NSND Đặng Thái Sơn: cô đơn là thứ cần thiết cho người làm nghệ thuật

09/03/2016

 Nổi tiếng và thành đạt trong sự nghiệp nhưng ở một góc độ nào đó nghệ sĩ Đặng Thái Sơn là người rất cô đơn.


Video NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ về nỗi cô đơn

Trong lần trở về này khán giả Việt Nam sẽ chờ đợi những điều đặc biệt gì mà anh mang tới trong chương trình tại Nhà hát Lớn?

- Cũng vừa mới lại vừa cũ. Cái cũ có lẽ là tôi đánh Chopin mà tôi lại đánh đúng bài Concerto Chopin số 2. Đây là bài tôi đã từng thi năm 1980 ở bên Ba Lan và được giải nhất. Sau 35 năm tất nhiên gọi là bài cũ nhưng mà với thời gian thì bao giờ cách thể hiện cũng thay đổi. Mọi người cũng chờ đợi tôi sau 35 năm thì đánh kiểu gì. Vì hồi xưa, những năm 1980 tôi được gán cho cái mác là đánh rất mơ mộng.

Tất nhiên theo quy luật cuộc sống tôi nghĩ chuyện đi vào chiều sâu là cái đương nhiên. Một thước đo của chiều sâu, với bản nhạc như vậy, thời gian như vậy thì nó sẽ phải sâu sắc hơn. Một cái mới cũng là sở trường bây giờ trong chương trình diễn của tôi là cái lượng đánh nhạc Pháp rất nhiều, cho nên kỳ này tôi sẽ đánh những bài rất ít chơi ở Việt Nam.

Lúc nhận chương trình này với dàn nhạc, làm ngày mùng 8, mùng 9 tháng 3 thì tôi bảo "Thế thì đúng vào ngày phụ nữ quốc tế" nên tôi chọn luôn cái chương trình phải dính đến ngày kỷ niệm ngày này. Phụ nữ là tình yêu nên cả hai chương trình đều có chủ đề là tình yêu cả. Ngày mùng 9 tôi mở màn bằng bản Ballad của Faure, coi như là tiêu biểu tuyệt đối cho tình yêu và những cái gì rất là trữ tình, nhẹ nhàng và chính là muốn tặng cho tất cả các chị các cô và các em.

Buổi Chopin tôi cũng cố tình chọn bản concerto này. Lúc đó, Chopin sáng tác bài này khi ông còn trẻ, khoảng 18, 19 tuổi và gọi là mối tình đầu. Nó có tất cả tâm trạng của những người yêu ban đầu. Thế cho nên đặc biệt là chương 2 thì tuyệt vời. Tôi có thể nghĩ là những cái giai điệu đẹp nhất mà Chopin đã từng sáng tác và những cái rất là tươi mát của tình cảm lần đầu.

Bản Concerto Ravel có một cái gì đó rất đặc biệt viết riêng cho tay trái. Ai cũng biết bao giờ người chơi piano cũng đánh hai tay. Cho nên viết cho một bài dài mà riêng chỉ cho một tay thì về mặt kỹ thuật nó đã rất phức tạp. Tại vì mình phải tính cái lực và cái kỹ thuật nó phải chịu cáng bằng gấp đôi. Bài này nó có một ý nghĩa rất sâu sắc, cho một người pianist mà hồi đại chiến thứ nhất bị mất cánh tay phải.

Viết riêng cho tay trái nên nó có một chút u uất ở trong đấy. Bài này cùng với dàn nhạc là tôi diễn lần đầu ở Việt Nam, một cái rất mới lạ. Và trong tất cả các tác phẩm viết riêng cho tay trái thì bài này nổi tiếng nhất, cứ ai nói đến biểu diễn cánh tay trái là phải nhắc đến bài này.

Anh được mệnh danh là "Người được Chopin chọn" và lần này trở về Việt Nam, anh lại chơi Chopin. Vậy, anh có cảm xúc gì đặc biệt?

- Cái khó là thế này, có những bài mình đã diễn cả đời rồi có khi diễn không những trăm lần mà cả nghìn lần thế nhưng mà bao giờ lúc diễn không được cho cảm giác là bài của mình đi theo vết mòn.

Theo tôi, đó như một cuộc hành trình mỗi một lần. Cho nên tôi không có đánh bữa nào giống bữa nào. Tôi không có những cái rập khuôn. Tôi luôn để cho cái khoảnh khắc lúc trình diễn mình có thể ngẫu hứng, đó là những cái mình rất cần thiết. Tôi được biết là mọi người rất chờ đợi cái buổi Chopin để xem cách đánh thay đổi như thế nào.

Năm vừa qua được gọi là một năm thành công của anh khi có đến 3 học trò đoạt giải tại cuộc thi piano Chopin. Anh cũng có rất nhiều học trò người Việt vậy anh có thể cho biết lý do vì sao học trò người Việt lại chưa thể đoạt giải Chopin như anh đã từng làm được cách đây nhiều năm?

- Đúng là nuôi một cái mầm lên thành công nó phải là từ khi cơ bản, từ cái móng, như mình xây cái nhà phải có cái nền, cái móng. Cũng có những em Việt Nam rất tài năng nhưng mà thường lúc tôi phát hiện ra thì cũng đã đến một mức tuổi nào rồi. Thế nên cái nền móng càng chắc chắn thì lúc đó mình mới tạo nên được thành tích tốt.

Tôi hi vọng trong tương lai cũng có vì người tài không thiếu. Nhưng làm sao nuôi được cái mầm cho nó gặp thời, phát triển được đúng là còn nhiều cái hạn chế.

Tôi cũng rất vui vì năm vừa rồi bản thân được ngồi trong ban giám khảo, không những thế tôi còn được làm Phó chủ tịch hội đồng giám khảo. Đó cũng là một vinh dự. Một nửa số giải là do những người mình huấn luyện cho cuộc thi này. Ai cũng biết nó khó khăn như thế nào, qua 6 vòng, từ 450 người, cuối cùng chọn lại không có dễ. Cho nên người ta nói lại một lần nữa, tôi được giải nhất tại cuộc thi Chopin sau nhiều năm nhưng là ở lĩnh vực khác, lĩnh vực đào tạo.

Anh nghĩ như thế nào khi nhiều người phong cho anh danh hiệu "Người chơi piano giỏi nhất Việt Nam"?

- Âm nhạc nó không như thể thao là mình cứ phong là người chạy nhanh nhất hay là gì. Nghe cũng thấy vui vui nhưng đó không phải cái mục đích của tôi. Việc làm nghệ thuật như tôi vui nhất là cảm giác có thể làm được tối đa cái khả năng của mình. Khi đó, niềm hạnh phúc sẽ lớn hơn là được phong danh hiệu.

Ngoài âm nhạc, anh có còn niềm vui nào khác?

- Có chứ, không thì lấy đâu ra cảm hứng. Chắc hồi nhỏ tôi cũng ở nhà quê nhiều, 8 năm trên chỗ sơ tán nên tiếp xúc với thiên nhiên rất nhiều. Ở Canada, nếu có dịp tôi cũng hay lang thang ở ngoài ngoại ô hay đi lên rừng.

Còn một cái nữa là tôi thích xem phim. Cái tính chất thời gian, nếu đọc một cuốn truyện nó sẽ hết cả tuần, nhưng làm phim thì cô đọng lại nên cái chất thời đại nó tương đối nhanh. Tôi thích phim cổ điển của Châu Âu, nó có độ sâu tuyệt vời.

Anh có vẻ là người sống rất nội tâm. Người nội tâm thì thường hay có những phút trăn trở, những giây phút suy tư. Vậy cái điều đó có đúng với anh không?

- Chính xác 100%. Có người rất khéo mồm thì nói ra. Tôi thì trong nhà có bố là nhà thơ, ngôn ngữ rất thuần thục nhưng đối với tôi thì ngôn ngữ lại hạn chế. Tôi thấy ngôn ngữ âm nhạc là tuyệt vời vì nó trừu tượng nhất.

Ví như bây giờ, các ngôn ngữ khác trên sân khấu, phim ảnh, hội họa mình cũng thấy rõ ràng người ta muốn thể hiện cái gì nhưng âm nhạc, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu nên sự thể hiện lại càng bao la. Có lúc muốn thể hiện một cái gì đấy, tôi ngồi vào đàn và tự thể hiện với mình. Tôi thấy đó là những giây phút rất quý đối với bản thân. Chẳng hạn trong chương trình tới mọi người cũng sẽ thấy, có lúc tôi đánh rất hào nhoáng nhưng cũng có những lúc rất tâm tình, thủ thỉ.

Trên sân khấu, những phút giây anh làm giám khảo hay được nhận rất nhiều giải thưởng và anh có những phút giây bận rộn vì anh còn phải làm công tác đào tạo. Chắc hẳn anh cũng có những lúc cô đơn trong những năm tháng qua?

- Theo tôi, cô đơn là một thứ rất cần thiết đối với những người làm nghệ thuật. Cho nên nếu đã là một người nghệ sĩ chân chính thì bao giờ cũng đi theo cái sự cô đơn. Cô đơn cũng có những cái khó, nhưng ngược lại, nó như những lúc mình nạp điện.

Mình không thể lúc nào cũng phóng điện ra được thế thì cũng sẽ đến lúc nó rỗng. Cho nên có những lúc mình phải nạp và đó chính là lúc cô đơn. Tôi nghĩ là mình chấp nhận cái đó một cách rất thoải mái. Chưa kể nói đến tử vi đã nói rằng số tôi là số cô thần quả tú, cho nên mình chấp nhận.

Nhưng có lúc nào buồn không anh, vì sự cô đơn?

- Buồn cũng thế. Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn (cười). Nói chung là tôi rất hài lòng với cuộc sống, cho nên những lúc như thế, tôi không than phiền mà tôi chấp nhận một cách thoải mái.

Ngân Phương - Sơn Hà - Xuân Quý - Xuân Phúc - Bạt Tuấn - Đức Yên

(Nguồn: http://vietnamnet.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...