NSND Trần Hiếu: “Tôi sẽ đi du ca xuyên Châu Âu”

08/07/2015

 Vừa thoát khỏi “cửa tử” chưa được bao lâu, “ông già hát” đã tính làm một chuyện ngược đời: Cùng đội hình “Trần gia nhã nhạc” (Trần Hiếu - Trần Tiến - Trần Thu Hà) thực hiện chuyến du ca xuyên Châu Âu bằng ôtô, coi như một “lễ mừng thọ” tuổi bát thập, dự định bắt đầu từ tháng 8 tới. Trò chuyện với Trần Hiếu bao giờ cũng được truyền một cảm hứng sống vui, sống khỏe thuộc vào hàng hiếm có, hồn nhiên và trong trẻo đến lạ thường…

“Càng gần chết càng cần bình tĩnh”

Lúc này hỏi thăm ông, cả vợ ông, nhạc sĩ Trần Tiến và con gái Trần Thu Hà chỉ đề cập nhiều đến tình hình sức khỏe. Là “anh cả” trong gia đình, giờ lại được mọi người coi như đứa trẻ cần chăm sóc đặc biệt, ông thấy sao?

- Tôi thấy vui, dù đôi khi bị nhắc nhở nhiều quá cũng tỏ ra cáu kỉnh một chút. Nhưng nói thật, tôi không thể sống tự lập cho ra hồn dù chỉ một ngày. Sau trận ốm tưởng chết năm ngoái, bỗng chốc mình trẻ ra vài chục tuổi, trong nhà mình lại thành út ít nhất (cười).


“Mình không có nhà cao cửa rộng nhưng bù lại mình có tình yêu, nhiều người
yêu mình, đi tới đâu cũng có nụ cười, “ca khó” nào cũng thành dễ...”.

Khoảnh khắc đứng giữa lằn ranh sống - chết có đáng sợ không, thưa ông?

- Có chứ! Ai nói không, nói bình thản là nói dối đấy! Chẳng sợ mà có lúc tôi không kiểm soát được cơ thể mình, lâm vào trạng thái lâm sàng. Không ngờ trận sốt virus nặng quá khiến mình bị suy tim, tràn dịch màng phổi. Suốt 23 ngày mê man, gần như liệt. May sao lúc gần chết, vẫn lờ mờ nhìn thấy ánh đèn, tai vẫn nghe thấy mọi người nói chuyện. Tôi nghe bác sĩ nói: “Ông cụ yếu quá rồi, giá mà ông hít được một hơi dài thì tốt quá…”. Lúc ấy tôi mới nghĩ, à hóa ra, phổi nặng nước, toàn thân cứng đờ, mình lại quá hoảng loạn nên không tự chủ được bản thân. Tôi thả lỏng người, cố gắng hít một hơi giống như lúc đi hát. Bỗng nhiên tôi nghe thấy bác sĩ hô lên: “Ồ, tốt quá, tim lại chạy rồi. Cố lên ông ơi, xem có hít được hơi nữa không nào?”. Tôi lại hít thêm một hơi nữa mạnh hơn… Sau này bình phục, có bác sĩ hỏi: “Không hiểu tại sao lúc ấy tim anh ngừng đập rồi mà anh lại sống lại”, tôi mới trả lời: “Tao nghe thấy chúng mày nói, tao tự cứu tao đấy!”. Tôi chết đi sống lại nhiều lần rồi mới đúc kết được, càng gần chết thì càng phải bình tĩnh.

Tình hình sức khỏe hiện tại có cản trở việc đi hát của ông không?

- Không, giờ có tháng tôi hát 16 shows, bình thường chỉ dám nhận 10 shows, nhiều hơn bọn trẻ bây giờ nhiều. Mình hơn bọn chúng vì mình lấy công rẻ chứ không đắt. Mình không có nhà cao cửa rộng nhưng bù lại mình có tình yêu, nhiều người yêu mình, đi tới đâu cũng có nụ cười, “ca khó” nào cũng thành dễ...

Nhưng với một người 80 tuổi, ý định thực hiện chuyến du ca dài ngày cùng Hà Trần và Trần Tiến quả là sự mạo hiểm?

- Sắp rồi, đến tháng 8 này “Trần gia nhã nhạc” sẽ du ca tại Tiệp. Nếu “thừa thắng xông lên”, chúng mình sẽ đi xuyên Châu Âu bằng ôtô để biểu diễn. Ngày xưa một ông thầy tướng số bảo tôi: “Năm 79 tuổi, anh qua một cơn rất nguy kịch. Nếu qua được thì anh sẽ sống đến 94”. Cơn nguy kịch ấy chắc là trận ốm năm ngoái, tôi đã qua được rồi. Năm nay tôi mới có 80, thế là mình lại phải “nuốt nhục” sống thêm 14 năm nữa (cười).

“Trần gia nhã nhạc”, trong dự cảm của ông, liệu có thể có thêm “truyền nhân” thuộc thế hệ F4?

- Nếu có thì chắc là con bé con nhà Hà (ca sĩ Trần Thu Hà - PV). Nala nó khỏe lắm, hát cứ như chơi vậy. Mà Hà nó nuôi con cũng lạ đời. Con bé bao nhiêu kilôgam nó bắt đẩy cái xe nặng bằng ngần đấy…

Tôi thuộc diện “ngu lâu”

Nghe nói ông không còn đứng lớp ở Nhạc viện thành phố?

- Sau trận ốm ấy tôi không dạy được nữa vì mỗi ngày đi về hơn 30km từ Gò Vấp lên quận 1, tôi không đi nổi. Nhưng dạy ở nhà thì có. Tôi gọi đấy là “lương tươi”, có tiền ngay để chi trả hằng ngày.

Muốn theo học thầy Trần Hiếu chắc hẳn tốn kém lắm?

- Không có. Tiền học của thầy thấp nhất thành phố luôn, chỉ 300.000đ/giờ, học sinh nghèo thì mình lấy 250.000đ, mà nghèo quá thì tôi cho. Trọng Tấn thi vào nhạc viện cũng là tôi cho đấy, cho 20 buổi. Ngày ấy thấy nó đứng khóc ở giữa trường, tôi ra hỏi thì thằng bé nói: “Cháu thấy người ta bảo lên đây phải học thầy, tập hát bài nọ bài kia thì mới thi đậu trường nhạc. Cháu đi hỏi, thầy nào cũng bảo 50.000đ/giờ. Mẹ cháu cho cháu có 200.000đ, cháu đi xe từ Thanh Hóa lên đây đã gần hết, tiền ăn còn chẳng có, lấy đâu ra tiền học”. Tôi thương quá, dạy cho 20 buổi không lấy tiền. Ngay năm đầu thi, nó đỗ luôn thủ khoa.

Vào tới trường, dù là thủ khoa rồi mà chẳng thầy nào nhận dạy nó, bởi trông nó chẳng bắt mắt tẹo nào (có đâu được sáng sủa như bây giờ). Các thầy cứ bảo: Thằng này nó hát hay đấy nhưng làm sao làm ca sĩ được, mong gì nổi tiếng. Các bạn không nhận thì tôi nhận. Tôi dạy nó 6 năm tất cả. Ngay năm đầu trung cấp, cậu ta được nhất Giọng hát hay Hà Nội. Cầm hai triệu tiền thưởng, tung tăng đi tìm thầy, trả tiền nợ thầy. Tôi bảo: “Tao không lấy đâu, bây giờ cái khó nhất của mày là mày phải có một bộ quần áo. Giờ người ta mời đi hát, mà không có nổi một bộ quần áo thì hát bằng cái gì?”. Vậy là cu cậu mua ngay một bộ chỉn chu cùng một đôi giày.

Năm thứ 4 đi thi, cậu ta lại được nhất miền Bắc, được hơn 10 triệu. Ngày ấy 10 triệu to lắm! Nó lại đòi trả thầy. Mình lại bảo không, bây giờ cậu phải có một cái xe máy. Giải nhất thế này mà xe đạp còn không có, mỗi lần đi diễn là phải mượn xe đạp à? Thế là nó nghe mình, đi mua một cái xe máy. Sau đó, lại được nhất toàn quốc. Ông ấy lại đến: “Thôi nhé, con có xe máy rồi, thầy phải cho con trả nợ cho thầy chứ!”. Mình vẫn lắc đầu bảo: “Chưa, người mày nợ chưa phải là tao mà là mẹ mày ấy! Phải mua cho mẹ một bộ tivi tử tế, gửi về cho mẹ. Còn mày phải thay xe máy cà tàng này đi và may một bộ comple nữa”. Nó lại nợ! Cho đến khi nó vào đại học năm thứ 2 rồi, nó được giải nhì cổ điển toàn quốc, lúc bấy giờ mới chịu cho nó trả. Cho đến bây giờ nó vẫn coi mình như bố.

Rõ là ông mát tay đấy chứ, “trị” được cả những “ca” khó nhất!

- Ừ, tay Y Moan cũng là một ví dụ cho chuyện này đấy. Ngày mới gặp tôi, Y Moan từ trong chiến trường ra, mắt đỏ lừ, da đen, răng trắng, tóc bờm xờm. Bộ đội gửi ra cho Bộ Văn hóa vì thấy giọng nó tốt. Bộ Văn hóa lại gửi về nhạc viện. Không ai dám nhận, cũng lại vì chuyện bắt mắt. Lại ông Hiếu nhận! Khi ấy, nó nói tiếng Việt chưa vững, chưa đọc được sách. Mình dạy nó bài hát Việt, bài hát tây. Ông Hiếu dạy từng chữ. Ba năm sau nó về chiến trường. Năm 1975 gặp lại, lúc ấy cu cậu đã nổi như cồn, đã được phong là NSƯT.

Có khi nào gia đình ông phàn nàn về chuyện ông say nghề quá không?

- Có chứ! Thằng con cả tôi vẫn giễu: Bố “ngu lâu”. Lẽ ra với tài năng, địa vị ấy, bố đã nhà lầu xe hơi từ lâu rồi mới phải. Nghĩ cũng phải, giờ hai vợ chồng chỉ có cái buồng của bộ đội. Nhưng Hà Trần nó nói, con mua biệt thự cho bố, tôi cũng từ chối. Nhà bố bây giờ cả quét cả lau may ra hết 10 phút. Con cho bố ở nhà rộng làm sao bố làm nổi. Nó lại nói con mua ôtô, tôi cũng gàn. “Tuổi bố giờ ai cho đi xe”. “Thì bố thuê người lái!”. “Thôi, thôi lại thêm một nhân khẩu!”. Nó rủ sang Mỹ, tôi cũng chẳng gật đầu. Mình đi khắp nơi rồi, hơn 30 nước chứ ít gì. Sang thăm con một lần là đủ. Cứ sống với bà ấy, hai vợ chồng ngày ngày chở nhau đi sinh hoạt câu lạc bộ Cung Lao Động, dẫn nhau đi diễn, rồi về tập thể dục chẳng vui hơn à?

- Cảm ơn ông và chúc ông luôn giữ được phong độ sống đáng nể của mình!

(Nguồn: http://www.baomoi.com)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...