Nỗi sợ sân khấu
Ngày nay, Jonas Kaufmann là giọng tenor đang hết sức được ngợi ca và săn đón. New York Times tôn vinh ông là một trong những nghệ sĩ đa tài nhất thế hệ mình. Thế nhưng 20 năm trước, ở tuổi 26, ngay giữa buổi biểu diễn, một nỗi sợ sân khấu ập đến và gây tai hại đến mức khiến ông suýt nữa phải bỏ dở sự nghiệp ca hát.
Năm 26 tuổi, Jonas Kaufmann suýt phải bỏ dở sự nghiệp ca hát chỉ vì một sự cố trên sân khấu.
Hôm ấy, Kaufmann đang hát trong vở opera Parsifal của Wagner. Khi màn ba tới đoạn cao trào, bỗng nhiên ông… mất giọng. Ông đứng chôn chân trên sân khấu, không thể thốt nên lời, mặc cho dàn nhạc nhắc vở và nhạc trưởng ra hiệu mỗi lúc một rối rít hơn.
Không có ngoại lệ
Khoảnh khắc “tê liệt” của Kaufmann là biểu hiện thông thường của chứng lo âu thái quá khi biểu diễn – một phản ứng sinh lý của thần kinh với biểu hiện bên ngoài là khàn giọng hay ở mức độ tệ hại nhất là mất hoàn toàn khả năng ca hát. Dĩ nhiên, Kaufmann đã vượt qua sự cố này sau khi nhờ một huấn luyện viên thanh nhạc đào tạo lại về kỹ thuật để ông có thể cảm thấy hoàn toàn an tâm và do vậy có được sự tự tin trên sân khấu.
"Tôi không hợp với việc biểu diễn hòa nhạc. Khán giả làm tôi sợ. Tôi thấy ngột ngạt trước hơi thở của họ và chân tay đông cứng trước những ánh mắt tò mò.” Frederic Chopin |
Khác với quan niệm thông thường, trải nghiệm giống như Kaufmann đã gặp khá phổ biến trong giới nghệ sĩ chuyên nghiệp, không có ngoại lệ ngay cả với những nghệ sĩ solo vĩ đại nhất trong lịch sử – từ Maria Callas cho đến Vladimir Horowitz. Horowitz dần trở nên căm ghét sự căng thẳng này đến nỗi ông đã hủy bỏ nhiều dịp biểu diễn.
Aaron Williamon, giáo sư ngành khoa học biểu diễn tại trường Đại học Âm nhạc Hoàng gia Anh, nói: “Việc bước ra sân khấu và đối phó với áp lực ở mức độ cao như vậy trước đám đông là một hành động trái với bản tính tự nhiên của con người. Điều này không liên quan gì đến tuổi tác hay kinh nghiệm cả. Dù là người có kỹ năng rất thuần thục, song những phản ứng trước sự căng thẳng của cơ thể vốn được lập trình từ trước, nghĩa là họ có thể rơi vào một trạng thái sinh lý khác, thậm chí là trạng thái tâm lý khác.”
Tại Trường Đại học Âm nhạc Hoàng gia miền Bắc (Anh), Giáo sư Jane Ginsborg có một phương pháp đặc biệt để lý giải tình trạng này cho các sinh viên. Bà yêu cầu họ viết ra những cảm xúc khi yêu, rồi sau đó lại yêu cầu họ viết ra những cảm xúc khi đứng trong cánh gà vài giây trước khi buổi biểu diễn bắt đầu. Tình yêu và nỗi sợ hãi dường như là những cảm xúc trái ngược, nhưng những gì mà sinh viên mô tả về chúng lại giống nhau đến lạ lùng. Điểm mấu chốt là cơ thể chỉ nhận biết trạng thái kích thích theo một cách thức duy nhất.
Đây là lý do tại sao hầu hết giới nghệ sĩ solo đều phải trải qua các biểu hiện sinh lý của chứng lo âu trước buổi biểu diễn ở một mức độ nào đó, đặc biệt là vào khoảnh khắc trước khi bước ra sân khấu. Ở mức độ tệ nhất, sự căng thẳng này sẽ khiến nhịp tim giảm nhanh chóng dẫn đến việc nghệ sĩ chỉ biết đứng yên, thậm chí ngất xỉu ngay tại chỗ.
Phổ biến nhất là phản ứng “đương đầu hay bỏ chạy”, tuy ít nghiêm trọng hơn so với phản ứng “đông cứng” nhưng nó vẫn có thể kích hoạt một vòng luẩn quẩn. Hệ thống thần kinh bơm hai hormon adrenaline và noradrenaline vào máu. Khi nồng độ hormon đủ cao sẽ dẫn tới những phản ứng sinh lý như nhịp tim nhanh hơn, cơ bắp run rẩy, và lưu lượng máu từ dạ dày đến các cơ bắp gia tăng gây buồn nôn và tạo cảm giác bồn chồn trong bụng.
Nếu được kiểm soát, sự mất cân bằng nội tiết này có thể giúp tăng cường nhận thức, từ đó giúp nghệ sĩ biểu diễn tốt hơn. Nhưng do kỹ thuật biểu diễn bị chi phối quá nhiều bởi sự vận động và phối hợp tinh vi của các cơ, cảm giác lo âu và sợ hãi sẽ càng tăng, kéo theo đó là tình trạng mất tập trung, mất trí nhớ, và căng thẳng.
Ginsborg nói: “Mỗi nghệ sĩ lại có những triệu chứng riêng, tùy thuộc vào loại nhạc cụ mà họ chơi. Các nghệ sĩ piano kể ngón tay bị đổ mồ hôi, các nghệ sĩ đàn dây kể cây vĩ bị rung, còn các ca sĩ thì nói mồm miệng bị khô khốc.”
Các yếu tố về di truyền và môi trường cũng ảnh hưởng đến mức độ của các phản ứng này. Chẳng hạn, trạng thái lo âu có thể di truyền từ mẹ sang con qua mức độ hormon của người mẹ; bên cạnh đó, trạng thái lo âu cũng có thể bị kích thích bởi những tổn thương ngày nhỏ. Sara Solovitch, nghệ sĩ piano và cũng là tác giả cuốn sách Playing Scared: A History and Memory of Stage Fright, cho rằng nỗi sợ biểu diễn của bà xuất phát từ nỗi ám ảnh của mẹ mình về chuyện cô con gái phải trở thành nghệ sĩ solo chuyên nghiệp. Khi còn nhỏ, Solovitch từng bị mẹ cầm thìa đuổi quanh bàn bếp để bắt tập đàn.
Một số người có mức độ phản ứng nhẹ hơn – đây là một lợi thế tự nhiên để xử lý áp lực. Nhưng các nhà tâm lý học và giáo viên hướng dẫn biểu diễn tin rằng những nghệ sĩ solo tham vọng có thể phát triển các cơ chế đối phó để kiểm soát chứng lo âu của bản thân, đặc biệt là thông qua luyện tập. “Họ không nên coi đó là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không hay sẽ xảy ra mà hãy coi đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể họ đã sẵn sàng biểu diễn,” theo GS Williamon.
Hóa giải nỗi sợ
Học cách xem nỗi sợ hãi như một dạng kích thích tích cực là câu thần chú của liệu pháp hành vi nhận thức. Tuy nhiên, với các nghệ sĩ như Solovitch, những người quy chứng lo âu của mình cho những trải nghiệm đầu đời đã tác động đến mình trong tiềm thức, việc xử lý chứng lo âu từ khía cạnh tâm lý động học – tức tìm hiểu nguyên do dẫn đến những hành vi và cảm xúc nhất định – cũng rất hữu ích.
Các nhà khoa học gần đây đã tiến hành một nghiên cứu với 44 nghệ sĩ solo chuyên nghiệp nhằm tìm hiểu những cách chung nhất mà họ thường vận ra để đối phó với áp lực biểu diễn. Kết quả cho thấy, một số nghệ sĩ tập trung vào các khía cạnh sinh lý như chủ động kiểm soát hơi thở hay nhịp chân. Một số khác mường tượng về các buổi biểu thành công trước đó. Tuy nhiên, đa số đạt được trạng thái thư giãn bằng cách hoàn toàn hóa thân vào âm nhạc, xem các câu nhạc như các đoạn khác nhau của một câu chuyện. Phương pháp này giúp họ đối phó với một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên sự căng thẳng khi biểu diễn: yêu cầu phải ghi nhớ từng chi tiết nhỏ của toàn bộ tác phẩm.
Joanna MacGregor, trưởng khoa piano của Học viện Hoàng gia Anh, nói: “Để làm được điều này, nghệ sĩ phải tập luyện cách thoát mình hoàn toàn khỏi những gì nhà soạn nhạc đã viết ra, thu gọn nó về cốt tủy của những hòa âm, thấu tỏ và vì sao có những chi tiết lại được tô điểm theo cách nhất định. Nhờ đó, bạn đi thẳng vào âm nhạc và nó mang lại cho bạn một nền tảng sâu sắc hơn, vững chắc hơn. Bạn ít bận tâm đến cảm giác của mình hơn vì bạn đang đắm mình hoàn toàn trong âm nhạc.”
Nhưng một nghịch lý thường trực khi tập luyện cách đối phó với áp lực biểu diễn là chỉ có thể tập trước những khán giả thực sự hay trước một ban hội thẩm. Để giúp những sinh viên ước mơ trở thành nghệ sĩ solo rèn luyện đức tính kiên cường cần phải có, Williamon tìm kiếm ý tưởng từ một lĩnh vực có những đòi hỏi không thể cao hơn. Ông nói: “Ngày nay các thực tập sinh phẫu thuật thường thực hành trong một phòng mổ ảo. Họ làm việc trên thân người giả với những vết thương trông như thật; những tín hiệu âm thanh và hình ảnh hợp lý được phát vào đúng thời điểm để đưa thực tập sinh vào trạng thái sinh lý và tâm lý hệt như trong một ca phẫu thuật thật sự.”
Xuất phát từ ý tưởng trên, ông đã tạo ra phòng hòa nhạc ảo đầu tiên trên thế giới với đầy đủ khu vực hậu trường, người quản lý hậu trường và phòng nghỉ của diễn viên. Mọi chi tiết đều được tái tạo như trong một buổi biểu diễn thật sự, từ chiếc đồng hồ đếm ngược 30 và 15 phút, cánh cửa mở ra, cho đến tiếng vỗ tay vang rền tới tận hậu trường.
Williamon nói: “Khi các nghệ sĩ bước ra, đèn rọi sẽ chiếu thẳng vào người họ, và họ có thể thấy hình ảnh khán giả hoặc một ban hội thẩm tương tác ảo đang chờ sẵn để xem họ biểu diễn. Mục đích của việc này là nhằm giúp các nghệ sĩ được tự do diễn tập cách đối phó với áp lực trong khi vẫn ở trong môi trường an toàn.”
* Tác giả bài viết là cộng tác viên của tờ New York Times. Ông nghiên cứu các rối loạn tâm thần tại Đại học Cambridge, tập trung nhiều vào phát hiện và chẩn đoán ma túy.
Ngọc Anh dịch
Trang Bùi hiệu đính
Nguồn: http://www.theguardian.com/music/2015/sep/08/how-classical-musicians-cop...