NSND Lê Trọng Nghĩa- Người nghệ sĩ một đời hát về Hà Nội

10/04/2013

NSND Lê Trọng Nghĩa.

NSND Lê Trọng Nghĩa tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa, khoa Chế tạo máy. “Đi ngang” vào lãnh địa âm nhạc như một bước ngoặt lớn trong đời và đã có thành công đáng kể trên con đường ca hát. Ông đã đoạt Huy Chương Vàng đơn ca nam tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Sau đó ông đầu quân về Nhà hát Ca múa Nhạc và làm Giám đốc từ năm 1978. Trong thời gian làm Giám đốc, ông đã đưa đoàn đi biểu diễn khắp tỉnh thành trong cả nước và đoạt các huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong các Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp năm 1991, 1994. Nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10/10, NSND Lê Trọng Nghĩa đã cho ra mắt CD 10 bài hát về Hà Nội với cái tên giản dị “NSND Trọng Nghĩa với tình yêu Hà Nội” để kỷ niệm hơn 40 năm ca hát của mình.

Lê Trọng Nghĩa là người Hà Nội gốc. Từ nhỏ ông đã sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Năm 13 tuổi ông giành giải Nhất cuộc thi hát thiếu nhi do Thành đoàn Hà Nội tổ chức, từ đó thường xuyên được mời hát trên đài phát thanh, điển hình là bài Em làm kế hoạch nhỏ. Năm 1972, ông bắt đầu sự nghiệp hoạt động ca hát chuyên nghiệp.

Sau nhiều năm vào chiến trường miền Nam bom đạn phục vụ chiến sĩ, trở về Hà Nội vào cuối năm 1972, Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Đại học xin cho NSƯT Lê Trọng Nghĩa được chuyển công tác về Đoàn ca múa Hà Nội để chuẩn bị phục vụ chiến trường (Quyết định chuyển công tác của ông do Thứ trưởng Trần Tống ký). Lúc này Hà Nội bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, các cơ quan, đoàn thể sơ tán hết. Hà Nội vắng bóng người. Các Đoàn văn công, Đài Tiếng nói Việt Nam, các đoàn nghệ thuật Hà Nội sơ tán, chỉ còn Tổ ca múa Đoàn ca múa Hà Nội ở lại phục vụ. Trong suốt 12 ngày đêm Hà Nội không ngủ, NSƯT Lê Trọng Nghĩa cùng Đoàn không ngừng tiếng hát, hát giữa các ụ pháo, hát giữa những điểm bị bom B52 của Mỹ giải thảm như: Khâm Thiên, An Dương, Nhật Tân. Ngay khi khói bom còn chưa tan, bộ đội, tự vệ đang bới đống tro tàn cứu người, NSƯT Lê Trọng Nghĩa cùng các ca sĩ đã cất cao những khúc ca như: “Tiếng nói Hà Nội” (Văn An), “Bài ca Hà Nội” (Vũ Thanh), “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (Phạm Tuyên), “Hà Nội đêm không ngủ” (Phạm Tuyên). Những âm thanh luôn vang lên trên những đống tro tàn: “Dẫu phố phường bị giặc tàn phá đau thương, ghi chiến công tuyệt vời, một Điện Biên chói sáng Hà Nội ơi... trong bom đạn vẫn ngời ánh sáng tương lai, ta đứng trên đầu thù, tự hào thay dáng đứng Việt Nam...”

Danh tiếng của Lê Trọng Nghĩa đã được khẳng định trong làng nhạc Việt khi vào năm 1983, ông đã vinh dự được chọn làm thành viên Ban Giám khảo cuộc thi âm nhạc tài năng trẻ được tổ chức tại Tiệp Khắc. Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ Thông tin - Truyền thông) mà cụ thể là đồng chí bộ trưởng, cố nhạc sĩ Trần Hoàn đã đánh giá ông là một giọng hát vững vàng và thường xuyên cử ông là người đại diện đi giao lưu với các hoạt động âm nhạc Quốc tế. Ông là một trong 5 ca sĩ xuất sắc thời đó bao gồm NSND Trung Kiên, NSND Quý Dương, NSND Trần Hiếu, NSND Quang Thọ đã cùng Dàn hợp xướng Nhà hát lớn Matxcơva biểu diễn trong Ngày văn hóa Việt Nam tại Liên Xô trước đây.

Hơn 15 năm làm chỉ đạo nghệ thuật, NSND Lê Trọng Nghĩa đã được đi đến cùng với niềm say mê âm nhạc thuở nhỏ của mình. Ông cùng chị gái là ca sĩ Tuyết Nhung, Đài Tiếng nói Việt Nam, anh rể là nhạc sĩ Văn Dung đã làm nên một truyền thống gia đình say mê nghệ thuật.

Năm 2012, sau hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật, ông đã tự hào được nhận danh hiệu cao quý NSND, ngay sau khi nhận được danh hiệu, Lê Trọng Nghĩa tràn đầy niềm phấn khởi bước vào phòng thu để hoàn thành CD ca nhạc về Hà Nội với những bài hát đã theo ông suống chặng đường ca hát như “Truyền thuyết Hồ Gươm” “Cảm xúc tháng 10”, “Tiếng nói Hà Nội” “Hà Nội - Điện Biên Phủ” , “Hà Nội và tôi”, “Nhớ Hà Nội”...

Chia sẻ về những cảm xúc của những ngày tháng 10 lịch sử, NSND Lê Trọng Nghĩa tâm sự rằng, cuộc sống bây giờ đã có nhiều đổi thay, nhưng một Hà Nội yêu dấu, nơi ông sinh ra, lớn lên và trưởng thành, nơi ông đã chứng kiến nhiều sự kiện lớn nhỏ của đất nước, những tháng ngày vượt mưa bom, bão đạn với nhiều những thăng trầm vẫn luôn vẹn nguyên những ký ức đẹp và thơ mộng. Nó giúp ông nuôi dưỡng cảm hứng cho mình trên chặng đường nghệ thuật và một tình yêu âm nhạc vẫn chưa một ngày nào nguôi trong tâm hồn mình.

(Nguồnhttp://www.cand.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...