Những buổi biểu diễn “Thầy và Trò”
Quan hệ “Thầy và Trò” mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng, nặng nghĩa tình trong mọi nền văn hóa trên thế giới. Nhiều năm làm việc ở châu Âu, tôi thấy quan hệ có tính đặc thù chung rất gắn bó, song có lẽ không nặng tình như châu Á, khi nó còn sâu sắc đến mức như cha mẹ với con cái, khi chữ “thầy” không chỉ có nghĩa là thầy dạy kiến thức mà còn có nghĩa là “cha”.
Tuy vậy có những trường hợp đặc biệt như thầy dạy của tôi, nhà sư phạm và dương cầm Ba Lan nổi tiếng Lidia Kozubek. Bà đã từng kế thừa được những bậc danh nhân trong lĩnh vực này như Michellangeli, đã từng coi học trò mình không chỉ là những người học nghề trung thành mà còn gắn bó như cha con. Điều này còn đặc biệt quan trọng khi dạy piano liên quan chặt chẽ đến việc hình thành nhân cách cho học trò của mình trong cuộc sống. Tôi sẽ đề cập đến khía cạnh này sâu hơn trong một dịp khác. Chính vì vậy nên tôi đặc biệt quan tâm đến các buổi hòa nhạc khi mình tham gia với tư cách vừa là người tổ chức, vừa là người biểu diễn với chủ đề “Thầy và Trò”, bắt đầu là buổi hòa nhạc nhân dịp khai giảng năm học 2013/2014 của Đại học Tổng hợp Zielona Góra (Ba Lan), khi tôi được vinh dự biểu diễn với người thầy yêu quý Lidia Kozubek (hình 1), và buổi hòa nhạc gần đây nhất với chủ đề này được tổ chức trong Trường Trung cấp âm nhạc mang tên Oskar Kolberg ở Radom, nơi tôi đang làm giảng viên piano (hình 2) do tôi là người đồng tổ chức với GS TSKH Thanh nhạc nổi tiếng Ba Lan Bogumiła Tarasiewicz.
Hình 1
Hình 2
Trong những buổi diễn này, những người thầy đã biểu diễn cùng học trò với mục đích làm cho học trò vững dạ, tự tin vào bản thân mình vượt qua được khó khăn ban đầu để tiến lên trong sự nghiệp của mình. Trong buổi hòa nhạc lần này, cũng như trong những lần biểu diễn khác, vì đặc biệt nhớ về những Người Thầy của tôi ở Trường Âm nhạc Việt Nam, nên bên cạnh những tác phẩm kinh điển của Chopin, Paderewski, tôi đưa vào chương trình của mình một số tác phẩm dân ca Việt Nam, một những tác phẩm dân ca cho đàn piano hay nhất mà tôi đã được học là bài “Có cái Trống cơm” của bà giáo Thái Thị Liên.
Tác giả bài viết và NGND Thái Thị Liên
Tại sao tôi luôn chọn tác phẩm “Có cái Trống cơm” của Bà Thái Thị Liên biên soạn trên giai điệu dân gian Việt Nam “Trống cơm”? Theo tôi, đó là một tác phẩm thú vị, tay phải vận dụng toàn bộ giai điệu bài nhạc dân gian Trống cơm, phần tay trái mang tiết tấu nhịp điệu xinh xắn của chiếc trống cơm với quãng 5, quãng 4, phần giữa bài tay trái thể hiện vòng tròn quay của những cô gái múa trong vũ hội cầu được mùa lúa. Hơn nữa, tác phẩm này gợi cho tôi nhiều tình cảm gắn bó không quên về Người Thầy đã đưa tôi vào thế giới âm nhạc là bà Minh Thu, và Người Thầy đã đưa tôi vào nghề chơi đàn piano: bà Thái Thị Liên, và Người Thầy đã dầy công dạy tôi trong thời gian tu nghiệp ở Ba Lan giáo sư Lidia Kozubek. Chính Bà đã dạy tôi chơi bài này theo những nguyên tắc riêng chơi đàn piano trên cơ sở những nguyên tắc chung mang tính hàn lâm của âm nhạc. Bà luôn khen tác phẩm biên soạn của bà Thái Thị Liên là: “Rất hay (Bardzo ciekawy utwór)”.
Sau mỗi cuộc biểu diễn, lòng tôi luôn xao xuyến nhớ nhiều hơn về quê hương Việt Nam yêu dấu, về những năm tháng không thể nào quên...