Những chia sẻ từ Hội nghị âm nhạc điện tử
"Khi bản quyền ca khúc không được trả công xứng đáng thì nhạc sĩ không thể sống được, đương nhiên sẽ nhận nhiều việc hơn để trang trải cuộc sống,...", nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ.
Sau thành công của Wired Music Week Session Vietnam 2018 (WMW Session Vietnam) được tổ chức tại Hà Nội, Hội nghị âm nhạc điện tử hàng đầu Châu Á đã chính thức trở lại và được mở rộng tổ chức với quy mô hoàn toàn khác biệt cùng sự góp mặt của rất nhiều nhạc sĩ, producer đình đám tại Việt Nam như Huy Tuấn, Slim V, Triple D, Onionn... cùng đại diện các hãng thu âm lớn như Warner, Universal...
Tại đây, tất cả nghệ sĩ cùng nhau bàn luận, trao đổi những kiến thức, trải nghiệm và tầm nhìn của mình đến các thế hệ kế tiếp trong lĩnh vực âm nhạc điện tử tại Việt Nam.
Âm nhạc thúc đẩy du lịch
Làm thế nào để có một nền tảng vững chắc trong sự nghiệp âm nhạc của mình? Đó chính là nội dung của panel thảo luận đầu tiên của WMW Session Vietnam 2019 với sự xuất hiện của RayRay, Sikdope, Erik Leenders (giám đốc David Lewis Production Asia) và Jamil Youself (phụ trách tìm kiếm & phát triển nghệ sĩ tại Barong Family).
Các khách mời chia sẻ về việc làm thế nào để có một nền tảng vững chắc trong sự nghiệp âm nhạc.
Theo đó, để sự nghiệp âm nhạc đi đúng hướng, người nghệ sĩ cần phải liên tục học hỏi, kết nối để xây dựng đội ngũ hỗ trợ hiệu quả nhất, nắm rõ về luật bản quyền, tác quyền để tự bảo vệ cho các sản phẩm của mình và quan trọng nhất là luôn giữ sức khỏe thể chất và tinh thần ở trạng thái tốt nhất. Với sự xuất hiện của các chuyên gia hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, thảo luận How Music Elevates Tourism (âm nhạc thúc đẩy du lịch như thế nào) đã mang tới những kiến thức vĩ mô về thị trường âm nhạc trong khu vực.
Mỗi quốc gia đều có những cơ hội và thách thức khác nhau để thúc đẩy du lịch bằng âm nhạc. Thế giới biết đến thành phố Jakarta nhiều hơn kể từ khi có DWP, cộng với sự thành công của It’s The Ship đã làm thay đổi cái nhìn của chính phủ Indonesia về âm nhạc điện tử. Trong khi đó, chính phủ Thái Lan mạnh tay đầu tư vào các lễ hội âm nhạc của các quốc gia này với hy vọng ngày càng thu hút nhiều khán giả quốc tế.
Còn với Việt Nam, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng cũng đang có những bước tiến chậm mà chắc để xây dựng một thị trường nightlife (cuộc sống về đêm) mang bản sắc của riêng mình.
Âm nhạc điện tử của Việt Nam đang ở đâu?
Dưới góc nhìn của chính những người trong nghề: nhạc sĩ Huy Tuấn, các producer Duong K, Triple D & SlimV cùng giám đốc âm nhạc của 1900 Hien Pham đã có cái nhìn đa chiều về nền âm nhạc của Việt Nam hiện nay.
Nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng, trước kia, thị trường âm nhạc còn chưa hình thành, cứ có bài hát nào hot thì các ca sĩ thi nhau hát, đâu đâu cũng có một giai điệu chung, dùng chung hết nên thiếu đi cá tính âm nhạc. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, các ca sĩ đã ý thức điều đó, họ đã đặt hàng nhạc sĩ để sáng tác khu biệt phù hợp với cá tính của mình, và thay đổi dòng âm nhạc theo xu hướng từng năm.“Các ca sĩ đã khẳng định cá tính dễ dàng hơn so với thời điểm 20 năm trước”, nhạc sĩ Huy Tuấn nói.
Dưới góc nhìn của chính những người trong nghề: nhạc sĩ Huy Tuấn, các producer Duong K, Triple D & SlimV cùng giám đốc âm nhạc của 1900 Hien Pham đã có cái nhìn đa chiều về nền âm nhạc của Việt Nam hiện nay.
Đó là trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam, còn so với thế giới thì nền âm nhạc của chúng ta còn nhiều thứ phải bàn. Dương K cho rằng, nền âm nhạc Việt Nam đa phần phát triển theo kiểu tự phát, độc lập, ca sĩ đặt bài của một nhạc sĩ nhưng có khi lại mang cho nhạc sĩ khác phối khí, có khi còn mang cho 3, 4 nhạc sĩ phối khí để được bản ưng ý, tự nhiên ca sĩ thành sản xuất cho chính mình.
Nhưng với thị trường nước ngoài lại khác, họ làm việc theo nhóm, khi ca sĩ đặt bài thì có cả một đội từ phía nhạc sĩ hỗ trợ, từ việc phối khí như thế nào cho tới việc hỗ trợ phát hành thúc đẩy ca khúc để đến được với người nghe.
Slim V lại cho rằng, Việt Nam đang chỉ chạy theo trend, chứ không cố gắng tìm theo cá tính riêng của mình, như thế không tạo được sức mạnh tổng thể của nền âm nhạc.
Để tiếp tục phát triển, những người làm âm nhạc sẽ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa và đặc biệt chú trọng tới tầm quan trọng của bản quyền.
Để thúc đẩy nền âm nhạc Việt Nam đi lên, nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng, gốc gác nhất vẫn là câu chuyện bản quyền, nó là động lực thúc đẩy mọi thứ đi lên.
“Bản quyền không thực sự được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và bài bản thì chúng ta vẫn đi những bước đi đầu tiên, năm nay và năm sau nữa chúng ta vẫn ngồi đây và vẫn nói câu chuyện về làm thế nào để thúc đẩy âm nhạc Việt Nam. Nếu bài hát được trả tiền một cách xứng đáng, ca sĩ không phải vội vàng làm ca khúc khác để khán giả đỡ lãng quên, có thời gian dành cho sản phẩm kỹ lương hơn.
Nếu bài hát được trả tiền tác quyền xứng đáng thì phía nhạc sĩ không phải vội vì cơm áo gạo tiền mà làm nhanh chiều theo ca sĩ và lại chuyển sang làm nhạc bài khác. Khi bản quyền ca khúc không được trả công xứng đáng thì nhạc sĩ không thể sống được, đương nhiên sẽ nhận nhiều việc hơn để trang trải cuộc sống, chất lượng đương nhiên sẽ tỉ lệ thuận với thời gian đầu tư chất xám vào.
Tất nhiên, những người làm nhạc chuyên nghiệp khi họ đã làm thì đều đặt tính chuyên môn lên cao nhất. Tuy nhiên, sự chuyên môn đó may thay lại bắt tai với đa phần người nghe, thế là được coi là làm nhạc có yếu tố thị trường”, nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ.
“Để tiếp tục phát triển, những người làm âm nhạc sẽ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa và đặc biệt chú trọng tới tầm quan trọng của bản quyền”, nhạc sĩ Huy Tuấn kết thúc hội thảo.
(Nguồn: https://vietnamnet.vn/)