Những người thầy của ca sĩ nổi danh

07/02/2017

Đằng sau sự nghiệp thành công của những học trò đều có bóng dáng của những người thầy đáng kính. Phẩm cách, tài năng cũng như đức độ của họ đã hun đúc cho biết bao ước mơ được chắp cánh. 

Đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc sự cống hiến của những người thầy đã tạo nên những ngôi sao tỏa sáng làm cho cuộc đời này thêm ý nghĩa hơn.

Học thầy để trở thành người thầy mẫu mực

“Với tôi, NSND Trần Hiếu chính là người thầy, người cha đáng kính. Để có được sự nghiệp âm nhạc như ngày hôm nay tôi thực sự biết ơn thầy Trần Hiếu. Thầy không chỉ dạy dỗ tôi về kiến thức chuyên môn mà thầy thực sự gần gũi, chăm lo, động viên tôi những lúc tôi khó khăn nhất trong cuộc sống” – NSƯT Quốc Hưng đã xúc động khi tâm sự về người thầy của mình.

Trong câu chuyện về ngã rẽ cuộc đời, nghệ sĩ chèo Hà Nội khi trở thành sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia luôn có hình ảnh của NSND Quý Dương và NSND Trần Hiếu. Nếu như được gặp NSND Quý Dương là cơ duyên để ca sĩ Quốc Hưng đến được với âm nhạc, thì NSND Trần Hiếu chính là người luôn tận tâm dìu dắt để anh có thể sống với đam mê âm nhạc và trở thành người thầy của bao nhiêu thế hệ sinh viên sau này.

NSƯT Quốc Hưng chia sẻ: Trước đây anh vốn là nghệ sĩ của đoàn Chèo Hà Nội. Một lần tình cờ đi qua lớp học thanh nhạc mà thầy Quý Dương đang giảng dạy, với niềm say mê âm nhạc anh đã mạnh dạn xin được theo học. Khi nghe thử giọng hát rất đặc biệt của anh, thầy Quý Dương đã giới thiệu và khuyên anh thi vào Nhạc viện Hà Nội. Thật may mắn anh đã đủ điểm đỗ vào trường.

Tại đây anh đã được thầy Trần Hiếu trực tiếp giảng dạy. Trong suốt 9 năm học tại Nhạc viện, từ trung cấp lên đại học, một thầy, một trò cùng cây đàn piano đã gắn kết với bao kỷ niệm vui buồn. Phải mất hơn một năm sau đó nghệ sĩ Quốc Hưng mới có thể bỏ lối hát luyến láy, vốn là đặc trưng của nghệ thuật Chèo để có thể hát đúng theo phong cách của dòng nhạc cổ điển.

Anh nhớ lại, thời đó, cuộc sống sinh viên còn nhiếu thiếu thốn, thầy cũng không khá hơn là bao. “Thầy Trần Hiếu thương học trò lắm! Nhiều lúc biết tôi không còn tiền, thầy lại cho tôi tiền đi ăn cơm... Quả thực tôi không bao giờ quên được ơn nghĩa thầy dành cho mình. Có những lần vào mùa đông, lạnh quá tôi trốn học, thầy lại lên tận ký túc xá gọi: “Hưng ơi, dậy đi học – giọng thầy luôn ấm áp và trìu mến như thế”.

Học hết hệ trung cấp, lúc đó hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nghệ sĩ Quốc Hưng đã định dừng việc học để đi diễn kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tuy nhiên nhờ sự động viên, giúp đỡ của thầy, anh đã lại tiếp tục theo học lên đại học. Anh luôn tâm niệm mình thật may mắn khi có một người thầy như thầy Trần Hiếu.

Sau này khi trở thành giảng viên khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, NSƯT Quốc Hưng tự hào vì tất cả những gì mà thầy truyền dạy anh đã luôn cố gắng chuyển tải nhiều nhất tới lớp học trò của mình. Nhiều lúc, chính anh cũng giật mình vì tác phong, giọng hát của mình rất giống thầy khi xưa.

Chính những kiến thức cơ bản mà NSND Trần Hiếu đã trang bị cho NSƯT Quốc Hưng những năm tháng sinh viên, đã giúp anh không chỉ thành danh trong sự nghiệp ca hát mà còn rất vững vàng trong quá trình tôi luyện để trở thành người thầy của biết bao nhiêu thế hệ sinh viên sau này. Anh thừa nhận mình ảnh hưởng rất nhiều điều từ người thầy đáng kính Trần Hiếu, không chỉ trong tác phong, phương pháp giảng dạy mà cả tính cách lúc nào cũng nhẹ nhàng vui vẻ khi lên lớp.

Chính vì vậy, các học trò mà anh trực tiếp giảng dạy cũng đã rất thành công trong sự nghiệp của mình. Những cái tên Hoàng Tùng, Trường Bắc, Quang Hà, Tùng Lâm, Nguyễn Trần Trung Quân là các ca sĩ mà anh giảng dạy đều trở thành những ca sĩ chủ lực tại các đoàn nghệ thuật. Và dường như anh gặp lại một chút gì đó trong thời sinh viên của mình với cậu học trò Hoàng Tùng. Chính vì vậy anh lại động viên Hoàng Tùng giống như thầy Trần Hiếu từng động viên mình phải tiếp tục bước đi không được phép dừng lại trên con đường nghệ thuật mà mình đã lựa chọn.

Là học trò của NSƯT Quốc Hưng, ca sĩ trẻ Nguyễn Trần Trung Quân – giọng ca thành danh từ sân chơi “Sao Mai điểm hẹn” tâm sự: “Tôi là một ca sĩ nhạc nhẹ nhưng kiến thức về âm nhạc cổ điển, thính phòng của tôi rất chắc. Tôi phải cảm ơn thầy Quốc Hưng rất nhiều. Trong giai đoạn 8 năm qua thầy luôn động viên tôi phải học tập tốt về thanh nhạc cổ điển. Dù có những lúc tôi đã gần như rất nản và muốn bỏ cuộc với phong cách âm nhạc cổ điển này để tìm hiểu nhiều hơn về nhạc nhẹ.

Thầy lại là người kéo tôi vào đúng quy trình chuẩn của quá trình đào tạo thanh nhạc. Tôi thực sự biết ơn và trân trọng công sức và sự tận tuỵ của thầy dành cho tôi. Tôi là một học trò bướng bỉnh, đôi khi sống bản năng, có những giai đoạn của tuổi mới lớn, tôi đã có những “ngông cuồng” của tuổi trẻ. Nhưng trước những sai lầm và lỗi lầm của tuổi trẻ, thầy vẫn luôn là người bao dung và động viên tôi vượt qua”.

Người thầy cần biết định hướng cho học trò của mình

NSND Trần Hiếu: “Là một trong những người thầy đầu tiên của ngành âm nhạc nước nhà, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi các thế hệ học trò của mình có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Chỉ cần ngồi nghĩ đủ các thế hệ học trò của mình, cũng đã thấy mãn nguyện”. Đặc biệt với NSƯT Quốc Hưng khi biết được hoàn cảnh gia đình của cậu học trò, ông luôn dành cho anh những tình cảm yêu thương nhất. NSND Trần Hiếu chính là người đã cầm giấy báo đến đoàn Chèo thông báo tin vui cho cậu sinh viên Quốc Hưng: “Con đã trúng tuyển vào Nhạc viện và thầy sẽ dạy con”.  Rồi cũng chính thầy Trần Hiếu đã khuyên nhủ động viên anh tiếp tục con đường học vấn âm nhạc để sau này anh thành công trong sự nghiệp của mình và lại tiếp bước thầy trên hành trình vun trồng cho các thế hệ tương lai. Bởi thầy luôn nói rằng thầy thực sự quý mến và trân trọng một tài năng nghệ thuật như NSƯT Quốc Hưng.

Những sinh viên âm nhạc mà NSND Quang Thọ bắt đầu đào tạo từ năm 1986, hầu hết đều trở thành giảng viên của các trường văn hóa nghệ thuật và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Và họ còn là rất nhiều các ca sĩ đã trưởng thành bắt đầu từ cái nôi của Học viện này. Đó đều là những ca sĩ tài năng, có những thành công nhất định trong sự nghiệp ca hát và luôn nhận được sự yêu mến của khán giả trong nước và nước ngoài. Hiện tại, NSND Quang Thọ không chỉ đảm trách nhiệm vụ tiếp tục đào tạo các thế hệ ca sĩ trẻ của học viện mà ông và thế hệ học trò của mình vẫn luôn đồng hành trong các chương trình âm nhạc trong những lễ kỷ niệm lớn của đất nước.

NSND Quang Thọ ngập tràn niềm vui khi kể về những thế hệ học trò mà mình từng giảng dạy. Những cái tên như Đức Long, Trung Anh, Đăng Dương, Việt Hoàn, Tùng Dương, Khánh Linh và gần đây là Phúc Tiệp được nhắc đến với bao yêu thương. NSND Quang Thọ cho biết: “Hiện nay trong nhiều chương trình lớn thầy và các thế hệ học trò của mình vẫn cùng đồng hành trên các sân khấu. Niềm tự hào của người thầy đó là đào tạo ra được nhiều thế hệ học trò luôn biết phấn đấu cho sự nghiệp âm nhạc của nước nhà”.

NSND Quang Thọ tâm sự: Người thầy trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc không chỉ dạy học trò mình giỏi về ca hát mà còn phải dạy các em trong vấn đề đối nhân xử thế. Và một điều cơ bản đó là: “Hãy nghĩ về mọi người, hãy cùng mọi người làm việc nhiều hơn, đừng quá nghĩ nhiều về cá nhân mình. Có như vậy mới trở thành những người nghệ sĩ đích thực”.

Đa phần những học trò của thầy đều có những suy nghĩ như vậy và thực sự trong sự nghiệp âm nhạc các em đã cống hiến có trách nhiệm với cuộc đời, với sự nghiệp ca hát và tạo nên những thành công trong cuộc sống...

Với NSND Quang Thọ, những người thầy luôn cần phải hiểu học trò của mình thì mới có thể định hướng cho sự nghiệp của các em trong tương lai. Và đối với tất cả các sinh viên mà thầy đào tạo, thầy luôn định hướng phong cách hát, hay định hướng về nghề nghiệp mà các em sẽ phát triển sau này theo đúng sở trường và năng lực. Việc định hướng ấy rất quan trọng vì điều này sẽ giúp từng em phát huy được khả năng và năng lực nổi trội của bản thân.

Những lời tâm sự của ông về ca sĩ Khánh Linh, ca sĩ Tùng Dương chính là sự trải lòng với những ân tình mà người thầy như ông đã dành cho các học trò yêu quý của mình. Ông nhớ lại lúc Tùng Dương tới học ở Nhạc viện Âm nhạc khi ấy mới 16 tuổi. Lúc đó bố mẹ Tùng Dương thì ở xa, bản thân Tùng Dương thể lực và sức khỏe hạn chế, nhưng lại là một học trò khá đặc biệt lại thông minh.

NSND Quang Thọ chính là người đã tìm ra được những ưu điểm và hạn chế trong giọng hát của cậu học trò, để có thể dìu dắt, giúp cậu nắm chắc được tất cả những kỹ năng thanh nhạc, đồng thời phát huy được tố chất độc đáo cùng sự đam mê của Tùng Dương. Cũng chính thầy Quang Thọ đã nhìn ra được sự nhạy cảm trong phong cách biểu diễn cũng như định hướng phong cách mà ca sĩ này sẽ theo đuổi để có được những thành công trong bước đường nghệ thuật sau đó.

Với ca sĩ Khánh Linh, ông có mối quan hệ thân tình với gia đình cô, cho nên NSND Quang Thọ biết và hiểu cô học trò từ lúc nhỏ. Vì vậy khi biết được nguyện vọng của Khánh Linh thích học hát, ông đã nhận lời ngay và trực tiếp giảng dạy cho cô. “Khánh Linh là một cô bé khá thông minh, có chất giọng trong trẻo rất hợp với phong cách bán cổ điển mang hơi hướng nhạc nhẹ. Bởi vậy tôi cũng đã định hướng cho ca sĩ “Họa mi” hát theo phong cách đó”. Và chính ca sĩ Khánh Linh cũng đã theo đuổi dòng nhạc này cho đến tận bây giờ.n

NSND Trần Hiếu: “Là một trong những người thầy đầu tiên của ngành âm nhạc nước nhà, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi các thế hệ học trò của mình có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Chỉ cần ngồi nghĩ đủ các thế hệ học trò của mình, cũng đã thấy mãn nguyện”. Đặc biệt với NSƯT Quốc Hưng khi biết được hoàn cảnh gia đình của cậu học trò, ông luôn dành cho anh những tình cảm yêu thương nhất.

NSND Trần Hiếu chính là người đã cầm giấy báo đến đoàn Chèo thông báo tin vui cho cậu sinh viên Quốc Hưng: “Con đã trúng tuyển vào Nhạc viện và thầy sẽ dạy con”. Rồi cũng chính thầy Trần Hiếu đã khuyên nhủ động viên anh tiếp tục con đường học vấn âm nhạc để sau này anh thành công trong sự nghiệp của mình và lại tiếp bước thầy trên hành trình vun trồng cho các thế hệ tương lai. Bởi thầy luôn nói rằng thầy thực sự quý mến và trân trọng một tài năng nghệ thuật như NSƯT Quốc Hưng.

Là học trò của NSND Quang Thọ, ca sĩ Khánh Linh luôn dành những tình cảm kính trọng thân thương nhất cho người thầy đáng kính. Theo Khánh Linh, khi cô 17 tuổi, vừa rời ghế trường cấp 3 bước chân vào Nhạc viện. Các thầy cô đều đã quá bận, không ai nhận nên cô tủi thân rơi nước mắt. “Lúc ấy, chú Quang Thọ là người duy nhất dang tay với tôi. Nói không quá thì chú là người cứu vớt sự nghiệp âm nhạc của Khánh Linh”.

(Nguồn: http://giaoducthoidai.vn)

C

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...