NSƯT Nguyễn Diệu Hồng: Tiếng sáo thiên thai
Diệu Hồng vừa có kỹ thuật, vừa có nội lực và giàu cảm xúc nên tiếng sáo của chị rất dễ làm say lòng người. Hơn 30 năm làm việc ở Dàn nhạc, vừa có mặt trong các chương trình biểu diễn, vừa học cao học về sáo, sau đó còn làm công tác giảng dạy bộ môn này cho những người trẻ mới vào nghề, Diệu Hồng là một tấm gương của sự nỗ lực...
Tôi biết Nguyễn Diệu Hồng, cây sáo Flute số 1 của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (GHVN) từ cách đây hơn 20 năm, thời đất nước còn gian khó. Nghệ sĩ nữ biên chế trong Dàn nhạc ai cũng xinh đẹp, ai cũng được học âm nhạc bài bản từ nhỏ, và hầu như cả đời gắn bó với đàn: violon, viola, cello, đàn hạc (harpe). Nguyễn Diệu Hồng là một trong số đó, chị "chơi" sáo flute (sáo Tây), thứ nhạc cụ không dễ chinh phục, càng rất khó nếu muốn đạt đến đẳng cấp solist. Sáo flute là 1 nhạc cụ quan trọng trong Dàn nhạc, cùng với violon, nó có thể dẫn dắt buổi trình tấu những tác phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao.
Quê gốc ở Huế, cha là người mê âm nhạc, có thời gian công tác ở Ty Thông tin Thừa Thiên Huế, dù là người làm nhiều công việc khác nhau nhưng ông luôn giữ lửa sáng tác âm nhạc, có không ít ca khúc được sử dụng trên sóng phát thanh, truyền hình…
Do hoàn cảnh, ông không đi theo con đường chuyên nghiệp mà chuyển đam mê của mình thành tâm huyết cho những người con. Vì thế, Diệu Hồng và chị gái là Diệu Hằng đều được bố mẹ cho học nhạc. Chị gái Diệu Hằng chọn cây đàn violon, còn Diệu Hồng chọn sáo. Thi đỗ điểm cao, cả hai chị em vượt qua không ít những thử thách để vào được trường nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia bây giờ), một ngôi trường khi ấy trên 50% là con cái những gia đình thuộc diện "cây cao bóng cả".
Ban đầu, Diệu Hồng học kèn Oboa, sáo Piccolo. Oboa là một nhạc cụ biểu hiện nội tâm rất tốt, âm chất đẹp, nhưng thổi nặng hơn sáo flute, tốn nhiều hơi nén, giai điệu tương đối dài cần phải có một sức vóc khỏe mạnh.
Những năm tháng xa xưa, khi cả nước còn nghèo khổ thì gia đình Diệu Hồng cũng vậy. Chị rất gầy yếu, muốn học Oboa lắm mà không kham nổi. Mới 8 tuổi, cầm cây kèn còn thấy nặng, nhưng vì quá say mê, lại chăm học nên chị thường bị chảy máu mũi.
Quý khả năng cảm thụ và năng khiếu của trò, các giảng viên đã cho Diệu Hồng chọn học bất cứ nhạc cụ gì thay cho kèn Oboa. Và chị chọn sáo Flute, một loại nhạc cụ có thể miêu tả độc đáo, diễm lệ nhất về những cảnh đẹp của thiên nhiên - rừng núi, sông hồ, tâm hồn con người, tiếng chim và những câu chuyện cổ tích... Âm thanh từ tiếng sáo bay ra tưởng như dòng suối mát, có thể an ủi, nâng đỡ, xóa mọi ưu phiền, dẫn đưa tâm hồn vào xứ sở thần tiên…
Mười lăm năm miệt mài học ở trường, học ở nhà, học thầy, học qua đài, đĩa những tác phẩm quốc tế nổi tiếng, năm 1985, Diệu Hồng tốt nghiệp loại xuất sắc và được Giám đốc Dàn nhạc GHVN đặc cách mời về giữ vị trí sáo 1.
Liên tục, không ngừng nghỉ 32 năm gắn bó với nghề, Diệu Hồng đã làm nên tên tuổi của mình. Là người độc tấu sáo đầy ấn tượng các bản nhạc kinh điển viết cho sáo như: Concerto số 2 cung rê trưởng của Mozart; Concerto cho sáo flute và dàn nhạc của Vivaldi; Suite số 2 cung si thứ và bản Sonata của Bach; Concerto cung Son trưởng, Rê trưởng, Đô trưởng của Mozart; Concerto cung la trưởng của Otaka, hay bản sonata của Francis Poulen; Fantaisie pastoral Hongroise của Albert Franz Doppler, Carmen Fantaisie của Francois Borne…
Ngoài ra còn biểu diễn xuất sắc những tác phẩm sáng tác của các nhạc sỹ Việt Nam cho flute solo như: "Rừng gọi" của Vũ Thiết, "Mùa xuân trong rừng" của Đỗ Nhuận, "Chủ đề" và "biến tấu" dựa trên chất liệu ca trù của Phúc Linh. "Hoa thơm bướm lượn" của Hoàng Vân; "Tình yêu của biển" và "Mây trên biển" của Phú Quang và nhiều tác phẩm khác của các nhạc sĩ: Nguyễn Văn Thương, Đàm Linh, Hoàng Việt, Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Thiên Đạo, Trần Trọng Hùng, Trần Mạnh Hùng, Ca Lê Thuần, Trọng Bằng, Nguyễn Văn Nam, Đặng Hữu Phúc, Trọng Đài …
Chị còn được mời biểu diễn nhiều chương trình đặc biệt: với dàn nhạc trẻ Châu Âu, tham gia liên hoan âm nhạc Quốc tế, tham gia các chương trình Festival Âm nhạc Á - Âu. Đặc biệt khi chị nhấn và luyến, vuốt và vỗ, các ngón tay của chị như một báu vật tạo ra những thanh âm đầy ấn tượng trong lần độc tấu Scherzon trong Ouverture "Giấc mộng đêm hè" của F. Mendelsohn...
Diệu Hồng vừa có kỹ thuật, vừa có nội lực và giàu cảm xúc nên tiếng sáo của chị rất dễ làm say lòng người. Hơn 30 năm làm việc ở Dàn nhạc, vừa có mặt trong các chương trình biểu diễn, vừa học cao học về sáo, sau đó còn làm công tác giảng dạy bộ môn này cho những người trẻ mới vào nghề, Diệu Hồng là một tấm gương của sự nỗ lực.
Là con dâu của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, người thầy mà Diệu Hồng theo học thuở ban đầu từ những ngày mà giáo trình của môn học này còn chưa có, các thầy cũng chỉ mới tự mày mò, dạy bằng truyền cảm. Cảm động về đức độ và phong cách sống của thầy, lại cùng học một trường với con thầy là Nguyễn Thiện Thắng (khi ra trường Nguyễn Thiện Thắng cũng được nhận về Dàn nhạc GHVN), dần dà, chị yêu con trai của thầy.
Ngày ấy, gia đình thầy còn nghèo vì toàn bộ tâm trí của mọi thành viên đều dành cho âm nhạc. Sự đam mê ấy theo gia đình nhỏ của Diệu Hồng đến tận bây giờ. Nguyễn Diệu Hồng và Nguyễn Thiện Thắng có 2 người con, con gái đầu Nguyễn Hồng Ánh lớn lên trong cái nôi âm nhạc ấy cũng đã tốt nghiệp Nhạc viện môn sáo Flute và giờ đây đứng cùng biên chế Dàn nhạc GHVN với bố mẹ…
Là một nghệ sĩ được Dàn nhạc ưu ái, nhưng Diệu Hồng không chỉ biết nghĩ cho mình, chị không sử dụng phép lợi thế, chị biết san sẻ cơ hội tốt cho người khác.
Hồi Dàn nhạc GHVN được hưởng dự án nâng cấp nhạc cụ do Nhật Bản tài trợ, chị có thể đề nghị Dàn nhạc cho mình được sử dụng một hoặc hai, ba cây flute có giá trị (nhiều khi nhạc cụ là một yếu tố giúp cho nghệ sĩ đạt tới thành công đỉnh cao, bởi chất lượng âm thanh của nó), nhưng với tinh thần đồng đội san sẻ, chị chỉ đề nghị được sử dụng hai cây flute tông Do, (một hạng vừa và một hạng thấp)… Nhưng không vì thế mà tiếng sáo của chị bớt đi sự quyến rũ, chị vẫn làm nên thành tích trong các lần trình diễn.
Cùng với Dàn nhạc, chị đã đi trình diễn nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Italia, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan, Lào… Các Nhạc trưởng nổi tiếng thế giới như: Colin Metter, Allexander Polymichko, Jonas Albeo, Andrea Pestalozza, Piere Ad Valade, các nhạc trưởng Việt Nam như: Đỗ Dũng, Trần Quý, Lê Phi Phi đều tin tưởng vào chuyên môn của chị trong vị trí trưởng bè…!
Có người ví tiếng flute của Diệu Hồng réo rắt, lóng lánh như pha lê, mỗi lần cất lên quyến rũ, ngấm sâu, thật sâu vào trái tim của họ! Họ gọi chị là "công chúa" của Dàn nhạc. Và gần đây nhất, vào 18, 19-10 tại L'espace chị biểu diễn cùng Dàn nhạc GHVN.
Đã 32 năm tuổi nghề, tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành sư phạm và biểu diễn sáo flute, hiện là trưởng Bộ môn sáo flute, danh hiệu NSƯT từ 2007, tiếng sáo của Diệu Hồng đã có mặt trong nhiều băng đĩa được thu và phát hành bởi: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Hãng Phim truyện Việt Nam, Phim hoạt hình Việt Nam.
Cũng từng là cộng tác viên giảng dạy Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Diệu Hồng luôn làm việc với một tâm thế: Việt Nam ngày càng có nhiều tài năng, nhạc giao hưởng hòa tấu phát triển đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế. Bản thân say nghề, được nhận Bằng khen của Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; của Bộ trưởng, nhiều năm là Chiến sĩ thi đua…. Là một trong những người vừa có nhan sắc vừa có tài nhưng Diệu Hồng vẫn giữ được vẻ khiêm tốn và trong sáng như ngày đầu tôi gặp cách đây hơn 20 năm.
(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn)