lẽ chính vì vậy, liên hoan “Giai điệu mùa thu” nhiều năm gần đây đều có những đêm biểu diễn “cháy vé”. Còn việc cân nhắc giữa các mức giá vé là để thật sự phù hợp với công chúng Việt, thậm chí có những chương trình chúng tôi miễn phí hoàn toàn, như quà tặng gửi tới người xem, cụ thể là hai buổi hòa nhạc kèn ngoài trời ở không gian trước cửa Nhà hát.
- Xin cảm ơn nhạc trưởng.
★ NSƯT Trần Vương Thạch sinh ngày 5-7-1961 tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện là chỉ huy dàn nhạc và là Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh và Ủy viên BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2006. Ông là nhạc sĩ hòa âm phim “Đất phương Nam” (1997), sáng tác ca khúc “Lá bàng” làm nhạc cho phim truyền hình “Viên ngọc Côn Sơn” (1998), viết nhạc cho hai vở cải lương quảng trường là “Kim Vân Kiều” (2006) và “Chiếc áo thiên nga” (2007).
★ Các chương trình đặc sắc của “Giai điệu mùa thu 2017” là Hòa nhạc các tài năng trẻ Nga, Armenia; Hòa nhạc Đêm nhạc thính phòng Pháp và Hòa nhạc Các tài năng trẻ Việt Nam; Hòa nhạc Guitar cổ điển; Hòa nhạc thính phòng Tám mùa; Hòa nhạc Gala Hành trình âm nhạc châu Âu… với nhóm International Chamber Players, và các NSƯT Bùi Công Duy, Vũ Việt Chương (Mỹ), Trần Hữu Quốc (Hàn Quốc) và Gregory Lee (Mỹ) … vở múa đương đại Đi qua tình yêu do hai biên đạo múa Nguyễn Phúc Hải và Nguyễn Phúc Hùng biên đạo với sự trình diễn của các nghệ sĩ ballet trẻ tài năng của HBSO: Trần Hoàng Yến, Nguyễn Thu Trang, Phan Tiểu Ly, Sùng A Lùng, Phan Thái Bình và Nguyễn Minh Tâm. Và hai tác phẩm âm nhạc đương đại mới sáng tác: Tổ khúc giao hưởng “Hồi tưởng” của Nguyễn Mạnh Duy Linh và Tổ khúc cho hợp xướng với dàn nhạc “Cầu nguyện mùa xuân” của Vũ Việt Anh. |
(Nguồn: http://www.nhandan.com.vn)