Những ca khúc đẫm tình quê của Vũ Đức Sao Biển
"Điệu buồn phương Nam", "Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang"... của Vũ Đức Sao Biển đi vào lòng người nhờ khơi gợi tình yêu quê hương.
Khuya 6/5, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển qua đời sau hai năm mắc ung thư, thọ 73 tuổi. Sinh thời, ông từng sống và làm việc tại Bạc Liêu - miền đất phương Nam mang đến cho ông nhiều chất liệu để sáng tác.
Điệu buồn Phương Nam
Điệu buồn phương Nam ra đời năm 1994, khi ông bắt gặp ánh trăng chiếu rọi trên dòng sông Cửu Long. Ông vận dụng ca dao Việt, ngũ cung của cải lương để tạo cảm giác gần gũi cho người nghe. Ca khúc được nhiều ca sĩ thể hiện nhưng giọng hát của Hương Lan được khán giả yêu thích nhất.
Hương Lan thể hiện ca khúc "Điệu buồn phương Nam" của Vũ Đức Sao Biển.
Đau xót lý chim quyên
Vũ Đức Sao Biển sáng tác Đau xót lý chim quyên năm 1994, dành tặng một người "không là tình nhân, không phải vợ chồng". Nhạc phẩm ra đời dựa trên hồn cốt câu ca dao "Chim quyên ăn trái nhãn lồng/ Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi". Nhạc sĩ cho biết mỗi khi qua sông Cửu Long, ông luôn nhớ về người bạn cũ và những ký ức thuở xưa ở miền sông nước.
"Đau xót lý chim quyên" do Hương Lan trình bày.
Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang
Năm 1999, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu mời Vũ Đức Sao Biển về phục hiện bài Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Trong quá trình làm việc, ông thấm nhuần những giá trị cổ nhạc và muốn sáng tạo giai điệu mới cho bài hát.
Một đêm trăng ngủ tại đồn biên phòng Gành Hào, ông nghe được tiếng nghệ nhân hát Dạ cổ hoài lang qua radio vọng từ ghe đánh cá. Cảm xúc dâng trào khiến nhạc sĩ viết nên Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang. Vũ Đức Sao Biển nói trong chương trình Ngược dòng thời gian: "Bài hát khai thác được những quãng âm đẹp với tình ý triền miên giữa không gian lãng mạn, nên nhanh chóng được bà con phía Nam yêu thích".
Cẩm Ly biểu diễn "Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang" trong liveshow "Tự tình quê hương 3".
Trở lại Bạc Liêu
Trở về Bạc Liêu là tình cảm của nhạc sĩ dành cho thiên nhiên và con người nơi đây trong lần trở lại năm 1999. Bài hát có câu: "Ôi tiếng ca thắm đượm cả tình quê hương" nhưng ca sĩ Phi Nhung thường hay sửa lời thành "Ôi tiếng ca chứa đựng nghĩa tình cưu mang".
Phi Nhung hát "Trở về Bạc Liêu".
Mẹ Cửu Long
Trong chuyến thăm miền Tây năm 2001, Vũ Đức Sao Biển được người dân kể cho nghe câu chuyện người mẹ cứu con trong mùa nước nổi. Hình ảnh người phụ nữ Nam bộ hy sinh vì con khơi gợi cảm xúc của nhạc sĩ. Đêm về, ông viết ngay ca khúc này. Mẹ Cửu Long được yêu mến qua giọng hát của ca sĩ Phi Nhung.
"Mẹ Cửu Long" qua sự thể hiện của Phi Nhung.
Giữa lòng phương Nam
Trong chương trình Ngược dòng thời gian, Vũ Đức Sao Biển nói yêu mảnh đất phương Nam bởi con người nơi đây thuần hậu, chân chất, sông nước mênh mông, hữu tình. Mỗi lần nghe tiếng đàn kìm từ dưới sông vọng lên, ông dâng trào cảm xúc sáng tác. Ca khúc Giữa lòng phương Nam ra đời trong hoàn cảnh như vậy. "Âm nhạc của tôi mang trăng nước phương Nam và nghĩa tình của con người", ông nói.
Tiếng cuốc đêm trăng
Vũ Đức Sao Biển nói yêu trăng bởi trăng nước miền Tây đẹp, gợi cho ông nhiều cảm xúc. Nhạc phẩm gợi nỗi buồn, luyến tiếc với câu ca: "Long lanh con sông dài/ Về đây tiếc một vầng trăng..."
Hương Lan thể hiện ca khúc "Tiếng cuốc đêm trăng".
(Nguồn: https://vnexpress.net/)