NSND Đặng Thái Sơn: "Cần một cuộc cách mạng về giảng dạy"

15/09/2015

“Đào tạo những em để đưa ra những cuộc thi quốc tế thật lớn ở nước ngoài thì mình vẫn chưa thực hiện được. Chúng ta vẫn đang ở tầm thấp, tức là mới giúp em những cái cơ bản, để thật chuyên nghiệp, thật vững vàng” - NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ thẳng thắn trong cuộc trò chuyện với báo giới, nhân chuyến trở về VN tham dự cuộc thi piano quốc tế lần thứ 3 (diễn ra từ ngày 5 - 11.10 tai Hà Nội) với vai trò chủ tịch nghệ thuật.


NSND Đặng Thái Sơn

Ông đã nhìn thấy tài năng nổi bật trong cuộc thi này giống như ông từng nhìn ra Lưu Hồng Quang từ nhiều năm trước?

Tôi đã theo dõi các em đoạt giải lần trước phát triển như thế nào và tôi nghĩ đó mới là điều đáng để ý. Chỉ trao giải xong không biết các em đó phát triển thế nào thì tôi không thấy thú vị lắm.

Những em ở kỳ này, tôi muốn nhìn xem vài năm nữa các em lên, xuống ra sao. Nhưng tôi nghĩ khả năng vươn lên sẽ rất nhiều. Âm nhạc có những điều khác biệt. Giải thưởng chỉ giống như mảnh bằng cao cấp để các em bước vào sự nghiệp nghệ thuật ban đầu chứ chưa phải cho thấy mình đã nhất thế giới. Sau này mấy chục năm nữa, các em mới chứng minh được mình là ai, có vị trí trong ngoài nước ra sao.

Ông đánh giá thế nào về trình độ của các tài năng âm nhạc VN so với các nước khác?

Giải thưởng cuộc thi Piano quốc tế lần thứ 3

 

Cuộc thi piano quốc tế lần thứ 3 đã bế mạc vào tối qua (11.9) với lễ công bố và trao giải thưởng. Giải nhất bảng A (10 - 13 tuổi): thí sinh Nguyễn Lan Anh và Alyssa Kok (Singapore), giải nhất bảng B (14 - 17 tuổi): Ngô Phương Vi, Nguyễn Đăng Quang, giải nhất bảng C: Yeon Min-park (Hàn Quốc)

Tôi vui là mình có rất nhiều tài năng, có người biểu diễn rất hay. Nhưng cái buồn là độ 30 năm trước, mình có thể tự hào là mình hơn hẳn các nước xung quanh khu vực, nhưng họ đã tiến nhanh khủng khiếp. Trong lúc mình cứ đi tự hào cái này cái kia thì họ đã vượt mình rồi. Thái Lan đầu tư vào giáo dục âm nhạc ghê gớm, chưa nói đến Singapore, và ngay cả Indonesia là nước trước kia kém mình cũng đã vượt xa.

Ông nói hiện tại cơ sở vật chất của chúng ta đã đầy đủ hơn nhiều so với thời của ông. Vậy, theo ông điều gì khiến chúng ta đang bị chậm lại, ngay cả so với các nước trong khu vực như vậy?

Giải quyết được mọi chuyện rất khó, tôi nói vui là mình phải làm một cuộc cách mạng về giảng dạy, đôi khi là thay đổi nếp tập quán của mình nữa. Chẳng hạn như, chúng ta tập đàn khi không gian dư thừa tạp âm, trong khi cái phông của âm nhạc chính là im lặng.


Thí sinh Yeon Min-park (Hàn Quốc) giành giải nhất tại bảng C - Ảnh: Trần Thanh Giang

Mặt khác, hiện nay các trại hè âm nhạc được tổ chức rất phong phú ở nước ngoài, trong khi ở VN chưa hề có. Tôi nghĩ trại hè có khi còn quan trọng hơn cả các cuộc thi bởi đó là lúc các em được “nạp điện”, được nâng cao tay nghề. Tổ chức một trại hè âm nhạc là điều tôi đã mong muốn từ rất lâu rồi, đã bàn bạc nhiều, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn quá.

Vừa qua, NSND Đặng Thái Sơn đã tham gia trình diễn với tư cách nghệ sĩ solist cùng dàn nhạc lớn nhất của thế giới London Philharmonic (Anh). Ông sẽ trở lại VN vào mùa xuân sang năm, trong chương trình trình diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia VN.

Tôi muốn nói đến giáo trình giảng dạy, cách dạy của mình ảnh hưởng rất nhiều của trường phái Nga. Ngay như thế hệ của tôi cũng sang Nga học. Nhưng bất kỳ trường phái nào cũng có điểm mạnh điểm yếu của nó, cho nên với trường phái Nga khi dựng những chương trình thuộc dòng lãng mạn rất hợp, nhưng với dòng cổ điển, hiện đại thì tôi nghĩ phải có bổ sung.

Ông là người đã đóng góp công sức rất lớn để tạo dựng một cuộc thi piano quốc tế tại VN. Hiện giờ, ông mong mỏi điều gì nhất cho cuộc thi này?

Tôi chỉ mong muốn cuộc thi được tồn tại. Việc này tưởng đơn giản nhưng lại cực kỳ vất vả. Ai cũng biết cuộc thi này tồn tại chính là nhờ sự hỗ trợ của các cá thể tư nhân. Việc tìm những người tài trợ, bảo trợ giúp mình trong tương lai là cực kỳ khó. Vì thế tôi muốn kêu gọi thêm nhiều người hỗ trợ vì tương lai âm nhạc phụ thuộc rất nhiều vào những người hào phóng và có khả năng giúp.

Lưu Hồng Quang là học trò được ông dìu dắt tại Trường đại học Montréal (Canada). Ông có kỳ vọng cậu ấy có thể tạo nên một cái tên Đặng Thái Sơn thứ hai cho nền âm nhạc VN?

Tôi không thích nói thứ hai, hay thứ ba vì mỗi người là một cá thể riêng, đi theo những con đường nghệ thuật khác nhau. Tôi và Lưu Hồng Quang chơi với những phong cách khách nhau, đi theo những dòng âm nhạc khác nhau. Nhưng tôi có thể trao đổi với em về cách cảm thụ âm nhạc, thẩm mỹ âm nhạc. Tôi khuyên Lưu Hồng Quang chưa nên vội tham gia trình diễn nhiều, mà dành nhiều thời gian luyện tập. Đến năm sau, cậu ấy sẽ có một chương trình biểu diễn tại VN.

(Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...