Nơi tỏa bóng yêu thương

25/06/2015

Hội chứng Tự kỷ ở trẻ đang là mối quan tâm của toàn xã hội, đồng thời trở thành gánh nặng, nỗi ưu tư dài lâu cho những bậc cha, mẹ không may có con mắc phải. Mặc dù chiếm tỉ lệ hết sức nhỏ trong cấu trúc dân số, theo thống kê của Cục bảo vệ - Chăm sóc trẻ em, Bộ lao động, Thương binh – Xã hội: “Việt Nam hiện có khoảng 160.000 người tự kỷ”, trên thế giới, trẻ tự kỷ chiếm 4 - 5/10.000, trung bình cứ 100.000 trẻ có một bé mắc chứng bệnh này. Đây chưa phải con số báo động, song lại đáng lo ngại vì xu hướng gia tăng suốt mấy thập niên qua.


Trẻ em mắc chứng bệnh tự kỉ có xu hướng gia tăng suốt mấy thập niên qua

CĂN BỆNH THỜI ĐẠI

Nhìn từ góc độ lịch sử, hội chứng Tự kỷ mang dấu ấn thời đại, khi vai trò cá nhân được đề cao, tiện ích sinh hoạt phát triển thì tương tác xã hội suy giảm, con người dễ rơi vào tình trạng cô đơn. Các nghiên cứu tâm lý cho thấy, trẻ dễ mắc hội chứng tự kỷ vào giai đoạn từ 18 tháng đến 36 tháng tuổi, thời kỳ phát triển ngôn ngữ, nhu cầu giao tiếp… Xuất phát từ bối cảnh xã hội, nhiều gia đình có con nhỏ giao phó hoàn toàn cho người giúp việc, bảo mẫu. May mắn gặp được người biết chăm sóc trẻ nhỏ, trò chuyện, chơi đùa với chúng, bằng không, tình trạng ủy thác trẻ cho TV, máy tính, Iphone, Ipad… sẽ tạo điều kiện cho những biến đổi tâm lý giúp chúng thu hẹp khoảng cách với thế giới xung quanh. Khi phát hiện thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường, cha mẹ đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa sẽ nhận được kết quả chung chung, mơ hồ như: “Có dấu hiệu tự kỷ”...


Khi mắc bệnh, trẻ em cần tới sự quan tâm đặc biệt, có lộ trình can thiệp của các
bác sĩ tâm lý, thầy cô giáo chuyên biệt

Trên thực tế, cái “dấu hiệu” ấy đã tiềm ẩn một sự việc đã rồi. Bác sĩ giỏi hay thầy cô giáo chuyên biệt dày dặn kinh nghiệm quan sát cử chỉ của trẻ có thể đoán biết, nhận diện tình trạng đứa bé. Khi mắc bệnh, trẻ cần tới sự quan tâm đặc biệt, có lộ trình can thiệp của các bác sĩ tâm lý, thầy cô giáo chuyên biệt.

Ngôn ngữ là trở ngại đầu tiên đối với trẻ mắc chứng tự kỷ. Khi cánh cổng giao tiếp đóng lại, chúng ta sẽ gặp muôn vàn khó khăn khi xâm nhập nội giới của trẻ. Theo Nhà phân tâm học nổi tiếng người Áo, gốc Do Thái Sigmund Freud: “Tự kỷ là sự đầu tư vào đối tượng quay trở lại trong cái tôi”, trẻ tự kỷ “ẩn náu trong thế giới bên trong huyễn tưởng và ảo ảnh”. Còn theo Bleuler: “Tự kỷ là khái niệm dùng để chỉ những người bệnh tâm thần phân liệt không còn liên hệ với thế giới bên ngoài nữa mà sống với thế giới của riêng mình, bệnh nhân chia cắt với thực tế bên ngoài và lui về thế giới bên trong, khép mình trong ham muốn riêng và tự mãn”.


Nhà phân tâm học nổi tiếng người Áo, gốc Do Thái Sigmund Freud

Leo Kanner thì cho rằng: “Tự kỷ là sự rút lui cực đoan của một số trẻ em lúc mới bắt đầu cuộc sống, triệu chứng đặc biệt của bệnh là một sự hiếm thấy, là sự rối loạn từ cội rễ, là sự không có khả năng của những trẻ này trong công việc thiết lập các mối quan hệ bình thường với các tình huống từ lúc chúng bắt đầu cuộc sống”. Các nhà Tâm lý học nói chung dành nhiều tâm huyết cho những quan sát, nghiên cứu, mô tả về căn bệnh. Chứng tự kỷ cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà văn, triết gia… với bản chất thú vị mà đối tượng cung cấp cho người quan sát những dữ liệu phi thực tại của một cuộc sống bình thường không thể có được.


Leo Kanner

GÕ CỬA BẰNG ÂM NHẠC

Chưa bao giờ, chứng Tự kỷ lại được quan tâm, lan tỏa rộng rãi, nhanh chóng như hiện nay. Ở nước ta, câu chuyện về trẻ Tự kỷ đã đi từ thế giới khép kín mang số phận riêng tư vào xã hội, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Thành phố Hà Nội đã hình thành những trung tâm, Câu lạc bộ Tự kỷ mà hội viên đều là những thành viên có con mắc hội chứng này. Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tổ chức phi chính phủ được thành lập nhằm tham gia, hỗ trợ điều trị. Nó phản ánh bức tranh xã hội đương đại mà trên điểm nhấn là sự chia cách giữa con người với nhau bằng nhiều biểu hiện bất thường.

Cuối năm 2014, nghệ sĩ Viola Nguyệt Thu trở về nước sau ¼ thế kỷ học tập, làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới đã tham gia, thành lập Trường giáo dục và đào tạo âm nhạc Sunrise for Art cho trẻ tự kỷ tuổi từ 11 đến 17. Ngôi trường này sẽ thực hiện sứ mệnh cao cả làm cầu nối giữa gia đình, trẻ mắc hội chứng tự kỷ và những người đồng hành.


Nghệ sĩ Viola Nguyệt Thu

Vốn là một nghệ sĩ biểu diễn, Nguyệt Thu dấn thân vào một địa hạt hóc búa mà hiệu quả nhãn tiền khó thể tiên liệu. Điều đó cho thấy tâm huyết, trách nhiệm xã hội ở một nghệ sĩ có nhân cách lớn. Trong lĩnh vực âm nhạc trị liệu, người tham gia đóng vai trò kép, chỉ dẫn, đồng hành và sử dụng các biện pháp khai mở, thị phạm nhằm can thiệp vào tình trạng người bệnh. Trước đây, nghệ sĩ đàn tranh người Đài Loan Isabella, một tín độ Phật giáo kiền thành từng mở lớp âm nhạc nhằm đào tạo cho trẻ mắc hội chứng tăng động tại thành phố Hồ Chí Minh. Song, giữa tăng động và tự kỷ là cả một khoảng cách khó thể lấp đầy bằng phương pháp giáo dục thông thường. Điều này cần tới một phương pháp kết hợp đa dạng theo tư tưởng “tùy duyên hóa độ” nhằm đạt mục đích bằng lòng nhiệt huyết và niềm hy vọng vô bờ. Nó đòi hỏi ở người tham gia tinh thần dấn thân cao độ, nhẫn nại vượt bậc. Âm nhạc trị liệu không phải là đơn thuốc, cũng không có tác dụng giải phẫu tâm lý, nên khả năng tiên liệu về hiệu quả rất khó xác định.

KHÁM PHÁ MIỀN ĐẤT TÂM HỒN

Trẻ tự kỷ sống trong thế giới khép kín, công cụ ngôn ngữ đã không thể phá vỡ được cánh cổng kiên cố để thâm nhập thế giới tâm hồn. Nội giới con người như một tòa lâu đài nhiều tầng, có nhiều cánh cửa đóng mở. Chúng ta sẽ bước vào từ cánh cửa nào? Âm nhạc với bản chất khả biến của mình có thể được sử dụng như một biện pháp nhằm gõ cánh cửa mà ngôn ngữ tỏ ra bất lực. Việc sử dụng âm nhạc vào mục đích trị liệu đã hình thành những cơ sở lý thuyết, thực nghiệm hàng thế kỷ qua. Tuy nhiên, ở nước ta, âm nhạc trị liệu mới áp dụng một cách tản mát, tự phát, chưa hình thành một cách chuyên nghiệp với những tổ chức có khả năng tập hợp cả giới y khoa và âm nhạc. Trường đào tạo âm nhạc cho trẻ tự kỷ của nghệ sĩ Nguyệt Thu có thể nói là một cơ sở chuyên biệt đi đầu trong lĩnh vực này. Đây là một địa hạt đầy chông gai, vô cùng hiểm hóc. Sự khởi đầu tốt đẹp chưa hẳn đã đại diện cho toàn bộ tiến trình. Vì vậy, để phát triển lâu dài không thể chỉ xây dựng bằng lòng nhiệt huyết, tài năng của những người tham gia, mà cần xây dựng chiến lược phát triển với sự chung tay của nhiều người.


Trẻ tự kỷ mang trong mình bản thể khác biệt, dị thường

Âm nhạc từng sử dụng làm phương tiện giao tiếp với thần linh. Lần này, nó đóng vai trò gõ cánh cửa bước vào thế giới đóng kín của trẻ tự kỷ với mong muốn chuyển hóa những gì vô ích thành hữu ích, sức mạnh hủy diệt thành sáng tạo. Trong tôn giáo, tín ngưỡng, âm nhạc có khả năng cộng thông giữa thế giới hữu hình và vô hình, truyền đi bức thông điệp không có văn tự để xâm nhập các cõi. Những nỗ lực của lý trí gặp phải trở ngại trong quá trình điều trị trẻ tự kỷ cho phép đặt ra những giả thiết to lớn về khoảng trống tâm hồn bị bỏ ngỏ cần khai phá. Mặc dù ngành âm nhạc trị liệu ra đời chưa đầy một thế kỷ qua, song, việc sử dụng âm nhạc vào mục đích trị liệu không hề mới mẻ. Với tính chất khả biến, vô hình, phi thực tại, các pháp sư, kinh sư, đạo sĩ, bà đồng, thầy mo, then… đều sử dụng âm nhạc vào việc huy động sức mạnh siêu nhiên. Thông qua âm nhạc họ tiến hành các biện pháp ma thuật, thực hiện sứ mệnh cao cả cộng thông giữa thế giới thần linh và con người mà một trong những nhiệm vụ quan trọng là chữa bệnh. Chúng ta đặt hy vọng vào khả năng kỳ diệu của âm nhạc trong cuộc hành trình di chuyển vào bên trong sở trú tâm hồn con người.


Nguyệt Thu (ngoài cùng bên phải) trong Nhóm tứ tấu “Apaixonado Quartet”.

Trẻ tự kỷ mang trong mình bản thể khác biệt, dị thường, trong số hàng trăm, triệu em chiếm một tỷ lệ nhỏ có dấu hiệu thiên tài. Âm nhạc lấy cảm hứng từ những điều phi thực tại nhằm thực hiện chuyến hành trình khai phá miền đất bị bỏ hoang khuất nẻo đằng sau cánh cổng khép kín của tâm hồn con người. Sức mạnh của âm nhạc và niềm tin ẩn chứa những điều kỳ diệu đang chờ ở phía trước. Tôi chẳng dám chúc Nguyệt Thu “thuận buồm xuôi gió”, mà chỉ mong ngày càng có thêm nhiều người chung tay, tiếp sức cùng bạn đồng hành trên suốt chặng đường dài này.

(Nguồn: http://nghethuatbieudien.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...