Những bức ảnh cuối cùng của John Lennon
Những bức ảnh cuối cùng trong cuộc đời của huyền thoại âm nhạc John Lennon, khi ông đang ký tên lưu niệm cho kẻ sát nhân Mark David Chapman, đã vừa được phục chế lại.
Những bức ảnh cuối cùng trong cuộc đời của huyền thoại âm nhạc John Lennon, khi ông đang ký tên lưu niệm cho kẻ sát nhân Mark David Chapman (góc phải ảnh), đã vừa được phục chế lại.
Những bức ảnh hiếm này đã được nâng cấp về chất lượng hình ảnh, trước đây, những bức ảnh này chưa từng được công bố đầy đủ và rõ nét. Những bức ảnh được chụp bởi một fan của The Beatles có tên Paul Goresh. Ảnh đã cho thấy huyền thoại của nhóm The Beatles đang ký tên lưu niệm cho chính kẻ mà vài tiếng sau sẽ nổ súng cướp đi mạng sống của chính Lennon.
Trong bức ảnh có thể thấy John Lennon xuất hiện ngay bên cạnh kẻ sát nhân Mark David Chapman vào ngày định mệnh 8/12/1980 tại chân tòa nhà Dakota Building. Chùm 5 bức ảnh đã vừa được in ra từ phim âm bản và được nâng cấp chất lượng hình ảnh, cho thấy những giờ cuối cùng trong cuộc đời của huyền thoại âm nhạc John Lennon.
Trong những bức hình ấy còn thoáng xuất hiện cả chân dung kẻ sát nhân. Lúc này, John Lennon đang ký lưu niệm lên bìa album “Double Fantasy” cho Chapman trước khi ngồi vào xe hơi để đi tới phòng thu.
Những bức ảnh này là những bức ảnh cuối cùng cho thấy John Lennon còn đang sống khỏe mạnh, bởi sau đó, khi trở về sau một ngày làm việc, Lennon lại gặp Chapman và hắn sẽ nổ những phát súng oan nghiệt.
Những bức ảnh này là những bức ảnh cuối cùng cho thấy John Lennon còn đang sống khỏe mạnh
Những bức ảnh được chụp bởi một fan của The Beatles có tên Paul Goresh (trái)
Thời điểm những bức ảnh này được chụp là vào lúc 4 giờ chiều ngày 8/12/1980, một ngày thời tiết khá êm dịu ở thành phố New York, Mỹ.
John Lennon rời khỏi ngôi nhà của mình nằm trên tầng 7 của tòa nhà Dakota Building, nơi ông cùng sống với vợ - bà Yoko Ono và cậu con trai Sean của họ (khi đó mới lên 5 tuổi), khi xuống chân tòa nhà, ông dừng lại để ký lưu niệm lên một bìa album cho người đàn ông 25 tuổi, đó chính là Mark David Chapman, Lennon không có chút nghi ngờ nào về điều bất thường.
Lúc này, hình ảnh của John Lennon đã được lưu lại bởi Paul Goresh, một fan cứng của nhóm The Beatles vốn thường lang thang bên ngoài tòa nhà Dakota Building để chờ được thấy và chụp hình John Lennon. Lennon vốn cũng đã quen Goresh.
Trong 5 bức ảnh mà Goresh bấm máy trong ngày định mệnh ấy, có thể thấy Lennon không hề vội vã, ông đứng trên vỉa hè chờ xe để tới studio Record Plant nằm trên phố West 48th. Goresh bấm máy những bức ảnh này và không thể tin rằng đây chính là những bức ảnh cuối cùng chụp được John Lennon còn sống.
Ảnh rửa ra và được nâng cấp chất lượng hình ảnh từ những tấm phim đã cũ
Lennon đứng chờ xe trên vỉa hè, không khí rất dễ chịu và Goresh chụp thêm vài bức ảnh
Khi Lennon trở về nhà vào tối hôm đó, Chapman vẫn còn đứng chờ trong bóng tối với một khẩu súng ngắn, hắn đã bắn vào Lennon và cướp đi mạng sống của huyền thoại âm nhạc ngay trên đường phố, trước sự chứng kiến kinh hãi của bà Yoko Ono, vợ của Lennon.
Đã 40 năm trôi qua, nhưng nỗi kinh hoàng của vụ việc vẫn còn ám ảnh đối với người yêu nhạc. Mark David Chapman chịu mức án tù từ 20 năm cho tới chung thân, định kỳ, người đàn ông này lại viết đơn xin hưởng khoan hồng, nhưng có thể sẽ không bao giờ được hưởng, bởi những lá đơn đều bị bác bỏ, vì chính sự an toàn cho Chapman, một con người có tâm thần không bình thường.
Trước đây, những bức ảnh mà Goresh đã chụp bằng máy chụp phim vốn không tạo ra được hình ảnh rõ ràng, nhưng qua lần phục chế ảnh mới đây, những bức ảnh in ra rõ nét, cho thấy một khoảnh khắc bi kịch, khi một siêu sao thực hiện một hành động giản dị và gần gũi dành cho fan, nhưng rồi chỉ vài giờ sau, chính fan ấy sẽ trở thành kẻ sát nhân, giết hại ngôi sao.
Những tấm phim âm bản do ông Paul Goresh thực hiện khi xưa
Những bức ảnh mới được phục chế và nâng cấp về chất lượng hình ảnh này sắp được đem ra bán đấu giá với mức giá dự đoán lên tới 500.000 USD. Cái chết của John Lennon cho tới giờ vẫn là một trong những sự việc gây chấn động nhất trong dòng tin tức về giới sao.
Khi bị sát hại, Lennon đang ở tuổi 40, lúc này, ông vừa mới bắt đầu sáng tác và thu âm trở lại sau 5 năm tạm ngưng các hoạt động âm nhạc, khi ấy, ông đang cảm thấy rất phấn chấn.
Lennon lúc sinh thời thường nói rằng điều ông thích nhất ở New York chính là được tôn trọng sự riêng tư, ông vẫn thường thoải mái đi ăn trong những nhà hàng xung quanh nơi mình ở, đẩy xe nôi có con trai nằm trong đi bách bộ trong công viên, luôn thoải mái xuất hiện ở nơi mình sống mà không sợ việc bị đeo bám, làm phiền. Ông không cần thuê vệ sĩ.
Mark Chapman đã tới New York vào ngày 5/12/1980, sau khi bay từ Hawaii tới New York. Trước đó, anh ta sống với vợ ở Hawaii. Chapman vốn là một fan của nhóm The Beatles, nhưng sự thần tượng mà anh ta dành cho John Lennon đã dần chuyển sang ghét bỏ. Chapman cho rằng John Lennon đã phản bội lại tinh thần của The Beatles.
Anh ta cũng bị ám ảnh bởi nhân vật Holden Caulfield, nhân vật trong cuốn “Bắt trẻ đồng xanh” của J.D. Salinger. Anh ta tin rằng việc sát hại John Lennon sẽ giúp anh ta trở thành Caulfield. Chapman đã lang thang quanh tòa nhà Dakota Building trong ngày 6 và 7/12 nhưng không gặp John Lennon.
Một trong 5 bức ảnh mà ông Paul Goresh chụp trong ngày định mệnh. Lúc này đèn flash không sáng nên một trong 5 bức ảnh coi như bị hỏng, hình ảnh rất mờ nhòa
Ngày 8/12, Paul goresh xuất hiện bên ngoài tòa nhà với chiếc máy ảnh và một cuốn sách của John Lennon, định xin chữ ký.
Chapman đã lại gần làm quen Goresh, lúc sinh thời, Goresh từng kể về ký ức này rằng: “Anh ta nói: Xin chào, tên tôi là Mark. Tôi đến từ Hawaii và đang chờ album của mình được ký tặng. Nhưng khi tôi hỏi anh ta hiện đang lưu lại ở đâu, anh ta bỗng trở nên hung hăng khác thường, nên tôi đã nói: Hãy quay về chỗ mà anh đứng lúc trước và để tôi lại một mình”.
Khi Lennon xuất hiện, Goresh lại gần và xin chữ ký vào cuốn sách, khi hai người đang nói chuyện thì Chapman xuất hiện và đưa album “Double Fantasy” ra trước mặt Lennon.
“Anh ta không nói gì cả. Sau cùng, John đành phải tự hỏi: Anh có muốn tôi ký cho anh không? Tôi liền chụp ảnh lúc John ký tặng cho anh ta”, Goresh nhớ lại.
Lennon đứng chờ xe trên vỉa hè, không khí rất dễ chịu và Goresh chụp thêm vài bức ảnh. Sau đó, Lennon tới studio làm việc. Công việc kết thúc lúc 10h30 đêm, Yoko rủ chồng đi ăn ở ngoài nhưng Lennon muốn trở về trước khi con chìm vào giấc ngủ.
Chiếc xe đưa họ về đậu lại ở lề đường, Lennon và vợ đi bộ vào trong tòa nhà. Chapman nổ súng nhiều phát... Khi cảnh sát xuất hiện vài phút sau đó, họ thấy Lennon đã quá nguy kịch còn kẻ sát nhân đang dựa vào một trụ tường để bình tĩnh đọc “Bắt trẻ đồng xanh”.
Ông Goresh, người chụp những bức ảnh sắp đem ra đấu giá đã qua đời năm 2018, ông trao lại tất cả kỷ vật về nhóm The Beatles bao gồm cả 5 tấm phim âm bản được chụp trong ngày định mệnh cho một bên đại diện để đem rao bán sau khi ông đã qua đời.
(Nguồn: https://dantri.com.vn/)