NSƯT Đức Long: Hạnh phúc trong cô đơn

10/01/2014

"Trong cuộc đời mỗi con người không có ai là không gặp phải những biến cố. Có chăng sự khác chỉ là ít hay nhiều. Cuộc đời tôi đã an định như thế thì cố tránh cũng không được. Chi bằng cứ đối diện với nó một cách bình thản. Rồi mọi chuyện cũng sẽ qua đi”, là cảm xúc tâm tình tận đáy cõi lòng mình của nghệ sĩ Đức Long.

 

"Tôi đi giữa hoàng hôn” của Văn Phụng

được NSƯT Đức Long chọn làm đầu đề album

Tôi gặp anh trong một buổi sáng mùa đông tại quán cà phê giữa lòng Thủ đô, mà theo tôi có lẽ đó là quán mà anh vẫn thường hay ngồi. Đây là lần đầu tiên gặp anh, tôi cảm thấy có đôi chút bất ngờ khi bắt gặp khuôn mặt khi ở những giây phút ban đầu. Không có sự đăm chiêu như câu chữ trên nhiều báo giới dành cho anh. Tôi nhìn thấy ở đây hình ảnh của một người đàn ông không hẳn là sự vô tư nhưng đầy sự lạc quan và trên hết là sự bình tâm.

Từ công nhân đến NSƯT

Nhìn vào dáng vẻ vô tư lự của anh, nếu như những người không biết rõ về anh thì ai có thể đoán ra rằng người nghệ sĩ này đã từng đi qua bao nhiêu quãng đường nghiệt ngã trên đường đời, ai có thể nghĩ rằng cuộc sống của anh không hề bình lặng giống như trong suy nghĩ của nhiều người.

NSƯT Đức Long sinh ra trong một gia đình lao động có 3 chị em. Đến năm 8 tuổi, nghệ sĩ Đức Long đã mồ côi cha mẹ và phải tự kiếm sống nuôi thân bằng việc làm thuê, khuân vác. Cũng giống như nhiều đứa trẻ bất hạnh khác, quãng tuổi thơ buồn đau và vất vả đó hằn sâu vào tâm trí của anh và có lẽ chẳng bao giờ anh quên.

Đức Long theo học hết cấp 2 rồi đi làm công nhân tại một mỏ than ở Quảng Ninh. Theo chia sẻ của anh, thì cái duyên đến với nghiệp hát cũng là từ đây. Trong thời gian làm việc tại đây, anh tham gia tiếng hát của những người công nhân thợ mỏ. Khi năng khiếu ca hát được bộc lộ rõ rệt, anh được nhiều nơi mời đi hát. Và con đường trở thành nghệ sĩ cũng đến một cách rất tình cờ mà theo anh nghĩ, nó chỉ là một câu nói đùa vui mà không ngờ lại trở thành sự thật. Trong một lần giao lưu ca hát giữa công nhân và ba lực lượng vũ trang, anh được đoàn Nghệ thuật Phòng không – Không quân mời và chuyển công tác cho anh về đoàn.

Từ đó đến nay, Đức Long trở thành một người nghệ sĩ thành danh trên con đường âm nhạc của mình. Thế nhưng điều thú vị là khi được hỏi về sự khác biệt trong cuộc sống của anh khi làm công nhân và sau khi thành nghệ sĩ. Anh nói rằng "không hề có sự khác biệt”. "Làm nghệ thuật hay làm công nhân thì cũng là lao động. Tôi không thấy mình khác với mọi người, và càng không bao giờ cho mình đứng cao hơn bất kỳ ai”.

Sau gần 30 năm ca hát vẫn vậy, vất vả yêu nghề như tất cả "ca sĩ nhà nước”, vất vả sống như những "công chức nhà nước”, Đức Long trong suốt 48 năm sống trên đời vẫn chưa một ngày thôi vất vả. Anh biết cuộc đời mình sẽ không suôn sẻ. Và anh cũng đã chấp nhận nó ngay từ lúc đó. Tôi học cách chấp nhận, mình làm được đến đâu xác định làm đến đấy, còn những gì mình chưa làm được thì phấn đấu dần dần, và không mong chờ vào những điều không có”. Phải chăng tâm niệm đó đã kiên định lên một Đức Long với phong thái như tôi nhìn thấy và cảm nhận thấy lúc này.

Không hề thấy cô đơn

Đức Long từng có một đời vợ, chị là diễn viên của một đoàn kịch. Hai người xây dựng tổ ấm trên nền của một tình yêu nồng nàn say đắm. Nhưng rồi câu chuyện đã trở nên dang dở mà theo như anh nói thì chuyện tình cảm nhiều khi là có duyên vô phận. Cũng giống như những biến cố khác trong cuộc đời, anh để cho nó qua đi một cách nhẹ nhàng và mình giữ lại những gì đẹp đẽ nhất. Không đau buồn, không có sự oán trách ai hay đổ lỗi cho số phận. Theo Đức Long thì điều cần thiết và nên làm là luôn luôn nhìn nhận lại chính bản thân mình. Giữa hai người đã có một cuộc chia tay êm đẹp và coi nhau như những người bạn tốt như thuở nào.

Anh không bao giờ than vãn về số phận của mình, mặc dù ai cũng có thể thấy rằng nó không êm đẹp. Tôi thấy điều này đúng, bởi tôi còn thấy ở anh một sự rất lạc quan. Anh nói rằng, anh còn thấy mình may mắn hơn nhiều người và chưa bao giờ cảm thấy mình cô đơn. Anh thấy vui khi bên cạnh luôn có người thân yêu, bạn bè và nhiều khán giả yêu mến. Anh luôn ghi nhận tất cả những điều mà những người xung quanh đã giúp đỡ mình và cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.

(Nguồn: http://www.baomoi.com)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...