Những ngôi sao ban mai Việt trên bầu trời Nga

25/04/2013

Trên truyền hình của các nước khác nhau hiện nay đều có những đề án rất được hâm mộ, phát hiện những ngôi sao mới trên bầu trời nghệ thuật. Một trong những chương trình như vậy trên truyền hình Nga có tiêu đề “Xin chào, chúng tôi đang tìm kiếm nhân tài!". Giả sử thực hiện một chương trình như vậy trong cộng đồng người Việt Nam tại Nga, thì hẳn là sẽ chẳng thiếu người tham gia. Điều đó đúng với cả người lớn và thiếu nhi. Hôm nay, mấy điển hình tài năng trẻ người Việt sẽ là nhân vật trong chuyên mục này của đài chúng tôi.


©Flickr.com

Chắc các bạn cũng đồng ý rằng chẳng hề dễ dàng gì nếu mới 8 tuổi đã biểu diễn trong dàn nhạc thực thụ. Nữ sinh trường âm nhạc mang tên Mayakovski ở Matxcơva, em Phạm Phương Anh đã làm được việc này một cách xuất sắc và trở thành nghệ sĩ vĩ cầm giành chiến thắng trong Festival mở của thủ đô Nga theo chủ đề "Trẻ em và âm nhạc" vào năm 2012. Trong vốn liếng của cô bé mảnh khảnh này còn có giải Ba của cuộc thi quốc tế nhạc cổ điển "Kim cương âm nhạc”. Năm nay, Phương Anh một lần nữa sẽ tham gia thi và em hy vọng giành chiến thắng. Những giờ học nhạc nghiêm túc không thể cản trở cô bé học giỏi ở trường phổ thông, nơi mà những môn học yêu thích của Phương Anh là tiếng Nga, tiếng Anh và Toán.

Còn nữ nghệ sĩ piano Trần Diệu Linh thì ở độ tuổi 12 đã tham gia nhiều cuộc thi quốc tế. Em được nhận bằng của cuộc thi truyền hình thiếu nhi “Chiếc kẹp hạt dẻ”, giành giải thưởng trong cuộc thi "Châu Âu rộng mở" và "Di sản cổ điển", là người chiến thắng trong cuộc thi âm nhạc Slavơ Matxcơva. Năm ngoái, Trần Diệu Linh cùng với chị gái đã giành giải Grand Prix tại cuộc thi Piano quốc tế và thính phòng "Âm nhạc không biên giới". Trần Diệu Linh hiện nay đang học lớp 6 Trường chuyên Âm nhạc mang tên Gnesin. Nữ nghệ sĩ bé nhỏ chia xẻ nguyện vọng rằng sau khi tốt nghiêp trung học em sẽ vào Nhạc viện Matxcơva. Mỗi ngày, Linh đều tập đàn suốt 5 giờ. Thế mà em vẫn cho rằng chừng đó chưa đủ.

Diệu Linh nói: “Cần học đến 8 giờ mỗi ngày, vì em muốn trở thành một nghệ sĩ piano. Nhưng hiện thời chưa làm thế được. Bởi còn phải hoàn thành bài vở theo chương trình của trường phổ thông, em lại học thêm tiếng Anh, còn vào buổi chiều em thích vẽ”.

Chị gái của Linh là Trần Diệu Ân năm nay 16 tuổi, đang học Trung cấp ở trường nhạc Gnesin. Cô thiếu nữ từng chiếm giải Nhất trong cuộc thi "Âm nhạc không biên giới" ở Litva, nơi cô và em gái cũng được trao giải Grand Prix, rồi vị trí thứ 2 trong tại cuộc thi Chopin tại Hungary, giải Nhì trong cuộc thi mang tên Flier ở Nga. Cũng như em gái, Diệu Ân mơ trở thành sinh viên của Nhạc viện Matxcơva và tiếp tục truyền thống của gia đình, bởi người mẹ của hai cô gái tài năng cũng đã tốt nghiệp trường nhạc danh giá này ở bộ môn đàn hạc.

Diệu Ân tâm sự: “Em muốn trình tấu trong các buổi hòa nhạc, muốn truyền cảm hứng cho mọi người, để khơi dậy tình yêu với âm nhạc cổ điển. Em thích sống ở Nga, nơi đây có nền đào tạo âm nhạc tuyệt vời nhất thế giới. Em đã chơi đàn nhiều lần ở Việt Nam. Mùa hè vừa qua em đã được đi khắp đất nước từ Bắc vào Nam, làm quen với nhiều bạn trẻ người Việt từ khắp các nước khác nhau trên thế giới và bây giờ bọn em vẫn viết thư cho nhau”.

Diệu Ân và Diệu Linh cũng đã biểu diễn trên những sân khấu sáng giá nhất của Matxcơva, phía trước hai chị em họ Trần là những cuộc thi và Festival của Nga và thế giới. Ban Việt ngữ Đài "Tiếng nói nước Nga" xin chúc các nghệ sĩ trẻ người Việt tài năng gặt hái được nhiều thành công mới.

Còn bây giờ, mời các ban cùng thưởng thức khúc nhạc của Felix Mendelssohn do Trần Diệu Linh biểu diễn.

(Nguồnhttp://vietnamese.ruvr.ru/2013_03_22/108659992/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...