NSƯT Quang Lý - người hát tình ca để đi qua chiến tranh

20/04/2015

Quang Lý (ảnh) là một trong những giọng ca vàng qua các thế hệ, còn được mệnh danh là “người hát tình ca trẻ mãi”. Những người lính từng say sưa nghe anh hát để ngày hôm sau được tiếp sức ra trận, cho dù họ biết mình có thể không về. Tiếng hát của anh còn vang lên ở tận biên giới Campuchia, để bộ đội tình nguyện Việt Nam gặp được quê hương mình.

<?> Cho đến nay, anh vẫn là người hát tình ca truyền cảm nhất. Không những thế, những ca khúc truyền thống cách mạng luôn được anh thổi hồn vào đó. Vì sao anh còn “lửa” như vậy?

- Tôi nghĩ, tình ca là chủ đề, là câu chuyện muôn thuở của mỗi một thế hệ, bất kể trẻ hay già, những người luôn khao khát có cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Tình ca giản dị lắm, là hơi thở phảng phất từ nội tâm rất thật, từ tâm trạng của mỗi con người. Tình ca cách mạng mang lại tình yêu chân thực cho mỗi người, để họ sống tốt đẹp hơn. Đặc biệt, các nhạc sĩ viết trong bối cảnh chiến tranh, đất nước còn nghèo, viết bằng cảm xúc, trái tim, bằng trải nghiệm thế nào là tình yêu, hạnh phúc. Trong cuộc sống hòa bình, con người cũng không thể thiếu hơi thở đó để đi cùng năm tháng. “Tình ca” của Hoàng Việt chẳng hạn, là tình yêu đôi lứa tuy không thành nhưng theo họ đi suốt cuộc đời. Bài “Lá đỏ” của Hoàng Hiệp dù mang tính chất hành khúc, có câu kết nhắn nhủ “hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn”, nhưng hương hồn của nó vẫn là tình ca. Hay “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” (Hoàng Hiệp) cũng chính là âm hưởng tình yêu ấy.

<?> Anh cho biết kỷ niệm về người lính trong những lần lưu diễn ở chiến trường?

- Thời ở Đoàn Văn công Đài Phát thanh Giải Phóng, tôi đi rất nhiều nơi để hát cho bộ đội nghe. Nhưng kỷ niệm gắn bó nhất lại là thời chiến tranh Tây Nam, nhiều lần sang Campuchia hát. Tôi cứ nghĩ sau chiến tranh, hòa bình rồi mà lớp trẻ phải ra trận, vậy mà họ mang theo sự thanh thản đến thế, tất cả chỉ nghĩ đến việc chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Trước khi ra trận, hàng sư đoàn nghe tôi hát, chỉ với cái loa sắt, lắm khi không cần nhạc đệm. Mỗi lần tôi hát, cả vạn người hát theo. Có khi lên chốt chỉ có 3-4 người, ngồi ôm đàn hát với nhau, các chiến sĩ yêu cầu hát về quê hương của họ. Những bài ca đó khiến họ xúc động mãnh liệt.

<?> Ngày đầu giải phóng miền Nam, vào Sài Gòn, anh có những trải nghiệm gì đặc biệt?

- Hồi mới vào Sài Gòn, ngoài lượng sách vở phong phú, ấn tượng của tôi là nhạc Trịnh. Tôi rất thích giai điệu đẹp, ca từ rất thơ, mang đúng tâm trạng của chính anh ấy. Có những ca từ tôi đọc đi đọc lại mới thấm từng lời. Tôi nghe Khánh Ly hát “Tình nhớ” - “một người về đỉnh cao, một người về vực sâu…” rất hay, cứ như nhập vào mình. Rồi thì tôi kiếm vài cuộn băng cassette của Khánh Ly, Elvis Phương, Thanh Lan… để nghe các ca sĩ trong Nam hát...

<?> Là ca sĩ miền Bắc, vào Nam sinh sống bao nhiêu năm, anh hấp thụ được điều gì ở âm nhạc miền Nam?

- Ngày ấy nghe các chị hát, phải nói là giọng bạch thanh, nhưng họ hát rất rõ lời, và giai điệu ngân nga vẫn thể hiện được cái thần ấy. Điều quan trọng tôi hấp thụ được là họ hát ra chất, ra chiều sâu của từng người. Mỗi người ca sĩ hát ra đặc trưng của họ ngay. Hồi xưa, bọn tôi đâu được gặp gỡ những dòng nhạc đa chiều như thế, thậm chí còn không hiểu được nhạc nhẹ, nhạc rock là gì. Còn ở đây, họ tiếp cận nhiều dòng nhạc, họ hát dòng nào ra dòng đó và thêm điểm mạnh nữa là họ rất “đời”.

<?> Chất “đời” ấy cũng đi vào cả giọng hát của Quang Lý…

- Tôi cũng nghĩ mình phải hát “đời” hơn nữa. Ngoài các nghệ sĩ Sài Gòn trước đây, tôi còn học được ở anh Trần Tiến rất nhiều. Có một thời tôi “du ca” với anh ấy. Anh Trần Tiến có chất ngẫu hứng, tức khắc, tức thì, làm ra chính cái chất của anh không trộn lẫn được.

<?> Là giám khảo chương trình “Những bài hát còn xanh”, anh nhận thấy lớp trẻ hát nhạc truyền thống ra sao?

- Tôi đánh giá rất cao các bạn trẻ hát nhạc truyền thống. Họ chưa từng trải qua thời kỳ chiến tranh như chúng tôi, chưa trải qua mất mát trong cuộc sống. Thế nhưng, các bạn đã làm chúng tôi rung động. Có bạn hiểu rất sâu, có bạn đi quá xa, trưng trổ cả về phối khí, hòa âm… Phải công nhận đó là những bài rất hay, trong một thời gian dài như thế, đất nước mình đã sản sinh nhiều nhạc sĩ, cùng những tác phẩm đỉnh cao thực sự.

<?> Khi đào tạo ca sĩ trẻ, anh thường nhắc nhở họ điều gì?

- Các bạn trẻ hát theo trào lưu thế giới rất nhiều. Trào lưu là tốt, nhưng đi đôi với những bài sáng tác thì vẫn phải là hơi thở của người Việt mình, không thể tự dưng lắp đặt giai điệu ông tây vào bài hát Việt. Các bạn hát gì thì hát, tiết tấu…, mọi thứ có thể du nhập vào Việt Nam, nhưng làm sao để “hương hồn” của âm nhạc phải ra chất Việt Nam mình, đó mới là sáng tạo thực sự. Cảm xúc thì không ai dạy cho ai được, vì phải qua trải nghiệm, nhưng nhìn chung, cảm xúc đó phải hướng thiện, hướng đến điều tốt đẹp nhất, mới làm người nghe rung động.

- Xin cảm ơn anh.

(Nguồn: http://laodong.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...