NS Nguyễn Ngọc Thiện: “Hữu xạ tự nhiên hương” có đủ hấp dẫn?
“Tổ chức nhiều cuộc thi âm nhạc chính thống là cần thiết nhưng phương thức tổ chức phải hiện đại hơn. Không thể chỉ là hữu xạ tự nhiên hương”.
Là người đã đồng hành cùng Sao Mai từ những mùa đầu tiên, NS Nguyễn Ngọc Thiện luôn có tình cảm gắn bó thân thiết với cuộc thi âm nhạc này. Ông cho biết: “Với tôi Sao Mai không phải là một gameshow mà là một cuộc thi âm nhạc chính thống nghiêm túc mang tính nghệ thuật nhiều hơn. Cũng vì thế nên ở Sao Mai không có sự tương tác giữa giám khảo và thí sinh tham gia”. Vì vậy, dù rất bận rộn với công việc bác sĩ nhưng Nguyễn Ngọc Thiện vẫn tham gia SM 2013 với vị trí là giám khảo Chung kết khu vực Phía Nam.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện - vị GK có "tình" nhiều năm với Sao Mai
Chung kết Sao Mai khu vực phía Nam đã kết thúc, ông có đánh giá như thế nào về chất lượng thí sinh năm nay của khu vực phía Nam?
Những thí sinh của miền Nam đa phần hướng đến hai dòng nhạc là thính phòng và nhạc nhẹ. Còn thể loại dân ca thì khá hiếm.
Thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay, thế mạnh của khu vực miền Nam là nhạc nhẹ. Số lượng thí sinh thường chiếm 2/3 của tổng số thí sinh tham gia. Nguyên nhân là bởi môi trường âm nhạc của thành phố Hồ Chí Minh rất thuận lợi cho dòng nhạc này phát triển. Thêm nữa, những bản dân ca thuần tính dân ca Nam Bộ thường là những ca khúc đơn giản nên khó trở thành tác phẩm dự thi được.
Thí sinh nếu thể hiện những ca khúc này sẽ không thể phát triển giọng hát vào những vòng trong. Bên cạnh đó, tâm lý thí sinh lo ngại rằng nếu hát những ca khúc dân ca của khu vực Bắc – Trung Bộ thì họ không thể thắng được những thí sinh thuộc chính những khu vực đó.
Ông Đoàn Minh Tuấn – Trưởng BTC Sao Mai khu vực miền Nam cho biết rằng số lượng thí sinh của khu vực miền Nam năm nay khá ít. Nguyên nhân của hiện tượng này do tâm lý của nhiều thi sinh lo ngại nếu tham gia Sao Mai không thành công sẽ bị ảnh hưởng đến uy tín trên thị trường âm nhạc. Ông có đồng ý với điều đó không, liệu còn nguyên nhân nào khác?
Một thực tế cho thấy, những thí sinh dù đã từng đi hát hay chưa thì đều quan tâm tới những lợi ích mà cuộc thi mang lại sau đó chẳng hạn như sau cuộc thi các em có cơ hội được các nhà tài trợ giúp đỡ sản xuất Album, single...; trong khi Sao Mai chưa làm được điều này. Vì vậy, số lượng các em tham gia Sao Mai của khu vực này ngày càng “teo tóp”. Tôi nghĩ nên chăng chúng ta phải suy nghĩ đến những việc sau khi chúng ta vinh danh trao giải cho những thí sinh xuất sắc, chúng ta sẽ giúp họ phát triển sự nghiệp như thế nào? Nếu làm tốt việc này, tôi nghĩ chắc hẳn chúng ta cũng sẽ không bỏ sót những thí sinh tài năng.
Có vài ý kiến cho rằng, các cuộc thi âm nhạc tổ chức ngày càng nhiều là một trong những lý do khiến lượng thí sinh tham gia Sao Mai ít đi so với những năm trước. Điều này có đúng không?
Đúng là có nhiều cuộc thi hiện đang được tổ chức ở nhiều nơi, không chỉ ở ngoài Bắc mà ở TP Hồ Chí Minh cũng vậy. Vì thế, thí sinh tham gia Sao Mai có dấu hiệu “tản mạn” hơn so với những kì Sao Mai trước.
Như vậy có phải Sao Mai đã kém hấp dẫn…?
Bây giờ, khán giả biết đến các gameshow âm nhạc như Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí còn nhiều hơn cả chương trình Sao Mai – một cuộc thi âm nhạc chính thống có uy tín. Chúng ta phải đặt ra câu hỏi, những quảng cáo cho các chương trình đang “hot” hiện nay như Giọng hát Việt, VietNam Idol đều do người VIệt mình làm, vậy tại sao họ lại làm được vậy? Tôi nghĩ chúng ta phải thực sự ngồi bàn bạc lại vấn đề quảng bá, tiếp thị cho chính cuộc thi SM. Đừng để Sao Mai giống như “thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ” mà hãy làm gì đó để khán giả yêu nhạc quan tâm đến nó nhiều hơn.
Với vai trò là một khán giả có chuyên môn, suy nghĩ của ông về những gameshow hiện nay như thế nào?
Những chương trình gameshow của chúng ta hiện nay rất nhiều và mang dáng dấp của các chương trình nước ngoài. Các nhà tổ chức đơn giản chỉ cần nói với khản giả rằng đó là chương trình mua bản quyền của Mĩ, Hàn, Nhật… Đối với việc này tôi cảm thấy giống như BTC đang tránh để khỏi mất công trong việc PR cho những gameshow đó. Còn với những chương trình do chính chúng ta nghĩ ra, tổ chức thì chúng ta lại thiếu phần quảng cáo nó đến với khán giả, trong khi bây giờ đang là thời đại của event. Đây cũng là nguyên nhân khiến các chương trình chính thống của chúng ta ít thu hút được khán giả.
Theo ông, chúng ta nên làm gì để những chương trình chính thống nói chung và cuộc thi Sao Mai nói riêng hấp dẫn hơn?
Muốn tạo tính hấp dẫn của chương trình, bản thân BTC cần có những học hỏi các cuộc thi âm nhạc của nước ngoài, đặc biệt là vấn đề quảng bá cho cuộc thi đến với khán giả. Ở nước ngoài người ta chi trả 80% kinh phí cho hoạt động quảng bá cho chương trình thì chúng ta chỉ dành 10% cho hoạt động này
Một chương trình chỉ “ hữu xạ tự nhiên hương” thì không ổn. Điều này cũng không còn mấy phù hợp đối với thời đại hiện nay khi mà người ta đang chú trọng đến các hình thức quảng bá, tiếp thị ngày một nhiều hơn. Vì vậy, chính chúng ta phải thực hiện những chương trình chính thống theo một phương thức hiện đại hơn. Có như vậy, mới thu hút khán giả đến với những chương trình này.
Hiện nay, mỗi năm, có hàng trăm bài hát mới ra đời, các ca sĩ dùng đủ mọi cách để quảng bá cho những ca khúc mới của họ, nhưng sức sống của chúng vẫn rất ngắn. Ông có nghĩ vấn đề ở đây là gì?
Quả thực bây giờ có nhiều ca khúc như vậy và chủ đề quen thuộc là về tính yêu. Điều đó cũng là tất yếu vì đó là thị yếu nhu cầu của khán giả. Dù những yêu cầu đó chúng ta cũng không biết đâu là ảo, đâu là thật.
Nếu như trước đây, trong thời kì xây dựng đất nước, những con người thật, những tình huống thật trong cuộc sống chính là đề tài định hướng cho những nhạc sĩ như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận cho ra đời những tác phẩm có giá trị và sức sống với thời gian.
Còn bây giờ, những anh em nghệ sĩ lại đang gói cuộc sống trong những phòng trà, vũ trường nhiều hơn là với hiện tại thực. Mà theo tôi đó chỉ là một thế giới ảo của rượu, thuốc lắc, tiền bạc. Đây cũng là vũng lầy, những giếng cạn nhỏ xíu đối với việc sáng tác âm nhạc. Tất lẽ là trong cái miệng giếng nhỏ đấy thì tình yêu là chủ đề dễ viết nhất, giống như “con tằm nhả tơ”. Đơn giản như vậy thì hiển nhiên những ca khúc ra đời cũng chỉ dừng ở sức sống đó mà thôi, khán giả nghe một thời gian rồi lãng quên. Vì thế không thể đổ lỗi cho việc quảng bá ca khúc nếu những sáng tác đó không có sức thu hút lâu bền.
Ngoài những đầu ra hiện nay như từ các ca sĩ, đơn vị tư nhân... thì chúng ta còn sân chơi lành mạnh nào cho các nhạc sĩ Việt?
Chúng ta có một sân chơi đúng đắn cho nhạc Việt đó là Bài hát Việt. Đây là một chương trình tốt cho các nhạc sĩ và là cái nôi đỡ đầu cho các sáng tác mới ra đời. Nhưng rồi, chúng ta lại mắc phải lỗi quảng bá nên giờ chính sân chơi này cũng đang bị nhạt nhòa. Bên cạnh đó, có một thực tế là anh em nhạc sĩ miền Nam lại không mấy hứng thú tham gia sân chơi này. Vì vậy mà ca khúc mới đã ít lại càng ít hơn.
Chúng ta cần làm gì để tạo ra những đột phá ?
Tôi nghĩ những nhạc sĩ trẻ cần có “người lãnh tụ” giúp đỡ, khuấy động cho sự ra đời những sáng tác mới; mà người dẫn đầu ở đây có thể hiểu là những Hội nhạc sĩ và hội văn hóa âm nhạc. Để các hiệp hội này có thể làm được đúng chức năng của nó chúng ta cần đến 2 thứ đó là: kinh phí và một số quyền chẳng hạn như quyền được đi thực tế sáng tác. Đặc biệt những quyền này phải có ý nghĩa thực sự trong thực tế mà không chỉ là trên giấy tờ.
Thêm nữa, các tác phẩm ra đời rồi thì lại cần chính các kênh truyền hình quảng bá. Đây sẽ là phương tiện giúp cho các tác phẩm sáng tác đi đúng định hướng, thoát khỏi cái “xã hội hóa” âm nhạc của chúng ta hiện nay.
(Nguồn: http://vtv.vn)