NSND Tường Vi: Tôi đã làm việc bằng tất cả trái tim
- Người ta vẫn hay nói: “NSND Tường Vy là một bông hoa không tuổi”, vì ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà vẫn trẻ trung, và không mệt mỏi trên hành trình thiện nguyện. Điều gì giữ lửa trong lòng bà lâu đến vậy?
- Tôi yêu âm nhạc, yêu cuộc sống, yêu khán giả và vô cùng yêu các em nhỏ mồ côi, tôi đã sống trong tình yêu đó suốt cả hành trình cuộc đời. Hơn ai hết, tôi hiểu rằng “không tuổi” không có nghĩa là tôi giữ mãi được nét thanh xuân, sự trẻ khỏe về tinh thần nên tôi đã luôn cố gắng làm việc hết mình, ngay cả khi sức khỏe không cho phép. Tuổi xuân nào rồi cũng tàn phai cả. Nhưng nếu luôn sống tận hiến thì mình sẽ có niềm vui để tiếp tục cuộc hành trình mà đời đã trao cho mình. Tôi đã sống chung với căn bệnh tiểu đường 23 năm nay, nhưng vẫn thấy cuộc đời còn đẹp lắm.
- Một mình bà nay ở Hà Nội, mai đã Đà Nẵng, mốt Quảng Nam để lo toan cho 3 trung tâm nghệ thuật tình thương. Động lực nào để một người đàn bà vốn được quyền nghỉ ngơi vẫn cứ tiếp tục miệt mài?
- Đó là lời nhắn nhủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mà tôi và nhiều người lính khác vẫn gọi thân mật là "Anh Văn". Ngày tôi đến tuổi nghỉ hưu, Anh Văn có cầm tay tôi mà dặn rằng: “Cựu chiến binh Việt Nam hưu nhưng không nghỉ”. Thế nên sau khi nghỉ hưu tôi vẫn chưa nghỉ ngày nào, thậm chí còn làm việc nhiều hơn.
NSND Tường Vy năm nay 77 tuổi, nhưng bà vẫn miệt mài viết nhạc,
tập đàn và bận rộn với 3 trung tâm nghệ thuật tình thương
- Khi chứng kiến sự thành công của nhiều học trò như Giáng Sol (nhạc sĩ), Khánh Thi (ca sĩ – kiện tướng dancesport) hay Hoài Phương (nhóm Mặt Trời Đỏ), Hà Chương (nhạc sĩ khiếm thị), bà cảm thấy thế nào?
- Mấy đứa nó vẫn cứ gọi tôi là “Mẹ Vy”, mà đã là một người mẹ thì tôi vô cùng hạnh phúc trước thành công của con cái mình. Tất nhiên để có được chỗ đứng như ngày hôm nay các em đã phải cố gắng và phấn đấu rất nhiều. Tôi chỉ cho các em được tâm hồn, tư tưởng chứ chẳng thể cho các em những tấm thảm đỏ để bước đi trên con đường nghệ thuật. Hà Chương, Khánh Thi hay rất nhiều các em khác đều là niềm tự hào của tôi và cũng là động lực để tôi tiếp tục bước chân trên hành trình dìu dắt những người trẻ trên con đường nghệ thuật.
- Hơn 20 năm sống chung với bệnh tiểu đường, chỉ có một mình, bà tự chăm sóc mình như thế nào?
- Hàng ngày tôi phải tự tay tiêm thuốc cho mình. Tôi luôn nghĩ mình bệnh tật phải biết tự chăm sóc cho mình trước tiên, sau đó mới nhờ đến bác sĩ.
- Chỉ có một người con trai (nhạc sĩ Trần Hùng – chồng ca sĩ Ngọc Anh 3A), nhưng bà lại để con sống ở tận nước Mỹ xa xôi. Có khi nào, vì một mình mà bà thấy hiu quạnh?
- Nhiều lúc tôi cũng thấy nhớ con, nhớ cháu nhưng bây giờ công nghệ phát triển rồi cách vài ba hôm chúng nó lại gọi điện cho tôi. Gọi qua mạng, chi phí không cao hai bên lại nhìn thấy nhau.
Thực ra thì cả Trần Hùng và Ngọc Anh đều có ý định sẽ đón tôi qua Mỹ. Ngọc Anh bảo rằng: “Mẹ có tuổi rồi, giờ là lúc nghỉ ngơi. Mẹ bỏ hết công việc sang đây với con cháu”, nhưng tôi vẫn chưa quyết định. Tôi vẫn còn nhiều việc dang dở cần phải hoàn thành. Bây giờ mà ra đi thì trung tâm biết giao cho ai. Nên nếu có sang Mỹ, chắc phải vài năm nữa tôi mới đi được.
- Cùng là nghệ sĩ, bà chia sẻ được thế nào với cô con dâu nổi tiếng – ca sĩ Ngọc Anh?
- Khi Ngọc Anh mới về làm dâu, tôi và con có nhiều điểm khác biệt vì tôi vốn là một ca sĩ phục vụ trong quân đội, từ trang phục, tác phong đều chỉn chu trong khi Ngọc Anh thì quá hiện đại, gần như đối ngược với tôi. Thế nhưng càng ngày mẹ con tôi càng hiểu nhau, đến giờ chúng tôi có thể chia sẻ với nhau được nhiều thứ.
Làm mới không có nghĩa là thay đổi giai điệu bài hát
- Là một nghệ sĩ gạo cội đồng thời cũng là người thầy, người bạn đồng hành của nhiều nghệ sĩ trẻ, chắc hẳn bà phải luôn quan tâm và theo dõi thị trường âm nhạc hiện nay. Bà nghĩ sao về những ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề làm mới nhạc cách mạng?
- Để những ca khúc nhạc cách mạng đến gần hơn với giới trẻ thì không có cách nào khác là làm mới bao gồm phối mới, hát mới và trình diễn mới. Tuy nhiên cũng không nên phá cách quá, vì như vậy là làm hỏng bài hát. Ca sĩ dù ở thời đại nào cũng phải hát trước hết theo cảm xúc của tác giả, phải hiểu tinh thần thời đại của bài hát. Tôi nghĩ rằng phối lại là nhằm mục đích cho bài hát trẻ trung hơn chứ không phải là thay đổi giai điệu của bài hát.
- “Cô gái vót chông”, một sáng tác Hoàng Hiệp gắn liền với tên tuổi của bà hiện nay được hát lại rất nhiều trong các chương trình truyền hình thực tế như Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Cặp đôi hoàn hảo hay ca khúc “Tiếng đàn Ta lư” (Huy Thục) cũng vừa được làm mới trong Giai điệu tự hào. Bà cảm thấy thế nào khi xem những phần trình diễn đó?
- Phần trình diễn của Phạm Thu Hà trong ca khúc “Tiếng đàn Ta lư” ở Giai điệu tự hào thì tôi thấy cũng chưa thực phù hợp. Theo tôi không nên hát theo kiểu opera và nhịp disco trong bài hát này. Còn “Cô gái vót chông” là một trong những bài hát gắn nhiều kỷ niệm với tôi. Trong bài hát này tôi đã sáng tạo ra một đoạn staccato giả tiếng chim hót và được tác giả là nhạc sĩ Hoàng Hiệp hết sức khen ngợi. Đây là một ca khúc mang tính thời sự nhưng có chất trữ tình phù hợp với giọng soprano (nữ cao). Tôi chỉ tiếc là có một lần thôi nghe thấy một giọng nữ trầm hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, hát rất chậm và bỏ cả đoạn staccto, nghe vậy tôi không cảm nhận được.
- Nhiều người nghĩ đoạn staccato giả tiếng chim hót trong “Cô gái vót chông” là của nhạc sĩ Hoàng Hiệp chứ không phải sáng tạo có chủ ý của bà. Vậy lý do gì khiến bà thêm đoạn staccato này vào ca khúc?
- Quả thực là nhiều người không biết đoạn staccto đấy là của tôi nhưng tôi cũng không vì thế mà buồn, vì tôi là người thích làm chứ không thích nói và cũng không thích lên tiếng thắc mắc hay tranh luận với ai về những vấn đề nhỏ nhặt. Sở dĩ tôi sáng tạo thêm đoạn staccato vào “Cô gái vót chông” vì tôi muốn có sự đột phá trong bài hát để tận dụng sở trường giọng nữ cao màu sắc. Bên cạnh đó, tôi hiểu đây là một sáng tác mang âm hưởng Tây Nguyên nên tôi muốn giả tiếng chim hót để mang thêm gam màu của núi rừng đại ngàn.
- Được xem là một trong những giọng hát kinh điển của nền tân nhạc với khả năng vận dụng kỹ thuật thanh nhạc bậc thầy, bà nghĩ sao trước ý kiến “Không phải cứ người được đào tạo bài bản và có kỹ thuật thanh nhạc mới có thể thành ca sĩ”?
- Một ca sĩ chuyên nghiệp là một ca sĩ vừa có giọng hát, sự khổ luyện và cảm xúc âm nhạc. Đúng là không phải cứ hát kỹ thuật là hay nhưng người ca sĩ cũng phải hiểu được vai trò của kỹ thuật thanh nhạc. Nếu không học thanh nhạc thì khó mà có được cột hơi dài và phát âm đúng nốt trầm, nốt cao. Ca sĩ có thể không cần học bài bản ở trường lớp nhưng phải luyện thanh hàng ngày nếu muốn hát lâu dài. Tôi nghĩ rằng muốn thành công mình phải lao động mà một trong những lao động của người ca sĩ đó là bảo vệ, phát huy và phát triển giọng hát của mình.
- Điều gì đọng lại trong bà sau nhiều năm ca hát, sáng tác và hoạt động nghệ thuật?
- Đó là tấm lòng hay nói cách khác là tình thương và lòng nhân ái. Tôi nhớ đến một câu danh ngôn “Nhân ái là dấu hiệu của một tâm hồn cao thượng”. Tôi không dám nhận mình cao thượng nhưng tôi hãnh diện vì mình đã làm việc bằng tất cả trái tim.
- Cảm ơn bà về những chia sẻ!
NSND Tường Vy (sinh ngày 19/8/1938, tại Tam Kỳ, Quảng Nam) là nữ ca sĩ Việt Nam nổi tiếng với những ca khúc cách mạng như“Cô gái vót chông”, “Tiếng đàn Ta Lư,” “Bóng cây Kơ-nia”. Bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 1993. Hiện bà là giám đốc của 3 trung tâm nghệ thuật tình thương tại Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng, chuyên giúp đỡ và dạy dỗ những trẻ em bị khuyết tật. |
(Nguồn: http://dep.com.vn)